CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Lý luận phê bình Mỹ Thuật

MẶT - TRIỂN LÃM CHÂN DUNG MỘT NGƯỜI LÀM BÁO

Thứ ba ngày 15 tháng 1 năm 2013 11:06 AM

Phòng tranh “Mặt - Chân dung một người làm báo” giới thiệu 32 tác phẩm chỉ với một đề tài: chân dung nhà báo Nguyễn Trọng Chức, nguyên Thư ký tòa soạn tuần báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (từ 1983 đến 2008), nguyên Thư ký tòa soạn tạp chí Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh (từ 2001 đến 2004), hiện là Trưởng ngành Lý luận phê bình của Hội Mỹ thuật TP. HCM.

Trong cuộc đời làm báo của mình, nhà báo Nguyễn Trọng Chức có mối quan hệ thân tình với giới mỹ thuật, bởi anh còn là người viết về mỹ thuật từ năm 1976 đến nay. Hằng trăm bài báo đã in trên Tuổi TrẻTuổi Trẻ Chủ Nhật (sau này đổi thành Tuổi Trẻ Cuối Tuần), tạp chí Mỹ Thuật TP.HCM và một số báo, tạp chí khác, dưới nhiều bút danh khác nhau nhưng quen thuộc với người đọc là cái tên Nguyệt Cầm và Diên Vỹ. Chính mối quan hệ bền lâu với giới mỹ thuật trong cả nước đã giúp nhà báo Nguyễn Trọng Chức trở thành bạn hữu của nhiều họa sĩ từ Bắc chí Nam thuộc nhiều thế hệ, trong đó có những tác giả đã vẽ chân dung của anh.


Bùi Tiến Tuấn - Tranh lụa

Trong danh sách các họa sĩ có tác phẩm tại phòng tranh này, có vị đã qua đời như Lưu Công Nhân, Đào Thế; những người đã cao niên như Phan Vũ, Bùi Quang Ngọc, Đào Trọng Lưu, Trịnh Thanh Tùng… rồi thế hệ các họa sĩ Nguyễn Quân, Ca Lê Thắng, Thành Chương, Trần Đán, Nguyễn Thuyên, Lương Xuân Đoàn…, tiêp đó là Hứa Thanh Bình, Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Hoàng Tường, Tôn Thất Bằng, Võ Xuân Huy, Bùi Tiến Tuấn, Lê Kinh Tài... và cả những họa sĩ trẻ như Trần Minh Tâm, Lê Võ Tuân…

Lưu Công Nhân - Tranh sơn dầu

Phòng tranh được tổ chức để đánh dấu 40 năm làm báo của nhà báo Nguyễn Trọng Chức, tính từ khi anh làm báo thời đi học tại Sài Gòn trước 30-4-1975. Từ năm 1969 – 1970, anh đã làm báo in typo tại Trường trung học kỹ thuật Cao Thắng, và suốt những năm đại học tiếp tục công việc này, có lúc là chủ biên nội san Hướng Đi của Phân khoa Giáo dục Viện Đại học Vạn Hạnh. Những năm làm báo thời đi học không ngờ đã là bước thao dượt cho anh làm báo chuyên nghiệp sau này. Triển lãm cũng là dịp để nhà báo Nguyễn Trọng Chức tri ân nghề báo, tri ân những bạn bè, bằng hữu đã hỗ trợ, giúp đỡ anh làm nghề trong suốt những năm tháng đã qua.

Bùi Quang Ngọc - Tranh sơn dầu

32 tranh chân dung trưng bày dịp này được vẽ với nhiều chất liệu: sơn dầu, acrylic, bột màu, màu nước, pastel (phấn tiên), chì than, lụa, giấy dó, với nhiều kích thước. Tất cả được in trong một vựng tập được họa sĩ Lê Kinh Tài thiết kế rất công phu và thẩm mỹ.

Lê Kinh Tài - Tranh sơn dầu

Nhà phê bình mỹ thuật, họa sĩ NGUYỄN QUÂN
Chân dung nhà báo Nguyễn Trọng Chức

Một thể loại cổ xưa và đương đại nhất, phổ biến và thú vị nhất. Phong cảnh ngụ tình bay bổng, tĩnh vật ngụ ý than ngầm, hoa điểu xum vầy, thảo trùng khiêm tốn, sơn thủy hùng vĩ ảo diệu…, tất cả cũng chỉ là để thể hiện con người, tìm những hình dung chân thật nhất của tâm hồn và số phận. Chi bằng trực diện - nhìn thẳng vào bản mặt - bản chất một con người. Ta sẽ vẽ một bức chân dung - một bản truyền thần một nhân vật của câu chuyện đời - tấn trò đời.


Nguyễn Quân

Ở đó nhà báo là một nhân vật điển hình của xã hội, thời thế. Một nghề nghiệp hấp dẫn và nguy hiểm, một đầu mối kết nối các quan hệ, một quyền lực và ánh sáng, một sự lũng đoạn và bùa mê… Vẽ người - nhân vật/anh hùng này hai lần thích thú.

Thêm nữa yêu quý ai ta vẽ người đó sao cho thật giống như ta mong đợi, hoặc ta thăm dò phỏng đoán về người đó, hoặc họa sĩ xác quyết bằng lý trí rằng người đó đúng/đủ như trong bức tranh này, hoặc ta phân tích duy lý bóc tách đi cái rườm rà không “thật” để trưng ra chỉ những nét điển hình từ những góc nhìn điển hình, bắt chộp đối tượng đúng cái thời điểm điển hình…vv và vv.

Đỗ Hoàng Tường - Tranh sơn dầu

Kết quả là chúng ta có nhiều bức truyền thần - chân dung rất khác nhau, nhiều Nguyễn Trọng Chức rất khác nhau. Văn nghệ sĩ hóa thân vào nhân vật, vào hoàn cảnh, vào tình huống, vào các nỗi khổ đau và các niềm hạnh phúc. (Nghề) nhà báo có hóa thân như vậy không? Nhà báo văn hóa, văn nghệ như nhân vật của chúng ta - 40 năm làm báo là cả một đời hóa thân làm muôn kiếp nhân gian chăng? Lại là 40 năm quá nhiều thăng trầm, biến động nữa. Thế thì truyền thần nhân vật đặc biệt này càng là thách đố hơn với người vẽ…

Hứa Thanh Bình - Tranh sơn dầu

Tôi thấy ta có một triển lãm cô đọng mà phong phú, độc đáo, tự nó có thể là một chủ đề trao đổi không sợ nhàm chán.

Nhưng tôi cũng biết/tin/thấy chắc rằng không có nhiều Nguyễn Trọng Chức, chỉ có một mà thôi.

Xin chúc mừng 40 năm tâm huyết làm báo - làm văn hóa và sống với người.

Nhà thơ, họa sĩ PHAN VŨ:  Bạn hữu vẽ anh

Thông thường một cuộc triển lãm tác giả vẽ rồi bày tranh cho thiên hạ đến xem. Cuộc này cũng bày tranh nhưng là tranh “thiên hạ vẽ mình”. Chân dung Nguyễn Trọng Chức qua nhiều tác giả, với nhiều phong cách - cái để xem không phải là “mẫu - mặt” mà chính là mỗi họa sĩ sẽ thể hiện cái “mẫu - mặt” đó như thế nào. Vẽ chân dung thật khó. Không chỉ là vấn đề tài năng và kỹ thuật. Đó là một tặng vật nên vấn đề tình cảm đã đặt ra ngay từ khi hứa hẹn. Khi vẽ phải rất tập trung để cho ra mắt, mũi, miệng, dáng dấp… và nhất là tính cách riêng; nói chung là phải suy nghĩ rất nhiều về “mẫu”, kéo theo cả một mối quan hệ và nhiều kỷ niệm, rất nhiều kỷ niệm… Có thể nói, phải tơ tưởng “mẫu” như vẽ một người yêu. Khi hoàn thành, dù là trừu tượng, lập thể hay bất kỳ ngôn ngữ hội họa nào, người vẽ vẫn thấy đang có sự đối diện của “mẫu”; có thể gửi một lời chào hay cùng trò chuyện…

Ở triển lãm này, Trọng Chức có một chút “khoe” những tình cảm của bạn bè với mình. Quả thật cung bằng hữu trong tử vi của anh chắc là tốt nên đã cho anh một cái duyên để có thể tạo được nhiều thiện cảm với nhiều loại người, với đủ lứa tuổi và điều đó rất quan trọng trong việc hành nghề nhà báo của anh. Nhưng có lẽ mục đích cuộc triển lãm này chủ yếu Trọng Chức muốn cảm ơn bè bạn, những người đã nghĩ tới anh…

Nhà thơ NGUYỄN DUYKhông còn là cái mặt, mà là tấm lòng

Mang danh Nguyễn Trọng Chức sao chả có nổi một tí chức quan quèn nào để mà trọng nhỉ? Thì ra lão ta không có số làm quan, chỉ ham làm nghề thôi. Nghề báo. 40 năm làm báo, có thua chi “40 năm nói láo” của Vũ Bằng, lão chỉ được ngồi tới cái ghế cao nhất là “thư ký tòa soạn” ở báo Tuổi Trẻ, ghế gỗ, ghế đầu sai. Phó thường dân chính hiệu. Nhưng bù lại, lão có tay nghề cao, thuộc hàng “cáo” trong làng báo đương đại. Thêm nữa, lão rất hợp duyên với hội họa, đương nhiệm Trưởng ngành lý luận - phê bình của Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, bạn thân nhiều họa sĩ Việt Nam ở cả trong và ngoài nước. Nhờ thế mới có cuộc triển lãm độc đáo này, trưng bày riêng một cái bản mặt.

Thành Chương - Bột màu

Một cái mặt, nhiều người vẽ. Toàn tay vẽ cự phách. Màu dầu. Màu nước. Chì. Than… Sáng tác, truyền thần, kí họa, hí họa... Dù cách vẽ khác nhau, chất liệu vẽ khác nhau, thời điểm vẽ khác nhau, những người vẽ vẫn cho thấy họ giống nhau trong tình bằng hữu đối với người được vẽ. Chỉ có thể cảm được thôi, những nét màu vô hình không thể nhìn thấy chìm sâu sau bức vẽ. Vấn đề ở đây không còn là cái mặt, mà là tấm lòng.


Đặng Minh Thế - Tranh sơn dầu

Chợt nhớ một ý thơ của người xưa:

Bằng trượng nhân gian cao họa thủ

Bút đoan tả xuất nhất đan tâm.

(Khất nhân họa Côn Sơn đồ - Nguyễn Trãi)

Tạm dịch:

Nhờ người giỏi vẽ gần xa

Vẽ sao được tấm lòng ta giữa đời.

(Nhờ người vẽ bức tranh Côn Sơn)

 

Họa sĩ LƯƠNG XUÂN ĐOÀN: Người bạn đồng niên, đồng hành của tôi

Với tôi, Nguyễn Trọng Chức là như vậy, suốt vài thập niên qua.

Ca Lê Thắng - Tranh sơn dầu

Lúc Hà Nội, lúc Sài Gòn, bọn tôi cứ trên từng cây số mà đổi chỗ cho nhau. Bạn bè trong giới văn nghệ cứ rộng dần ra theo sự quảng giao rồi lại thu hẹp lại, thân thiết, sâu đậm để nén chặt lại trong cõi vắng của tinh thần cái tình nghệ sĩ vô bờ ở nhiều vùng miền khác nhau, với những nét chấm phá được thử thách qua thời gian trên bản đồ nghệ thuật Việt.

Là nhà báo, lại là người quảng giao, tinh tế, nhạy cảm và kín đáo nuôi giữ tư chất của người trai gốc Bắc, Chức có những cảm giác vô thức, đọc vị nhanh thời tiết chính trị, xã hội và nghệ thuật nhưng biết ẩn cất nó dưới nền cốt của sự trầm tĩnh, thản nhiên, biết đời, biết người và tìm thêm cái tai lạ để nghe được giọng điệu vô tận của muôn vật.

Cao Thị Được - Pastel

Nguyễn Trọng Chức và tôi, cứ vậy, rỉ rả nhiều năm. Gặp thì chén rượu, lon bia, ấm trà ở bất kỳ đâu cùng các nghệ sĩ. Thấp thoáng trong kia, ngoài này nhưng lúc nào cũng thấy rất gần. Đương nhiên, bởi công việc thầm lặng mà tôi vẫn hay đùa là “ôsin của giới văn nghệ”, xung trận và lâm nạn là câu chuyện thường nhật của tôi khi lên bờ, xuống ruộng cùng anh em nghệ sĩ trẻ những khi “trở giời” phải xoay xỏa cái bản lề cũ kỹ để tìm kiếm sự thay đổi. Chức biết tất, nghe kỹ, nhìn chậm một cách khác thường để từ xa, tác chiến nhanh, dành cho tôi sự chia sẻ, đồng tình thật quyết liệt trên mặt báo những năm tháng ấy.

Thế mà nhanh vậy, đã bốn mươi niên nghiệp báo của Nguyễn Trọng Chức. Cùng tuổi, chúng tôi cùng vừa một vòng hoa giáp sáu mươi niên. Chuyện đời khó dứt. Cái nghiệp chướng của nghề cầm bút, cầm cọ ngoài này, trong kia vẫn khó cũ, khó già khi ngước nhìn lên cao xanh vẫn là đôi mắt trong. Có phải vậy không hả Chức?

GS. TS HUỲNH NHƯ PHƯƠNG: MỘT NGƯỜI LÀM BÁO

Cho đến bây giờ, mỗi khi gửi một bài viết cho một tờ báo, tôi vẫn có niềm hồi hộp chờ đợi nhìn thấy đứa con tinh thần của mình trên trang giấy in như lần đầu tiên gửi bài đăng báo năm 15 tuổi. Ai là người sẽ đọc bản thảo của mình với tư cách người biên tập? Người đó có bằng lòng với những gì mình viết không? Người đó sẽ giúp làm tôn lên chất lượng bài viết của mình hay sẽ gạch xóa không thương tiếc những điều mình tâm đắc?

Quả thật, trong quãng đời viết báo, có những lần tôi đã bị sốc khi sản phẩm tinh thần của mình bị biến dạng vì không được sự đồng cảm của người biên tập hay người tổ chức trang báo.

Lê Đại Chúc - Tranh sơn dầu

Nhưng may mắn thay, tôi lại được gặp nhiều hơn những “bà đỡ” mát tay, những người không chỉ chăm chút cho trang viết của mình, mà còn gợi cho mình niềm cảm hứng cầm bút, sự tự tin vào những điều mình xác tín.

Đối với tôi, Nguyễn Trọng Chức là một trong những người như vậy.

Tôi đọc và yêu thích những bài viết về hội họa ký bút danh Nguyệt Cầm của anh trước khi là cộng tác viên của tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật mà anh là thư ký tòa soạn. Chính trên trang báo này, sau những bài phê bình văn học, tôi đã trở lại với thể tản văn bị bỏ dở thời sinh viên là nhờ những lời động viên của Nguyễn Trọng Chức. Hoa bươm bướm một mùa hè đánh dấu sự trở lại đó vào năm 2000 là cú hích để tôi viết tiếp một loạt bài khác cùng thể loại, sau này tập hợp trong Ngôi nhà và con người, Bây giờ mà có về quê

Trần Minh Tâm - Tổng hợp chất liệu

Cũng năm 2000 đó tôi còn có một kỷ niệm đẹp với Nguyễn Trọng Chức. Đó là dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Saint-Exupéry, nhà văn mà cả anh và tôi đều yêu mến. Từ Paris, tôi gửi về cho anh một bài viết dài, thầm nghĩ rằng thế nào cũng bị rút ngắn vì quá dung lượng so với khuôn khổ của tờ tuần báo. Vậy mà anh đã sắp xếp và trình bày bài viết trên gần ba trang báo mà không hề gây cảm giác nặng nề cho người đọc, với những hình ảnh minh họa phải nói là tuyệt vời. Bài báo xuất hiện vào đúng ngày tôi về nước sau chuyến công tác, và đối với tôi, cho đến bây giờ, đó là bài báo làm tôi sung sướng nhất.



Nguyễn Huy Thiệp - Ký họa 

Những gặp gỡ như vậy giữa người viết và người làm báo không hề là ngẫu nhiên. Với Nguyễn Trọng Chức, tôi hiểu đó không chỉ là người cùng thế hệ mà còn là người cùng với mình thụ hưởng một khí hậu tinh thần nào đó, cùng chia sẻ và tôn trọng những giá trị nhất định để có thể thấu hiểu những dòng văn của nhau.

Trong cảm nhận của tôi, làm báo, với Nguyễn Trọng Chức, không chỉ là một công nghệ mà còn là một nghệ thuật. Nghệ thuật của ngôn từ. Nghệ thuật của hình ảnh. Nghệ thuật của cấu trúc… Tất cả là nghệ thuật truyền dẫn thông tin và tâm hồn đến người đọc. Hãy xem trang Hội họa mà anh phụ trách trên Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần hiện nay sẽ thấy rõ điều đó.

Nguyễn Quang Vinh - Tranh sơn dầu

Nhưng vào độ tuổi 60, Nguyễn Trọng Chức và những người làm báo như anh chắc ngày càng hiếm. Trong thời buổi báo in mất dần độc giả và nhịp sống thì luôn tăng tốc như hiện nay, những sản phẩm báo chí như vậy có dần dần trở thành kỷ niệm hay không?

Họa sĩ NGUYỄN THUYÊN: Như chứng tích của một thời đáng nhớ…

Có hai tính cách nổi bật trong Nguyễn Trọng Chức. Thứ nhất, là một nhà báo lão luyện có lẽ anh sở hữu hầu hết những gì mà một người làm báo có thể từng trải. Đặc biệt là khả năng biên tập, có thể ví như công việc hậu kỳ trong điện ảnh, hết sức quan trọng. Qua kinh nghiệm bản thân mình với những bài viết được anh đặt và sử dụng trên báo, tôi thấy anh nắm ý người viết rất nhanh để khi cần có thể trình bày lại, gọn ghẽ, sáng sủa, không làm tác giả phiền lòng mà có khi còn thích thú hơn.

Lê Quảng Hà - Ký họa

Làm thư ký tòa soạn Tuổi Trẻ Chủ Nhật trong nhiều năm, Nguyễn Trọng Chức có lúc phụ trách luôn mảng văn học nghệ thuật của báo, đọc và chọn truyện ngắn. Khi tờ báo được in màu, truyện ngắn có tranh minh họa màu, người đọc truyện được thưởng thức những minh họa có khi nổi lên như một tác phẩm riêng biệt, chẳng hạn các minh họa của Nguyễn Trung và Đỗ Hoàng Tường. Riêng tôi nghĩ, nếu mình triển lãm tranh, nhiều lắm có vài trăm người xem, còn minh họa trên báo thì số người đọc báo có thể đến hàng trăm ngàn. Nên có thời gian tôi muốn quảng bá một kiểu minh họa, thoạt trông giống một bức tranh trừu tượng thu nhỏ nhưng nhìn kỹ lại rất phù hợp với tác phẩm văn học mà nó minh họa. Nhờ anh mà tôi lại có một số kinh nghiệm trong minh họa màu cho báo.

Lê Võ Tuân - Tranh sơn dầu

Nguyễn Trọng Chức không để mất đi những minh họa của các họa sĩ đã vẽ trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày ấy, anh cẩn thận lưu giữ nguyên bản của hầu hết các minh họa có giá trị để, theo lời anh, sẽ có ngày giới thiệu với công chúng qua một triển lãm hứa hẹn thú vị. Còn hôm nay là một triển lãm có nội dung độc đáo: chân dung anh do nhiều họa sĩ vẽ. Anh làm được điều này vì hầu hết các bạn bè nghệ sĩ đều yêu mến anh. Đó là tính cách thứ hai trong con người anh mà tôi gọi “tính cách nghệ sĩ”. Nguyễn Trọng Chức có thể đi từ Nam ra Bắc, cả ở nước ngoài như một chàng lãng tử và đến đâu cũng được bạn bè văn nghệ sĩ quý mến, tiếp đãi ân cần trong mối đồng cảm của những người cùng tôn trọng Cái Đẹp - không chỉ trong nghệ thuật mà còn trong cả cuộc đời - cái đẹp của những tương giao chân tình.



Nguyễn Thuyên -  Tranh sơn dầu

Tôi rất thích thú khi được nhìn thấy nhiều cách biểu hiện chân dung Nguyễn Trọng Chức của các họa sĩ, bởi vậy ý tưởng triển lãm những tranh chân dung này không hạn hẹp trong phạm vi một “cái tôi”, mà như là chứng tích của một thời đáng nhớ, chứng tích của mối giao hòa giữa các nghệ sĩ.

Trong biến dịch liên tục của đời sống, triển lãm này lại một lần nữa minh chứng cho ý tưởng rằng, nghệ thuật có thể cứu vãn được thời gian.


Phòng tranh ngày khai mạc


Họa sĩ Phan Vũ phát biểu


Nhà báo Nguyễn Trọng chức ký tặng sách cho bạn hữu 


TIỂU SỬ HỌA SĨ CÓ TÁC PHẨM TRONG TRIỂN LÃM 
CHÂN DUNG NHÀ BÁO NGUYỄN TRỌNG CHỨC
Tại: Phòng tranh TỰ DO, 53 Hồ Tùng Mậu, Q. 1, TP.HCM

*** 

  1. Họa sĩ Lưu Công Nhân (1929 - 2007), quê Việt Trì, Phú Thọ, tác giả mỹ thuật nổi tiếng, đã có nhiều triển lãm tranh trong và ngoài nước
  2. Họa sĩ Bùi Quang Ngọc, sinh năm 1934 tại Quảng Bình, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, từ năm 1956 đến nay đã tham gia nhiều triển lãm tại Việt Nam và quốc tế.
  3. Họa sĩ - nhà thơ - đạo diễn Phan Vũ sinh năm 1926 tại Huế, bắt đầu vẽ từ những năm 1990, đã có nhiều triển lãm cá nhân và nhóm.
  4. Họa sĩ Huỳnh Phương Đông, sinh năm 1927, hội viên Hội Mỹ thuật VN, đã có tranh dự nhiều triển lãm trong và ngoài nước.
  5. Họa sĩ Hoàng Công Luận, sinh năm 1930 tại Hà Nội, nguyên Tổng biên tập tạp chí Mỹ Thuật.
  6. Họa sĩ Đào Trọng Lưu sinh năm 1942 tại Hà Nội, từng làm việc và học tập tại xưởng vẽ của các họa sĩ Olivier Debre (Pháp) và Hashegawa (Thụy Sĩ), đã có nhiều triển lảm cá nhân và nhóm trong, ngoài nước
  7. Họa sĩ Trịnh Thanh Tùng, sinh năm 1942, hội viên Hội Mỹ thuật VN, đã có nhiều triển lãm cá  nhân, nhóm trong và ngoài nước.
  8. Họa sĩ - nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân sinh năm 1948 tại Hà Nội, nguyên Tổng thư ký Hội Mỹ thuật VN, nguyên Tổng biên tập tạp chí Mỹ Thuật, đã có nhiều triển lãm cá nhân trong và ngoài nước
  9. Họa sĩ Ca Lê Thắng sinh năm 1949 tại Bến Tre, nguyên phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật TP. HCM, nguyên Tổng biên tập tạp chí Mỹ thuật TP.HCM, đã có nhiều triển lãm trong và ngoài nước.
  10. Họa sĩ Lê Đại Chúc sinh năm 1944, hội viên Hội Mỹ thuật VN, đã có nhiều triển lãm cá nhân trong và ngoài nước
  11. Họa sĩ Thành Chương, sinh năm 1949, ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật VN, đã có nhiều triển lãm trong nước và quốc tế.
  12. Họa sĩ - nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, sinh năm 1958, đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu về mỹ thuật cổ VN, có tranh dự nhiều triển lãm trong, ngoài nước
  13. Họa sĩ Hứa Thanh Bình, sinh năm 1957, phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, đã có nhiều triển lãm trong và ngoài nước.
  14.  Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường, sinh năm 1960, hội viên Hội Mỹ thuật VN, đã có nhiều triển lãm cá nhân và nhóm, trong và ngoài nước
  15.  Họa sĩ Nguyễn Quang Vinh, sinh năm 1963, phó trưởng khoa Hội họa Đại học Mỹ thuật TP.HCM, đã có nhiều triển lãm nhóm và cá nhân.
  16. Họa sĩ Cao Thị Được, sinh năm 1955, giảng viên khoa Hội họa Đại học Mỹ thuật TP.HCM, đã có tranh tham dự các triển lãm trong nước và quốc tế.
  17. Họa sĩ Trần Đán sinh năm 1953, đã triển lãm cá nhân  tại Bảo tàng Mỹ thuật VN tháng 5 - 2012.
  18. Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, sinh năm 1971, giảng viên khoa Hội họa Đại học Mỹ thuật TP.HCM, đã có nhiều triển lãm cá nhân và nhóm tại TP.HCM.
  19. Họa sĩ Lê Võ Tuân, sinh năm 1981, hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM
  20. Họa sĩ Đặng Minh Thế, sinh năm 1970, thạc sĩ - giảng viên khoa Hội họa Đại học Mỹ thuật TP.HCM, đã tham gia một số triển lãm các thầy cô giáo.
  21. Họa sĩ Võ Xuân Huy sinh năm 1960, giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế, đã có nhiều triển lãm cá nhân và nhóm.
  22. Họa sĩ Tôn Thất Bằng, sinh năm 1964, hội viên Hội Mỹ thuật VN, đã có nhiều triển lãm cá nhân trong và ngoài nước.
  23. Họa sĩ Lê Quảng Hà, sinh năm 1962, hội viên Hội Mỹ thuật VN, đã có nhiều triển lãm cá nhân trong và ngoài nước.
  24. Họa sĩ Mạc Hoàng Thượng, sinh năm 1976, giảng viên khoa Hội họa Đại học Mỹ thuật TP.HCM, đã có nhiều triển lãm cá nhân và nhóm.
  25. Họa sĩ Trần Minh Tâm, sinh năm 1974, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM, đã có triển lãm cá nhân trong và ngoài nước.
  26. Họa sĩ Lê Kinh Tài, sinh năm 1967, hội viên Hội Mỹ thuật TP. HCM, đã có nhiều triển lãm cá nhân và nhóm trong, ngoài nước.
  27. Họa sĩ Đỗ Xuân Tịnh, sinh năm 1967, Trưởng khoa Mỹ thuật Trường Đại học Sài Gòn.
  28. Họa sĩ Đào Thế (đã qua đời)


_________________________________________________________________________

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook