CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Lý luận phê bình Mỹ Thuật

CÂU CHUYỆN THẦN TIÊN CỦA MỘT HỌA SĨ VẼ TRANH ĐƯỜNG PHỐ

Thứ sáu ngày 11 tháng 10 năm 2013 12:00 AM

Từ một kẻ bụi đời, lang bạt, ăn cắp vặt, từng nhiều lần ngồi tù, họa sĩ vẽ tranh đường phố David Choe trở thành giàu sụ với tranh graffiti của mình. Trong lịch sử mỹ thuật thế giới, chưa có ai kiếm được nhiều tiền nhanh như thế!

Năm 2005, Sean Parker  - lúc đó là Chủ tịch Công ty Facebook mới thành lập được một năm và là người hâm mộ các tác phẩm graffiti của họa sĩ David Choe - đã mời Choe vẽ tranh trên tường văn phòng đầu tiên của Facebook ở thung lũng Silicon, TP. Palo Alto (California).



1.
David Choe và “ông chủ” Facebook Mark Zuckerberg qua minh họa của Freakingnews.com
 

Mơ không thấy nổi

Khi công việc trang trí hoàn tất, Parker đưa ra hai đề nghị thanh toán cho Choe: hoặc nhận tiền mặt - khoảng vài ngàn USD lúc đó - hoặc bằng cổ phiếu của công ty. Facebook lúc đó còn hết sức non trẻ và chỉ được biết trong giới học sinh, sinh viên ở Mỹ, chưa có nguồn thu nào từ quảng cáo, cũng chưa ai có thể hình dung được giá trị lên đến cả trăm tỉ USD của Facebook như hiện nay, thế nhưng chẳng biết “trời xui đất khiến” sao chàng họa sĩ trẻ David Choe lại quyết định chọn giải pháp thứ hai: nhận thù lao bằng cổ phiếu. Đến năm 2007, Mark Zuckerberg , người sáng lập và hiện là Chủ tịch hội đồng quản trị Facebook lại tiếp tục mời Choe vẽ tranh tường của văn phòng thứ hai của công ty. Các tác phẩm này sau đó đã được hai họa sĩ Rob Sato và Joe To, bạn thân của Choe tái hiện trong bộ phim nổi tiếng Mạng xã hội (The Social Network) của đạo diễn David Fincher (đã đoạt nhiều giải Quả cầu vàng năm 2010). Còn những tranh tường đầu tiên vẽ tại đại bản doanh của Facebook sau đó đã được cắt rời thành nhiều phần, và được trưng bày tại nhiều văn phòng của công ty trên khắp thế giới.



2.
David Choe đang vẽ tại văn phòng của Face book (2005)
 

Theo hợp đồng năm 2005, Choe được coi là một “cố vấn” của Facebook và nhận được 0,1% đến 0,25% giá trị cổ phiếu của công ty khi niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2012. Và như tờ New York Times cho biết: Choe có một tài sản khoảng 200 triệu USD nhờ vẽ tranh tường. Chuyện chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật thế giới và lịch sử của nghệ thuật vẽ tranh đường phố graffiti! Ngay cả Choe cũng nằm mơ cũng không thấy nổi những bức tranh được anh vẽ bằng bình xịt trên các gian phòng của Facebook này nào lại đem đến một tài sản khổng lồ như vậy. Choe viết trên blog của anh: “Có được giấc mơ này mi đang ở đâu hả tên kia?!?” và anh là “người đương thời được trả giá cao nhất để trang trí nội thất”.

Nghệ sĩ sáng tạo và kẻ nổi loạn

Gốc gác Hàn Quốc, David Choe sinh năm 1976 và lớn lên ở khu phố Hàn (Koreatown) ở ngoại ô Los Angeles, từ tuổi thiếu niên đã trộm cắp vặt và bắt đầu quậy phá với trò vẽ bậy lên ghế chờ các trạm xe buýt, các bảng quảng cáo và các đường hẻm trong thành phố. Năm 1992, ở tuổi 16 Choe chứng kiến các vụ nổi loạn sắc tộc bùng nổ ở Los Angleles và cũng là lúc ngôi nhà của cha mẹ anh bị thiêu rụi, khiến gia đình anh lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn nhiều năm sau đó. Ngay sau khi học xong trung học, Choe bắt đầu cuộc phiêu lưu hoang dã ở Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Năm 21 tuổi, Choe trở về Mỹ, quyết định phải học hành tử tế nếu muốn thành một nghệ sĩ thực sự và chỉ có một nơi chấp nhận anh theo học: Trường cao đẳng mỹ thuật và thủ công ở Oakland. Nhưng Choe cũng chỉ theo học được hai năm thì bỏ ngang dù chính thời gian này anh chịu ảnh hưởng phong cách nghệ thuật sống sượng, thiên về tình dục của giáo sư - họa sĩ Barron Storey. Choe từng phải ngồi tù một tuần vì tội trộm các vật tư mỹ thuật, sách và cả thức ăn của trường để có thể tham gia một chiến dịch vẽ graffiti ban đêm trên các đường phố! Sau đó Choe bắt đầu vẽ minh họa và truyện tranh cho các tạp chí; gửi tranh đến các gallery triển lãm và ít nhiều gây được sự chú ý. Năm 1996, Choe bắt đầu sáng tác truyện tranh Slow Jams mà sau này trở thành một hiện tượng xuất bản; các ấn bản Slow Jams in năm 1999 với giá 4 USD/tập sau này đã được mua bán trên eBay với giá hàng trăm USD/tập.



4.
Dự án tranh tường Terminal Kings

Gây được tiếng vang với Slow Jams và một số triển lãm tranh, Choe bắt đầu tìm đường đi vào ngành minh họa thương mại và thiết kế đồ họa. Nhưng chỉ sau vài năm, nhờ thành công trong lĩnh vực mới, anh quyết định rời bỏ nó để tập trung cho nghệ thuật: vẽ tranh và làm tranh tường. Năm 2003, Choe đến Tokyo và do bất đồng ngôn ngữ, anh có hành vi chống lại các nhân viên an ninh nên bị giam trong ba tháng. Trong thời gian đó Choe đã vẽ bằng bút chì 600 bức chân dung các bạn tù người Nhật. Hình ảnh nhà tù đã thành chủ đề thường xuyên trong các tranh tường của Choe sau này.


5.
David Choe tại dự án tranh tường Terminal Kings
 

Những năm sau đó, Choe nhận được rất nhiều hợp đồng vẽ tranh tường ở California, trong đó có những người sáng lập trang mạng xã hội Facebook. Cùng lúc là các triển lãm cá nhân tại các gallery danh giá ở New York, London và Newcastle (Anh). Choe còn cùng bạn thân mình là Harry Kim làm phim về chính cuộc đời và sáng tác của anh; bởi như nhiều người nói: cuộc đời của Choe là tác phẩm lớn nhất mà anh sở hữu. Nhà phê bình Jason Jaworski viết: “Đối với tôi, chẳng có tác phẩm nào của David Choe hay bất kỳ ai có khả năng sáng tạo bằng bức tranh khổng lồ của chính cuộc đời anh…”.

Trong suốt hơn 15 năm qua, từ một kẻ ăn cắp vặt, ngồi tù nhiều lần, David Choe đã trở thành một tên tuổi được nể trọng trong giới nghệ thuật quốc tế với tác phẩm được triển lãm ở Barcelona, Bắc Kinh, Tokyo, London, Los Angeles, New York và nhiều thành phố khác. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008, Choe đã vẽ bức chân dung của ông Barack Obama khi đó là một thượng nghị sĩ chưa được nhiều người biết đến. Bức chân dung hiện được trưng bày trang trọng tại Nhà Trắng.

“Không biết đã bao nhiêu lần tôi phải nói điều này - với tất cả sự khiêm tốn và chẳng phỉnh lừa ai - rằng nếu không có nghệ thuật tôi sẽ 110% chết hay vào tù!” - David Choe, họa sĩ triệu phú nói vậy. Năm 2012, Choe và hai người bạn của anh còn thực hiện dự án tranh tường Terminal Kings tại sân bay Denver (bang Colorado) với những bức tranh cao tới hơn 3m và có thể dài hơn 30m. Đây cũng là tác phẩm tranh tường lớn nhất ở một sân bay quốc tế.



7.   
David Choe với tranh tường vẽ Tổng thống Obama



8. Ký họa của David Choe



9.   
Không có gì đáng nói – tranh David Choe trong triển lãm tại gallery Lazarides ở Beverly Hills (Hollywood) năm 2010, sau đó tranh được in và bán với giá 20 USD/bản, có chữ ký tác giả.

 

10. David Choe’s Nothing to Declare show in Beverly Hills, as part
of the pop-up gallery
___________________________________________________

 

 

3. Mark Zuckerberg bên cạnh một trích đoạn tranh tường của David Choe tại văn phòng thứ hai của Facebook.
6. Chân dung Tổng thống Obama do David Choe vẽ năm 2008

Chia sẻ trên Facebook