Đọc “Gần như là sống”, tiểu thuyết của Đỗ Phấn.
Nhịp điệu chậm vừa phải của giọng kể, ngay từ đầu, như một dấu chỉ về tính chất nghĩ ngợi và u sầu đặc trưng cho câu chuyện này. Mở ra bằng một vài nét phác cảnh xa rộng bãi biển trước cơn giông sẩm tối mùa hè, vào cận cái quán nước tuềnh toàng thỗn thện nheo nhóc bốn năm con người rời rạc tâm trí, chẳng chí hướng, không hành động, với một hồi tưởng ngắn ngẫu hứng và mỉa mai của nhân vật xưng “Tôi” về cuộc hôn nhân cũ. Toàn cảnh làm nổi lên giọng độc thoại của nhân vật này. Toàn cảnh đó cũng nhuốm hoàn toàn trong cái nhìn của anh ta: Những mô tả quang cảnh con người và sự vật sự kiện luôn chứa đựng hay dẫn tới lời phẩm bình lượng giá về lối sống.
Tiết truyện này, tựa như một cảnh trong một kịch bản, khép lại với hình ảnh đôi nam nữ đi xa dần trên bãi biển tối dần, với chi tiết ánh lân tinh mép sóng và những dây muống biển gió dật dờ - một cú lùi xa như của xinê, sẽ lặp lại ở trang cuối cảnh cuối của cuốn tiểu thuyết. Nhưng khi đó cái xa dần không phải là hai người quen của “Tôi”, mà là một vật thân quen khổng lồ, như một biểu tượng của Hà Nội cũ, và đương nhiên vật đó không di động được mà tâm thức như thấy nó đang xa dần. Sự lặp lại đó không ngẫu nhiên, bởi tiết truyện mở đầu đồng thời đã đưa ra một mô thức kể: Sự kiện-hồi tưởng-ngẫm nghĩ. Theo đó, chuỗi biến cố tạo thành câu chuyện dưới dạng hình thức của một quá trình suy tư, tức cuộc sống như là một quá trình nhằm để suy ngẫm về chính nó. Sự ngẫm nghĩ ấy hầu như luôn chuyển vào việc mô tả hình ảnh.
Mô thức này thác triển qua mười chương tiểu thuyết, cả về kết cấu trần thuật trong từng đoạn và kết cấu cốt truyện, trên phương diện thứ nhất, đặc trưng bởi tình trạng phân rã các quan hệ xã hội và con người thông qua chuyện đời của nhân vật xưng “Tôi”. Sự phân rã cũng đã được báo hiệu ngay trong tiết truyện đầu qua các tình tiết bất đồng nhỏ giữa ba người bạn thân “Tôi”, Trọng và Phi trong một chuyến nghỉ mát tắm biển. Những bất đồng nhỏ, tuy nhiên, qua giọng kể và cái nhìn nghĩ ngợi của “Tôi”, là dấu chỉ những khác biệt trong cách sống. Điều này được nhân vật “Tôi” minh định. Chẳng hạn khi nói về nhân vật Phi – “Tôi” bảo “nó” sao không thu gọn việc kinh doanh, ý giả là cho đỡ vất vả, để dành thêm thời gian tiền bạc cho việc hưởng thụ; và Phi bảo em chẳng thiếu gì, lúc nào các anh gọi đến em chẳng sẵn sàng..; thì “Tôi” thầm nhủ: “Nó không hiểu ý tôi rồi…”(tr.17)
Cách sống, hay nói sát hơn, cái cách mà một lớp trung lưu thị dân tiêu dùng quỹ thời gian để sống của mình, là chủ điểm hàng đầu của câu chuyện này, cuốn tiểu thuyết này. Ý tưởng được phát biểu qua cái tên sách: GẦN NHƯ LÀ SỐNG; và trong câu đề từ đầu sách, hẳn như một ghi chép riêng tư cảm thán thường nhật trong sổ tay: “Tôi cất mình vào nhàu nhĩ phố phường” .
Chủ điểm hàng hai của câu chuyện nằm ở phương diện thứ hai của cốt truyện: Nhân vật “Tôi” từ bỏ công việc không thực chất của mình ở công sở, bắt tay vào theo đuổi niềm đam mê riêng về nghệ thuật đã tiềm tàng từ khi còn nhỏ (tr.46)…
Có thể nói rằng câu chuyện ở đây vận động cùng lúc trên hai chiều trái ngược: Chiều phân rã và chiều thành tạo. Tính chất suy tư nhiều hơn tính chất truyện kể. Phương diện thành tạo ở đây chủ yếu biểu hiện qua các trở ngại trên lối theo đuổi đam mê, những suy ngẫm về tính ngẫu thành và mong manh của sự thực hành cái đam mê: Rộng hơn, đôi lúc là những suy nghĩ về hiện tình nghệ thuật đương thời với “Tôi”. Và cái thực tại đặc thù này hòa nhất trong vận động phân rã trên phương diện kia của cốt truyện. Điều đó khiến cảm giác chung về mối mâu thuẫn chính yếu duy trì vận động của câu chuyện ở đây không hụt hẫng, vẫn giữ được động lực trong mối băn khoăn nó gợi lên ngay từ đầu: Tại sao có thể nói “Gần như là sống” với cái đời sống được mô tả ở đây, uể oải, muộn phiền, nhưng cũng nhiều lạc thú như có thể?
Ý tưởng nêu trong tên sách được khai triển và nhắc lại khoảng sáu, bảy lần qua các chương truyện, trong các lời thoại hoặc suy ngẫm của nhân vật “Tôi”, như các phát triển của một chủ đề. Chẳng hạn, trả lời câu hỏi của nhân vật Khánh Ly vì sao “anh” lại nói bản thân “ anh” là “một rỗng không”, thì “Tôi” đáp “… công việc nghề nghiệp có cũng như không, gia đình có cũng như không, bạn bè thật sự gần như không có” bởi “Họ còn đang bận bịu toan tính tự xây đắp quanh mình những thành lũy an toàn cho cuộc sống!” (tr.43). Hay một suy nghĩ khi ra phố một buổi sáng nào đó, bỗng nhìn một số nhà và nghĩ đến hàng trăm ngôi nhà mình đã ngang qua : “…Và cũng không có việc gì ở những ngôi nhà sắp tới. Có tôi trên đường cũng được mà không có cũng chẳng việc gì. Buổi sáng với tôi như chưa có buổi sáng. Cắm cúi đi trên đường chỉ để chứng tỏ mình vẫn là một phần của thành phố. Mình thuộc về nó nhưng nó đã thuộc về những ai ai…” (tr.115)
Sự đa dạng, sinh động và thật – những phẩm chất đó sẽ ngăn ngừa việc coi các biến tấu trên chủ đề “Gần như…” này là một dạng triết lý khô khan sáo mòn nào đó.
Điều quan trọng mà mối mâu thuẫn đó gợi lên, những suy ngẫm đó nhằm đưa tới, không phải là một thức nhận xác định hay thậm chí rõ rệt cụ thể. Mâu thuẫn, như đã nói ở trên, là cái đọc được ngay: Những hình ảnh phố xá, một trận mưa lớn trên phố, tiếng chim qua tai một kẻ sành chơi, rồi những thú vui giao du ngày thường cho đến lạc thú thân xác trong bao bọc nhạy cảm hài lòng của tình âu yếm con người tự nhiên,…tất cả dường như sẽ phủ nhận một cách chắc chắn cảm thức về một tình trạng “Gần như…” khó tả. Lạc thú và vẻ đẹp trong quan hệ tính dục nam nữ cũng như sự may mắn thường xuyên trên tình trường của nhân vật “Tôi” là một đặc trưng trong các mô tả và trần thuật của câu truyện này. Và đấy có thể coi là đối âm nổi bật nhất trong chủ đề “Gần như là sống”.
Mâu thuẫn đó có sự gợi mở hướng giải quyết chính trên phương diện thứ hai của cốt truyện.
Chiều thành tạo, ngược với chiều phân rã, trong câu chuyện ở đây thật ra không được biểu hiện theo cách trơn tru rõ rệt mà đầy khó khăn vấp váp và chưa hoàn thành. Nhưng ý tưởng mà nó hàm chứa hay gợi lên thì khó mà hiểu sai: Sự thành tạo hay dựng nên một con người nghệ sĩ – đó là quá trình khởi động và thúc đẩy bởi những nhu cầu nội tâm, bởi trước hết việc nhận ra và trung thực với nhu cầu đó mà không dễ dãi lừa mị tự ru mình.
Thông điệp của nó, nếu có thể nói đến điều gì như một thông điệp, hẳn ở chỗ người ta không chỉ bằng lòng với việc gọi là làm một người biết suy nghĩ. Bởi cách sống bao giờ cũng đồng thời là cách nghĩ rồi.
Trên hướng này, câu chuyện ở chiều phân rã của nó, qua các gương mặt nhân vật nổi bật hơn cả trong liên hệ văn học với nhân vật “Tôi”, đều được soi chiếu khá nhiều từ phía nội tâm của bọn họ. Song đó không phải cái ta quen gọi như là tâm lý nhân vật. Bởi đây không phải những chân dung tâm lý hiện thực chủ nghĩa. Các nhân vật hầu như chỉ nói đến những thiếu hụt tinh thần từ góc độ riêng mỗi người - và đấy là cách họ khớp nối vào nhân vật chính xưng “Tôi”.
Thảm cảnh xảy đến cho nhân vật Phi hay cái tấn kịch bi hài khổ sở của nhân vật Trọng – hai trong số các nhân vật gần cận nhất với “Tôi” – dường như là cái cách, cái cách mà cuộc đời này vẫn dùng để nói với người ta, để hình tượng hóa những ngõ sâu tăm tối của sự thiếu vắng các nhu cầu nội tâm mà “Tôi” hẳn đã có thể lâm vào.
Bởi thế mối mâu thuẫn giữa các cảnh sống vui tươi đẹp đẽ với giọng điệu u sầu và mỉa mai của câu chuyện sẽ gợi lên, như đã nói ở trên, không phải một thức nhận xác định hay cụ thể rõ rệt mà là một điều gợi ý tự bản thân nó đã trừu tượng. Dẫu cho luôn minh bạch hiển nhiên: Cái sống kia vẫn chỉ “Gần như là…” vì nó thiếu vắng cái làm nên ý nghĩa./.
N.C.H