Vừa qua, trước những vu cáo trắng trợn của Kem Sokha, quyền chủ tịch đảng Cứu quốc Campuchia cho rằng Việt Nam dàn dựng nên nhà tù Toul Sleng, một làn sống phẫn nộ đã lan rộng ra khắp đất nước chùa tháp. Năm ngoái, Tòa án xét xử tội ác diệt chủng của bọn Khmer Đỏ ở Campuchia đã tuyên án chung thân đối với Kaing Guek Eav, biệt danh là Duch - kẻ cai quản nhà tù S 21 (Toul Sleng) khét tiếng và đã thảm sát hàng chục ngàn tù nhân dưới thời Pol Pot cầm quyền. Chỉ có bảy người sống sót sau khi vào nhà tù S 21, trong đó có một họa sĩ. Và chính ông đã tố cáo tội ác diệt chủng bằng những bức tranh hiện thực của mình.
Họa sĩ Vann Nath (1946 - 2011) đã nổi danh khắp thế giới với các tác phẩm về thế giới man rợ của Khmer Đỏ. Riêng gallery Thavibu có uy tín ở Bangkok (Thái Lan) từng dành riêng một góc cho tranh của Vann Nath. Ông đã được nhận giải thưởng Lillian Hellman/Hammett (*) nhờ những nỗ lực không ngừng tố cáo tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ. Ngoài các bức tranh mô tả tỉ mỉ những hành động tàn ác, phi nhân tính của bọn Angkar, Vann Nath còn ghi lại những hồi ức đau thương và kinh hoàng trong cuốn Chân dung một người tù Campuchia: một năm trong nhà tù S 21 của Khmer Đỏ A (Cambodian Prison Portrait: One Year in the Khmer Rouge’s S-21 Prison), do White Lotus xuất bản năm 1998 và là cuốn sách duy nhất được viết bởi một người sống sót từ Toul Sleng. Sách được dịch sang nhiều thứ tiếng. Trong thời gian hai năm 2001 - 2002, ông còn cộng tác với đạo diễn Rithy Panh để thực hiện bộ phim tư liệu S 21: bộ máy giết chóc của Khmer Đỏ. Trong phim, những tù nhân may mắn còn sống sót và những tên cựu cai tù ở Toul Sleng đối diện với nhau. Chính Vann Nath đã truy vấn những kẻ từng hành hạ và đày ải ông ở S 21.
Lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng trong một cuộc triển lãm Trung tâm Bophana ở Phnom Penh, loạt tranh của Vann Nath là những câu chuyện bằng sắc màu kể lại khoảng thời gian từ ngày 30-12-1977 đến ngày 7-1-1979 trong nhà tù S 21, minh họa một trong những chương đen tối nhất của lịch sử nhân loại thời hiện đại. Tháng 1-2008, Vann Nath tham gia một cuộc triển lãm lớn ở Phnom Penh có tên “Nghệ thuật của sự sống sót” (The Art of Survival) cùng với 17 họa sĩ Campuchia đương đại và các đồng nghiệp Denis Min-Kim (Pháp), Francis Wittenberger (Israel), Rodney Dickson (Mỹ) and Herbert Mueller (Đức).
Những bức tranh và ký họa của Vann Nath từng được in với ấn bản hạn chế và mỗi bức (khổ 30 x 42cm và 33 x 48 cm) được bán với giá 1.300 USD. Ngay cả những bức tranh được các họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên vẽ trên tường và trần nhà ở các trại tập trung nổi tiếng của bọn Nazis tại Auschwitz và Birkenau hay trong các khu ghetto ở Warsaw (Ba Lan), hoặc các tác phẩm của những cựu tù nhân của phát xít Đức cũng không gây ấn tượng dữ dội đến vậy.
Dưới đây là một vài bức tranh - chuyện kể của Vann Nath:
Tranh số 1
Tháng 12-1977. “Mày biết tội của mày chưa?”. Tôi trả lời: “Tôi không rõ”. “Đi nào. Còn nhiều đứa khác đang đợi ngoài đường cái”. Hắn thúc vào vai tôi. Vừa bước đi, tôi vừa van xin chúng: “Xin đừng nói gì với vợ tôi vì cô ấy mới sinh được vài tháng”. Chúng chằng hé răng. Tôi cảm thấy một nỗi sợ khủng khiếp.
Tranh số 2
Đêm 31-12-1977 tại trại tù trong chùa Kandal, tỉnh Battambang. Những tên Angkar thẩm vấn tôi. Khi bị giải tới chùa Kandal, tôi bị trói, bị đánh đập và bị truy hỏi về một đường dây của những người phản bội Angkar. Vào lúc đó, tôi cảm thấy hồn mình đã lìa khỏi xác. Tôi nghĩ đã đến lúc kết thúc cuộc đời mình, tôi sẽ không thoát khỏi cái chết. Tôi bị chúng tra tấn, bị chích điện để phải thú nhận tôi lỗi và cung khai tên của những người trong đường dây của tôi. Khoảng ba giờ sau chúng cho tôi về lại phòng giam. Tôi nghĩ nếu chúng cứ tra tấn tôi như thế này mãi, tôi sẽ không chịu đựng nổi nữa.
Tháng 12-1977. Tại trại giam trong chùa Kandal, 24 giờ sau khi tôi bị bắt. Những tên cai tù đưa tôi vào một phòng giam, ở đó đã có năm tù nhân khác. Tất cả sáu người chúng tôi đều bị cùm chân. Chúng tôi được cho ăn ngày hai bữa với món cháo suông chứa trong một cái xô nhỏ. Chúng tôi không có gì khác ngoài mấy cái muỗng và một chút muối. Không có chén, chúng tôi phải múc cháo trong xô ăn. Tôi bị giam ở đây cho tới ngày 7-1-1978 thì chúng tôi được chuyển tới trại tù S21 (Toul Sleng) ở Phnom Penh.
Tranh số 3
Tháng 1-1978. Chuyển tù nhân từ Trung tâm giam giữ Kandal ở Battambang tới trại tù S21 ở Phnom Penh. Tôi và các bạn tù được chở trên hai xe tải. Chúng tôi đi từ giữa trưa và đến lúc nửa khuya. Chúng tôi bị lôi đi thành từng chùm sáu người, chân bị cùm chung trong một tấm gỗ dày. Mỗi xe tải chở ba chùm tù nhân, tổng cộng 16 người. Không cơm cháo, thậm chí cũng chẳng có một muỗng nước để đỡ khát khô cổ. Chúng tôi bị lôi đi như những con vật, trông chẳng khác nào một đàn heo trên chiếc xe tải. Vào lúc đó, chúng tôi mừng là mình còn sống. Tất cả những bạn tù Battambang cùng bị xâu thành chùm với tôi đều đã chết. Tôi là người duy nhất sống sót.
Tranh số 4
Tháng 1-1978. Đến trại tù S21 (Toul Sleng) ở Phnom Penh. Khi chúng tôi đến cổng trại tù S21, tôi hầu như hoàn toàn kiệt sức. Chúng tôi rời khỏi xe tải, tay bị cùm. Rồi chúng tôi được điểm danh, bị bịt mắt và đưa vào các phòng giam ở tầng 2. Chúng tôi được lệnh ngồi thành hai hàng và bị hỏi cung: Từ đâu tới? Làm gì dưới thời Sihanouk? Làm gì dưới thời Lon Nol? Làm gì vào ngày bị bắt?...
Tranh số 5
Tháng 2-1978: Tôi vẽ Pol Pot để đổi lấy mạng sống của mình. Sau khi vẽ, sức khỏe tôi dần hồi phục cùng với hoạt động trí não. Tôi vẽ Pol Pot dưới sự giám sát hàng ngày của tên trùm nhà tù S 21.
Tranh số 6: Tự họa trong phòng biệt giam ở Toul Sleng
Hai ảnh còn lại: Chân dung tự họa
Vann Nath và tập cáo trạng tội ác của tên Duch (ảnh chụp tháng 8-2010, một năm sau ông qua đời sau khi đã làm nhân chứng tại phiên tòa xử Duch.
(*) Giải thưởng được Tổ chức quốc tế các nhà văn viết về tội ác (International Association of Crime Writers) trao tặng hàng năm bắt đầu từ năm 1991 cho các nhà văn viết vế các tội ác chống loài người .