CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
CHÚNG TA VIẾT VỀ ĐỖ PHẤN

ĐỖ PHẤN - NGƯỜI VĂN KHIẾM THỊ - PHẠM NGỌC TIẾN

Thứ bẩy ngày 26 tháng 1 năm 2013 12:00 AM

Xin nói ngay không phải mắt mũi ông họa sĩ kiêm văn sĩ này có vấn đề gì, ngược lại bên trong chiếc kính lão mắt tròn mô típ cổ xưa thường trực trên mặt là đôi mắt sáng luôn ngậm một ngọn lửa âm ỉ vừa tinh anh, khao khát vừa kiêu bạc phớt đời và có phần ranh mãnh pha chút trầm mặc của Đỗ Phấn. Khiếm thị là cách nhìn nhận của tôi áp vào phong cách sáng tác văn chương của gã. Chuyện nói sau.

Chẳng nhớ quen Đỗ Phấn từ bao giờ chỉ biết gã là một phần không thế thiếu của những cuộc rượu bạn bè bất tận và triền miên kéo suốt nhiều năm qua. Trong đời có hai người uống rượu, cái thằng tôi ngưỡng mộ đó là Bảo Ninh và Đỗ Phấn. Ngưỡng mộ vì cách uống. Bảo Ninh uống bao giờ cũng nâng ly thành kính hít hít hà hà rồi mới chiêu từng ngụm nhỏ. Động thái này là của người quý rượu. Đỗ Phấn thì lặng lẽ ngắm ly như đo đếm đối thủ thách đấu rồi nhẩn nha tận hưởng thành quả. Tôi gọi đó là người biết thưởng rượu. Những cuộc rượu có Đỗ Phấn thường kéo rất dài vì cái thú uống chầm chậm của gã. Tôi thì khác, nhập cuộc là nốc. Thế nên trong những cuộc nốc ấy cái thằng tôi đa phần là tỏi khó bề sống sót thường say đến tận đỉnh tóc. Cái sự uống của Đỗ Phấn suy cho cùng nó ăn nhập với tính cách của gã là sống chậm, sống từ tốn nhưng khi Đỗ Phấn vừa cầm cọ vừa cầm bút tức là nhảy sang lĩnh vực văn chương thì cái sự chậm đã không còn chính xác. Hiếm có nhà văn nào trong chỉ chưa đến chục năm đã cho ra đời số tác phẩm kín cả mười đầu ngón tay. Khủng khiếp. Mà cuốn nào cũng dày dặn, cũng cẩn trọng công phu như thể đấy là tác phẩm cuối cùng của đời cầm bút ,như thể đã đến ngày tận thế. Khe khe…

Đỗ Phấn là ai? Tất nhiên ở lĩnh vực hội họa chẳng ai không biết đến Đỗ Phấn, một họa sĩ tài hoa và thành danh từ lâu. Cái danh của họa sĩ nó khác văn chương một trời một vực. Tức là ở khoản đời sống. Họa sĩ có danh kèm theo tranh bán được dĩ nhiên là có nhiều xiền để có một đời sống sung túc. Văn thì còn lâu nhé, đừng mơ. Hội họa là thế còn văn chương? Tôi nhớ lâu lắm rồi, dạo báo Lao Động còn in báo tuần, tôi cực mê mục tản mạn chỉ mấy trăm chữ bao trong cái ô màu vàng nhạt. Chen chân được vào đấy phải thuộc hàng cao thủ về văn phong và độ nén kiệm chữ. Cứ gọi là xếp hàng dài dài nhé. Sau này báo ra hàng ngày có đỡ hơn nhưng không phải cây bút nào cũng chen vào được chuyên mục đó. Vài nghệ danh ở mục này sau thì tôi phát hiện ra của chính Đỗ Phấn. Hay thì đã đành nhưng ăn hết phần thiên hạ đến mức mỗi khi gửi, gã chơi luôn một chùm 5 bài để dùng dần thì cũng quá quắt thật thế có khác gì cướp “cơm chim” của đám viết bọn tôi. Những tản mạn của Đỗ Phấn được tập hợp lại và thành cuốn sách đầu tay của gã, “Chuyện vãn trước gương”. Thói thường tản văn là thứ hương hoa các nhà văn sau khi đẻ đái sòn sòn kính thưa các loại thể mới sờ đến món này để chơi là chính. Nhưng Đỗ Phấn chọn tản văn để dấn bước vào nghiệp văn kể cũng gọi là liều. Bảo thì Đỗ Phấn cười hề hề chơi ấy mà. Lúc đó tôi bụng bảo dạ thằng cha này nhiều tiền dửng mỡ, ừ thì chơi. Chơi món văn veo chữ nghĩa là chơi dao đấy, cẩn thận. Đọc kỹ tập tản văn đầu đời này của gã họa sĩ tôi giật mình dù trước đấy đã đọc lẻ khá nhiều. Đó là tập hợp của những cảm xúc những trạng thái tinh tế và sau cùng nó rất đẹp khi diễn giải về một đời sống quá đỗi xô bồ nơi phố thị. Vẫn uống rượu vẫn mê tranh vẫn tranh thủ viết để khoắng cái minh họa truyện của Đỗ Phấn (tôi viết truyện ngắn ở báo Lao Động bao giờ cũng kèm theo yêu cầu phải là Đỗ Phấn minh họa) nhưng tôi đã ngầm chủ ý xem cha này chơi văn thế nào hay chỉ là một bột phát ngẫu hứng. Câu trả lời có liền sau đó. Liên tiếp là những tập truyện ngắn rồi tiểu thuyết lâm bồn. Mà lại là một lèo đến 3 tiểu thuyết mới đau cho dân văn vừa lười viết vừa cạn vốn như cái thằng tôi chứ. Giời ạ, nếu chỉ là thứ văn chơi chơi thì chả có gì đáng nói. Đằng này, Đỗ Phấn xuất hiện với tâm thế của một cây bút chững chạc thu hút được sự chú ý đặc biệt của văn giới. Tiểu thuyết đầu (Vắng mặt-2010) thậm chí còn được giải của Bách Việt nhưng nghe đâu nhà sách này trục trặc chi đó nên việc trao giải không thành. Thôi, thế cũng đã là quá tốt rồi. Nhiều lần đàm đạo qua cuộc rượu tôi biết tỏng cái sự chơi như Đỗ Phấn nói chỉ là câu xã giao cửa miệng. Thực thì gã đã dấn thân một cách quyết liệt vào văn chương. Những điều hội họa không tải nổi, Đỗ Phấn đã mang nó nhập vào văn học. Tôi không mấy rành lĩnh vực hội họa chỉ nghĩ nôm na nghệ thuật của hội họa được thể hiện bằng hình khối, màu sắc, ý tưởng, hình ảnh…Cho dù bất kể trường phái nào thì hội họa cũng là nghệ thuật của sự hiển thị cho dù nó là hiện thực là ấn tượng là trừu tượng là siêu thực…vân vân. Khi chuyển từ hội họa sang văn học Đỗ Phấn trong tác phẩm của mình không còn là cái “nhìn” như lúc vẽ tranh mà là nhập cuộc từ bên trong ra. Gã dùng ngôn ngữ tải cái “tôi” tận cùng để trình bày những cung bậc trạng thái của mình. Kiểu viết từ trong ra này chẳng phải ai cũng làm được. Nó là kết quả của những chiêm nghiệm những đúc kết hay giản dị hơn là những trải nghiệm sống và phải thực sự có bút lực. Có cảm giác Đỗ Phấn nhắm mắt khi viết. Khiếm thị là vì thế. Gã không nhìn nhận đời sống không mô tả nó, kể về nó mà bước đi trong đó, vừa đi vừa ngẫm ngợi và bóc tách. Chính kiểu viết này cho Đỗ Phấn những trang văn chậm rãi đầy triết luận nhưng âm ỉ cuốn hút. Một đời sống đô thị với đủ mọi góc cạnh cứ thế được bóc dần, hiện ra xô bồ nhưng trật tự, hang cùng ngõ hẻm những gì xấu xa nơi tận cùng thú tính con người thì vẫn là đó trong một tâm thế độ lượng chấp nhận. Nhân vật của Đỗ Phấn dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, vị thế nào cũng vẫn “người” thật là người. Vượt lên trên tất cả những điều đó cuộc sống trong các tác phẩm của Đỗ Phấn là một cuộc sống thực đôi lúc tàn nhẫn nhưng con người trong đó chưa bao giờ  đánh mất đi niềm khao khát sống. Đỗ Phấn từng thốt lên rằng bất cứ nghệ thuật nào thì cũng đều là tôn vinh cái đẹp. Có lẽ là thế. Và Đỗ Phấn là thế. Một người văn nhập cuộc hết mình đi đến tận cùng mình.

Hôm rồi nhân có một đám ma bạn, Đỗ Phấn tạt qua nhà tôi chơi. Gã uống chút ít và tự nhiên tâm sự. Nghề văn nghèo ông ạ. Tôi không hiểu bắt gã giải thích. Nhà văn ít người có điều kiện để có thể kiếm sống. Vậy tại sao ông lại chọn nó? Tôi khác, tôi còn vẽ được tranh…Tôi lồi mắt nhìn Đỗ Phấn. Những điều tôi biết về gã lâu nay chừng như không đủ để giải thích vì sao Đỗ Phấn lại chấp nhận cuộc chơi văn chương. Không phải là xã giao cửa miệng như tôi nghĩ lúc trước nữa, văn chương đúng là cuộc chơi thực sự của Đỗ Phấn. Một cuộc chơi dấn thân đến tận cùng quyết liệt để moi ra những gì còn ẩn giấu. Âu là Đỗ Phấn đang tự bóc mình để giải tỏa những chất chứa nội tại. Bất giác tôi mỉm cười hình dung ra một Đỗ Phấn nhà văn chậm rãi khiển từng con chữ như cái cách gã im lìm ngắm nhìn ly rượu và uống nhẩn nha. Nghèo, nhất trí ông bạn Đỗ Phấn ơi, nghề văn của chúng ta nghèo nhưng tột cùng hạnh phúc. Hãy tận hưởng nó. Khe khe khe…

P.N.T 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook