CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Lý luận phê bình Mỹ Thuật

YAYOI KUSAMA LẦN ĐẦU TIÊN ĐƯƠC TRIỂN LÃM TẠI VIỆT NAM

Thứ sáu ngày 14 tháng 6 năm 2013 12:00 AM

Năm nay đã ở tuổi tám mươi ba nhưng bà Yayoi Kusama, một gương mặt nghệ thuật lừng danh thế giới vẫn sáng tác đều đặn ở nhiều lĩnh vực: hội họa, điêu khắc, điện ảnh, trình diễn, sắp đặt và cả thời trang. “Những nỗi ám ảnh (Obsessions)” là tên cuộc triển lãm các tác phẩm sắp đặt nổi tiếng của bà, đã được giới thiệu ở nhiều nước, đang được triển lãm tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, Hà Nội, từ 25-5 đến 28-7-2013).

Cuộc triển lãm này nằm trong hàng loạt hoạt động nhân kỷ niệm Năm hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam 2013, bao gồm sắp đặt mang tên Vườn hoa thủy tiên với 1.500 quả bóng inox sáng loáng được trải khắp nửa mặt sân của Trung tâm và chín tác phẩm chấm bi hoành tráng với tên gọi Biển chỉ đường tới không gian mới được trưng bày trong phần diện tích còn lại. Khu vực chính của triển lãm mang tên Những ám ảnh chấm bi, một trong những sắp đặt nổi tiếng nhất của Kusama được thể hiện với gương và những quả bóng chấm bi. Ngoài ra một phòng ở khu nhà ngang của Trung tâm được dành riêng cho một sắp đặt mới Tôi ở đây, mà lại không ở đây, nơi người xem có thể trải nghiệm ảo giác 2D và 3D với những chấm phản quang.

Triết lý những chấm bi

Vào năm 1966, Yayoi Kusama lần đầu tiên tham dự Triển lãm lưỡng niên (Biennale) Venice với tác phẩm “Vườn hoa thủy tiên” (Narcissus garden), khi đó bà bày 1.200 quả cầu trên một bãi cỏ và tác giả ngồi đó trong trang phục kimono, lần lượt bán từng quả cầu cho khách tham dự với giá khoảng 2 USD lúc bấy giờ, và chỉ ngừng bán khi các nhà tổ chức không cho phép tiếp tục. Được coi là một trong những “tác phẩm tai tiếng” nhất của Kusama, Vườn hoa thủy tiên là cách tác giả tự quảng bá mình với giới truyền thông và cũng chủ tâm để giới phê bình chỉ trích hành động mua bán ấy tại một triển lãm quốc tế  (chính vì thế mà những quả cầu có tên Narcissus - một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp chỉ yêu chính bản thân mình). Nhưng rồi Vườn hoa thủy tiên trở thành một tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật dài lâu của Kusama; được giới thiệu tại nhiều triển lãm, hội chợ nghệ thuật khắp thế giới, gần đây nhất là tại Triển lãm lưỡng niên Whitney ở Central Park (New York - 2004) và Vườn Tuileries (Paris - 2010) trước khi đến Hà Nội.

Còn với các tác phẩm chấm bi (polka dot) thì “bà hoàng của nghệ thuật chấm bi” (The polka dot Queen) Yayoi Kusama giải thích ý tưởng và triết lý sáng tạo của mình: “Mỗi chấm bi có chứa hình ảnh của mặt trời, là biểu tượng của năng lượng toàn thế giới cũng như cuộc sống của chúng ta; đồng thời mỗi chấm bi còn chứa hình ảnh của mặt trăng - sự tĩnh lặng. Tròn, mềm mại, đầy màu sắc, vô nghĩa và vô thức. Chấm bi trở thành chuyển động. Chấm bi là cách để đi đến vô hạn…”.

Một cuộc đời ngoại hạng

Sinh năm 1929 tại Matsumoto, tỉnh Nagano (Nhật Bản), Yayoi Kusama có một sự nghiệp nghệ thuật đa dạng và lừng lẫy, ở trong số những nữ nghệ sĩ độc đáo và tài năng nhất thế giới. Bà bắt đầu học vẽ theo phong cách cổ truyền Nihonga từ năm 1948 ở Kyoto, nhưng hội họa truyền thống Nhật không lôi cuốn được người phụ nữ mạnh mẽ này. Sau vài triển lãm tranh Nihonga ở quê nhà và tại Tokyo vào đầu thập niên 1950, đến năm 1957 Kusama sang New York lập thân, lập nghiệp và chính từ đây bà được chắp cánh bay xa. Kusama vẽ tranh theo khuynh hướng Biểu hiện trừu tượng đang rất được ưa chuộng lúc đó ở Mỹ, rồi làm điêu khắc, sắp đặt, dần dà trở nên một tên tuổi của nghệ thuật tiền phong (avant-garde) của New York với nhiều triển lãm cá nhân cùng thời với những ngôi sao như  Andy Warhol, Claes Oldenburg, George Segal của những năm đầu thập niên 1960. Nhưng chỉ đến cuối những năm 1960, khi bà thực hiện hàng loạt những cuộc trình diễn khỏa thân, tự vẽ lên người mình những chấm bi đen và trắng thì tên tuổi Yayoi Kusama mới rực sáng hơn bao giờ hết. Những triển lãm của bà từng được tổ chức tại các thánh đường nghệ thuật như Bảo tàng MoMA, Bảo tàng Whitney của New York và Bảo tàng Tate ở London. Năm 2008, nhà đấu giá Christie’s ở New York đã bán một tác phẩm của Kusama với giá 5,1 triệu USD, kỷ lục đối với một tác giả nữ đương thời.

Năm 1973, bà trở về quê nhà rồi làm nghề kinh doanh tác phẩm nghệ thuật một thời gian; sau đó bà gặp những vấn đề về thần kinh, phải tự vào một bệnh viện tâm thần để chữa trị. Nhưng kỳ lạ thay khi chính từ chỗ trú ấn này, nghệ thuật của Kusama vẫn không ngừng phát triển, bà vẫn cho ra đời nhiều tác phẩm lớn, gần đây nhất là vào năm 2012, bà đã hợp tác với Công ty thời trang Louis Vuitton giới thiệu “Bộ sưu tập của Yayoi Kusama” đặc sắc.

 

Trong cuộc đời nghệ thuật hơn dài thập kỷ với những sáng tạo không ngừng, và những mẫu chấm bi đã trở thành thương hiệu riêng, Yayoi đã nhận được rất nhiều giải thưởng, như Huy chương Nghệ thuật và Văn học Pháp (2003), Huy chương Mặt trời mọc và Giải Nghệ thuật Hoàng gia Nhật dành cho nghệ sĩ thành tựu trọn đời (2006) và được vinh danh là Nhà Văn hóa của Nhật Bản (2009).







Nguyệt Cầm

 

1.Yayoi Kusama trong không gian chấm bi với trang phục có những nét gần gũi với tà áo dài Việt Nam
2. Chân dung tự họa
3. Khai mạc triển lãm “Những nỗi ám ảnh”
4.Trẻ em vui chơi trong không gian chấm bi của Yayoi Kusama
5. Sắp đặt “Những ám ảnh chấm bi”
6. Bộ sưu tập của Yayoi Kusama (Louis Vuitton)

 

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook