Bản thân tôi may mắn thiếu thời đã kịp được học ông nội Đỗ Phấn mấy năm chữ Nho. Một đêm hai ông cháu ngồi nghe mưa ở thị xã Bắc Ninh ông cụ buồn buồn tâm sự, tôi và bác Ngô Tất Tố cùng thi khoa chữa Hán cuối cùng năm Kỷ Mùi, trượt cả lũ. Đều đã vào đến tứ trường chỉ còn chờ ghi danh lên bảng nữa thôi, vậy mà đám người Pháp dèm, bảo đã đến lúc nên dùng mấy người học ở trường thông ngôn làm quan. Hai anh em cùng chăm chỉ đèn sách nhưng đứng về văn tài thì Xứ Tô hơn hẳn, tất nhiên tôi cũng đã từng mài bút làm thơ, đặt cho mình bút danh là Cối Lâm Cư Sĩ.
Đã sinh ra trong đám lau cói lại đèo thêm cư sĩ thì thử hỏi còn gì cô quạnh cho bằng. Ông nào cháu ấy, bây giờ mỗi khi thấy Đỗ Phấn cười tôi lại giật mình nghĩ đến nụ cười của thầy mình năm xưa.
Ở quê người ta quen gọi ông cụ là cụ giáo Toại. Một ông đồ lỗi thời lang thang dạy chữ nho cho lũ trẻ con các làng, lớn lên nhiều anh thành cán bộ cách mạng, Trung ương Xứ ủy không thiếu. Lúc nổi phong trào, đi kháng chiến, học trò xúm vào tôn thầy lên ngồi ghế Mặt trận Tổ quốc, ăn Tết xong ông nghỉ hưu về Hà Nội với con cháu. Tiếng là gần con cháu nhưng thực ra là vẫn sống một mình, trong căn buồng hẹp trên gác hai khu tập thể Văn Chương, lâu lâu con cháu mới tạt đến. Tôi cũng thế, năm thỉnh mười thoảng mới ló mặt. Ông cụ thường dặn, rỗi lúc nào thì mở Kinh Thi ra mà đọc, những thứ khác cũng chỉ là biết vậy thôi. Ông cụ là người suốt đời cầm Kinh Thi. Có một dạo đã được các vị khoa bảng mời tham gia dạy Kinh thi cho lớp Hán học đề cao của Viện Hán Nôm. Càng già bệnh hen càng nặng, vừa thở vừa chậm rãi giảng giải.
Đỗ Phấn còn có một ông bố mới thật lạ, ông này học dở tú tài thì đi tù Sơn La, vượt ngục về tiếp tục cách mạng, lấy tên lúc đi hoạt động là Mộ Thanh, nghe cứ ngỡ là nấm mồ cỏ xanh mà không phải, Mộ Thanh chỉ có nghĩa là yêu cái trong sạch, gần cái sạch. Lúc về hưu ông Mộ Thanh có hàm Thứ trưởng Ban đối ngoại, nhà trên đường Bà Triệu.
Hiềm một nỗi mảnh sân quá hẹp mà ông lại ôm cái mộng về già sẽ xây lò nung gốm sứ tìm thứ men quý gọi là men thúy hồng. Vậy là phải bùng sang bên kia sông, đến xóm nhỏ gần ga Như Quỳnh thuê lâu dài một vuông đất vườn của bà già không con cái có nghề nắm cơm đi bán rong. Mầy mò đánh vật đúng mười năm với lửa than, đổ không biết bao nhiêu tiền của, bán luôn cả nhà trong phố, vợ con tản mát đi ở nhờ, cuối cùng cũng tìm ra thứ men lạ. Ông ôm cái lọ thúy hồng về khoe với người bạn chơi từ tấm bé là ông Kim Lân. Bạn ông đỡ lấy cái lọ ngắm nghía hồi lâu rồi tặc lưỡi thở dài, thôi thì cũng tàm tạm…
Cuối năm ấy ngài về với cỏ xanh, lúc đưa cha vào áo quan thằng con trân trọng đặt theo cái lọ độc nhất vô nhị để ông ôm trên bụng.
Mỗi khi gặp cuốn sách hay tôi thường vân vi hình dung về dòng tộc, gia cảnh, miền quê tác giả. Vùng Mai Lâm, Lộc Hà, Du Lâm là một bãi đất bồi cửa sông Đuống, tứ thời ướt át lụt lội, ngồi xuống mâm quanh năm đều thấy những bắp cùng khoai vậy mà thật lắm hiền tài. Xưa đã từng có Nguyễn Án, Nguyễn Thực, Nguyễn Tư Giản, về sau là Nguyễn Trọng Luật, Ngô Tất Tố, giờ lại thấy có Đỗ Phấn mọc ra và sau tất cả, tôi muốn được kể đến Trịnh Xuân Thuận. Chúng ta đang có một Trịnh Xuân Thuận nhà thiên văn học uy tín ngồi đâu đó đo đạc vũ trụ, chuyện trò với trăng sao và làm sách. Những cuốn sách phần lớn viết bằng tiếng Pháp rồi được dịch ra nhiều thứ tiếng khác, khắp thiên hạ đón nhận. Được biết gần đây anh vừa cho xuất bản tại Paris một cuốn sách rất xuất sắc và lập tức được một tổ chức văn hóa lớn của nước Pháp giao giải thưởng vinh dự hàng năm. Như thế bảo chưa đẹp ư? Cứ như tôi hiểu, kể từ cụ phủ Trịnh Xuân Nham đến anh dòng họ ấy thế là cũng đã mấy đời tán tụ. Vùng quê các anh có câu “Tắm nước lá khế, gội nước là đào, đổi sổ thiên tào, người nào phận ấy”.