Viết bằng những ký ức hình ảnh
Đỗ Phấn là họa sĩ. Ông được nhiều người biết qua những bức tranh. Tôi lại khác, không hề biết đến tranh Đỗ Phấn, mà lại biết ông qua những tản văn, truyện ngắn, và tiểu thuyết được ông ào ạt xuất bản gần đây. Trong làng văn chương Việt, ông thực sự là một “ca” lạ. Phía sau những con chữ ông viết, luôn lấp lánh ẩn hiện một cây cầu Long Biên bàng bạc cùng đời sống thị dân Hà Nội với đủ các sắc thái.Thực ra chẳng phải riêng tôi biết tới Đỗ Phấn qua những trang viết của ông. Đã có cả vạn độc giả đọc sách ông, qua hơn chục cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn của ông đã được xuất bản. Bởi vậy, bây giờ ông được người ta gọi là nhà văn nhiều hơn, dù ông chẳng có tên trong hội nhà văn nào. Dường như Đỗ Phấn cũng chẳng mấy quan tâm đến chuyện người ta gọi mình là nhà văn hay họa sĩ. Việc của ông là vẽ và viết ra những điều ông muốn, bất kể đó là sáng, trưa hay lúc đêm muộn. Thậm chí ông “viết” ngay trong lúc ngồi bia bọt với bạn bè.Đỗ Phấn bảo, viết với ông cũng chính là vẽ. Đó là lúc ông “vẽ” Hà Nội qua những con chữ. Lúc ấy, Hà Nội của ông hiện ra qua những ký ức bằng hình ảnh. Ở đó, những gì ông đã trải qua sẽ hiện ra. “Tôi viết bắt đầu bằng hình ảnh, kết thúc cũng bằng hình ảnh. Hình ảnh làm nên cách viết của tôi”, Đỗ Phấn nói. Như trong truyện dài “Dằng dặc triền sông mưa” là cách ông nhớ về tuổi thơ của mình. Nói như nhà văn Phạm Ngọc Tiến, thì đó là “cuộc diễu binh hoành tráng về tuổi thơ thần tiên mà Đỗ Phấn là chủ nhân”. “Hồi ấy, mỗi khi mượn được chiếc xe đạp, việc đầu tiên là phóng sang cầu Long Biên. Bờ bãi sông hồng, cầu Long Biên ngày ấy là sân chơi lý tưởng của những đứa trẻ sống quanh khu phố cổ. Rồi khi về, được thả xe trôi theo dốc Hàng Khoai”, Đỗ Phấn kể. Vì thế những ký ức hình ảnh thân thương ấy luôn ẩn hiện trong những trang viết của Đỗ Phấn. Nhưng chính xác hơn, với “Dằng dặc triền sông mưa”, Đỗ Phấn còn viết về tuổi thơ của cả một thế hệ những người Hà Nội sinh ra trong những năm 1950-1960 của thế kỷ trước. Hay như trong tiểu thuyết “Con mắt rỗng”, Đỗ Phấn viết về Hà Nội qua một thế hệ họa sĩ nổi tiếng. Ông viết bằng những ký ức hình ảnh của riêng mình. Nói cách khác, Đỗ Phấn là người kể chuyện, kể lại những gì ông đã chứng kiến.
Nhớ những giá trị đẹp đẽ của Hà Nội
Có mặt trong buổi giao lưu, nhà văn Nguyễn Việt Hà bảo, “tốc độ lao động chữ của Đỗ Phấn phải nói là phi thường”. Bây giờ, dường như tuần nào tôi cũng “gặp” Đỗ Phấn. Không phải qua những cuộc “bia hơi phố cổ”, cũng không phải qua những bức tranh. Tôi gặp Đỗ Phấn qua những bài tản văn nho nhỏ của ông trên nhiều tờ báo lớn. Đều đặn và cần mẫn, Đỗ Phấn gieo vào lòng người đọc những tản văn rất “êm đềm” về một Hà Nội cũ, của những “Bia hơi vỉa hè”, “Leng keng tàu điện”, “Tiếng guốc rao đêm”… Sau gần chục năm rẽ tạt vào văn chương, Đỗ Phấn đã “thử” qua cả truyện ngắn, tiểu thuyết lẫn tản văn. Tò mò hỏi, thứ nào “khó nhằn” nhất, gã “cao bồi già” thành thực: Tản văn. Cái thứ tưởng như dễ nhất, vì nó ngắn, có khi chỉ ba bốn trăm chữ, nhiều thì hơn nghìn chữ ấy hóa ra lại rất khó viết. Cái thứ tưởng chừng như vớ vẩn ấy lại khiến người ta tốn chữ vô cùng. Nó thử thách con người ta một cách dữ dội. Mỗi lần viết một cái tản văn, nó đòi hỏi người ta phải có tứ, nó lại đòi người ta phải có văn, nó thúc người ta phải sớm hoàn thành để kịp… nộp bài. Còn khi viết tiểu thuyết hay truyện dài, ông thoải mái hơn, thậm chí đang vẽ tranh có thể xoay qua viết luôn… đoạn giữa của tiểu thuyết.Viết về muôn mặt của Hà Nội, nhưng tản văn của Đỗ Phấn có nhiều nét riêng bằng cái nhìn tinh tế, giàu hình ảnh. Không chỉ viết về cảnh sắc Hà Nội bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, qua tản văn của Đỗ Phấn, cốt cách con người Hà Nội cũng hiện lên chỗ này uể oải, chỗ kia sinh động. Đỗ Phấn bảo, ông không quá quan trọng hoặc đề cao khái niệm “người Hà Nội”. Với ông, “người ở Hà Nội” thì đúng hơn. Là tác giả của hơn chục đầu sách, Đỗ Phấn hóm hỉnh bảo, nếu ai bảo ông cả đời chỉ viết 1 cuốn thôi cũng đúng. Đó là cuốn sách về Hà Nội. Dù viết tản văn hay tiểu thuyết, tất cả đều xoay quanh cái “trục” Hà Nội mà ông đã nhìn ngắm và suy nghiệm. Trong các trang viết của Đỗ Phấn, ông không quá tha thiết hay rên rỉ tiếc nuối khi mất đi những mái phố thâm nâu, những dãy phố cổ nhà ống mà ai ở trong đó cũng đều kêu khó, kêu khổ… Điều ông ấn tượng nhất cũng không phải là xã hội thị dân Hà Nội đang sống bây giờ, mà chính là Hà Nội ở cái thời mà ông và nhiều người đã được may mắn sống. Ở đó, sự giao tiếp đã làm nên cốt cách của con người. Ở đó, sự văn minh công cộng làm người ta tử tế hơn… Đó là những giá trị sống mà bây giờ, với tư cách người cầm bút, ông muốn viết ra, muốn mọi người đọc nó, và mong một ngày không xa, những giá trị ấy sẽ quay trở lại mảnh đất này.
Đỗ Phấn sinh năm 1956 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1980, giảng dạy mỹ thuật tại khoa kiến trúc Đại học Xây dựng Hà Nội từ 1980-1989. Ông đã xuất bản 5 tiểu thuyết: Vắng mặt, Rừng người, Chảy qua bóng tối, Gần như là sống, Ruồi là ruồi và các tập truyện, tản văn: Thác hoa, Dằng dặc triền sông mưa, Ông ngoại hay cười, Hà Nội thì không có tuyết…
Mai Hoàng