CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Lý luận phê bình Mỹ Thuật

FERNANDO BOTERO VẪN SÁNG TÁC Ở TUỔI 80

Chủ nhật ngày 21 tháng 7 năm 2013 12:00 AM

Tháng 4- 2012 Fernando Botero tròn 80 tuổi. Ngôi sao sáng nhất của nền mỹ thuật Mỹ Latinh vẫn tráng kiện và sáng tác đều tay. Ông kể: “Cha tôi cưỡi la đi bán dạo quần áo và những thứ hàng hóa khác. Ông qua đời khi tôi lên năm tuổi. Mẹ tôi làm thợ may. Khi tôi nói với mẹ rằng mình muốn trở thành một họa sĩ, bà bảo: ‘Mày sẽ chết đói, con à’”. Hiện Botero là một trong những nghệ sĩ tạo hình giàu có nhất thế giới nhờ tác phẩm.

Năm 14 tuổi, sống với gia đình ở Medellín (Colombia), Botero lại mơ ước trở thành một tay đấu bò. Khi theo học một trường dạy đấu bò, Botero bắt đầu vẽ những tranh màu nước đầu tiên, đề tài là những chàng dũng sĩ đấu bò. Ngày nọ, Botero đến một cửa hàng để mua vé xem đấu bò. Ở đó, chàng trai trẻ cho ông chủ cửa hàng xem sáu bức vẽ rồi nói với ông ta: “Tại sao ông không bán những tranh này?”. Ông chủ lấy cả sáu bức để trưng bày trong cửa hàng. Botero kể: “Vài ngày sau, tôi trở lại cửa hàng thấy chỉ còn năm bức. Ông chủ đã bán được một bức và trả tôi 2 peso - khoảng 2 USD lúc đó. Tôi rất phấn khích, chạy về nhà báo tin cho anh trai, chẳng dè trên đường về lại đánh rơi số tiền. Tôi đã mất hết ngay trong thương vụ đầu tiên của đời mình”.

“Luôn có những đối nghịch trong nghệ thuật”

Nay thì những tác phẩm hội họa và điêu khắc của Fernando Botero được bán hàng triệu USD và có trong sưu tập của hơn 50 bảo tàng mỹ thuật khắp thế giới. Trong khoảng năm năm gần đây, ông đã triển lãm tác phẩm tại quê nhà Colombia và tại Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Ông sống ở Monaco nhưng có nhà ở Colombia, Paris, Pietrasanta (Ý), đảo Evia (Hy Lạp).

Nói về mình, Botero rất thẳng thắn: “Tác phẩm của tôi có người yêu thích, có người lại không ưa. Bạn không thể được mọi người ưa. Ở đâu đó luôn có những đối nghịch. Bản thân tôi cũng là hiện thân của sự đối nghịch với những gì đang diễn ra trong nghệ thuật ngày nay”. Đã có không ít chỉ trích nhắm vào những nhân vật, hình tượng quá khổ đến kỳ quặc của ông - “sự hoành tráng dị hợm” như cách nói của một nhà phê bình. Tuy nhiên, tác phẩm của ông lại được rất nhiều người ca ngợi, coi đó là sự nối tiếp của trào lưu Phục hưng cổ điển “với một chút phê phán và giễu nhại xã hội”. Botero không ngại đưa những chủ đề chính trị - xã hội vào tranh: “Vào những năm 1960, tôi đã vẽ chân dung bọn quân phiệt Nam Mỹ, vẽ những vụ bạo lực ma túy ở Colombia, đến năm 2005 tôi lại vẽ khoảng 80 tranh và phác thảo về những bạo hành tù nhân do lính Mỹ gây ra tại nhà tù Abu Ghraib ở Iraq”.


 Năm 16 tuổi, khi đang theo học một trường Công giáo ở Medellín, Botero vẽ minh họa cho trang văn học của một tờ báo địa phương. Ông kể: “Tôi đã viết một bài về Picasso và trào lưu Lập thể đăng trên báo ấy. Trong bài, tôi viết rằng dù ít dù nhiều thì trào lưu Lập thể đã phản ánh sự hủy hoại của chủ nghĩa cá nhân trong xã hội hiện đại. Đó chính là quan điểm của chủ nghĩa Marx mà tôi đã đọc được ở đâu đó và với tôi điều đó nghe hết sức trí tuệ. Kết quả là tôi bị đuổi học trước mặt mọi người. Ông hiệu trưởng nói: ‘Chúng ta không cho phép những quả táo thối rữa tồn tại trong trường này. Nó sẽ làm tổn hại đến các học sinh khác’. Lúc đó chủ nghĩa chống Cộng McCarthy không chỉ hiện diện ở nước Mỹ mà cả ở châu Mỹ Latinh. Và những cách bày tỏ hồn nhiên như trong bài viết của tôi không được chấp nhận”.

 

Ảnh hưởng lớn nhất: hội họa Phục hưng Ý

Năm 26 tuổi, Botero nhận được giải thưởng mỹ thuật trị giá 7.000 USD ở Colombia và với số tiền đó chàng họa sĩ trẻ lên đường sang châu Âu. Ông kể: “Sống ở Madrid, mỗi ngày tôi tiêu hết 1USD cho tiền thuê phòng và ba bữa ăn. Với 7.000 USD, tôi đã sống được ba năm ở châu Âu. Có một đêm, tôi rảo bộ ngang qua một nhà sách, ở đó có bày một cuốn sách viết về thời kỳ Phục hưng Ý của tác giả Lionello Venturi”. Cuốn sách mở ra ngay trang có in bức Nữ hoàng Sheba dâng tặng hương liệu cho vua Salomon của họa sĩ Piero della Francesca (1415 - 1492, họa sĩ thời kỳ đầu của hội họa Phục hưng Ý) vốn thuộc xê-ri tranh tường trong nhà thờ Thánh Francesco ở  Arezzo: “Những bức tranh tường đó đã khai thị cho tôi và chính Piero della Francesca đã thay đổi đời tôi. Tôi xem tranh và nghĩ rằng đây là tác phẩm đẹp nhất mình từng thấy trên đời. Thật không thể tin nổi điều đó vì tôi chưa bao giờ nghe đến cái tên Piero della Francesca. Hôm sau, tôi đến mua cuốn sách. Tôi bắt đầu bị mỹ thuật Ý ám ảnh từ đó: sự khoái lạc, sự khêu gợi của hình thể. Thế rồi tôi đi khắp nước Ý để xem tranh của Masaccio và Mantegna cho đến Uccello, Veneziano và Michelangelo cùng tất cả các họa sĩ Phục hưng khác”. Nhiều năm sau, Botero và người vợ thứ hai của ông là nhà điêu khắc và nghệ sĩ kim hoàn Sophia Vari (*) lại làm một chuyến du hành để xem trọn các bức tranh tường của Piero della Francesca ở Ý.

 

Botero đến New York lần đầu tiên năm 1960 với 200 USD trong túi. Ông hồi tưởng thời kỳ khó khăn ấy đối với một nghệ sĩ chưa có tên tuổi tại thị trường nghệ thuật Mỹ: “Có một gallery ở gần Bảo tàng MoMA. Một hôm, người chủ gallery đến xưởng vẽ của tìm tôi. Có một xấp các bức vẽ tôi đề trên bàn. Ông ta bảo sẽ trả cho tôi 10 USD mỗi bức. Chúng tôi đếm, tất cả là 70 bức, ông ta trả cho tôi 700 USD. Đó là cả một tài sản đối với tôi lúc ấy”. Cũng từ bước khởi đầu đó, tác phẩm của Botero dần dà được ưa chuộng, ông được trọng vọng và trở thành giàu có.

 

Không chỉ là nghệ sĩ sáng tác, Botero còn là nhà sưu tập tác phẩm mỹ thuật nhưng ông không giữ làm của riêng mà hiến tặng hầu hết cho các bảo tàng. Năm 2000, ông đã tặng cho hai bảo tàng ở Colombia số tranh tượng có giá trị hàng trăm triệu USD. Với Bảo tàng Botero ở thủ đô Bogotá, ông tặng 150 tranh và tượng của mình cùng 90 tác phẩm quý giá của Picasso, Miró, Braque, Chagall, Calder, Giacometti cùng một số tranh thời kỳ Ấn tượng; còn với Bảo tàng mỹ thuật của tỉnh Antioquia ông cũng tặng 150 tranh, tượng cùng khoảng 40 bức tranh của các họa sĩ Đức, Tây Ban Nha và Mỹ, trong đó có những tên tuổi lớn như Frank Stella, Helen Frankenthaler, Robert Rauschenberg.    Antioquia có thủ phủ là thành phố Medellín, nơi Botero sinh ra và lớn lên; các công viên ở Medellín có tới 25 bức tượng của ông. Botero muốn nơi ông cất tiếng khóc chào đời sẽ trở thành một trung tâm nghệ thuật, cũng là một biện pháp góp phần làm giảm các tệ nạn ở thành phố vốn nổi tiếng về ma túy và bạo lực.

 

Nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 80 của Botero, Trung tâm Điêu khắc Quốc tế (The International Sculpture Center), một tổ chức nghệ thuật tư nhân có trụ sở tại Hamilton, bang New Jersey (Mỹ) đã tặng nhà điêu khắc Giải thưởng thành tựu trọn đời về điêu khắc. Một triển lãm các tác phẩm của Botero cũng được tổ chức dịp này tại Pietrasanta.



Chú thích: 

 

  1. Fernando Botero vẫn tráng kiện ở tuổi 80
  2. Mona Lisa qua cách nhìn của Botero - tác phẩm rất nổi tiếng của Botero
  3. Tác phẩm Kết thúc lễ hội 
  4. Chim - tượng của Botero bên bờ sông Singapore
  5. Thiếu phụ nằm sấp hút thuốc lá - tượng đặt tại Bảo tàng nghệ thuật TP. St. Petersburg, bang Florida (Mỹ)
  6. Tượng đặt tại Côte d'Azur (Pháp) 
  7. Tác phẩm Bốn cô nàng
  8. Tác giả bài viết bên cạnh tượng Venus ở Bảo tàng Mỹ thuật Boston (Massachusetts, Mỹ)

(*) Người vợ đầu tiên của Fernado Botero là Gloria Zea (sau này trở thành Bộ trưởng văn hóa Colombia); họ có với nhau ba người con. Con trai đầu lòng Fernando Botero Zea là một chính khách, từng giữ chức Bộ trưởng quốc phòng Colombia nhưng sau đó dính líu đến một vụ án kinh tế và phải ngồi tù 30 tháng; con gái thứ ba của họ Lina Botero là một diễn viên điện ảnh và người dẫn chương trình truyền hình; con trai thứ hai Pedro Botero mất trong một tai nạn ô tô năm 1979, trong tai nạn đó chính Fernando Botero cũng bị thương. Botero li dị bà Gloria Zea năm 1975.

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook