Đỗ Phấn khi viết văn vẫn có cái nhìn của một họa sĩ, tinh tế và kỹ lưỡng trong quan sát. Anh đặc biệt mạnh về chi tiết, những nhấm nhót đời thường, tất cả được vẽ bằng chữ nghĩa giàu màu sắc và đường nét, về một Hà Nội gồ ghề, xù xì, đắm đuối, trằn trọc… đủ mọi cung bậc cảm xúc. Anh day dứt về một Hà Nội xưa đã phôi pha những vẻ đẹp uyên áo, và cũng chấp nhận cái bộn bề của Hà Nội thời ẩm ương đầu thế kỷ này. Tập tạp văn Hà Nội thì không có tuyết vì thế khó nói là lạc quan hay bi quan, nó là điều ai nấy phải chịu. Điều quan trọng là cách nhìn và cách lên tiếng của họ, mà ở đây với vai trò một người nghệ sĩ pha chất kẻ sĩ, Đỗ Phấn không dửng dưng trùm chăn.
Số lượng hơn 90 bài tạp văn của anh trải theo chủ đề bốn mùa “Xuân - Hạ - Thu - Đông” cho thấy sức viết đáng kinh ngạc của một họa sĩ, người đã chọn nghiệp viết như một công việc chuyên môn, góp vào bên cạnh những cuốn tiểu thuyết hay truyện ngắn một giọng điệu nhất quán, chừng mực mà nhiều năng lượng sống. Chất dân gian phố phường của Đỗ Phấn đặc biệt thích hợp trong những đề tài về những cái nhôm nhoam của Hà Nội. Nó là thứ giữ chân người đọc với Đỗ Phấn, cũng như những cuốn sách đã in dồn dập gần đây của anh.
Nói về Tết – đại diện của Xuân, Đỗ Phấn chẳng ngại mà phang “họa sĩ đương đại rất ít người vẽ về không khí tết cổ truyền ở thành phố. Hoặc có thì cũng ‘hồi cố; vẽ lại những cảnh hội hè tết nhất nông thôn với hình ảnh cây nêu, cờ, phướn, đánh đu, chọi gà. Giả và gượng gạo.” (Tranh cho ngày Tết). Mùa Hạ, thật chẳng có gì hợp lý hơn là nói về những giải bóng đá, nhưng Đỗ Phấn cười buồn mà kể: “Euro 2004 là lần cuối cùng chúng tôi tụ tập ở nhà một người bạn bên Hồ Tây xem trận chung kết. Năm thằng ngả ngốn trên bộ ghế xa lông bọc da khổng lồ. Màn hình 45 inch phẳng lì sắc nét. Rượu whisky Ballantines 17. Nồi cháo gà ti tỉ reo trên bếp điện. Máy lạnh rù rì chạy... Uống. Và chờ. Kết quả là sáng hôm sau tỉnh dậy hỏi nhau, Bồ Đào Nha hay Hi Lạp vô địch?” (Bóng đá một mình). Hình như không có gì xuôi chiều, không có gì toàn hảo – một nỗi niềm vô vọng.
Và viết về Hà Nội một thuở, thực Đỗ Phấn là một giám khảo thú vị khi anh thấy “Tháp Rùa tồn tại bởi lí do thẩm mĩ là chính. Vẻ đẹp của nó rất khó gọi tên. Không phải thứ thẩm mĩ rạch ròi Đông Tây Kim Cổ của kiến trúc. Cũng không phải vì kích thước áp đảo của một tòa cao ốc. Lại càng không phải di tích lịch sử gắn liền với những chiến công hiển hách của tiền nhân. Đơn giản, nó chỉ như một nét chấm phá tuyệt diệu vào đúng cái nơi cần có trong khung cảnh mênh mang nước Hồ Lục Thủy.” Nói về một cột mốc “thẳm sâu và vợi cao” của Hà Nội, anh nhớ “hai chiếc ống khói của nhà máy gạch Đại La ở cuối đường Cát Linh. Một biểu tượng hiền hòa chất phác và kiêu hãnh của nền văn minh gạch máy đầu thế kỉ trước.”
Những câu văn lướt êm như không có gì mà lại gợi lên những từ “chuẩn”. Tuyết dĩ nhiên làm gì có ở Hà Nội, nhưng vẫn còn đó loại nhung tuyết mà Đỗ Phấn bỏ công níu giữ. Những bài tản văn nho nhỏ như những nét chấm phá ký họa, lúc lại như những vệt bút màu còn ướt sơn. Nhiều khi cái lãng đãng cũng làm người đọc sốt ruột, nhưng mà “Hà Nội không vội được đâu”, phải không nhỉ?