CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
CHÚNG TA VIẾT VỀ ĐỖ PHẤN

HỌA SĨ-NHÀ VĂN ĐỖ PHẤN: VIẾT ĐỂ SỐNG, VẼ ĐỂ CHƠI

Thứ bẩy ngày 2 tháng 2 năm 2019 12:00 AM

Đỗ Phấn là người tài hoa. Nghề tay phải là vẽ tranh, còn hứng lên, rẽ ngoặt vào văn chương nhưng lập tức để lại những trang viết đắm say về đất và người Hà Nội. Năm vừa rồi, ông còn là gương mặt được lựa chọn để khởi đầu tủ sách “Hà Nội trong mắt một người”. Và cuối năm, lại thấy Đỗ Phấn ngồi vẽ tranh con giáp tặng bạn bè.

Một niềm vui bất tận

Họa sĩ Đỗ Phấn cho biết, hằng năm, cứ độ tháng 12 ông lại ngồi vẽ tranh con giáp. Việc này đã thành nếp, thành lệ suốt hàng chục năm nay, và trở thành một niềm vui bất tận. Xác định đây là một thú chơi, cho mình và những bạn bè thân thiết, nên họa sĩ Đỗ Phấn thường không “áp đặt” hay “bắt buộc” mình phải vẽ bao nhiều bức mỗi năm. Vì thế, có năm ông vẽ tới gần trăm bức, nhưng có năm cũng chỉ vẽ khoảng 50 bức. Có năm “khóa sổ” trước 20 tháng Chạp nhưng lại có năm vẽ đến tận giao thừa vì khi tặng cho người này, lại nhớ hóa ra còn sót người kia, hoặc có khi tặng bạn bức tranh có gam màu không hợp “mệnh” nên bị “bắt vẽ đền” bức khác.


Họa sĩ Đỗ Phấn cho biết, từ hồi còn trẻ ông đã chú ý đến việc vẽ tranh con giáp nên khi vẽ hầu như ông không phải tìm hiểu gì thêm nhiều lắm. Tuy vậy, họa sĩ cũng tiết lộ, những con vật quen thuộc như trâu, gà, chó, dê, mèo thường vẽ tương đối phóng bút hơn. Con rắn cần rất nhiều tư duy sáng tạo. Con khỉ, con gà, con chuột tạo nhiều hứng khởi khi sáng tác. Con ngựa rất đẹp nhưng dễ bị sa đà vào những lối vẽ đã có sẵn. Con lợn thì hồn nhiên, tung tăng và dễ hòa sắc hơn…

Theo họa sĩ Đỗ Phấn, thời xưa, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và họa sĩ Bùi Xuân Phái để lại nhiều dấu ấn trong việc vẽ tranh con giáp. “Họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ tùy hứng. Gần như ít tính toán bố cục hay hòa sắc. Tranh của ông dù vẽ con vật gì cũng toát lên vẻ đẹp hồn hậu đôi khi hài hước. Còn họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm làm việc tỉ mỉ cẩn trọng vô cùng. Mỗi bức tranh con giáp của ông thường được vẽ đến hàng trăm lần trên mọi chất liệu” - họa sĩ Đỗ Phấn nhớ lại.

Người kể chuyện Hà Nội

Năm vừa rồi, nhà văn Đỗ Phấn được chọn là gương mặt để khởi động bộ sách “Hà Nội trong mắt một người” do NXB Trẻ ấn hành. Liền tù tì 4 cuốn tản văn “Đi chơi Bờ Hồ”, “Bâng quơ một thời Hà Nội”, “Ngẫm ngợi phố phường” và “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội” khiến người đọc không khỏi bất ngờ về sức làm việc của ông. Ấy thế nhưng, chưa lúc nào người ta có cảm giác Đỗ Phấn bận rộn. Vẫn thường thấy ông lên rừng xuống biến, vẫn gặp ông trong các cuộc tụ họp với bạn bè, vẫn thấy ông thấp thoáng trong các sự kiện của giới văn nghệ… Ông cho người đối diện cảm giác về sự thong dong sống, thong dong hưởng thụ.

Tự nhận mình là người tay ngang bước vào văn chương, nhưng Đỗ Phấn đã nhanh chóng khuôn định đề tài cho mình, đó là Hà Nội. Dù viết truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, hay tản văn thì ông vẫn xoay quanh cái trục Hà Nội, với những câu chuyện, những tập tục xưa nay. Đỗ Phấn từng nói, ông viết vài chục đầu sách nhưng thực ra, vẫn là viết 1 cuốn thôi. Cuốn đó có tên “Hà Nội”. Nhưng cuốn sách đó chắc chắn sẽ không có điểm dừng. “Con đường mình tự vạch ra là như thế. Rất may là nó dài. Tôi không viết để kiếm sống mà là viết để sống. Tôi sống với Hà Nội và những trang sách của mình như một kẻ tự kỷ”- nhà văn Đỗ Phấn bộc bạch.

Trò chuyện với ông, dù văn chương hay hội họa, bao giờ cũng thấy ông đưa ra những nhận định rất rõ ràng, ít khi thấy ông né tránh. Như với vấn nạn mà nhiều họa sĩ kêu cứu về nạn tranh giả, Đỗ Phấn bày tỏ cái nhìn riêng: “Thực ra tôi không mấy quan tâm đến vấn nạn tranh giả mặc dù chính mình cũng từng nhiều lần là nạn nhân. Tôi nghĩ họa sĩ phải là người đầu tiên tự bảo vệ mình. Bản thân anh đôi khi cũng không tránh nổi cám dỗ từ chính mình thì rất khó để bảo vệ mình”.

Cụ thể hơn, theo Đỗ Phấn, nhiều họa sĩ không ngần ngại nhân bản chính mình để bán kiếm tiền. Dù thanh minh cách nào đi nữa thì ông vẫn không tin là họ vì một cái gì khác. Những người khác làm tranh giả để mưu sinh không đáng trách lắm. Họ thiếu hiểu biết và đang phí thời gian. Những thứ đáng gọi tác phẩm thì dù chính tay hoạ sĩ chép lại cũng trở nên vô hồn. Ta hoàn toàn có thể xác định được nhanh chóng.

Họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn sinh năm 1956 tại Hà Nội. Năm 1980, ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Trong thời gian từ 1980-1989, Đỗ Phấn giảng dạy tại Khoa Kiến trúc Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Đến với văn chương và định hình một vệt sách mang dấu ấn và “thương hiệu” riêng,  Đỗ Phấn đã khiến nhiều người yêu Hà Nội hơn, hiểu Hà Nội hơn… Tập truyện dài “Dằng dặc triền sông mưa” (NXB Trẻ, 2013) của ông từng giành giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2014 ở hạng mục Văn xuôi.

Thạch Xa - Theo báo Đại Đoàn Kết
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook