«Có nhiều con đường để xuyên qua một rừng cây. Có nhiều rừng cây chưa in dấu con đường. Nhưng không có con đường nào đủ dài để đi xuyên qua rừng người. Rừng cây, rừng người. Chặt cây phá lối đi qua một rừng cây. Phía bên kia lại bắt gặp rừng người. Chen nhau mà đi. Vòng quanh...vòng quanh. Rừng người bất tận... *»
Rừng người càng bất tận, nhân vật của Y càng hẫng hụt cô đơn. Khép sách, tôi những muốn tìm giúp anh ta giải pháp thoát khỏi Rừng người nhưng ngoảnh lại, giật mình nhận ra chính mình cũng đang tõm rơi bơ vơ giữa Rừng người.
Văn Y trần trụi cuộc sống. Tỉnh táo, không phán xét, thản nhiên tới mức lạnh lùng. Cồn cuộn ngấm ngầm cơn khát vượt qua cánh rừng thành phố tìm lại những bóng cây an hòa hiền lương từng hiện hữu và luôn tiềm ẩn giữa mỗi con người. Đó là lối văn gần với Kẻ xa lạ của Albert Camus**, …Hoa từng mùa của André Maurois***.
1. Y- áo pull quần bò, trong ánh sáng dịu, mơ hồ nghiêm cẩn lẫn suồng sã, khoanh chân trên sàn, ôm cây ghi ta gỗ, những ngón đẹp như tay vũ nữ búng những hợp âm rời vụn giữa đám bạn: Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Phạm Xuân Nguyên, Chu Hồng Sơn, Văn Sáng… liền bên một thiếu phụ mặn mà...
Chivas Regal 18 năm. Vài món nhắm đa sắc ngả sang xu hướng ẩm thực chay. Bữa nhậu có vẻ vừa như bắt đầu, nhưng cũng vẻ đã diễn ra từ tuần nào, năm nào, tháng nào của những ngày cũ. Nói là sang trọng cũng phải mà hoang đàng, bừa bộn cũng có lý...
Gương mặt biểu cảm của những xung đột: mái tóc cắt ngắn lượn tròn, màu xanh đen vẫn chủ đạo toát lên trẻ trai, ngang tàng, tự tin tươi mới. Vầng trán cao vừa độ ẩn chứa những bất thường và thông minh chìm lặn. Chòm râu phơ phất kín cằm ngả màu hoa lau xám, buông trước ngực như khẳng định vị thế của bậc trưởng lão nếm đủ mùi vị thế cuộc.
Đêm trắng. Vẽ. Viết. Thay đổi tọa độ. Say.
Da quá mịn so với tuổi ngoại ngũ tuần, xanh tái, ửng men, cặp môi ham hố, đam mê đỏ son không bình thường như kẻ mới biết khui nút chai. Ánh mắt qua cặp kính mắt tròn muôn thuở sáng trầm: mơ, quái, phiền buồn, biểu cảm trạng thái thấu thị hình ảnh phía sau, phía truớc và chẳng muốn nhìn thấy gì, nhớ gì. Gương mặt im im, phẳng lặng trĩu ký ức thời gian cộng hưởng.
ĐỖ PHẤN
Y dửng dưng hay Y đang chịu đựng sự diễn xung quanh.
Phải, có lẽ Y là gương mặt duy nhất tôi đã gặp có sự kết hợp chéo ngoe giữa hiện đại và cổ xưa, giữa trẻ và già, giữa lịch lãm và hầm hố mà vẫn có một thống nhất thuần khiết nào đấy mà người ta gọi là sự trong sáng của tâm hồn.
Sự kết hợp một phần do tạo hóa, một phần do nỗ lực chính nhân vật tự tạo ra cho mình với niềm xác tín vào giá trị của sự khác biệt hoặc không thể chịu đựng nổi sự đồng dạng, trùng khít theo trình tự số đông phép đếm của chứng minh thư nhân dân...
Giọng Y đột ngột nấc lên cao chua gắt rồi đổ ào thổn thức, lịm chìm, vang, ấm. Âm giai ư ư a a tãi ra kéo dài. Hẫng hụt. Hẫng bởi bỗng Y không thiết trò hát hò chứ không phải thiếu chưởng lực. Thật khó biết Y đang vui hay đang buồn. Lung bung mấy khúc ứng tấu, Y buông đàn, nâng rượu băn khoăn ngắm mãi ly giữa những ngón trắng bệch tìm kiếm thông tin nào đó dưới đáy.
Chẳng có thông tin nào ngoài thông tin thân xác Y đã lưu trữ mã gen di truyền của chính Y. Có chăng là chúm râu te tua, kiêu hãnh nhúng vào ly Chivas ướt sũng...Và khi say, Y yên vị, tự gục xuống vòng tay mình thiếp nhẹ...
Ngủ trưa- ĐỖ PHẤN - Sơn dầu - 75x100cm-2011
2.Dọc ngang phố Hà Nội ngẫu nhiên có thể gặp Y bất kỳ trước tín hiệu đèn giao thông, xe máy nhạt màu, đủ chắc khỏe luồn lách, bật vọt khi cần. Mũ bảo hiểm cũ cũ. Kính John. Nghiêm nghị nhìn thẳng. Khép gối. Không muốn chạm vào ai. Và chắc chắn không muốn ai chạm vào mình.
Sau yên xe, một chiếc mũ buộc hờ phòng khi có khách ruợu quá giang. Chòm râu lơ phơ đưa đẩy sau luồng khí ép của những động cơ chuyển động phía trước. Y bỗng bí ẩn, kín bưng như được chụp lên mặt lớp silicon. Chiếc mặt cô đơn, bơ vơ giữa đồng loại, trôi trên đường sau đêm trung thu.
Khó mà đoán định được người đàn ông song song cạnh mình thuộc thành phần nào giai tầng xã hội hiện hành. Quá nhiều đáp án cho một nghi vấn. Người ông ngoại lách đường hấp tấp đi đón cháu. Một viên chức hồi hưu trước tuổi vội đến bãi bia. Gã nghệ sỹ chưa kịp thành danh. Vị giáo sư khó tính hay vặn vẹo. Mà cũng có thể là tay đề đóm, tranh thủ kiếm thêm cuốc xe ôm, giải đen...
Bốc điện thoại, tôi chờ. Sau mươi phút ông anh ngật ngưỡng tới. Trạng thái giữa ể oải và bình thản, không thể nói là nguội lạnh dành cho tôi mà cũng có thể dành cho ai đó. Ví như là một tinh thần dân chủ tương tác trong giao tiếp vậy...
Tôi nghĩ mình sẽ phải tháo chiếc mũ bảo hiểm treo sau xe máy của Y sao cho nhanh. Chiếc quai mũ thấm mồ hôi, khóa bấm khi mở khi không. Bà lão xách bu gà đứng dựa gốc sấu bỗng xông tới bám lấy Đỗ Phấn, lườm bật tôi ra:
- Ờ cái bác này, sao đi tranh xe ôm của tôi? Tôi gọi trước, tôi gọi kia mà...
Hình như có nụ cười giữa phờ phạc râu. Y tưng tửng lạnh, ngả xe làm như sẵn sàng chở bà lão ôm gà.
- Nào cụ về đâu? Bến xe Mỹ Đình hay ga Trần Quý Cáp? Cơ hội để cho tôi kiếm thêm mấy đồng riệu dồi.
Bà lão ôm gà bỗng cảm thấy không ổn, hấp háy nhìn nhìn Y hồi lâu. Nhãng ra liền.
- Không, không, tôi vái cả nón. Ông già râu trắng tới ngực thế này thì sức mấy lai thồ bà lão này bảo đảm. Không khéo lại vạ lây với ông...Chẳng dại.
- Tôi lấy rẻ nửa tiền thôi. Chỉ lấy công không tính tiền xăng.
Y nì nèo, gạ thêm.
- Ông lão này hay nhỉ, đã bẩu không là không mà lại. Cũ người như thế mà cứ ám người ta...
Nét cười hư vô ẩn trong râu. Đã kịp chụp chiếc mũ lên đầu thằng em dại.
- Đi đâu bây giờ nhỉ? Giọng Y nhẹ hều. Anh và em ngẩn ngơ một lúc. Chiếc xe vẫn cứ nổ máy tiến lên.
- Chặc, người này làm xe ôm cho người kia. Cùng một vòng tròn. Nghệ sỹ, đôi khi làm xe ôm cho mình không xong...
Có lẽ thế, thưa ông anh phận nghệ sỹ không phải lúc nào cũng được nhìn nhận khách quan ngay cả trong những điều sơ đẳng. Họ đã, đang và mãi mãi phải chịu đựng “bất công hồn nhiên” những gì thuộc về thế giới hiện thực, ngoài nghệ thuật của họ.
Mùi cognac, mùi sơn dầu quyện vào nhau, phụ họa với giọng bỗng xuống trầm, hình như Đỗ Phấn đang buồn. Không, có lẽ chẳng cứ, bất cứ lúc nào thì Đỗ Phấn cũng có khoảng khắc buồn vui đan xen.
Bà lão ôm gà, đâu biết “ông lão cũ người” là một trong những nghệ sỹ đa tài đặc sắc nhất nhì thế hệ sinh những năm 50, người Hà Nội gốc. Một gương mặt văn nghệ đương đại mà ai không cơ hội tiếp cận, coi như đã thiệt thòi một cảm giác đặc sắc về nghệ sỹ Hà Nội. Đó là cảm giác dung lượng văn hóa đủ nhâm nhi mấy chục năm nữa trong bộ nhớ kí ức của Y về Hà Nội được nén chặt giao thoa, ánh xạ qua trực cảm văn hóa đương đại, phảng phất nỗi buồn cổ xưa và toát ra bao dung của những chiêm nghiệm...
Hoa loa kèn (lys) - ĐỖ PHẤN - Sơn dầu- 40x50cm-2011
Cao hứng hỏi rằng Y có phải là người tài. Suýt nữa Y nấc lên cười khành khạch. Bản mặt hài hước, nghiêm trọng sáng bừng, oặt ẹo những sợi râu như rối thêm...
- Người tài? Ư hư...hư là người ngu nhất thế gian thì có lẽ hợp cách hơn cả...
A, những bậc kiêu hãnh nào đủ ngạo nghễ tự nhận là mình ngu nhỉ?
Trong Y sẵn những con đường kí ức Hà Nội dẫn đến mấy địa chỉ ẩm thực, văn hóa, lịch sử đã được thẩm định bằng thói quen lặn lội hoặc có thể là sự trải nghiệm. Cũng tương tự như chàng trai Dao đỏ trong cánh rừng nguyên sinh quen thuộc.
Ngang qua ngôi biệt thự cổ phố Quang Trung, Y thủ thỉ.
- Kia, bên phải là ngôi nhà cũ của nhà mình. Mình sinh ra và lớn lên ở đó. Ông bà cụ mình đã bán nó với giá 400 cây vàng để dưỡng già và chia cho các con. Vậy mà khi lấy vợ ra ở riêng, rời bố mẹ, tay trắng tự lập...long đong ba bốn lần chuyển đổi...
Trầm trầm dọc con đường Nam Bộ cũ, Y lắng tai.
- Hình như đâu đây có tiếng tàu điện leng keng. Trò nghịch dại bám đuôi xe điện còn chưa hết sợ mỗi lần bám hụt...
Vào hạ- ĐỖ PHẤN - Sơn dầu- 75x100cm-2011
Tôi bỗng nhớ bài tùy bút Leng keng tàu điện - của Y về nỗi ám ảnh hẫng hụt của một Hà Nội mất đi một không gian văn hóa khái quát cả một thời.
Buổi sáng mùa đông sương mù, cùng Y xì sụp trong quán phở gà rộng chưa đầy 20 mét vuông, đầu dốc xuống làng Ngũ Xã, giờ đã là phố Ngũ Xã, Y bỗng đẩy cao cặp kính mắt tròn gọng đồi mồi.
- Đố ông biết tại sao phở đây ngon, đông khách, giá hợp lý?
Dĩ nhiên làm sao tôi biết. Y chăm chú hướng cái nhìn về người đàn ông cao lớn, khăn mặt choàng qua vai, tất tả.
- Nhà văn Vũ Bằng là cậu ruột chủ quán này...
Tự dưng vị phở tôi đang lắng đắng bỗng dậy lên hương vị cổ xưa khác thường. Nó đặc biệt đến nỗi, tôi nổi hứng gọi luôn một cú điện thoại viễn liên khoe với bạn mình đang dùng món phở đặc biệt, dù biết nửa trên trái đất người ta đang yên giấc miên du. Hẹn với người xa rằng, một ngày gần cùng Đỗ Phấn, đến lại nơi này.
Bên góc phố quen ven hồ Tây.. Y dừng xe nhìn mặt sóng.
-Tôi đã hôn cái hôn đầu đời ở gốc cây kia. Cây chưa già mà người đã già.
Lang thang cafe phố cổ Y “tư vấn”:
- Không thích ở nhà tôi thì kiếm khách sạn mini ở khu vực này. Rẻ. Sạch. Tiện cho mọi cuộc găp, ăn nhậu, giao thông..
Dọc phố Nguyễn Hữu Huân, một cái liếc mắt ngang.
- Kia ghế gỗ chân bệt, gần cửa sổ, quán café Lâm nơi Nguyễn Sáng thường ngồi. Mình hay bám theo ông cụ đến đó hóng chuyện người lớn. Tình cờ lọt tai câu chuyện Nguyễn Sáng than với học trò: Em ơi, anh bị nhân tình hờn quá, hôm qua anh đi bên này đường, nhân tình anh đi bên kia đường, mắt anh kém quên không đeo kính, nhìn không ra nhân tình. Thế là hai bên cãi nhau tưng bừng. Khổ thân anh chưa...? Đấy cũng là nơi Lưu Công Nhân hẹn tôi đến cafe, xem lại những bức tranh yêu thích mà ông Lâm sở hữu...
Với Lưu Công Nhân, Y và người bạn Chu Hồng Sơn dành cho một góc riêng kính trọng và mến yêu khó bì. Sinh thời Lưu Công Nhân về quê Lâu Thượng dăm ngày đã nhấp nhổm nóng xuôi Hà Nội tụ bạ với Đỗ Phấn, Chu Hồng Sơn ở 19 Hàng Bài. Tay chơi Lưu Công Nhân, tít đuôi mắt đa tình nhìn xuôi con nước.
- Ở Hà Nội mà không uống với hai con giời ấy một vài ly cognac thì coi như chưa xong với Hà Nội.
Với Đỗ Phấn, Lưu Công Nhân ngoài sự trọng tài liên tài người trẻ, ông còn sở hữu mối thâm giao đặc biệt kéo dài hai thế hệ. Trong kháng chiến, cụ Mộ Thanh - một họa sĩ và nghệ sỹ nặn và chơi gốm là người cha khả kính của Đỗ Phấn đã tác thành mối lương duyên chồng vợ cho Lưu Công Nhân. Chiếc cặp vẽ buộc sau xe máy, Lưu Công Nhân thi thoảng mở ra khoe ký họa nóng còn có những bài viết của mình trên báo. Trong xấp báo cắt có cả những bài ký tên Đỗ Phấn.
- Nhà văn các ông viết thì đã đành, nhảy sang vẽ amateur không nhiều lắm và cũng không mấy thuyết phục. Họa sĩ chúng tôi thì lại càng hiếm kẻ viết văn, viết báo. Nhưng tôi xin thưa với ông là tôi tự hào mình là một trong những họa sĩ có khả năng diễn đạt được tư duy của mình. Và nổi trội trong lớp họa sĩ sinh sau chiến thắng Điện Biên, thì Đỗ Phấn vẽ là một họa sĩ tài năng, viết như một nhà văn chân chính tự hành xác với ngôn từ...
Bệnh parkinson khiến những ngày cuối đời Lưu Công Nhân nặng nề. Ông than với Đỗ Phấn thèm lãng du đây đó vẽ, thèm không khí có người mẫu trong căn phòng có lò sưởi với giá vẽ căng toan sực mùi sơn dầu. Không đầy 24 giờ sau, Đỗ Phấn và Chu Hồng Sơn bay từ Hà Nội vào Sài Gòn. Họ chở Lưu Công Nhân trên xe cứu thương đến một resort ngoại thành...Và Lưu Công Nhân hớn hở gọi điện ra khoe với tôi rằng đang ngồi với quí ông Đỗ Phấn và tôn ông Chu Hồng Sơn....
Môt tuần sau Lưu Công Nhân mất...
Thật lòng- ĐỖ PHẤN - Sơn dầu- 130x150cm-2011
3. Hơn một lần, phòng văn Đỗ Phấn, khoảng nửa đêm về sáng tôi bỗng thức giấc vì tiếng rít thuốc lào. Đỗ Phấn đờ đẫn dựa lưng vào kệ sách. Chiếc kệ bày sách, không đồ sộ, bừa bộn nhưng nhiều sách quí. Mấy món đồ sứ cổ. Bộ sưu tập kính cổ. Sưu tập đồng hồ cổ. Sưu tập tẩu thuốc. Kính lão tụt vướng cánh mũi. Khói thuốc lào nồng cay luấn quấn chòm râu. Laptop sáng. Tập bản thảo. Từ điển. Bộ trà. Ly rượu cao. Xem ra chữ đang ngắc ngứ.
- Tài phẩy bút vẽ vài nét cũng có tiền. Anh dây dưa với văn chương làm gì cho bạc nốt mái đầu ba phân...
- Mình không dây nó thì nó dây mình. Muốn yên mà xong đâu. Tôi trót đa mang tình đầu tay ba. Văn chương và hội họa. Nhưng hội họa chọn tôi trước. Đã yên lòng với hội họa. Bây giờ đến lượt văn chương chọn hành tôi. Tình cũ không rủ cũng đi... Đó là thế giới trong tôi, tôi tìm lại...
- Nghĩa là văn chương đã mặc định số phận?
- Có lẽ vậy.
Y quay lưng vươn người mở tủ. Chiếc khay da thuộc có trụ quay, rãnh lõm xếp những chiếc tẩu thuốc. Cặm cụi nhồi thuốc lá với vẻ mê say lạ kỳ. Tẩu nghi ngút tỏa khói. Y bập bập lấy hơi, hít lép phổi như sợ rằng nay mai sẽ không có cơ hội hút thuốc.
- Cái gì cũng tới hạn của nó. Ví như đám tẩu thuốc tôi trưng kia. Mỗi tẩu thuốc chỉ hút được bao lần mồi thuốc. Hút hết số chất liệu gỗ hay đá nào đó sẽ chai lỳ không cộng hưởng với khói thuốc để mang lại khoái cảm cho người dùng nữa. Về hình dáng, chiếc tẩu vẫn nguyên vẻ, nhưng thực chất đã kết thúc phận sự. Số phận gõ vào khúc quanh nào của mình thì mình lên tiếng...
- Văn chương mang lại cho anh hy vọng?
- Không, chẳng hy vọng gì. Sống đã là hy vọng rồi, tôi không hy vọng nhiều lắm...
Có lẽ vậy. Ngôn ngữ văn Đỗ Phấn giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, tạo sự cân bằng giữa thủ pháp tượng trưng, ẩn dụ. Nhưng cảm giác thời đại ở giọng tự giễu, tự sự, thờ ơ, cố tình đẩy tới cái sự nhạt, sự mòn nhàm, ể oải nhằm hướng người đọc tự thức tỉnh thực tại vây quanh. Tiểu thuyết “Vắng Mặt”**** vào chung khảo Bách Việt là một minh chứng sinh động nỗi bi kịch thân phận con người trong xã hội mà nghệ sỹ đương đại chỉ là một biểu hiện ví dụ. Mi (tác giả- nhân vật) loay hoay, dằn vặt giữa những thứ tưởng là tình yêu, tình bạn, người quen, đan chen vào đó, sex như một giải thoát, như một phương pháp an trấn tinh thần hoang mang đi tìm ý nghĩa cuộc sống hữu hạn, đang bị giằng xe bởi đa dục vọng. Rằng cuộc sống tù đọng vô nghĩa như vậy, hà cớ gì con người còn cố tình làm cho đời sống của mình thêm bi kịch vì những thứ còn vô nghĩa hơn.
Những nếu không có những giây phút ngộ nhận nhất thời thành thật đó thì có lẽ bi kịch của Mi còn lớn hơn những gì ta thấy. Ngộ nhận này dẫn đến ngộ nhận kia. Ngộ nhận đến mức hoàn hảo của ngộ nhận. Lạc quan, niềm yêu sống không lấp ló xuất hiện ở tác phẩm này. Nó vắng mặt trên bình diện thị giác. Nhưng lại “có mặt “ khi chúng ta gấp sách lại. Cuộc sống không hoàn hảo nên khao khát một cuộc sống hoàn hảo. Sự vắng mặt nhân tính. Nên càng khao khát nhân tính.
- Với nghệ sỹ Đỗ Phấn điều gì là quan trọng nhất?
- Chơi. Đi chơi...
- ........................
- Không dễ gì biết chơi và đi chơi. Đó là thước đo sự thấu thị đời sống xã hội của người nghệ sỹ. Và cả đẳng cấp của nghệ sỹ nữa...
- Anh ở đẳng cấp nào..
- Đẳng cấp của tôi- tiêu chí của tôi... Bệnh ham chơi là bệnh nghề nghiệp.
- Sao lại phải sưu tập tẩu thuốc nhỉ?
- Có những điều không biết để làm gì. Nhưng có nó còn hơn không có gì. Ví như núm vú của người đàn ông chẳng hạn, nó vô nghĩa về sinh học, nhưng thử tưởng tượng xem, nếu một sáng mai ta tỉnh dậy không thấy núm vú đâu...
- Đã có bao giờ Đỗ Phấn ngộ nhận...
Y cười buồn, nhấp ly rượu cao.
- Ngập chìm trong một thế giới ngộ nhận. Chúng ta có thoát khỏi nó không nhỉ...Sự ngộ nhận chừng mực nào đó khiến chúng ta làm việc hiệu quả hơn. Nếu không có ngộ nhận, chắc cũng không có thế giới này.
Ngồi bó gối như một nông dân giữa những bức tranh và giá sách. Ánh mắt Y vừa hân hoan vừa buồn nản
- Ngộ nhận lớn nhất là ngộ nhận về bản thân, về cái tôi. Nó biểu diễn bằng đồ thị hình sin. Mê. Tỉnh.
Xua đuổi - ĐỖ PHẤN - Sơn dầu- 75x130cm-2011
Y luôn là thứ gì đó dễ hiểu, dễ nắm bắt. Nhưng vừa hiểu xong, vừa nắm bắt xong lại thấy mình chẳng hiểu gì Y cả. Y vừa hút vừa đẩy. Trong Y dễ có đến bốn năm phiên bản chức phận. Một giang hồ ham mê các hành trình dọc ngang nước Việt, thi thoảng hứng lại nháy lên Tây Tạng, tạt ngang Paris lang thang thăm các bảo tàng, lăn lóc ở quận 13 nhâm nhi cognac. Chưa kịp gặp để uống với nhau chén tẩy trần thì đã nghe bay sang Băng-cốc rồi vọt sang Úc-đại-lợi xem phần dưới Trái đất thiên hạ vẽ vời thế nào.
Một thày giáo đạo mạo niêm nót đứng trên bục giảng Đại học. Một binh nhất ôm súng nơi tiền đồn vẫn mải mê ghi chép. Một họa sĩ bài bản, bước đi giữa đường, tìm thành công trong khó khăn chứ nhất quyết không chịu đi tắt, đón đầu. Một nhà văn ể oải giễu nhại một cách đủ thâm trầm. Một nhà báo cá tính, trường lực giữ chuyên mục: Tản mạn hàng ngày của báo Lao Động, bảy tám năm liền với những phát hiện vấn đề khái quát các hiện tượng xã hội. Tất nhiên, đôi khi ý tưởng có lặp lại, nhưng câu chuyện kể của Đỗ Phấn thì bao giờ cũng nóng, mới...
4. Đỗ Phấn-con trai một người chiến sỹ cộng sản bị thực dân Pháp bắt năm 1939 và kết án khổ sai chung thân tại Sơn La từ năm 1940. Bút danh Mộ Thanh đuợc sử dụng khi Cụ làm tờ báo “Suối reo” cùng với Tổng biên tập Xuân Thủy. Bài thơ “Nói với ngục” của cụ nhiều năm in sách giáo khoa của hệ thống giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau hòa bình...
Mùa biển chết - ĐỖ PHẤN - Sơn dầu- 75x130cm-2011
Công tác tại báo Tiền Phong, Cụ dịch sách tiếng Trung và tiếng Pháp. Sau chuyển sang làm Tổng biên tập Nhà xuất bản Thanh Niên và chuyển cơ quan lần cuối sang Ban liên lạc đối ngoại Trung ương.
Cụ về hưu sớm. Mê cổ vật. Say gốm Việt. Cụ tự mày mò nghiên cứu và tái tạo lại những màu men gốm cổ thời kỳ Lí, Trần, bằng phương pháp nung đốt cổ xưa. Giới sưu tập cổ vật Hà thành ngày nay nhắc đến Cụ vẫn một lòng ngưỡng mộ.
Có người cha và các ông chú Bộ trưởng, tướng lĩnh làm bệ đỡ hoàn hảo, Đỗ Phấn dễ dàng có thể tìm kiếm chức Vụ trưởng, Cục trưởng nào đó không mấy khó. Nhưng Y đã sống thật, dừng lại tìm lối riêng, làm một nghệ sỹ tự do, sống bằng nghề vẽ. Sống đàng hoàng rồi mới “bốc bàn phím”viết văn để thỏa cơn nghiền chữ, và làm báo với ý thức chức phận công dân thuần tuý.
Hình như đã một lần tôi tiếc hộ.
- Sao anh không tận dụng chuỗi hồ sơ cách mạng đỏ tận móng chân nhỉ?
- Các cụ làm cuộc cách mạng của các cụ thì mình cũng phải làm cuộc cách mạng của mình. Nếu không ngắt đoạn hẳn với ưu việt thừa kế chính trị, thì sẽ không có một con người Đỗ Phấn hôm nay. Tôi đi ra cuộc đời bằng chính khả năng trí tuệ, và sức lao động của bản thân...Ngộ về mình cũng là cách mạng...Mỗi thế hệ chỉ có khả năng làm một cuộc cách mạng của mình..
Nhong nhong sau xe Y, tôi hỏi vu vơ một phép thử.
- Nếu bà cụ ôm gà vừa rồi nhất quyết đòi lên xe thì anh sẽ ứng xử thế nào?
- Thì chở bà cụ đi và lấy tiền. Nếu lúc đó tôi có nhã hứng. Đằng nào bà cụ chẳng đi xe của một ai đó.
- Anh cũng dồi dào đạo đức nhỉ...
- Đúng quá, lao động thì phải được nhận công, đạo đức thứ nhất. Tôi giúp bà cụ di chuyển đúng lúc theo yêu cầu đã là đạo đức thứ hai. Đạo đức thứ ba, là tôi không khiến bà cụ phải băn khoăn vì mang ơn, nếu như tôi không lấy tiền xe ôm. Tôi sẽ mất công giải thích, mất thêm thời gian. Trong khi mấy đồng bạc vụn thực sự không giúp được ai bất cứ vấn đề gì ngoài chiếc bánh mì vụn. Đạo đức thứ tư dành cho tôi: đó sự rạch ròi, mà người ta gọi là văn minh...He he.
5.Tầng IV. Phòng vẽ liền kề phòng viết. Sách và tranh chen chúc. Một không gian yên tĩnh nghe cả thấy nhịp thở của chính mình.
Tĩnh vật- ĐỖ PHẤN - Sơn dầu- 40x50cm- 2011
Thật khó diễn tả cảm giác trước bức tranh Nhức nhối da cam. Bức tranh mang lại cho Y huy chương vàng triển lãm nghệ thuật toàn quốc. Một tác phẩm đậm cá tính Đỗ Phấn nhất, nhưng vượt lên những gam màu xám sẫm vốn chi phối hội họa của Y là thứ ánh sáng trong ngần sáng soi những bóng tối của đời người.
Màu đỏ máu của chạng vạng hoàng hôn phớt bóng đêm đen tràn suốt bức tranh, làm nền cho bốn nhân vật. Bốn bố con. Bốn người thì ba người bị hao khuyết hình thể. Ông bố thương binh khăn mặt vắt vai, ngồi trên ghế bệt, bên chân giả khuất trong nền tối, đang méo mồm dỗ dành bón thìa thức ăn cho đứa con út tong teo hai cánh tay, cứng khòe, đầu to trớ. Đôi dép nhựa lệch màu, lệch size để trước mặt. Để chỉ mà để cho có dép. Vì nó không có khả năng tự di chuyển. Đằng sau nó, thằng anh tắm trong màu đỏ, hốc mắt đen thui, cúc áo cái còn cái mất, hở ngực, phơi bụng hai tay chống hai nạng tập tễnh đang tiến lại chờ đến lượt được bố cho ăn.
Hình thể, sắc màu dường như đang vang động tiếng nạng gỗ lộc cộc.
Nhức nhối da cam - Sơn dầu - 2000
Bên trái, đứa chị lành lặn tất tả, bóng đổ dài đen thẫm, như vừa đi chăn trâu cắt cỏ về, nón mê còn ngửa sau vai, bước lên từ cửa bếp, tay run run nâng bát cháo? Như rước một vưu vật mang vào cho đứa em trai chống nạng chờ. Cơm nguội? Cô đang buớc qua bức tường gạch xây dở, long lở, không kịp trát, vừa ngăn đôi gian nhà. Cây cột tre đã sẵn lỗ đục chờ móc cài một tấm liếp che tạm....
Nửa lành lặn hài hòa nhẹ bỗng, nửa tật nguyền trĩu xuống. Ba trên Một hay là Một trên Ba? Cái giá hòa bình trả cho cuộc chiến không phải chỉ tàn một đời người mà là kéo lê di họa vài ba thế hệ. Nhưng sống sau chiến thắng là vậy, phải chấp nhận sống cuộc sống tật nguyền còn hơn không có cuộc sống.
Một trong những bức tranh Việt đáng xem nhất về chiến tranh Đông Dương suốt mấy chục năm trở lại.
Tranh của Đỗ Phấn có nhiều thứ để xem.Và không dễ xem. Ngoài những yếu tố thẩm mỹ của một tác phẩm hội họa đòi hỏi về màu sắc, bố cục, hình họa thì ý tưởng chủ đạo của mỗi bức tranh luôn được đẩy tới hạn khiến tranh Đỗ Phấn can dự đến đời sống xã hội nhiều hơn mức cần và đủ của một tác phẩm hội họa thông thường...
Không ngẫu nhiên Đỗ Phấn thích Salvador Dali. Trong không gian tối thiểu chứa lượng thông tin tối đa. Dạng con chíp. Sự vận dụng này Đỗ Phấn ưu ái dành cho các tiểu phẩm báo chí nhuốm màu sắc văn chương. Với dung lượng vài trăm chữ vượt lên hơn ngàn chữ, Đỗ Phấn luôn nêu được một vấn đề xã hội đã được khái quát, truyền “quả bóng tư duy” sang cho bạn đọc.
Đỗ Phấn từng trả lời phỏng vấn: Làm hội họa phải quan sát nhiều, phải có nhiều kiến thức về hình ảnh, tôi luôn thèm khát được nhìn thấy những hình ảnh mới lạ, thế là vác tiền đi chơi. Là ý thức đầy đau đớn về bản sắc riêng trong sáng tạo. Là nỗi thèm khát đến tuyệt vọng bản sắc cá nhân, bản sắc dân tộc trong mình. Sau nhiều chuyến đi như thế, tôi nhớ tới những họa sĩ như Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng... Những người đã có ý thức rất mạnh mẽ về việc hình thành một nền mỹ thuật nói được câu chuyện của người Việt với thế giới. Ông Nguyễn Sáng đã suốt đời gắn bó với đề tài kháng chiến, còn ông Dương Bích Liên thì một đời chỉ vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh... Tôi ngẫm nghĩ về một thế hệ tài năng của hội họa Việt Nam đã không được đi ra thế giới một lần nào trong suốt cuộc đời, phải vẽ tranh chợ để kiếm sống, tài năng không được dùng vào việc gì... Hội họa thế giới nửa thế kỷ qua không có phát hiện nào đáng kể, Installation, Performance, Land Art, Body Art... là những phát hiện với tham vọng phổ cập, đưa hội họa tới gần công chúng hơn, nhưng thực tế nó chỉ tới được với lượng người xem không đáng kể, vài trăm người là cùng. Còn hội họa Việt Nam thì... có lẽ rất lâu nữa mới hòa nhập được vào mặt bằng của hội họa thế giới. Giá các bức tranh của các họa sĩ Việt Nam ở các galery ngoại quốc là giá của hàng souvenir, của quà tặng, chưa phải giá của tác phẩm. Chúng ta chỉ mới có sản phẩm của hội họa chứ chưa có tác phẩm hội họa.
Nếu như không có cây đàn trên tay, thì dường như tôi chưa bao giờ thấy Đỗ Phấn cười hả hê, hay voice những âm thanh không bình thường, dù giữa bạn bè cật ruột lạm phát chuyện hài hước trong căn phòng làm việc của họa sĩ Chu Hồng Sơn ở 19 Hàng Bài hoặc ở quán rượu, quán cafe quen.
Hoặc ở chính căn nhà mình, Y cũng chỉ rủm rỉm chuyển động bờ môi, gọi là cười. Y phân thân nửa ở trên lơ lửng trời nhìn xuống bản thân và quan sát mọi người, nửa nhập thế tham dự cuộc vui. Hân hoan đấy mà cũng ngán ngẩm đấy. Bàn tay nuột đến khó tin là của đàn ông, kiêu kỳ nhấc ly rượu khẽ chạm vào môi, nhón hạt lạc, vê vê vỏ lụa, tách hai mảnh lá mầm, gảy khẽ vào miệng, dùng răng hàm nghiền chứ không nhai.
Trường hợp bất khả kháng cảm xúc thì Y chêm vào đôi từ đắc địa với ngữ cảnh khiến bạn bè ồ lên tán thưởng rồi lại lui về trong góc riêng yên lặng. Cái góc lặng tỉnh queo bao quát không gian bàn tiệc, rượu trong chai chưa kịp cạn, mà xem ra các bạn chưa bễ môi thì Y đã kịp ngoắc tay gọi hầu bàn.
- Gọi hộ đến địa chỉ này yêu cầu chủ cửa hàng mang loại rượu này đến đây cho họa sĩ Đỗ Phấn...
- Người ta không mang đến thì sao ạ? Chú nhỏ cự cãi.
Mười lăm phút sau bác xe ôm tóa mồ hôi hấp tấp ôm hộp giấy rượu Chivas vào quán, tiền thẳng đến chỗ Đỗ Phấn.
6. Xích sắt dội lên tiếng vang như trong hang động. Lách xe máy qua hai lần cửa sắt, rồi Y cũng khóa hai lần cửa, không hề lẫn chìa khoá. Dựng xe đúng dấu bánh xe cũ hồi sáng. Treo mũ xe máy đúng khóa móc dưới cổ xe. Tôi nheo mắt cho quen ánh sáng yếu.Tầng trệt rộng thênh. Chiếc piano phủ khăn trắng im lìm. Tụt giày. Bật nhạc...
Tôi theo Y hành động. Là người uống rượu, mê rượu và chơi rượu. Y biết chiều chuộng mình và những người khách có thể mời đến nhà. Năm tầng nhà ngự trên diện tích 150 mét vuông phố Đội Cấn hầu như góc phòng nào đó cũng có các loại ly cốc ứng cho từng chủng rượu và những chai rượu mạnh dòng whisky Scotch, cognac Pháp nút bấc, nút thủy tinh, nắp nhôm, chai nguyên dấu xi chai uống dở hoặc vang kẹp đôi trong hộp gỗ thông thương hiệu mấy quốc gia quen tên.
Có rượu, có ly thì đương nhiên có nhạc và vị trí ngồi khách có thể chọn cho mình bất cứ góc nào cảm thấy thoải mái nơi bậc gỗ cầu thang, sàn gỗ, sopha thả lỏng thưởng thức mác rượu mình thích với chút phô-mai, hạt điều cả vỏ bày đĩa sứ cảnh vẻ.
-Bốn năm cuốn sách và hai ngàn bức tranh hiện còn tại gia, không hiểu được ông anh sáng tác vào lúc nào giữa ngùn ngụt hơi men?
Trong cơn say “nghiêng ngả bóng giai nhân” từ ngoài phố về nhà, Y khoát tay dừng bước ở mỗi chiếu nghỉ xua xua trước mặt như đuổi ruồi, tay kia với ra sau gãi gãi lưng một lúc ngẩn ra nghĩ lao lung.
- Chẹc. Thì cứ làm thôi. Chẳng nhớ lúc nào nữa. Các ông lao động lúc nào tôi cũng đâu có biết.
- Anh là người xấu hay người tốt nhỉ...
- Rượu tốt hay xấu nhỉ...
Giơ cao chai rượu tưởng tượng. Loạng choạng bước, Y nhao vào góc mở cánh cửa tủ. Rượu chai sóng sánh, tủ kính loáng đèn. Tôi lo ngại một va chạm, đổ vỡ. Vậy mà Y vẫn rót rượu đủ hai ly. Đưa ly mời khách. Ực, mu tay quyệt mép. Ư mà râu mép, râu cằm dài lê thê nhưng chưa một lần tôi được thấy Y vuốt. Người để râu dài thường hay vuốt râu. Có lẽ Y chưa hội đủ năm tháng để tạo một thói quen vuốt râu.
N.T.T.K
* Trích dẫn trong "Rừng Người" - Tiểu thuyết của ĐỖ PHẤN - 09/2011-NXB Phụ Nữ
** Albert CAMUS (1913-1960) - Nhà văn - nhà triết học Pháp
***André MAUROIS (1885-1967) - Nhà văn Pháp
**** Vắng Mặt - Tiểu thuyết của ĐỖ PHẤN - 2010 - NXB Hội Nhà Văn