CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
CHÚNG TA VIẾT VỀ ĐỖ PHẤN

GẦN NHƯ LÀ SỐNG - ĐỖ PHẤN VÀ VĂN CHƯƠNG PHÂN LẬP - NICO

Thứ bẩy ngày 23 tháng 3 năm 2013 12:00 AM

Về Đỗ Phấn, mở ra hai mảng đề tài cần khai thác: Hội họa Đỗ Phấn và Văn chương Đỗ Phấn. Mảng thứ nhất, nên dành các nhà lý luận phê bình Mỹ thuật. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, nhiều năm đứng trên giảng đường giảng dạy Mỹ thuật, ông đã thành danh trong hội họa mấy mươi năm trước, trước khi đến với văn chương. Nhiều người lấy hội họa Đỗ Phấn tham chiếu, làm nền, làm đòn bẩy khi nghiên cứu văn chương Đỗ Phấn. Với chúng tôi, đó là một thiệt thòi cho ông. Người đọc thường có hai xu hướng: Hoặc khe khắt đòi hỏi ông phải khẳng định ngay vị thế trong văn chương ngang tầm hội họa, hoặc chỉ nhìn nhận như một thú vui nhàn tản của họa sĩ chen vào văn chương, xem nhẹ lao động văn chương mà ông đang say mê dấn thân thăng hoa tới ngưỡng. Chúng tôi nghĩ cần phải có cái nhìn công bằng với ông hơn. Hãy thử quên hẳn «họa sĩ Đỗ Phấn» để viết về Văn chương Đỗ Phấn.

«Gần như là sống [1]», cuốn sách mới nhất là tiểu thuyết thứ tư của ông  xuất bản đầu năm 2013 sau «Vắng mặt" (2010), «Rừng người» (2011), «Chảy qua bóng tối» (2012). Mười chương, dưới hình thức trần thuật tự sự ở ngôi thứ nhất của nhân vật chính tên Thành, một viên chức độc thân diễn tả tâm lý trên không gian ba chiều: Bản năng, tư duy và trí tuệ của con người. Bản năng hay thói quen sinh hoạt ăn uống và tình dục được kể lại qua hình ảnh các nhân vật và những mối quan hệ của Tôi với nhiều người đàn bà ở các tầng lớp xã hội khác nhau. Tư duy tôn trọng bản năng là tự nhiên, không định kiến, không phán xét và áp đặt đạo đức các hành vi giữ cho chủ thể đứng ở vị trí khách quan. Trí tuệ chính là bản lĩnh của nhân vật được nhân giống từ kiến thức, những trải nghiệm trong tình cảm và công việc không thuận lợi, kèm thêm niềm ham mê vừa phải với nghệ thuật giúp cho nhân vật giữ được năng lượng tồn tại cùng đồng loại giữa những biến náo và tha hóa của xã hội đương đại. 

Nhân vật của Đỗ Phấn luôn bị bản năng và ý thức co kéo bên dưới thẩm thấu đời sống để lựa những điều có thể tương thích mang lại cảm giác yên ổn nhất thời. Ông phơi bày sự ê chề của  cái tôi đời sống nhưng không khiêu khích chống lại nó mà là đánh thức mỗi cá nhân thay đổi và điều chỉnh hành vi sống bằng giọng điệu đôi khi bất lực và ngán ngẩm...


Ông sợ ồn náo xung quanh nhưng lại cần nó như một liệu pháp để cân bằng với những bước sóng âm thanh bên trong tâm hồn đang chực phá vỡ lớp vỏ bọc da thịt trần trụi...
 

Tại sao phải làm một việc rắc rối là mổ xẻ tác phẩm trong khi bản thân tác giả muốn ghi nhận chuyển tải cuộc sống qua cách nhìn tự nhiên, chân thực và giản dị nhất? Tuy cốt truyện «Gần như là sống» không phức tạp, tình tiết nhẹ nhàng, văn bản dễ đọc và cuốn hút nhờ duyên dẫn truyện sinh động cùng lối so sánh sắc sảo biếm - hài nhưng ý tưởng đã ngân âm vượt ngoài tầm tác phẩm. Cuốn sách trao cho  ta chính cái mà nó đang ẩn giấu. Nó đòi người đọc vận động, phải kiên nhẫn lang thang ngoặt nghẹo trong vô số những câu chuyện, sự việc li ti diễn tiến của đời sống thường ngày để nắm bắt được cái gọi là nỗi ám ảnh. Nó xoay quanh nhiều khái niệm trong văn chương phân lập (l’écriture fragmentaire) của dòng văn học hậu hiện đại (la littérature postmoderne) mà ông không chủ ý hướng tới: Tính trung dung; sự hiện diện và ẩn mặt; tính bình yên và bất ổn. Những mảng vụn ẩn hiện ngổn ngang làm nên thần cốt của truyện.

Những hình ảnh đầu tiên của tiểu thuyết xoay vào cảnh quán rượu nơi biển vắng. Chuyến đi của những người gốc hoặc định cư tại thành phố nhưng uể oải với cuộc sống nhàm chán trong thành phố, muốn thoát ra khỏi những «chiếc hộp xinh xắn»,  khao khát sự đổi thay nhất thời bằng chuyến du ngoạn về vùng hoang dã. Những gì Tôi thấy thì những người bạn đồng hành: Trọng – Yến, chàng doanh nhân đương đại tên Phi và chúng ta đều thấy trên diện phẳng; nhưng khi đã hiện diện trước cặp mắt sành sỏi của anh ta vụt ánh xạ một thứ ánh sáng khác lên ý nghĩ rồi lang thang tới tận cùng ngõ hẻm của các chi tiết sự vật lổn nhổn dắt díu tới liên tưởng và chiêm nghiệm. Kể và chiêm nghiệm đan xen. Từ quán ăn ven biển đến nhà hàng sang trong thị trấn, từ quán trọ nát tới căn phòng khách sạn, khuôn vẻ hấp dẫn của người bạn gái thăng hoa hưng phấn đưa họ tới với những cô gái làng chơi gặp ở ngoài cổng chùa. Cảnh làm tình kết thúc chương I sau này sẽ được nhấn nhá  lặp lại nhiều lần, cụ thể và luôn qua đôi mắt tỉnh táo tới thản nhiên cho tới hết cuốn tiểu thuyết.

Thủng thỉnh, Thành đưa người đọc trở lại thành phố, bộc lộ từ từ như trang nhật ký đoạn đời riêng của anh ta thời hiện tại - thời không bấn loạn. Bối cánh xã hội được đề cập giới hạn trong phạm vi của đô thị đang đà phát triển, xa với cảnh áo cơm, xen lẫn một vài hồi tưởng không cảm xúc về quá khứ. Tối tăm không nằm trong phạm vi chật chội, nghèo đói mà ở tốc độ đổi thay ngột ngạt được diễn đạt sắc gọn qua hình ảnh: «Chiếc xe phóng nhanh như bão. Hình như nó chạy theo tốc độ cạnh tranh của nền kinh tế thị trường. Vừa lành mạnh, vừa gian lận. Lành mạnh ở chỗ chạy đúng tuyến, đúng giờ, đủ khách khi xuất bến. Gian lận ở chỗ nhồi thêm khách bắt dọc đường và phóng nhanh vượt ẩu. Con đường không tiến kịp với tốc độ chạy xe. Cả những người đi trên đường cũng vậy. Đành bỏ lại giữa hành trình những hành khách kém may mắn… » (P.13). Giữa bối cảnh đơn chiều, mâu thuẫn trong tiểu thuyết không phải là những mâu thuẫn lớn lao của cũ và mới, của giai cấp hay dân tộc, mà đa phần phát sinh từ những quan hệ tình cảm cá nhân. Nhân vật Thành, một trí thức, có khả năng duy trì một cuộc sống tạm ổn,  không chịu chi phối của môi trường bởi anh ta tường tận thấu đáo hai mặt của nó nên chấp nhận và bình thản đối diện theo cách của mình. Trong các tác phẩm văn học, thông thường nguyên do hoàn cảnh xã hội tác động lên con người nhân vật, nhưng ở tiểu thuyết của Đỗ Phấn, chính nhân vật là nhân tố tác động lên sự hình thành một cách thức tồn tại mới của xã hội hiện tại cho dù nó không tiêu biểu cho hình thức nhân vật chính diện hay phản diện nào.

I/ Tính trung dung:

Sự hình thành khái niệm tính trung dung trong tiểu thuyết thể hiện trước hết ở phương thức xử lý mâu thuẫn đối với nhân vật chính trên một cốt truyện mờ và vắng bóng các tình tiết ly kỳ. Thành không là khuôn thước của cái đẹp và nhân cách cao thượng sáng ngời đáng ngợi ca của thời đại để văn chương tải thêm sức hướng thiện. Anh ta càng hoàn toàn không gồng lưng vác thói xấu xa, bệnh hoạn, thủ đoạn của tuyến nhân vật phản diện nên cũng khó có thể choàng lên cho tiểu thuyết chiếc áo giá trị giáo dục. Trung dung nhưng được chọn làm nhân vật chính của tác phẩm, hội tụ đầy cá tính và mâu thuẫn, anh ta nhàn nhạt  góp mình vào số đông trí thức của đô thị nơi mà «Giống nhau ở chỗ như tất cả những dân phố cũ chuyện tốt nghiệp một đại học nào đó với chúng tôi chẳng phải là việc khó khăn!» (P.43). Thành, nhân vật trong tác phẩm của Đỗ Phấn xa lạ với chủ nghĩa giáo điều.  Anh ta là mẫu số chung trần trụi và chân thực của hiện tại.

Con người ấy, cũng là người tử tế và sẽ không bao giờ mất đi sự tử tế. Thấp thoáng chút thương xót nào đó khi anh ta dừng mắt trên  đàn chó gầy trơ xương, lũ trẻ nghèo không đủ quần mặc, sự chia sẻ nào đó trước hình ảnh chiếc điếu cày bịt vòng nhôm gợi đến nhà tù, những chục nghìn gửi mua quần áo cho con chủ quán trọ, hay ý thức về sự «điên rồ», «khiếm nhã», hay tự nhận là «đốn mạt» khi để những ham muốn mơ hồ với Yến, người yêu của bạn, trôi trượt trong đầu.

Tính trung dung thể hiện quanh việc diễn tả mối quan hệ tình cảm lửng lơ giữa «Tôi» với Khánh Ly, với Yến… ánh nhìn  châm biếm về công việc cơ quan cũng như đồng nghiệp nơi anh ta đóng vai trò một kỹ sư, làm cái việc có cũng được, không cũng không sao. Khánh Ly xinh đẹp xuất hiện, chuyến đi dã ngoạn nhạt phèo cùng cơ quan là điểm khởi đầu cho của một cuộc tình.  Chương II - III và IV, không vội vã, nhân vật nhấm nháp từng sự kiện có thể gọi là  lớn trong tác phẩm: Chuyện cặp kè của Khánh Ly với trưởng phòng, vụ đánh ghen và chia tay tất yếu phải xảy ra. Cảm xúc của nhân vật chỉ òa bột phát khi mối quan hệ đã bị phá hủy ở lời tự thú: «Chỉ một hình ảnh duy nhất tôi muốn nó nhòa đi nhưng không thể được. Khánh Ly!»(P.217)

Tính trung dung được nhấn nhá qua chi tiết nhân vật quan sát tỉ mỉ tới lạnh lùng chiếc áo nịt của Khánh Ly vào lúc cô đang bị tấn công khi người ta chờ đợi ở anh ta một hành động khác, hay thái độ ngơ ngáo đề vuột mất hạnh phúc kề bên khi Yến bỏ đi cùng đứa con tương lai... Nhân vật bộc lộ nhu cầu vượt qua nỗi thất vọng nặng nề bằng cách làm mình thành xa lạ với xung quanh.

Tính trung dung sắc nét qua cách che giấu cảm giác tê tái tuyệt vọng trước một tan vỡ, được lặp lại dồn dập qua những ngồinhìn: «Tôi ngồi trong quán nhìn ra mặt đường nhộn nhịp» (p212). «Hư vô tôi nhìn ra phố» (p.213) «Tôi ngồi yên lặng nghe tiếng con chích chòe đến hót chuyện lép nhép lan man như tiếng dế» (p.216). Rồi lại: Tôi ngồi chăm chú ngắm nhìn dáng tần tảo khiêm nhường con chim cu gáy… (p.216)

Câm lặng. Bất lực. Ngồi và nhìn hoặc thủ dâm. Và làm tình với bất cứ ai khi có cơ hội. Nhạy như màn hình cảm ứng điện tử iPhone. Trong suốt tác phẩm, trước mỗi cuộc ra đi hay biến mất: Sự cố tai nạn của người bạn nhỏ thân thiết là Phi, việc ra đi của Khánh Ly, sự biến mất của Yến …những hành vi tính dục lặp lại, khủng khỉnh và tỉ mỉ, như nhu cầu ăn uống, như trò xem tivi bắt cá nhàm nhạt để đưa vào cơn ngủ dễ dàng…

Tính dục trong tác phẩm là chuỗi mắt xích buộc ta phải theo đuổi. Trơ mòn nhưng dai dẳng, tính dục thể hiện sự bất lực hay tuyệt vọng nhưng còn chứa chan tiếc nuối cuộc sống nơi con người hiệu hữu. Nhân vật cố làm mất mình trong một cơ thể sinh học khác. Hai cơ thể ẩn náu trong nhau, không phải là hành vi yêu đương lãng mạn nhưng cũng không mang tính khiêu dâm hay bạo lực. Nó  xoa dịu và lấp đi một trống rỗng tinh thần. Điều cần nói hình như vẫn chưa nói, điều chưa nói sẽ không nói nữa. Tính trung dung có hiệu ứng làm xóa mờ nhân vật tới mức phải biến mất. Đó là cái cách «Tôi cất mình vào nhàu nhĩ phố phường»[2]

Biểu đạt này đúng hay sai, đáng khen hay chê? Đi hết cuốn tiểu thuyết để thấy cách nhìn Đỗ Phấn: Chối bỏ mọi phán xét về giá trị. «Những nghệ sĩ chân chính không rẻ rúng bất cứ điều gì, họ tự buộc mình phải ngộ hơn là phán xét[3]»

II/ Sự hiện diện và ẩn mặt

Dừng lâu trước tựa đề «Gần như là sống», truy xét hai chữ «gần như», thử tra trên từ điển đồng nghĩa, gần nghĩa của từ «Sống» bằng tiếng Pháp, chúng tôi nhận được một số kết quả: Tồn tại, cư ngụ, hưởng thụ, tồn vong, ăn ở

Chúng tôi muốn dùng đến khái niệm «hiện diện» ở đây vì nó gần với cả hai nghĩa đời sống và triết học đề cập trong tác phẩm, chứng minh trạng thái phân lập của hiện hữu, mở ra nhiều điểm đặc trưng của khuynh hướng văn chương phân lập mà các nhà văn tiêu biểu được kể đến trên thế giới là Maurice Blanchot (Pháp), Tony Morrison (Mỹ), Jean Sénac (Algérie), Jerzy Nikodem Kosinski (Ba-lan)…

Thuật ngữ phân lập, tiếng la-tinh (fragmentum) được định nghĩa là “mảnh của một vật bị vỡ vụn, như phần còn lại của cuốn sách, của một bài thơ bị mất đi” (Littré) [4].  Một vài đặc trưng nổi bật của văn chương phân lập là phá bỏ quy chuẩn của cấu trúc như luật phát triển và tháo gỡ cao trào, không chú trọng xây dựng nhân vật mà làm mờ nhân vật, phân tán các chi tiết rời rạc thành nhiều mẩu mảnh trong thế giới ngẫu nhiên, côi góa đối thoại, hạn chế bộc lộ cảm xúc chủ quan… Không còn bị giới hạn về kỹ năng và nguyên tắc, nhà văn tự do phát triển khả năng tư duy tìm kiếm cái tôi giữa hỗn mang cuộc sống. Hiệu quả mà văn chương phân lập mang đến cho tác phẩm và nhân vật được Maurice Blanchot[5] cô đọng trong một câu sinh động: Lấp lóa một cô đơn, trống rỗng cả bầu trời, thoi thóp: ôi, thảm họa! (L’écriture du désastre – P.219) 

Trở lại với “Gần như là sống” của Đỗ Phấn, để phác họa được chân dung nhân vật trong tiểu thuyết, người đọc phải làm công việc liên kết nhiều mảng chi tiết hỗn mang ngẫu nhiên ấy, chắt lọc lại bằng những nhát xén sao cho nhân vật từ một kẻ xa lạ trở thành quen thuộc. Dù ông không quan tâm đến phương thức xây dựng chân dung nhân vật nhưng chịu cóp nhặt một số chi tiết, ta vẫn có vài thông tin diện mạo của nhân vật Thành qua lời kể về người vợ cũ: “Những nét quyến rũ đàn ông”, «thân thể cường tráng và nước da rám nắng rất phong trần». (P.8); có “bộ răng di chỉ thời tem phiếu”…(P.247), qua hành vi tự nhận diện mình bằng kiếm tìm trong gương: «Tôi kinh hãi trả lại chiếc gương về chỗ cũ. Phải mất vài tháng sau mới có thể quên đi được bộ mặt phì nộn biến dạng của mình. Từ đó ở bất cứ đâu khi nhìn thấy gương tôi đều cố ý tránh xa...Tôi không bao giờ để ý đến nó. Hay chính là không bao giờ để ý đến mình. (P.289). Thấp thoáng hiện diện, nhưng xa lạ với bản diện hay chính con người mình, anh ta lập tức phủ nhận và tìm cách ẩn mình.

Xã hội trí thức cũng bật tín hiệu hiện diện, nơi «Mối quan hệ nhằng nhịt thành phố rất hiếm khi có thể gọi là tình bạn. Tôi không thể thân thiết với những ông nhàn tản suốt ngày ngồi nhà bật máy nghe nhạc giao hưởng để phân biệt cách chơi của những giàn nhạc nổi tiếng thế giới. Đơn giản chỉ vì tôi không có hai thứ tối thiểu. Thời gian và máy móc hiện đại. Lại cũng không thể rượu chè hàng quán liên miên cũng vì thiếu hai thứ là sức khỏe và tiền bạc. Không đàm đạo văn chương nghệ thuật với mọi người vì những gì mình biết thì họ cũng đều biết cả… », vô hại nhưng trống rỗng cũng bị phủ nhận, mờ dần qua thái độ xa lánh của nhân vật. Bật trong tâm thức người đọc câu hỏi: Tôi cần gì, tôi khao khát cái gì?   

Các nhân vật liên quan tới cuộc sống của Thành không có nhân dạng cụ thể rõ rệt mà mang một vài đặc tính gợi cho người đọc những tưởng tượng về tính cách. Đỗ Phấn không tả nhân vật mà dùng biện pháp sáp gần với một hình ảnh khác. Đây là phong cách nổi bật của ông thể hiện thành công và sinh động trong suốt bốn cuốn tiểu thuyết và nhiều tập tản văn khác làm nên sức duyên dáng hấp dẫn trong văn ông. Người đọc không trực tiếp khám phá nhân vật mà phải thông qua hình ảnh thứ hai, mập mờ và kém tin tưởng hơn, nhưng có tác dụng hơn. Cách thức này làm biến mất tiết diện thứ nhất là đối tượng trực tiếp mà ta chưa kịp thấy vì không phải là cái mà tác giả có chủ ý diễn tả, phơi bày ngay một lớp khác, hàm chứa sự phủ nhận. Phảng phất nụ cười tinh quái: đàn ông mà ông không ưa lướt qua bàn phím ông thì “Nét mặt bẳn gắt táo bón, có gương mặt lâu ngày gặp rất nhiều khó khăn trong việc đại tiện.” (nhân vật Khôi trưởng phòng – P.64), phụ nữ ông không yêu đều “da mặt trông như sắp sửa xông lên chiếm lĩnh sân khấu nước nhà” (P.64), hoặc: “Chiếc bụng núng nính hằn lên từng múi như những khoang chứa trên tấm đệm nước. Nụ cười toen hoẻn… (Huyền vợ Khôi - P.83). Các nhân vật khác: Hương vợ cũ, Trọng, Phong, Khải hay Chi, Quyên không mang xung đột tâm lý sâu sắc nên dần mờ nhạt trong tác phẩm. Xung quanh Thành còn tồn lại những hình thù quái quỷ múa may nhảy nhót và những hiện diện nhạt nhòa.

Nhân vật Phi xuất hiện mang lại không khí hứng khởi cho tác phẩm. Một doanh nhân trẻ năng động, tử tế, tràn đầy sức sống, nuôi dưỡng mơ ước trí tuệ là nắm bắt nghệ thuật đích thực bỗng bị tai nạn, không còn khả năng tự sinh tồn. Anh bị biến dạng đột ngột, «như một em bé sơ sinh không có dấu hiệu trưởng thành»! Người đọc buộc phải chấp nhận sự phũ phàng của thực tế, phải tập quên, đối diện với chặng đường trước mắt không còn bóng dáng hiện hữu của người vừa khơi nên thiện cảm, gần gũi và đành bằng lòng với một hiện diện mới.

Các nhân vật của "Gần như là sống" hiện diện rồi ẩn mặt trong những biến thể của đời sống. Họ vẫn tồn tại dưới dạng cảm xúc lát cắt, mảnh vỡ nhưng không đáp ứng được ý nghĩa đích thực của một gương mặt đủ đầy. Họ bỏ mặc cho Thành một vũ trụ trống hoang lơ lửng những ám ảnh về ý nghĩa hay giá trị sống của con người. Anh ta đi tìm bản thân giữa ảo ngộ mờ nhạt ký ức, níu vào bản năng tẻ nhạt, lộn xộn như chuyển động Brown giữa trường con người...

III/Nền tảng tư tưởng qua phương thức bộc lộ trong "Gần như là sống»

Lướt qua hành trình tiểu thuyết của Đỗ Phấn, ta nhận thấy ngay từ cuốn đầu tiên - tiểu thuyết «Vắng mặt» đã mang những nét đặc trưng của văn chương phân lập. Từ đó đến nay, ông kiên trì với chiến lược văn chương của mình. Ta cảm thấy ông diễn đạt thoải mái theo mạch cảm xúc và tư duy mà không bị ràng buộc bởi một hình thức nguyên mẫu nào. Chúng tôi nghĩ, có thể tâm thế thời cuộc đã đưa tác giả đến với văn chương phân lập chứ  bản thân tác giả không dụng ý sử dụng văn chương phân lập.

Người ta nói Văn chương là cuộc sống. Nhưng với Đỗ Phấn, câu nói mang sắc thái ngược lại: cuộc sống là văn chương. Làm thế nào mà một cuốn tiểu thuyết, chỉ có một người đàn ông, từ trang này sang trang khác, chỉ mô tả những gì anh ta làm, anh ta thấy, anh ta tưởng tượng, có thể cuốn người đọc đến trang cuối cùng, và gấp sách chưa phải là hết, còn trằn trọc bao dấu hỏi, bao giả định và cảm xúc miên man khác về văn chương, về cuộc đời, về cái cách tồn tại trên đời, về thế giới cái tôi tưởng rằng đã rọi sáng nhưng vẫn còn nguyên đâu đó khoảng tối...

"Gần như là sống" là cuốn tiểu thuyết thành công nhất của Đỗ Phấn và văn học Việt Nam đương đại về lớp trí thức xuất thân ở đô thị gạo cội. Tiểu thuyết của ông trung thành với đời sống đô thị, bối cảnh nơi ông sinh ra và lớn lên cùng với bể dâu đất nước.  

Phải là người yêu Hà Nội thiết tha mới trăn trở nhiều đến thế. Như người lẩn thẩn nâng niu những mảnh vụn của hoài niệm và thời gian, nhấc lên đặt xuống, trau chuốt trong tản văn, chắt chiu vào tiểu thuyết. Giữa nhịp sống quay cuồng đô thị, ông đau. Đau cho tâm thế bất lực và trực cảm vô nghĩa. Đau cái cách bị ai đó cấu xé đi ký ức mỗi ngày.

Ý nghĩa của cuộc đời, niềm vui nỗi buồn nhân vật của ông gắn với thành phố. Giữa ổn định, là hoài nghi: “Cái yên tĩnh tuyệt đối đã làm tôi bối rối về một không gian không có thực!” (P.275)  

Ta thấy như chính ông đang hốt hoảng hoang mang giữa: Thành phố không mùi (p326); Thành phố toàn một màu rêu thời trang làm cho con mắt nhiều lúc cảm thấy không màu. (p328); Buổi sáng không màu. (P328). Ông sợ âm thanh, hương vị màu sắc của thành phố bỏ ông đi.  

Chua chát, khi khứu giác thị dân khôi phục lại cảm nhận được mùi cống nồng nặc của “con sông Tô Lịch ở cửa ô cạn dòng đặc sánh”( P.329). 

Và mê sảng giữa ban ngày: “Mở tủ lấy quần áo ra mặc, tôi vẫn nhìn thấy mấy viên bang phiến mòn nằm lăn lóc ở đấy nhưng tuyệt nhiên không ngửi thấy mùi gì. Quá sức kinh hoàng. Tôi đã trở thành một rỗng không trọn vẹn. (P.324).  

Hình thức trần thuật tự sự trong “Gần như là sống” đối với văn chương phân lập là cách diễn đạt thuyết phục và khôn ngoan nhất: Nó phù hợp với tiêu chí hiện thực và tính xác thực của đời sống. Nó mang tính thỏa hiệp cho sự hiện diện song hành thường trực của tác giả và người kể chuyện. Tác giả vừa có thể tránh được sự soi mói tò mò từ phía độc giả hẹp hòi định kiến vừa có thể qua nhân vật mặc nhiên bộc lộ mình. Hơn thế, người kể la cà trong dòng suy nghĩ của anh ta mà không cần phải tuân theo trật tự và cũng có thể bỏ lửng những chuyện đang kể không cần bận tâm cho hồi kết. Anh ta còn độc thoại nội tâm là còn hiện diện, còn ý thức, còn cật vấn…cho dù thế giới xung quanh, các nhân vật Khánh Ly, Phi và Yến…cùng mọi mối quan hệ xã hội đang dần vỡ vụn, mờ nhạt và biến mất. Nhưng, dù anh ta hoạt động không ngừng, di chuyển, làm tình hay kể lể liên miên những quan sát rời rạc thì đeo đuổi độc giả vẫn là nhân vật đang kể, nhỏ nhoi, cô đơn làm sao với vẻ thản nhiên che giấu sự bất lực không muốn bật thành lời. Nhói lòng người đọc cảm giác đắng chát, nỗi đau thầm lặng dai dẳng hơn phải chứng kiến bất cứ một gào thét ẩm ướt nào.

Hầu hết trong các tiểu thuyết của Đỗ Phấn đều vắng đối thoại hay nói đúng hơn những mẩu đối thoại hiếm hoi đều được biên tập lại thông qua lời kể của nhân vật dẫn truyện. Đối thoại giúp cho nhân vật trao đổi và cùng tác giả phát triển tiếp vấn đề, khiến cho không gian xôn xao âm thanh giao tiếp của cuộc sống. Cắt đi đối thoại là ngầm báo cho người đọc đối tượng vắng mặt vào lúc anh ta đang kể hoặc có thể hiểu anh  ta đang trò chuyện trong tưởng tượng. Trong «Gần như là sống», qua bản tính đa nghi của nhân vật Thành, chúng tôi nghĩ có thể tác giả muốn khẳng định  sự hoài nghi về tính chân thực của những thông tin sẽ nhận được từ ngôn ngữ đối thoại hoặc là sự vô nghĩa - vô tác dụng nào đó của đối thoại. Sự côi góa đối thoại trong suốt tác phẩm cũng gieo vào lòng người đọc cảm giác Thành luôn một mình đeo đuổi những ý nghĩ của riêng anh ta và thường rơi vào trạng thái hụt hẫng cô đơn. Hủy bỏ giá trị của đối thoại, đơn phương rong ruổi trên hành trình chất chứa đầy những phủ nhận, tiểu thuyết thứ  tư này của ông khẳng định khả năng khai thác tâm lý nhân vật đạt đến độ điêu luyện, chứng tỏ vốn hiểu biết thấu đáo và tinh tế con người xã hội trên nhiều phương diện.

* * *

Khai thác thành công sự giằng xé giữa bản năng, tư duy và trí tuệ con người, “Gần như là sống” dựng một không gian tâm lý ba chiều mở ra giả định triết học cho tác phẩm.

Bản năng đòi hỏi một tư duy mới, tư duy này phải chấp nhận những mổ xẻ của trí tuệ, chấp nhận câu hỏi ý nghĩa về nó để con người có thể sống theo ý nghĩa đích thực.

Thế giới mới còn lẩn khuất và thế giới cũ đã biến mất. Con người tin chỉ có thể hạnh phúc khi vắng mặt hai thế giới này. Chúng ta sống trong thời đại của sự bắt đầu không hồi kết, đó là  mê cung thư viện Babel [6] được viết bởi nhà văn mù, có con chó Argos tiết lộ nó vừa là Ulysse, Homère, Joyce và Borges. Ta có thể đi, đi bất tận từ cuộc đời này sang cuộc đời khác sẽ vẫn chỉ tìm được chính những cuốn sách cũ được xếp đặt trong một trật tự mới. Nhưng niềm tin của ta sẽ giảm đi mọi cô đơn tuyệt vọng nhất thời…    

Thành đang ở đâu, anh ta không biết, anh ta sẽ không bao giờ biết. Bạn đang ở đâu, tôi đang ở đâu, chúng ta phải tiếp tục đi! Có lẽ Đi là Sống.

 

N.C – Paris, ngày 17 tháng 3 năm 2013



[1] Gần như là sống , 2013, TIểu thuyết của Đỗ Phấn – Nhà xuất bản trẻ, 392 tr.

[2] Lời đề từ

[3] Albert Camus (1913-1960) – Trích lời bài phát biểu tại Thụy Điển, lễ nhận giải thưởng Nobel văn học.

[4] http://littre.reverso.net/dictionnaire-francais/definition/fragment/32647

[5] Maurice Blanchot (1907 – 2003): Tiểu thuyết gia, triết gia và cũng là nhà phê bình văn học Pháp

[6] La Bibliothèque de Babel - Jorge Luis Borges (1899 – 1986)

Chia sẻ trên Facebook