CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Lý luận phê bình Mỹ Thuật

CỔ TÍCH CÔN ĐẢO

Thứ hai ngày 25 tháng 3 năm 2013 12:00 AM

Tôi vẫn thường mơ về biển và đảo mỗi khi đầu óc quá mệt mỏi, nặng nề. Trong giấc mơ biển - đảo ấy, dần dà những đường nét cụ thể lộ ra rồi rõ mồn một: hóa ra đó chính là Côn Đảo. Mà nào có phải Côn Đảo là hải đảo duy nhất trong đời tôi đã đặt chân đến…

HÔM QUA, HÔM NAY     

Lần đầu tiên tôi đến Côn Đảo cách nay hơn 15 năm (*), trên một chiếc tàu khách xuất phát từ cảng Vũng Tàu. Thú thật, hôm ấy, khi từ xa nhìn xuống chiếc tàu bé nhỏ buông neo trên cảng, tôi đã chực quay về vì… hãi. Làm sao con tàu trông thật ọp ẹp ấy có thể chở gần trăm người khách vượt đại dương nhỉ. Tôi tin chắc hầu hết thành viên đoàn chúng tôi hôm ấy cũng có suy nghĩ như thế nhưng chẳng ai nói ra! Lúc xuống tàu, hóa ra nó không quá nhỏ bé như thoạt mới nhìn thấy. Lại tàu sắt hẳn hoi. Có nhiều phòng, giường trải nệm đàng hoàng. Dường như ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Tàu rời bến, mọi người lên boong, hân hoan nhìn trời và biển bao la, cười nói râm ran, hát hò ầm ĩ. Nhưng chẳng mấy chốc những con sóng bắt đầu nhồi, lắc. Ngày càng mạnh. Nhiều người lục tục trở xuống cabin vì bắt đầu thấy chóng mặt. Không còn nghe chút tiếng động và âm thanh hào hứng nào. Rồi có tiếng nôn ọe…



Biển xanh Côn Đảo
 

Do có kinh nghiệm đôi lần đi biển bằng tàu đánh cá trước đó, tôi đã thủ sẵn cái võng vải dù, mắc ngay bên hành lang hông tàu. Làu cứ lắc, cứ tròng trành, người nằm võng không bị xây xẩm, choáng váng đầu óc như khi nằm bẹp trên giường. Sau đó, khi biển êm, tôi vào khu vực phòng nghỉ của khách mới chứng kiến cảnh tượng thật “hoang tàn”: những chàng trai, cô gái trước đó không lâu tươi tắn, cười nói, hát hò… giờ đang vật vờ như chết rồi, trông thật thảm hại vì đã nôn tới mật xanh mật vàng; có người vẫn đang tiếp tục tuôn ra hết những gì đã bỏ vào dạ dày từ đầu hôm… Chuyến về, tôi tìm cách mua được vé máy bay. Tôi còn nhớ đó là chiếc Cessna chở được sáu người. Máy bay rời sân bay Cỏ Ống với nhà ga bé xíu, hành lý của khách còn được cân bằng cái cân bàn với quả cân kéo tới kéo lui! Quả là chuyến đi nhớ đời và chẳng bao giờ tôi nghĩ đến sẽ đi Côn Đảo lại bằng đường thủy, cho dù sau này đã có tàu cánh ngầm hiện đại.

Lần khác tôi ra Côn Đảo bằng trực thăng trong thời tiết thật tốt, song đáng nhớ hơn là lần được mời dự khai mạc một cuộc triển lãm tranh, lần đầu tiên được tổ chức trên một hải đảo, cách đây gần tròn bốn năm (*). Khi đó bà Xuân Phượng, chủ nhân gallery Lotus và cũng là một doanh nhân làm du lịch, đưa mấy chục bức tranh của các họa sĩ Bùi Quang Ngọc, Phan Vũ, Đỗ Xuân Doãn và Nguyễn Trọng Tường ra bày ở Côn Đảo nhân dịp khánh thành khu du lịch của bà trên đảo. Đó là cuộc triển lãm tranh đầu tiên được tổ chức tại Côn Đảo. Chúng tôi, khoảng gần 20 người, bay bằng chiếc máy bay nhỏ của Nga, trông chẳng khác chiếc taxi. “Tổ lái” chỉ gồm viên phi công và một anh chàng vừa là tiếp viên, vừa trợ giúp kỹ thuật ngồi phía sau đuôi máy bay mà đám chúng tôi gọi vui là “lơ máy bay”. Máy bay bay khá thấp, khách có thể nhìn rõ mồn một những gì bên dưới cánh bay suốt hành trình, nhiều nhất vẫn là mặt biển mênh mông, xanh ngắt tưởng như vô tận; cho đến khi những hòn đảo của quần đảo Côn Sơn hiện ra…



Côn Đảo thật gần dưới cánh bay
 

Đầu hè vừa qua, tôi lại đi Côn Đảo, lần này bằng máy bay ATR 72, có hơi ồn nhưng cất và hạ cánh đều êm ả, nhẹ nhàng. Sân bay Cỏ Ống nay đã trở thành ga hàng không Côn Đảo hiện đại và bề thế hơn gấp nhiều lần. Đường từ sân bay về trung tâm huyện đảo có một đoạn dài uốn lượn qua núi, kề bên là biển xanh đẹp đến nao lòng; xe lướt qua con đường ven biển ngày xưa gập ghềnh đất đá nay được tráng nhựa với mấy làn xe, trước khi dừng lại ở một khu resort mới xây dựng.

CÔN ĐẢO CỐ NHÂN  

Nhiều lần trở lại Côn Đảo vậy mà tôi vẫn có cái cảm xúc gặp lại cố nhân. Trước tiên vẫn là những hàng bàng cổ thụ chỉ có ở Côn Đảo mà năm nào tôi đã ngẩn ngơ chiêm ngưỡng lần đầu tiên trong đời. Những thân bàng Côn Đảo mới gớm ghê! Có thân to đến vài người ôm mới xuể, cao đến gần chục mét, tàn lá tạo thành những quầng mát rượi giữa trưa hè. Những dáng cây mới lạ lùng làm sao, uy thế làm sao, chưa nói những chiếc rễ to tướng lộ trên mặt đất. Bàng có ở hầu khắp những trục đường chính của đảo, trong các khu trại giam khổ sai thuở nào. Giá như mỗi thân bàng đều có được một lý lịch riêng, tính từ ngày được người Pháp trồng ở đất này, bởi chúng là những chứng nhân câm lặng của một thời bi tráng... Tôi tin rằng không đâu trên đất nước mình lại có những thân bàng cổ tích đẹp như vậy. 

Và cũng không đâu ở xứ mình màu hoa phượng lại thắm như ở đây. Trên những cành phượng cao vút, sắc hoa đỏ đầu hè và tiếng ve râm ran đó đây gợi lại bao luyến tiếc, nhớ nhung và cả nỗi ao ước được sống lại những mùa hè khi quanh mình là bè bạn chân tình nhất của cả đời người.

Tôi cứ thích đi mãi trên những con đường vắng của đảo, dưới bóng cây và nghe vẳng lại từ phía biển tiếng sóng vỗ vào bờ đá, thảng hoặc ghé vào một cái cổng nhà cũ kỹ mà đám dây sung thằn lằn đã phủ kín, thử ước tính những năm tháng đã qua đi trên bức tường rào này. Quỹ nhà cổ từ thời Pháp cũng là một nét độc đáo ở Côn Đảo. Trên những cây cột của các biệt thự cũ đã được công ty của bà Xuân Phượng trùng tu, biến thành nhà nghỉ sang trọng, vẫn còn những con số chỉ năm sinh của chúng - hầu hết đã tròm trèm 80 năm; có cái còn cao tuổi hơn nữa. Có một câu chuyện tựa cổ tích, được chính bà Xuân Phượng kể lại cho tôi: Một nhà báo Pháp sang Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc trận chiến ở Điện Biên Phủ (1954 – 2004), sau đó ông đến thăm Côn Đảo và khi trở về viết bài đăng trên báo L’Express. Trong bài có in mấy bức ảnh về những ngôi biệt thự thời Pháp nay đã được trùng tu nhưng vẫn giữ được dáng vẻ của thuở mới được xây dựng. Tác giả bài viết có nêu tên bà Xuân Phượng. Khoảng một tháng sau khi bài báo được đăng, bà Xuân Phượng nhận được một lá thư gửi từ Pháp. Người viết thư là một phụ nữ, sinh cùng năm với một ngôi nhà trong ảnh và thật lạ lùng đó cũng là năm sinh của bà Xuân Phượng. Trong thư người phụ nữ Pháp ấy kể rằng bà đã ra đời ngay trong ngôi biệt thự ấy, hiện còn giữ được những bức ảnh chụp cả gia đình trước sân nhà, khi đó bà còn là một đứa bé mới biết đi lẫm chẫm. Mấy bản sao những bức ảnh ấy cũng được gửi kèm theo lá thư với lời lẽ như đẫm nước mắt.



Ngôi biệt thự kiểu Pháp xây năm 1929 được trùng tu làm điểm du lịch
 

Hai phụ nữ cao niên Việt - Pháp ấy đã gặp nhau tại Paris khi bà Xuân Phượng sang Pháp không lâu sau đó và trong hành lý mang theo có sáu quả vú sữa hái từ cây vú sữa cổ thụ trước ngôi nhà mà vào năm 1929 nó chỉ mới được trồng, với vài nhánh lá lẻo khoẻo. Không thể nói hết nỗi xúc động của người đàn bà Pháp cũng như nỗi xúc động của cuộc gặp gỡ ấy.

Những kiến trúc cổ thời thuộc địa vây kín bởi hoa lá rộn ràng của khu vườn lung linh bóng nắng sẽ thật thích hợp với những ai ưa thích sự yên tĩnh thần thánh và nặng lòng hoài cổ. Có lẽ họ sẽ không thể chọn nơi nghỉ nào khác ngoài Côn Đảo. Phú Quốc, Cát Bà đã bị ô nhiễm từ lâu bởi cách làm du lịch hối hả, ăn vào thiên nhiên quá nhiều; riêng tôi cũng không khỏi âu lo tự hỏi liệu Côn Đảo có đi vào vết xe đổ ấy khi mà huyện đảo này đã, đang và sẽ phát triển mạnh du lịch, điển hình là các khu resort, các khách sạn quy mô lớn đã và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng.



Triển lãm tranh đầu tiên tại Côn Đảo
 

Thật dễ chịu khi thong thả đạp xe trên những con đường tinh khôi chạy dài tít tắp qua những cánh rừng nguyên sinh trên đảo chính, thỉnh thoảng bên đường lại lộ ra một đầm nước với sắc đỏ rực của hoa súng và đôi ba cánh cò trắng muốt bị kinh động vỗ cánh bay lên, hay vài lùm cây xanh lẻ loi trên vùng cát cằn khô như một mảng sa mạc lạ lẫm; hoặc một vùng cây nở hoa trắng xóa mà đến gần mới biết đó là một thứ quả dại của rừng…

Trở lại đất liền, trong đầu tôi vẫn còn ngợp hình ảnh những hàng bàng cổ thụ, những tán phượng già nua cháy rực một màu hoa đỏ; những mảng biển xanh ngắt hòa vào màu trời mênh mang; những con thuyền chài ngủ êm trên bến cảng… Và cả những mảng tường xám u hoài trong các nhà ngục - bảo tàng…

N.T.C

 

(*) Bài đã đăng Doanh nhân Sài Gòn số cuối tháng (tháng 5/2009), từ bấy đến nay tôi đã nhiều lần đến Côn Đảo, gần nhất là vào tháng 10-2012. May thay, cho tới nay huyện đảo này chưa bị tàn phá nhiều bởi làn sóng làm du lịch “kiếm tiền bằng mọi giá”như đã diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook