1. Trong một bài hát của Phương, người nhạc sĩ Đà Lạt đã qua đời, bài hát mà tôi đã nghe mãi đến thuộc lòng thời sinh viên, có câu: “hoa ngân vang lời ái ân/ môi say cười gió đông…”. Bây giờ mỗi lần đến với thành phố hoa trên cao nguyên, bao giờ tôi cũng nghe âm vang lời hát cũ và chỉ cần xe qua đèo Bảo Lộc, nhìn ngắm những bụi dã quỳ vàng rực dọc đường, dấu hiệu đã gần đến xứ sở của hoa, lòng tôi lại bồi hồi những kỷ niệm xưa.
Ngày xưa ấy, Đà Lạt với bọn sinh viên trai tráng chúng tôi ở Sàigòn quả thực là một cõi địa đàng trần thế. Gần như mùa hè nào chúng tôi cũng rủ nhau lên xứ hoa, có khi ở hằng tháng trời trong một căn nhà gỗ nhỏ ở cái ấp trồng rau có tên là Hà Đông - có lẽ cái tên được đặt bởi những người dân Hà Đông quê tôi xa xứ vào Nam, chọn nơi này lập nghiệp, sống với nghề trồng rau, và tất nhiên, không thể thiếu trồng hoa. Chúng tôi sống giữa thanh sạch đất trời, ngày ngày hết dạo chơi phố xá, theo chân những cô gái má hồng áo len tím, lại tìm đến với núi rừng và thác suối, tối vào quán Lục Huyền Cầm nghe Lê Uyên - Phương hát: “Đưa em xuống phố hôm nay/ Đang còn chất ngất cơn say/ Theo em bước xuống cơn đau, Bên ngoài nắng đã lên mau...”; bữa ăn thì sẵn rau quả vườn nhà của Thông, bạn tôi, dân Đà Lạt vào Sài Gòn trọ học. Nhiều buổi, cả bọn rủ nhau dậy sớm, vào các khu vườn thơm nức hương hoa để đón bình minh. Ngày ấy Đà Lạt mới lắm sương. Chúng tôi ngồi trong sương khói vây quanh, sung sướng nhìn những cánh hồng xòe nở, lặng ngắm những đóa phù dung run rẩy lúc sương tan dần và mặt trời chậm rãi nhô lên ở quả đồi trước mặt…
So với ngày xưa ấy, nhan sắc cô gái Đà Lạt hôm nay đã phai nhạt lắm rồi nhưng tình cảm của tôi dành cho thành phố cỏ hoa ấy dường như chẳng hề phôi pha theo tháng năm. Như một tình yêu say đắm đầu đời. Tôi vẫn thường trở lại với những dốc phố, những vệ đường hoa, ngắm nhìn những biệt thự hoang phế, những gốc thông già nua, những gác chuông nhà thờ cũ kỹ và mặt hồ im ắng chiều hôm; lòng cứ mãi xót xa trước những đổi thay táo tợn vẫn đang diễn ra ở một nơi lẽ ra cần được nâng niu, cần phải thật cẩn trọng cho dù là chỉ xây một ngôi nhà cấp 4!
2. Tôi thích nhất Đà Lạt những ngày trước Tết nguyên đán và nhiều năm rồi đều đón xuân sớm ở cao nguyên. Có lẽ đó là khoảng thời gian dễ chịu nhất để thưởng ngoạn cảnh sắc Đà Lạt trước khi những lớp lớp xe và người từ khắp nơi ào ạt đổ đến đây sau Tết. Đó là những ngày không còn rét quá, mùa đông chừng như còn nấn ná trong khi mùa xuân đang ngập ngừng bước tới. Con đường từ dốc đèo Prenn dẫn vào trung tâm thành phố đã bừng sắc hoa. Và mai anh đào bên hồ Xuân Hương đang khoe sắc thắm. Xe lên dốc Hòa Bình để thấy những chùm phượng tím diệu kỳ chỉ có ở Đà Lạt, và dường như chỉ có vào đầu xuân.
Sáng hôm sau, không gì khoan khoái hơn khi ngồi xe lướt qua những con đường mới dẫn đến khu Đan Kia - Suối Vàng hay vòng quanh hồ Tuyền Lâm; mở rộng cửa để không khí lạnh mát tràn ngập buồng phổi, tràn ngập tâm hồn; ngắm nhìn những cây mai anh đào nở rộ hai bên đường, những đồi thông xanh reo vui trong nắng…
Rồi là đến với những vườn trăm sắc hoa: hồng nhung, hồng bạch, hồng vàng, cẩm tú cầu, địa lan, phong lan, dã lan, pensée, xác pháo, cẩm chướng, quỳnh, forget-me-not…, thu hải đường, đỗ quyên... và cả loài hoa quý mới trồng được ở đất này: tuylip (hay còn được gọi với cái tên tao nhã là uất kim hương). Hoa gần như là đối tượng chính của chuyến đi, kể cả khi chúng tôi đến với Thiền viện Trúc Lâm hay lặn lội xuống thác Đatanla vào buổi chiều giáp Tết, và có lẽ chúng tôi là những người khách cuối cùng của năm cũ sắp qua đi. Chính trong không gian vắng lặng, chỉ có tiếng thác reo mơ hồ và một chút mặt trời vương vấn qua bóng cây, mới thấy hết được vẻ đẹp của những bông cẩm tú cầu đang vươn lên chào đón khách thưởng hoa.
3. Có một địa chỉ hoa không thể thiếu với chúng tôi trong những ngày Đà Lạt: thung lũng hoa đào trên đường Lê Hồng Phong. Cái thung lũng ngợp sắc hồng của đào bích, đào phai ấy đã từng gây dư luận khi nó được địa phương “đưa vào diện quy hoạch” - cái từ đồng nghĩa với việc xóa sổ một vườn hoa “trên cả tuyệt vời” mà ông chủ vườn Bùi Văn Lời đã tốn bao công sức, thời gian và tiền của để gầy dựng. Năm nay, đào trong thung lũng Mười Lời đẹp hơn bao giờ: những cây đào ghép, thân mai anh đào Đà Lạt nhưng cho những bông hoa đào bích, đào phai Nhật Tân, Quảng Bá mà theo chủ vườn, hoa sẽ lâu tàn hơn, khỏe mạnh hơn. Đến đây rồi thì chẳng cần phải là mỹ nhân trong thơ Thôi Hộ mà bất kỳ ai cũng “nhân diện đào hoa tương ánh hồng”.
Chúng tôi theo chân ông Mười đi thăm vườn, len lỏi qua những đào và đào để rồi tất cả ồ lên kinh ngạc khi thấy những chùm hoa mận trắng của Sapa, Hà Giang ở cuối vườn. Ông chủ vườn hãnh diện khoe mới ghép được mận vùng cao Tây Bắc với mận Đà Lạt để cây trổ hoa trắng tinh khôi…
Nghe đâu người ta định “quy hoạch” cái vườn này thành khu nhà chung cư gì đó!
4. Những bạn bè tôi ở Đà Lạt tỏ ra không mặn mà với những cách tô điểm hoa “kiểu Phú Mỹ Hưng” tại quê nhà của họ. Quả là vài cái tháp chồng những giỏ hoa ở các vòng xoay hay những mảng hoa với cách làm tương tự không hợp với xứ hoa, nơi mà chỉ cần hoa dại mọc trên những con đường quanh co, những dốc phố lạ lùng cũng đủ gây cảm hứng cho bất kỳ tay chơi ảnh nghiệp dư nào; hoặc đẹp chưa kìa những cái bancông nho nhỏ đầy hoa phong lữ thảo mà ta có thể bắt gặp đâu đó trên phố xá. Hoa ở Đà Lạt chỉ đẹp khi sống trên đất thay vì trồng trong giỏ, bởi chỉ cần thiếu chăm sóc những giỏ hoa ấy trông mới thật thảm thương!
Trước ngày trở lại Sài Gòn tôi lại ghé nhà họa sĩ Lưu Công Nhân, xem hoa trong tranh và xem hoa vườn nhà ông - những dây hoa cát đằng xanh tím rủ xuống tận chân người, những khóm hồng môn đỏ rực và giàn hoa giấy sắc hồng trước ngõ. Có lần ông Nhân bảo tôi: “Ông có biết kinh nhất là rác gì không? - Rác hoa. Làm sao để Đà Lạt chỉ có hoa mà không có rác hoa…”.
N.T.C
(*) Bài đã đăng tạp chí Kiến Trúc (Hội KTS VN) năm 2009. Bây giờ hai nhân vật trong bài là họa sĩ Lưu Công Nhân và ông Mười Lời đều đã qua đời. Gửi Nico-paris.com bài này như “một chút gì để nhớ”…