CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Lý luận phê bình Mỹ Thuật

CÓ MỘT PHÒNG TRANH VIỆT TẠI NEW YORK

Thứ bẩy ngày 19 tháng 1 năm 2013 12:00 AM

Họ là một đôi vợ chồng có cùng đam mê: tranh đương đại Việt Nam. Những công việc thầm lặng của họ trong những năm qua chưa đem lại kết quả như mong muốn nhưng họ vẫn tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn cho tranh Việt.

“Đông - Đông hội ngộ: Nghệ thuật đương đại Việt Nam và Nhật Bản” (East Meets East: Contemporary Art from Vietnam and Japan) là tên gọi một triển lãm được tổ chức cuối năm 2011 tại một gallery ở New York, giới thiệu tác phẩm của hai họa sĩ đương đại nổi tiếng là Hồng Việt Dũng của Việt Nam và Sarah Brayer, họa sĩ người Mỹ nhưng định cư và sáng tác ở Kyoto từ năm 1979. Đây là sự hợp tác giữa hai nhà sưu tập nữ ở New York có cùng mối quan tâm là nghệ thuật tạo hình châu Á đương đại: bà Judith Hughes Day và bà Allison Tolman.

Trước đó, từ ngày 24-3 đến 30-4-2011, trong khuôn khổ các hoạt động nhân Tuần châu Á tại Mỹ, tại gallery của chính mình ở New York, bà Judith Hughes Day đã tổ chức một phòng tranh quy mô lớn, giới thiệu tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng sống trong nước và đang định cư tại Mỹ, với những tranh phong cảnh, tranh đề tài lịch sử, thể hiện cuộc sống văn hóa và tâm linh của người Việt. Đây là lần thứ hai có một cuộc trưng bày “hợp lưu” như vậy kể từ triển lãm lưu động có tên Cách một đại dương: nghệ thuật đương đại Việt Nam từ trong nước và từ Mỹ (An Ocean Apart: Contemporary Vietnamese Art from United States and Vietnam) năm 1995.


Bà Judith Hughes Day là một tên tuổi đã quá quen thuộc và thân thiết với mỹ thuật Việt Nam kể từ sau Đổi mới và mở cửa, khi mà tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam lần đầu tiên được giới thiệu ra bên ngoài biên giới xứ sở hình chữ S. Bà là người đồng sáng lập và điều hành gallery Lã Vọng tại Hong Kong những năm 1993 - 1997, khi đó là địa chỉ mỹ thuật Việt đáng tin cậy nhất ở nước ngoài, nơi trưng bày và kinh doanh tranh của các họa sĩ Việt Nam - từ các bậc thầy thời mỹ thuật Đông Dương cho tới các họa sĩ trẻ mới nổi lên trong những năm đầu thập niên 1990. Có bằng cao học tại Đại học Columbia với chuyên ngành nghiên cứu Đông Á và lịch sử mỹ thuật Nhật Bản, bà Judith Hughes Day dành thời gian đi sâu tìm hiểu về mỹ thuật Việt Nam để biên soạn tác phẩm Mỹ thuật đương đại Việt Nam: những phản chiếu thơ ca (Fine Contemporary Vietnamese Art: Poetic Reflections), được xuất bản năm 1994, một trong vài ấn phẩm đầu tiên giới thiệu mỹ thuật Việt Nam ra với thế giới, đóng một vai trò quan trọng giúp khẳng định bước đầu những chân giá trị chưa được nhiều người biết đến. Chưa hết, bà Judith Hughes Day còn có những nỗ lực không ngừng để quảng bá mỹ thuật Việt vào thời gian đó qua nhiều bài viết, tiểu luận được in trên các ấn phẩm, tạp chí cũng như các buổi nói chuyện với nhiều nhóm cử tọa khác nhau. Rời gallery Lã Vọng, bà thành lập gallery của chính mình tại New York và cùng với chồng là ông John Day, một cựu viên chức ngành ngân hàng, điều hành gallery chỉ chuyên về mỹ thuật Việt Nam.

 

Căn hộ rộng lớn của ông bà trên tầng 10 một chung cư sang trọng ở đường 66 khu Upper West Side của New York. Trên các bức tường phòng của căn hộ tuyệt đẹp này tràn ngập tranh và tranh các tác giả Việt Nam thuộc nhiều thế hệ: Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trung, Bửu Chỉ, Đỗ Quang Em, Phạm Luận, Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Nguyễn Minh Thành, Đinh Thị Thắm Poong… Có thể nói khó tìm được ở bất kỳ gallery nào trong nước có được một bộ sưu tập phong phú và tiêu biểu như vậy về hội họa Việt Nam hôm nay. Phải thật hiểu biết, thật am tường về mỹ thuật Việt mới có thể làm được điều ấy.

 

Nhưng đó cũng là một sự hy sinh thầm lặng vì mỹ thuật Việt Nam! Bởi cho dù có trong tay những tác phẩm xuất sắc của hội họa Việt Nam đương đại thì sự đầu tư của ông bà John và Judith Day trong nhiều năm qua đã không thể sinh lợi nhiều, trong khi nếu đầu tư vào các khu vực khác của mỹ thuật châu Á cùng thời gian ấy thì hiệu quả gấp nhiều lần, chẳng hạn như đầu tư vào mỹ thuật Trung Quốc hay Indonesia, thậm chí là với các nước Đông Nam Á khác như Myanmar, Malaysia, Thái Lan, Philippin… cũng sẽ thành công hơn. Ông John Day tự trào: “Người ta thường gọi mua tranh Việt Nam là đầu tư chứng khoán bạc lẻ, không hơn không kém!”. Nổi lên cùng thời với nhiều họa sĩ Việt Nam những năm đầu Đổi mới, cho tới nay nhiều họa sĩ Trung Quốc như Nhạc Mẫn Quân, Dương Phàn Chí, Trương Hiểu Cương… đã có tranh bán với giá vài trăm ngàn thậm chí cả triệu USD, và tác phẩm hội họa đương đại Trung Quốc ngày càng có giá trên các sàn đấu giá quốc tế và trong nước; trong khi giá tranh của các họa sĩ Việt Nam trong nhiều năm qua gần như không nhích lên được bao nhiêu, vẫn chỉ quanh quẩn ở con số vài ngàn USD, ngay cả với các tên tuổi như Nguyễn Trung. Có thể nói trong khi mỹ thuật cũng toàn cầu hóa thì tranh Việt Nam vẫn quẩn quanh ở một góc khu vực, và có nhiều lý do dẫn tới tình trạng này như đã được các nhà nghiên cứu chỉ ra: tệ nạn tranh giả, sao chép tràn lan, tình trạng lười biếng, ăn vào vốn của chính mình, thiếu hơi thở cuộc sống đương đại, hoạt động gallery cũng chỉ quẩn quanh trong nước, chưa vươn ra tầm khu vực và quốc tế… và quan trọng nhất là hầu như chưa có được một thị trường mỹ thuật nội địa.

Trong bối cảnh đó mới thấy những triển lãm tranh Việt Nam do ông bà John và Judith Day tổ chức tại gallery của họ hay tại các hội chợ mỹ thuật quốc tế là hết sức quý báu; nó khiến người ta không quên mỹ thuật Việt Nam đã từng được coi là một hiện tượng tại châu Á, được so sánh với điện ảnh Trung Quốc và văn học Ấn Độ vào các thập niên 1980, 1990 (*).

Nhưng bà Judith Hughes Day vẫn tỏ ra lạc quan khi khôi hài: “Vẫn có thể xây dựng một bộ sưu tập tranh Việt Nam đàng hoàng mà không lo bị vỡ nợ ngân hàng!”

N.T.C

 

 

  1. Ông bà John và Judith Day trao đổi với hai người khách Việt Nam tại gian hàng của họ trong Hội chợ mỹ thuật quốc tế châu Á tổ chức ở New York  năm 2009.

  2.  Tranh Phạm Luận, Đặng Xuân Hòa, Đinh Thị Thắm Poong, Nguyễn Bạch Đàn… trong gian hàng của ông bà John và Judith Day tại hội chợ.

  3. Trong căn hộ cũng là gallery của ông bà John và Judith Day ở New York, trên tường từ trái sang là tranh Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trung và Đỗ Quang Em (tác giả ngồi ở góc trái).

 

 

(*) Kỷ niệm 25 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên, cũng là dịp tổng kết một phần tư thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai (1975-2000), tờ Tuần Châu Á (Asiaweek) số 24-11-2000 đã đưa ra những đánh giá, nhận định trên nhiều lĩnh vực. Về văn học nghệ thuật, theo tờ báo, có ba sự trội bật rõ nét nhất ở ba quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Ở Trung Quốc là các nhà làm phim, ở Ấn Độ là các nhà văn và ở Việt Nam là các họa sĩ. 

 

Chia sẻ trên Facebook