Hơn 300 trang sách “Dằng dặc triền sông mưa” thực sự là một cuộc diễu binh hoành tráng về tuổi thơ thần tiên mà Đỗ Phấn là chủ nhân. Cũng không chỉ của riêng ông, đó là sự tương đồng ký ức của những người cùng thế hệ Đỗ Phấn về một thời đã qua chưa xa. Sẽ là khiên cưỡng nếu nói đây là một tác phẩm thuộc dòng tự truyện bởi nhân vật chính được tác giả khoác cho chiếc áo khách thể ở ngôi thứ ba nhân xưng, nhưng những gì của nhân vật này vùng vẫy trong sự dằng dặc của những cơn mưa thời gian trên những dòng sông thời gian nó được hiểu là của chính Đỗ Phấn hiện tại áp vào cho cậu bé Đỗ Phấn ấu thơ.
Câu chuyện bắt đầu bằng nhân vật “cậu” bước vào lớp học vỡ lòng với bao điều kỳ thú và cũng đầy bỡ ngỡ. Hà Nội của những năm 60 là một Hà Nội cổ sơ rất thơ dù thời cuộc đã khiến nó dần trở nên lam lũ. Những chuyến tàu điện leng keng tạo nên sự riêng biệt đặc trưng chỉ Hà Nội có. Hồ Gươm, cầu Long Biên, sông Hồng, những đường phố, cửa ô, những người bạn đầu đời…
Tuổi thơ An sẽ trôi đi êm đềm như thế nếu như không gặp phải biến cố dữ dội của đất nước. Chiến tranh phá hoại xảy đến phá nát cuộc sống của những đứa trẻ. Đang học lớp hai, An cùng với rất nhiều trẻ con khác đã phải xa bố mẹ, xa thành phố sơ tán về những vùng quê. Và từ đây cậu bé An thực sự bước vào cuộc sống của đứa trẻ thời chiến. Một thế giới lạ lẫm mở ra. Từ những trò chơi của trẻ phố như đi tàu điện, đá bóng bãi cát, câu cá rô cờ, đổ dế, bắn bi, đánh đáo xèng, nay hòa vào bơi sông, chăn trâu, bắt cua đơm cá... Cùng với bom đạn chiến tranh An đã trưởng thành nhanh chóng.
“Dằng dặc triền sông mưa” gói bốn năm tuổi thơ của cậu bé An từ lúc bắt đầu đi học rồi rời thành phố sơ tán về nông thôn và trở lại thành phố trong hành trình bằng đúng cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Chỉ có thế nhưng Đỗ Phấn đã vẽ ra một bức tranh đời sinh động với những dấu ấn thật khó quên. Hình ảnh kho xăng Đức Giang cháy, cầu Long Biên bị bom đánh gãy nhịp, những buổi tối bãi sông, những lần bắt cua, câu cá, những cuộc di chuyển thời chiến cùng những miêu tả sắc nét về cảnh vật, phong tục đồng quê, ngày tết, những món ăn, những chân dung tình bạn… đã cho người đọc được đắm mình trong những cảm xúc rất riêng. Vẫn bằng thế mạnh kể chuyện như không kể, lan man xâu chuỗi ký ức bằng những hình ảnh của một Hà Nội cổ, một Hà Nội thời chiến và hòa bình, một nông thôn luôn mới mẻ hấp dẫn bằng những trò chơi những bài học sống, Đỗ Phấn đã thực sự trở lại sống cuộc sống trẻ thơ thần tiên của mình.
Tôi đã rất ấn tượng và bị cuốn hút vào chính cuộc sống ấy bởi bản thân tôi cũng đã trải qua những thời khắc như tác giả. Thật khó diễn tả đúng hơn được cảm giác thế này về ngày tết của con trẻ: “Ngày tết sướng hơn ngày thường ở chỗ được ăn bất kì lúc nào thấy đói. Nhưng chẳng hiểu sao ngày tết lại ít khi thấy đói. Chỉ thèm đi chơi.” Hoặc sự chính xác tài tình trong quan sát tạo ra hình ảnh độc đáo này: “Thậm chí nó còn biết cách đánh một quả trứng với nước lã đổ vào nồi canh cà chua sao cho nhìn đâu cũng thấy trứng giăng mắc lùng bùng như lưới cá.”
Đỗ Phấn có một trí nhớ thật tuyệt vời. Nhờ vào những gì được miêu tả kể lại trong cuốn sách tôi đã phục hồi được nhiều mảng ký ức bị lãng quên. Thú nhất là những trang về tàu điện, một tình bạn cảm động giữa người lái tàu và cậu nhóc. Đỗ Phấn có biệt tài tả về món ăn với đầy đủ những gia vị, về những thú chơi, cách nuôi bắt chim cá và cả rắn bằng sự chính xác không thể bắt bẻ. Vốn liếng kiến thức của ông trong nhiều lĩnh vực đã khiến những trang viết sinh sắc và nhiều phần hấp dẫn. Đặc biệt là cách ông viết về những con sông chảy qua tuổi thơ ông, từ sông Hồng đến sông Đuống, sông Bùi và sông Tô Lịch.
Không quá khi nói “Dằng dặc triền sông mưa” là một cuốn sách thiếu nhi hấp dẫn không chỉ với độc giả nhí mà còn với nhiều lứa tuổi khác nhau, không kể thành phố hay nông thôn. Ta gặp được ở cuốn sách vô vàn điều kỳ thú của một tuổi thơ thần tiên. Một cuốn sách dung dị nhưng lôi cuốn, đến mức nếu đọc sẽ đắm mình vào trong đó mà không cần để tâm đến cách thức tác giả viết ra nó thế nào. Chỉ hơi tiếc, giá như đứa trẻ thành phố bất đắc dĩ phải sống cuộc sống nông thôn mang nhiều vụng dại hơn thậm chí là ngông cuồng hơn, thì có lẽ câu chuyện sẽ thêm thuyết phục. Nhưng như thế mới là Đỗ Phấn. Và sự khác biệt này chính là thành công của “Dằng dặc triền sông mưa” chăng?
Hà Nội 16.9.2013 - Phạm Ngọc Tiến