CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
CHÚNG TA VIẾT VỀ ĐỖ PHẤN

NGHĨ VỀ TẢN VĂN CỦA ĐỖ PHẤN - ĐỖ NGỌC THỐNG

Thứ tư ngày 14 tháng 5 năm 2014 12:00 AM

Dăm năm trở lại đây họa sĩ Đỗ Phấn liên tiếp cho ra nhiều tác phẩm văn học: tiểu thuyết có, truyện ngắn có, tản văn có…Và cuốn nào cũng để lại được ít nhiều dư âm, dấu ấn trong lòng bạn đọc. Cứ nhìn những gì Đỗ Phấn cho“ra lò”, mới thấy sức lao động của anh thật ghê gớm. Thú thực, tôi không hình dung ra anh viết lúc nào, vì qua các bài viết vẫn thấy anh hay rong ruổi trên những dặm đường, ngang dọc đây đó khắp nơi; hoặc giả lại đang say sưa “tít cung mây”với bạn bè quanh bàn rượu. Thế mà các tác phẩm, cả họa lẫn văn cứ lũ lượt ra đời.

Hầu như đa phần các tác phẩm văn chương của Đỗ Phấn đều xoay quanh một đề tài lớn: Hà Nội. Dẫu có viết về một vùng quê nào đó, một xứ sở xa xôi nào đó, thì Đỗ Phấn vẫn nhìn, đo, nhận xét và cảm nhận hiện thực ấy bằng con mắt và tâm thế của một người Hà Nội. Hà Nội trong ký ức, tâm tưởng, trong con mắt hiện thực tỉnh táo và trong hoài niệm, mong nhớ, xót xa của riêng anh. Một Đỗ Phấn viết về Hà Nội với tất cả tình yêu và những phiền muộn, buồn bã, u hoài. Nếu trưng bày tất cả các tác phẩm văn chương của Đỗ Phấn thì sẽ thấy một bức tranh thật phong phú và chân thực về Hà Nội. Hà Nội xưa và nay. Tôi chưa tìm hiểu được nhiều về tranh, xem Đỗ Phấn vẽ Hà Nội thế nào. Nhưng chỉ riêng qua những trang văn, anh đã rất thành công trong việc khắc họa một Hà Nội vừa quen thuộc, gần gũi, vừa có gì đó rất riêng trong cách nhìn của Đỗ Phấn. Trong bức tranh ấy tiểu thuyết và truyện ngắn là các mảng màu, những hình khối lớn tạo nên diện mạo Hà Nội, nhưng cái làm nên sự tinh tế, sống động, chân thực về đất và người Hà Nội lại là những bài tản văn- phiếm đàm.

1. Những bài tản văn-phiếm đàm của Đỗ Phấn thật đặc sắc. Hàng trăm bài rất ngắn gọn, hầu hết là viết về Hà Nội; lướt qua tưởng vụn vặt, nhỏ nhoi nhưng đó chính là những phác họa nhanh về đời sống- một đời sống thực, hết sức chi tiết, gần gũi, không tô vẽ, không hư cấu tưởng tượng; thêm vào đó là những nhận xét, những lời bàn khi thông minh, hóm hỉnh; lúc chua chát, xót xa của chính người viết; buộc người đọc phải bâng khuâng, day dứt; phải bận tâm và nhìn lại chính mình.

Cũng như những cây bút chuyên viết về Hà Nội (Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Băng Sơn, Nguyễn Vinh Phúc…), những bài viết của Đỗ Phấn mang lại cho người đọc trước hết là những tri thức về đất và người Hà Nội- những hiểu biết mà nếu không có các bài viết ấy, rất nhiều người không biết và nguy hiểm hơn, chúng dần dần đi vào quên lãng. Với Hà Nội, Đỗ Phấn không viết về những gì to tát, lớn lao, những công trình gắn với các sự kiện lịch sử kinh thiên động địa, anh viết toàn về những gì bình thường, bé mọn, nhưng chính chúng làm nên tâm hồn Hà Nội. Đó là một Tháp Rùa,“công trình cổ duy nhất ở Hà Nội còn bền vững nguyên bản cho đến bây giờ”. Đối với mọi người, nhất là người đã và đang sống ở Hà Nội, Tháp Rùa trên Hồ Gươm nằm giữa lòng Hà Nội thì có gì là lạ. Hàng triệu người đi qua Hồ Gươm từng ngắm cái tháp này, nhưng có lẽ ít, rất ít người tự suy nghẫm để cắt nghĩa về sự tồn tại và vẻ đẹp của nó. Với Đỗ Phấn: “Tháp Rùa tồn tại bởi lí do thẩm mĩ là chính. Vẻ đẹp của nó rất khó gọi tên. Không phải thứ thẩm mĩ rạch ròi Đông Tây Kim Cổ của kiến trúc. Cũng không phải vì kích thước áp đảo của một tòa cao ốc. Lại càng không phải di tích lịch sử gắn liền với những chiến công hiển hách của tiền nhân. Đơn giản, nó chỉ như một nét chấm phá tuyệt diệu vào đúng cái nơi cần có trong khung cảnh mênh mang nước Hồ Lục Thủy, cùng Đền Ngọc Sơn và Cầu Thê Húc làm nên diện mạo không thể khác của Hồ Gươm[1].

Đó là một cách nhìn tổng quát từ nhiều phương diện: vừa hòa trộn những tri thức về kiến trúc, hội họa, lịch sử, văn chương…vừa bát ngát một tâm hồn nghệ sĩ. Nhưng trên hết, sức thuyết phục vẫn là sự trải nghiệm, anh nhìn và nghĩ về Tháp Rùa như một chứng nhân:“Ngày nhỏ, tôi theo lũ bạn bơi từ phía đường Lê Thái Tổ ra chân tháp nhặt được rất nhiều trứng rùa ở đấy. Mang về nhà cho vào ấm tích đổ cát ẩm lên để ấp. Nở ra những con vật bụng hoa đỏ nhí nhoáy bò”. Có lẽ vì thế, anh đã gọi ra được hồn cốt của vẻ đẹp Tháp Rùa.

Cũng bằng sự quan sát, trải nghiệm ấy, anh viết về rất nhiều sự vật, con người và những sinh hoạt đời thường: chiếc cầu thang, đôi guốc mộc, hoa phố phường, bút bi, bún chả, chiếc bật lửa, cái chậu thau, chén trà 5 xu, chiếc đồng hồ, đèn dầu, đóm diêm, địa chủ, ghế đá công viên, …Viết về cái gì cũng thế, Đỗ Phấn luôn dựng lại lịch sử của nó bằng những chi tiết nổi bật, miêu tả chúng từ thời xa xưa cho đến hôm nay, qua bao biến đổi thăng trầm, thay hình đổi dạng…. để rồi bâng khuâng, trăn trở nghĩ suy với một Tiếng guốc rao đêm đã mất: “Tiếng guốc rao đêm lắng đọng hồn phố xa xưa bền bỉ. Đến bây giờ chẳng còn mấy ai đi guốc nữa chợt thấy cái cảm giác phố đêm thanh vắng cũng hư hao đi rất nhiều. Rất phản khoa học nhưng rõ ràng đó là thứ âm thanh đặc biệt làm nên đêm thành phố yên tĩnh.

Người đọc, kể cả những người sống lâu ở Hà Nội, sinh ra ở nơi đây cũng sẽ rất thú vị khi anh cho biết::“ Những năm 60 của thế kỷ trước, vỉa hè Hà Nội được chia ra làm ba loại rõ ràng. Những tuyến phố cũ trước hòa bình lát gạch chỉ khía vạch chéo chống trơn đỏ au sau mỗi trận mưa rào. Bờ hè được cạp bằng đá xanh…Những tuyến phố được lát gạch vỉa hè sau hòa bình không nhiều. Đa số nằm trên những con đường lớn kéo dài từ trong trung tâm mà ra. Gạch xi măng vuông ba mươi phân xám xịt một màu lổn nhổn những viên sỏi trắng. Phần hè phố còn lại của Hà Nội là nền đất bó vỉa bằng bê tông không cốt sắt đúc sẵn theo hình vỉa đá.

Tôi chưa có điều kiện khảo cứu xem có tài liệu nào viết về vỉa hè Hà Nội chi tiết và chính xác đến thế không, nhưng đọc Thương nhớ vỉa hè của Đỗ Phấn, tôi thực sự ngỡ ngàng trước trí nhớ và tài quan sát của anh. Chi tiết và tỉ mỉ, nhưng không rườm rà, anh phác họa ra thật sinh động thế giới vỉa hè Hà Nội gần nửa thế kỷ trước:“Chen lẫn những hàng rong ô mai, lạc rang, táo dầm, bánh gối, chín tầng mây, kẹo kéo và bi don don. Trẻ trai nhễ nhại đá cầu, đá bóng. Trẻ gái nhảy dây chơi chuyền và mài những quả nhót đỏ lựng lên đầu gối cho hết vảy phấn. Vỉa hè trở nên chật chội không chỉ ở cổng trường. Vài chục mét lại một quán nước chè năm xu ngồi la liệt ghế gỗ con thấp tè sát đất. Thuốc lá cuốn giấy Con gà bó chục đựng trong những lọ thủy tinh rộng miệng. Chiếc điếu cày hút thuốc lào thửa mãi trong Ngọc Trạo, Thanh Hóa phát ra tiếng kêu giòn tinh gọi khách. Góc ngã tư nào cũng có một vài bác thợ sửa xe đạp án ngữ treo những chiếc lốp hỏng lên thân cây làm biển hiệu. Vá săm lốp, lau dầu, lộn xích, cân vành (…) Tối mùa hè cắt điện oi bức trải chiếu ra ngoài vỉa hè. Muộn hơn có thể mắc màn chống muỗi ngủ ngay tại chỗ. Vài ông tẩm quất mù cắp chiếu lang thang khắp thành phố cũng dùng vỉa hè làm tiệm massage không mái che của mình. Khách cởi quần áo dài làm gối nằm ườn trên những chiếc chiếu thâm xịt mồ hôi. Cũng xoa bóp, bẻ, vặn,“kiến bò”,“cò mổ” bì bạch không khác gì trong tiệm”. Rồi anh bâng khuâng khi nói đến “hình hài cái vỉa hè đã muôn phần đổi khác”hôm nay. Nhớ thương da diết cái vỉa hè năm xưa đã vào quá vãng “Mới đấy mà đã như xa lắc”.

Có thể nói, các bài tản văn viết về Hà Nội của Đỗ Phấn đã ghi lại muôn mặt của sinh hoạt phố phường, xưa cũng như nay, xen lẫn buồn vui. Những bài viết của anh về Hà nội thường gắn với những kỷ niệm của tuổi ấu thơ, gợi lên không khí của một thời quá vãng. Mỗi bài viết như một bản thuyết minh về Hà Nội. Đọc Leng keng tàu điện, thấy yêu quá Hà Nội một thuở thanh bình với năm tuyến đường xe điện Chợ Mơ, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Đông, Cầu Giấy, Yên Phụ đều tập kết về ga chính Bờ Hồ Hoàn Kiếm, cạnh nhà Thủy Tạ. Thế rồi tàu điện bị xóa bỏ một cách không thương tiếc, bây giờ nó chỉ còn lại trong kí ức xa xăm:“Tàu điện vắng mặt đã hai mươi năm(…) Thế nhưng dư âm của tiếng chuông leng keng tàu điện hình như vẫn còn vang vọng trong tâm thức của những người thành phố trạc năm sáu mươi tuổi bây giờ. Cùng với nó là hình ảnh thanh bình của một Hà Nội vài mươi năm trước cũng chợt hiện lên vời vợi nhớ thương...”

Với “miếng ngon Hà Nội” cũng thế, Đỗ Phấn viết về ẩm thực Hà Nội từ những gì đặc sắc nhất: bún chả, phở, xôi, giò, cà phê, chén trà…và viết với sự từng trải, chiêm nghiệm của chính mình. Giá trị của những bài viết như thế không chỉ ở chỗ chúng mang lại cho người đọc những hiểu biết và khoái cảm về những món ăn, thức uống; mà quan trọng hơn nó như là biên niên sử, là những thước phim chân thực về lối sống, cách sống một thời của người dân Hà Nội. “Quán cà phê mậu dịch Bốn Mùa ở bờ hồ Hoàn kiếm những năm 60 thế kỷ trước là nơi tụ tập của trai thanh gái lịch Hà Nội. Cửa gỗ bức bàn tháo ra xếp thành chồng dưới chân tường. Ngồi trong quán nhìn thẳng sang lung lay bóng liễu bên hồ.  Nhạc tango blue nhè nhẹ. Phin cà phê thầm thì nhỏ giọt. Đàn bà phi dê áo phin nõn trắng nhọn hoắt hai đầu cooc xê như chóp nón. Đàn ông áo pô pơ lin xanh trứng sáo bỏ trong quần. Nhiều chiếc quần ka-ki pic kê hai đầu gối vẫn là li thẳng tắp sắc đứt tay. Chút thanh lịch thời gian khó của người Hà Nội được giữ gìn như thế.

Rất nhiều bài tản văn của Đỗ Phấn tái hiện lại một thời như thế. Đó cũng chính là một trong những lí do tạo nên sức hấp dẫn từ những trang viết của anh.

2.  Đọc tản văn của Đỗ Phấn, tôi hình dung rất rõ hai con người trong anh. Một nghệ sĩ Đỗ Phấn yêu Hà Nội da diết, đắm say và một công dân thủ đô Đỗ Phấn luôn cau mày, buồn bã, lắc đầu, bực dọc với những đổi thay ngang ngược đang làm cho vẻ đẹp Hà Nội héo úa, tàn phai.

 

Tình yêu Hà Nội của Đỗ Phấn thể hiện rõ nhất khi anh viết về Hà Nội xưa với những nét đẹp duyên dáng, thanh lịch của đất và người Hà Nội ngàn năm văn vật. Tình yêu ấy cũng thể hiện rõ qua những trang anh viết về cây Hà Nội, những phút đắm mình trong Cõi lá xôn xao “Bẽ bàng mùa xuân đến muộn. Khi cái nắng đã chao chát trên những lộc non báo hiệu mùa hè, chẳng hiểu vì sao lòng người bỗng rộn ràng đến thế. Òa thức cùng với xôn xao lá cành.

Chín cây bồ đề trên đường Trần Nhân Tông làm thành một khoảng trời trong veo màu thạch lựu. Những chiếc lá non đu đưa trong gió tưởng như có tiếng chuông chùa huyền hoặc vọng về từ cõi thanh cao u tịch. Những đứa trẻ tan trường ríu rít dưới gốc cây như những thiên thần bước ra từ lá. Nhiều người Hà Nội chẳng có việc gì cũng vòng xe qua đoạn phố đông mà chật chội, mà hỗn hào đi đứng này chỉ để ngắm nhìn một chút sắc lá ngọt ngào như mật chảy tháng giêng. 

Đoạn văn trên đọc lên như một bài thơ, đậm chất trữ tình. Chất thơ thấm đượm từ câu chữ, từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu và trên hết nó như chảy ra từ tâm hồn trong trẻo, yêu đời trong những phút giây thanh thản nhất của người cầm bút.

Nhưng nếu tôi không nhầm thì Đỗ Phấn rất ít có những phút giây như thế. Lật giở các bài tản văn của anh viết về Hà Nội, hầu như lúc nào cũng thấy anh bận bịu với những trăn trở, băn khoăn về lối sống, về những gì đang diễn ra, đang làm cho Hà Nội xuống cấp. Không phải ngẫu nhiên, đọc tản văn của anh, ta dễ bắt gặp các nhan đề gắn với kỉ niệm, với quá vãng nhớ nhung: Gọi tên cho đỡ nhớ; Cuối năm sự nhớ, Gọi từ ấu thơ, Gọi từ quên lãng. Màu của nỗi nhớ, Nằm ngắm hoa xưa, Nẻo xuân nhung nhớ, Ngàn năm thi cử, Nhớ nhung mưa phùn, Nhớ về quê nhà, Nhớ về cây Hà Nội… Anh bức xúc và than thở với một Hà Nội bụi và đất, ô nhiễm không khí đến rợn người. Khác hẳn với những trang văn đầy chất thơ khi thể hiện tình yêu Hà Nội, Đỗ Phấn như luôn mỉm cười với bút pháp tả chân và giọng điệu tưởng như dửng dưng mà bộc lộ rất rõ nỗi ngán ngẩm, ê chề. Hãy đọc một đoạn anh viết về bụi: “Không gian đặc kịt khói xe khiến nhiều lúc không còn phân biệt được đâu là người, đâu là bụi, hay tất cả đều đã là hạt bụi chưa kịp hóa thân ?“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…”. Người nhạc sĩ nếu còn sống để chứng kiến những ngày có quá nhiều người và bụi trên thành phố sẽ chẳng cần cất lên câu hỏi ấy làm gì…Con sông Hồng chảy qua thành phố không khỏi ngạc nhiên khi thấy bên mình còn có một dòng sông khác ngầu bụi cũng đang chảy trôi mỗi ngày.”

Văn phong thể hiện rất rõ con người Đỗ Phấn. Người đọc dễ hình dung ra một con người giản dị, kiệm lời, trầm ngâm, im lặng quan sát và thể hiện một cách từ tốn, hóm hỉnh trước bất cứ một sự vật, sự việc nào. Nhưng khi đối mặt với cái tục, cái xấu, cái phản cảm… dường như nhỏ nhẹ mãi không ổn, không thể hiện được thái độ và tình cảm bức xúc của mình; và dường như viết thế ít hiệu quả như anh từng chiêm nghiệm“Những góp ý nhẹ nhàng thanh lịch theo kiểu người Hà Nội thường không có kết quả.” Cho nên trong tản văn của Đỗ Phấn, rất nhiều đoạn, nhiều chỗ anh phải dùng cách nói châm biếm, vui vẻ, nhẹ nhàng mà thật thấm thía. Đây là đoạn anh nói về hậu quả của Bụi đối với người dân thành phố: “Người thành phố bây giờ có tật hay ngoáy mũi. Ngồi đâu ngoáy đấy. Bôi lên thành ghế, lên cạnh bàn, lên tờ báo đang đọc. Trẻ con bôi lên áo nhau là chuyện thường, có đứa còn ăn. Đi chơi xa, lên núi hoặc xuống biển, tật ngoáy mũi thường không mang theo. Chính vì thế cư dân tỉnh bạn vẫn cho rằng người thành phố là thanh lịch… Về đến nhà lại đâu vẫn đóng đấy. Ngoáy…”.

 

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chứng kiến bao đổi thay “dâu bể”, từ một Hà Nội nền nã, thanh lịch với những “ngõ nhỏ, phố nhỏ” êm đềm; giờ anh phải đối mặt với: “Một Hà Nội từ sáng sớm đã ồng ộc dòng người từ các cửa ô đổ vào. Bắt đầu là những chiếc xe máy chở thực phẩm chồng chất cao như núi không đèn báo hiệu phóng như bay trên đường. Hai con lợn cạo trắng hếu cao ngang ngực đằng trước. Bà vợ ngồi trên hai con cũng trắng đằng sau. Sáu mạng cả sống cả chết ấy nặng không dưới bốn tạ trên chiếc xe máy không bao giờ dùng đến phanh trực chỉ từ các lò mổ ngoại ô chạy vào rải hàng trong phố.”

Cách tả, cách kể, cách ngắt nhịp đoạn văn làm người đọc cũng như muốn ngột thở, hối hả theo nhịp sống mới của đô thị. Tinh ý sẽ thấy cái bức xúc, bực dọc của Đỗ Phấn gửi vào giọng văn châm biếm nhẹ nhàng mà sâu sắc không khác gì văn Nam Cao, Vũ Trọng Phụng năm xưa. Cứ ngẫm cái hình ảnh “Hai con lợn cạo trắng hếu cao ngang ngực đằng trước. Bà vợ ngồi trên hai con cũng trắng đằng sau” tôi lại nhớ đến hình ảnh Nhi trong Nửa đêm được Nam Cao khắc họa:“Nhưng nó trng lm, trng như con ln co. Người nó phc phch quá, giá có phi ln cũng bán được đến hơn hai mươi đng.

Tản văn của Đỗ Phấn thể hiện rất rõ tư tưởng: văn minh không phải bao giờ cũng đồng hành với văn hóa. Nhiều thứ văn minh đang giết chết văn hóa. Tư tưởng này đã được Nguyễn Huy Thiệp thể hiện rất xuất sắc trong nhiều truyện ngắn ( Những ngọn gió Hua Tát, Muối của rừng, Bài học nông thôn, đặc biệt là Thương nhớ đồng quê…) bằng cách nói hình tượng, ẩn ý, sâu xa. Với tản văn của mình, Đỗ Phấn thể hiện tư tưởng ấy một cách trực tiếp; không bóng gió xa xôi:“Thành phố chợt rùng mình thay da đổi thịt bắt đầu từ những năm đổi mới. Như một người vạm vỡ vươn mình đứng dậy rũ tung những phù sa trầm tích vấn vương. Xe điện là lựa chọn đầu tiên cho việc xóa bỏ. Một nét đẹp chưa kịp thành cổ xưa đã bị phá đi không thương tiếc. Mới hay cái đẹp chả bao giờ quan trọng bằng những thứ khác”. Thể hiện rõ nhất tư tưởng trên của anh như một tổng kết là bài Hà Nội vắng. Bài viết xoay quanh cái tứ Hà Nội tưởng phát triển ngày một đủ đầy, ngày một văn minh, nhưng hóa ra lại vắng; lại đang làm mất dần những nét đẹp của văn hóa ngàn năm:Bắt đầu là vắng đi tiếng còi tầm Nhà Hát Lớn làm người ta lãng quên gần như ngay lập tức hình ảnh những con sư tử đá có cánh uy nghi án ngữ trên nóc nhà. Tiếp đến là vắng đi hừng hực tiếng còi xe lửa đầu máy hơi nước ...Tiếp nữa là vắng đi tiếng chuông leng keng tàu điện những sáng sớm rộn ràng đánh thức trong veo mặt nước Hồ Gươm. Chẳng biết thoang thoảng hương ngọc lan, móng rồng, dạ lan trong những biệt thự phố tây biến mất từ bao giờ. …Vắng được cảnh rồng rắn xếp hàng mậu dịch thì lại bị nhồi vào một chỗ xếp hàng vĩ đại hơn là những con đường tắc nghẽn. Đó là nơi vắng bặt nụ cười và chẳng quen ai. Vắng đi những mặt phố êm đềm nhẫn nại nhún nhường… Vắng đi những người tinh tế khắt khe với ẩm thực,…Nhớ đến nao lòng nắm rơm nếp vàng chói giắt cạnh thúng cốm đậy lá sen xanh ngắt năm nào. Hà Nội đang vắng đi một cái gì đó tựa như...Hà Nội ?

Có lẽ cũng chính vì tư tưởng ấy mà mỗi khi đi xa, bứt khỏi cái chốn phố phường, ta lại bắt gặp một Đỗ Phấn đầy hân hoan, mê đắm với thiên nhiên cây cỏ; như trở lại tuổi thơ dịu nhẹ, man mác, hiền hòa; say sưa giữa mây trời sông nước; đi giữa Sương giăng Ba Bể mà như lạc lối giữa chốn Bồng Lai:“Thuyền tiến sâu vào lòng hồ. Tiếng máy vọng vào vách đá dội lại mênh mang tròng trành trên sóng ngây ngây say. Có cảm giác như trùng trùng những ngọn núi đang hối hả trôi qua bên mình. Hàng trăm triệu năm chỉ còn trong chốc lát… Những đàn bướm trắng như xé giấy chập chờn hư ảo trong khoảng tối bên kia mặt hồ hửng nắng. Tĩnh lặng đến tưởng như có thể nghe thấy cả tiếng đập cánh chậm rãi ẩm ướt trong màn sương còn quyến luyến trên mặt hồ”. Hàng loạt các bài viết như Trời xanh Xiêng Khoảng, Ăn tết đồng rừng, Mèo Vạc xa xăm; Vancouver mưa nhiều; Nắng miền biên ải… đều được viết với cảm hứng mê đắm như thế.

*

Gần đây, những lúc rảnh rỗi, tôi cũng tập tạnh thử viết Tản văn. Có lẽ do không có tài nên nhiều khi thấy rất khó, rất nản. Viết rất chậm. Một trong cái khó của Tản văn là viết về cái tưởng như vụn vặt, bé mọn, cụ thể quanh mình mà lại nói được nhiều ý nghĩa về cuộc sống, khái quát được những trạng huống nhân thế. Tức là nhìn ra được nghĩa lý của sự sống từ những sự vật, sự việc bình thường, giản dị. Điều này phụ thuộc không chỉ ở cái tài mà còn là cái tâm, cái tầm; ở vốn sống và cách nghĩ của người viết. Đỗ Phấn viết nhanh, viết khỏe, viết rất nhẹ nhàng; những tưởng nhìn cái gì anh cũng cảm thấy và phát hiện ra được nghĩa lý của chúng. Đấy là ưu điểm nhưng cũng chính là nhược điểm ở một số bài tản văn của Đỗ Phấn - Những bài đơn thuần chỉ là kể lại, tả lại, tái hiện lại y nguyên sự vật hiện tượng mà không nhìn ra được nghĩa lý của sự sống được gửi gắm trong đó. Nhưng may là các bài như thế ít thôi.



[1] Tất cả những trích đoạn in nghiêng của Đỗ Phấn trong bài này đều dẫn từ trang Nico-paris.com

 

Chia sẻ trên Facebook