Mỗi tác phẩm hội họa đích thực lại có một cuộc đời riêng, đặc biệt là tranh của các nhà danh họa: chúng có thể bị đánh cắp, bị làm giả và kể cả bị hủy hoại bởi những kẻ tâm thần hoang tưởng. Riêng tác phẩm lừng danh Guernica của Picasso lại có một cuộc đời khác hẳn, thật kỳ lạ, và cuộc chiến tranh Việt Nam cũng từng “dính líu” đến tác phẩm vĩ đại này.
Đó là một bức tranh có ưu quyền. Bởi Guernica không chỉ là một bức tranh; nó còn là một biểu tượng, một huyền thoại.
Pablo Picasso đã vẽ Guernica sau khi máy bay phát xít Đức và Ý, đồng minh của nhà độc tài Franco lúc đó, ném bom hủy diệt thành phố thuộc xứ Basque trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Trong ngày đau thương 26-4-1937, 28 máy bay ném bom đã cày nát Guernica, thảm sát hàng ngàn người dân lành vô tội. Vụ ném bom đã tác động mãnh liệt đến nhà khai sáng trào lưu Lập thể, và chỉ sau nửa tháng diễn ra tấn thảm kịch, Picasso đã bắt đầu thực hiện bức tranh tường khổ lớn theo đề nghị của chính phủ cộng hòa Tây Ban Nha còn non trẻ, để kịp gửi tranh dự Hội chợ Thế giới (Expo) Paris 1937.
Sau khi được trưng bày tại Expo Paris, Guernica được đem đi triển lãm lưu động ở nhiều quốc gia trong một thời gian không dài, dù vậy nó đã mau chóng trở thành một tác phẩm hội họa được biết đến nhiều nhất và khiến cuộc nội chiến Tây Ban Nha được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Kiệt tác hoành tráng này gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại về thảm họa của chiến tranh, đồng thời là một thông điệp hòa bình vĩnh cửu mà trong lịch sử mỹ thuật thế giới không có tác phẩm nào làm được như nó.
Guernica có chiều cao 3,5 m và dài đến 7,8 m, kích thước của những bức tranh tường khổng lồ, nhưng được Picasso vẽ bằng sơn dầu trên vải bố, mô tả những cảnh tượng chết chóc, bạo lực đẫm máu, sự hỗn mang, nỗi kinh hoàng, tuyệt vọng của nạn nhân chiến tranh, kể cả gia súc và các công trình kiến trúc cũng cùng chung số phận với con người. Tranh chỉ được vẽ bằng hai màu đen - trắng nhằm chuyên chở tính thời sự như một bức ảnh báo chí và thể hiện tính chất chết chóc của chiến tranh.
Guernica có một hành trình thật dài đến với người xem nhiều xứ sở, hơn bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào khác từ cổ chí kim: từ Paris, bức tranh đến thủ đô các nước vùng bán đảo Scandinavia, Luân Đôn, Munich rồi trở lại Pháp một thời gian ngắn; sau khi tướng Franco nắm quyền tại Tây Ban Nha thì bức tranh được đưa sang Hoa Kỳ để triển lãm gây quỹ cứu trợ cho những người Tây Ban Nha lánh nạn phát xít. Khi Picasso đề nghị tìm một nơi an toàn cho Guenica, tác phẩm được giao cho Bảo tàng MoMa ở New York gìn giữ và bảo quản. Từ 1939 - 1952, Guernica được trưng bày ở nhiều nơi trên đất Mỹ, từ 1953 - 1956 nó được triển lãm tại Brazil, sau đó có mặt trong triển lãm hồi cố lần đầu tiên của Picasso ở Milan (Ý), kế tiếp là đến các đô thị lớn ở châu Âu trước khi về lại Bảo tàng MoMA để tham gia triển lãm nhân kỷ niệm 75 năm ngày sinh Picasso.
Từ MoMA, Guenica đến với công chúng ở Chicago và Philadelphia. Đến lúc này, đã xuất hiện những mối lo về tình trạng của tác phẩm sau nhiều năm chu du khắp nơi và nó lại được đưa về MoMA, chiếm trọn một phòng ở tầng 3 của bảo tàng, bên cạnh có thêm một số phác thảo nghiên cứu vào thời kỳ đầu Picasso đến với mỹ thuật.
Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, căn phòng trưng bày Guernica ở MoMA trở thành nơi tập hợp những người phản chiến đến cầu nguyện cho hòa bình. Năm 1974, Tony Shafrazi, một người Mỹ phản chiến, do căm tức tổng thống Nixon tha bổng cho tên cuồng sát William Calley trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai - một vụ Guernica tại Việt Nam, đã có hành vi rồ dại: lấy sơn đỏ xịt lên bức Guernica dòng chữ “Hãy giết hết bọn dối trá!”. Hậu quả là tác phẩm bị hư hại bề mặt và cần phải phục chế.
Đầu năm 1968, tướng Franco đã từng đề nghị muốn đưa Guernica về với Tây Ban Nha nhưng Picasso đã thẳng thừng bác bỏ, khẳng định rằng bức tranh của ông chỉ về với nhân dân Tây Ban Nha chỉ sau khi chế độ Franco cáo chung và nền cộng hòa trở lại. Picasso qua đời năm 1973. Đến năm 1975 Franco chết và dù chế độ mới đã ra đời tại Tây Ban Nha từ năm 1978 nhưng Bảo tàng MoMA chưa chịu trả tác phẩm về với quê hương của nó. Sau nhiều áp lực của quốc tế cùng với những cuộc thương lượng giữa chính phủ Tây Ban Nha với MoMA, cuối cùng thì bảo tàng này mới chịu giao lại Guernica vào năm 1981. Bức tranh được đưa về Bảo tàng Prado ở Madrid.
Năm 1992, Guernica được đưa từ Bảo tàng Prado đến Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia mang tên Hoàng hậu Sofia cũng ở thủ đô Madrid, dù chính Picasso từng tuyên bố nếu Guernica trở về cố hương nó chỉ được trưng bày tại Bảo tàng Prado. Đã có những phản ứng về việc di chuyển này, nhưng Guernica thích hợp hơn với Bảo tàng Reina Sofía mới xây dựng, nơi trưng bày các tác phẩm của thế kỷ 20, thay vì Bảo tàng Prado cổ kính, nơi thích hợp với các tác phẩm từ thế kỷ 19 trở về trước. Còn những người xứ Basque cực đoan thì vẫn đòi Guernica phải trở về với chính vùng đất từng xảy ra vụ thảm sát đẫm máu, nhất là sau khi Bảo tàng Guggenheim Bilbao được xây dựng (TP Bilbao cũng thuộc xứ Basque), nhưng các giới chức của Bảo tàng Reina Sofía cho rằng bức tranh khổng lồ nay đã quá mong manh để lại thêm một lần chuyển chỗ ở. Chính các chuyên gia của Guggenheim Bilbao cũng đồng tình với nhận định này.
Và câu chuyện dài về một kiệt tác hội họa của nhân loại có lẽ đã có hồi kết. Guernica đã có một bến để dừng chân vĩnh viễn.
Diên Vỹ
1.Tác phẩm bất diệt Guernica
2. Phác thảo của Picasso để vẽ Guernica
3. Guernica trong gian trưng bày tại Bảo tàng Reina Sofía
4. Picasso đang vẽ Guernica