CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Lý luận phê bình Mỹ Thuật

NHÀ QUÁN QUÂN CỦA MỸ THUẬT ĐÔNG NAM Á

Thứ bẩy ngày 2 tháng 2 năm 2013 12:00 AM

Những kỷ lục về giá tranh của các họa sĩ Indonesia được thiết lập gần đây tại các sàn đấu giá tranh cho thấy hội họa nước này đang ngày càng củng cố vị trí hàng đầu của mình tại Đông Nam Á và rộng hơn nữa.

Tháng 4/2011, tại cuộc đấu giá các tác  phẩm mỹ thuật Đông Nam Á ở nhà Sotheyby’s Hong Kong, bức Đứng lên bảo vệ tổ quốc của họa sĩ S. Sudjojono, người được xưng tụng là “cha đẻ của chủ nghĩa hiện đại Indonesia” đã được bán với giá gần 500.000 USD. Bức tranh được vẽ năm 1965, với một đề tài đậm chất cổ động, mô tả những du kích chống quân xâm lược Hà Lan ở một làng quê trong thập niên 1940. Nội dung tranh chẳng khác gì nhiều tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam vẽ trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhưng cái khác là tranh của tác giả Việt Nam, dù nổi tiếng bậc nhất, chưa bao giờ đạt tới mức giá như vậy. Để có một sự so sánh là trường hợp bức tranh Mai Trung Thứ vẽ một thiếu nữ vùng cao Tây Bắc, cũng được nhà Sotheby’s đưa ra đợt đấu giá ấy nhưng chỉ bán với giá bằng một phần mười tranh của S. Sudjojono.

Từ 8.000 USD đến triệu USD

Nói về bậc thầy hội họa Indonesia, ông Mok Kim-Chuan - phụ trách mảng nghệ thuật Đông Nam Á của nhà Sotheby’s cho biết: “Tác phẩm của Sudjojono đã làm mới thị trường đấu giá”. Cũng theo ông Mok thì “hội họa Indonesia đã thiết lập được chỗ đứng nhờ các nhà sưu tập cũng như nhờ các họa sĩ đang sáng tác. Với phần còn lại của thế giới, Indonesia hiện được nhìn nhận như một thị trường tác phẩm nghệ thuật đang nổi lên”.



Bức "Bình minh mới" tại cuộc đấu giá tháng 10/2010
 

Tháng 10/2010, cũng tại nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong, bức Bình minh mới của S. Sudjojono đã được bán với giá 1,4 triệu USD. Không chỉ với S. Sudjojono mà nhiều tác giả Indonesia khác, trong đó có cả những họa sĩ trẻ, đã đạt được giá tranh cao ngất so với mặt bằng chung của khu vực Đông Nam Á. Bức Cuộc sống Bali của Lee Man Fong (1913 – 1988), một họa sĩ gốc Hoa sang lập nghiệp ở Indonesia từ năm 1932, đã đạt tới giá 3,24 triệu USD cũng tại nhà Sotheby’s Hong Kong năm ngoái - giá cao nhất đối với một tác giả Đông Nam Á từ trước tới nay. Hay ngôi sao đương đại Nyoman Masriadi đã đạt được mức giá gây choáng váng là 1 triệu USD với tác phẩm Người đến từ Bantul tại nhà Sotheby’s Hong Kong năm 2008. Thế mà năm 1999, theo lời Mok Kim-Chuan, giá tranh của các họa sĩ Indonesia tối đa chỉ khoảng 8.000 USD! Dù giá lên rất nhanh và lên rất cao nhưng “không điên rồ như với tranh đương đại Trung Quốc” như lời ông Mok. Ngay trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2008, giá tranh của các họa sĩ Indonesia cũng không bị ảnh hưởng.



Bức "Đứng lên bảo vệ Tổ quốc" của S.Sudjojono
 

Vai trò của nhà sưu tập và của chính phủ

Có được điều đó, theo lời tiến sĩ Oei Hon Djien - nhà sưu tập nổi tiếng - là nhờ đất nước Indonesia có một nền văn hóa độc đáo và đa dạng, một truyền thống sinh động và một lịch sử phong phú; tất cả đã là nguồn cảm hứng để các nghệ sĩ tài năng sáng tạo những tác phẩm chất lượng cao. Xem ra những yếu tố mà ông Oei Hon Djien nêu thì các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam cũng không thiếu! Có điều mà ông Oei Hon Djien không đề cập đến là sự thành công của mỹ thuật Indonesia ngày nay có sự đóng góp hết sức quan trọng của chính ông cũng như nhiều nhà sưu tập bản địa khác. Họ đã âm thầm, kiên nhẫn sưu tầm các tác phẩm từ nhiều năm qua, và với họ thì “nghệ thuật sẽ là một kênh đầu tư tốt cho tới khi bạn có thể mua được những tác phẩm hàng đầu” như lời doanh nhân Daniel Joseph, 29 tuổi, người đã mua hơn 50 bức tranh tại các cuộc đấu giá trong nước cũng như ở nước ngoài. Anh cho biết đã đến xem tranh ở các gallery từ khi mới chín tuổi, và đặc biệt yêu thích tranh của những họa sĩ bậc thầy như S. Sudjojono, Affandi, Hendra Gunawan, những người hiện có giá tranh vào loại cao nhất ở Indonesia.

Chính các nhà sưu tập bản xứ đã giúp hình thành một thị trường tác phẩm nghệ thuật Indonesia, lôi kéo sự chú ý của các nhà sưu tập đến từ châu Âu và Mỹ. Điều đó được chứng minh bằng sáu cuộc triển lãm lớn các tác phẩm mỹ thuật Indonesia được tổ chức trong năm 2011 này tại các bảo tàng ở châu Âu, trong đó có Bảo tàng Guimet chuyên về nghệ thuật châu Á ở Paris, một địa chỉ trong mơ của các nghệ sĩ phương Đông.

Với nhà sưu tập Oei Hong Djien, như thế vẫn là chưa đủ. Ông cho rằng “nền công nghiệp mỹ thuật” Indonesia còn có thể phát triển mạnh hơn rất nhiều nếu như chính phủ nước này xây dựng những cơ sở hạ tầng cần thiết cho nghệ thuật và hỗ trợ các tài năng trẻ. “Chúng tôi chưa có những bảo tàng đúng chuẩn để giới thiệu tác phẩm của mình. Không như ở Ấn Độ và Trung Quốc, chính phủ Indonesia chẳng hỗ trợ gì cho các nghệ sĩ bản địa. Các nghệ sĩ Indonesia vẫn là các chiến binh đơn độc. Nếu được sự hỗ trợ ít nhiều của chính phủ, họ sẽ còn tỏa sáng hơn nhiều! ”, ông nói.

Bảo tàng mỹ thuật tư nhân OHD

Được thành lập vào năm 1997, Bảo tàng OHD (viết tắt tên của tiến sĩ Oei Hong Djien) có một bộ sưu tập lên đến hơn 2.000 hiện vật bao gồm tranh, tượng, tác phẩm sắp đặt, tác phẩm gốm của nhiều thời kỳ mỹ thuật Indonesia, được chủ nhân khởi sự sưu tầm từ thập niên 1970. Bảo tàng OHD tọa lạc trong một khuôn viên rộng 400m2 ở thành phố Magelang thuộc trung tâm đảo Java, bao gồm khu vườn tượng rộng và hai ngôi nhà của ông Oei Hong Djien, tất cả đều chật cứng tác phẩm, với rất nhiều tranh tượng quý, hiện có giá rất cao.



Bảo tàng OHD với khu vườn tượng

Bảo tàng trưng bày thường xuyên 120 tác phẩm, trong số đó có các tên tuổi lớn như của mỹ thuật hiện đại như Raden Saleh, Abdullah Soerjo Soebroto, Mas Pirngadie, Wakidi, Walter Spies, Rudolf Bonnet, Theo Meier, Affandi, S. Sudjojono, Hendra Gunawan, Basoeki Abdullah, Soedibio, Kartono Yudhokusumo… Ngoài ra còn có hơn 100 tác phẩm đương đại của các nghệ sĩ trẻ như Nyoman Masriadi, Edi Sunaryo, Ivan Sagito, Made Djirna, Dede Eri Supria, Heri Dono, Dadang Christanto, Eddie Hara, Agus Suwage, Yuswantoro Adi, Yani Mariani, Nyoman Sukari...



Một góc trưng bày trong bảo tàng OHD
 

Các tác phẩm được luân phiên trưng bày và thay đổi nhằm thu hút khách tham quan và những người yêu nghệ thuật đến từ khắp nơi. Nói về các tác phẩm đương đại, tiến sĩ Oei Hong Djien cho biết: “Khoảng thập niên 1980, các nhà sưu tập phần lớn ở thủ đô Jakarta thường chỉ chọn tác phẩm của các bậc thầy như Affandi, Hendra Gunawan, Sudjojono, Widayat, Lee Man Fong cũng như của các họa sĩ Hà Lan từng sống và sáng tác tại Indonesia. Thế nhưng  lúc đó tôi đã liên hệ chặt chẽ với các nghệ sĩ trẻ và tìm cách thúc đẩy các nhà sưu tập mua tranh của họ cũng như hỗ trợ các nghệ sĩ bản địa. Nghệ thuật Indonesia sẽ ra sao nếu như nó không tiếp tục nẩy nở? Cuối cùng thì phải có những người nối tiếp sự thành công của các bậc thầy cổ điển. Họ là ai nếu không phải là các nghệ sĩ trẻ của ngày hôm nay…”.

Có thể khẳng định những nỗ lực cá nhân không mệt mỏi của nhà sưu tập Oei Hong Djien đã góp phần đáng kể vào thành công vượt bậc của nghệ thuật tạo hình Indonesia trên thị trường quốc tế. 

Đ.H

Bức thứ 3 từ trên xuống: Một tác phẩm của Hendra Gunawan

 

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook