*“Tranh của tôi là bài thơ ca ngợi thiên nhiên Việt Nam. Tôi muốn giới thiệu cho mọi người biết phong cảnh Việt Nam đẹp đẽ nhường nào.” (Nguyễn Xuân Khánh)
Sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng chàng họa sĩ tự học quê Hải Phòng đã để lại cho đời một di sản nghệ thuật đáng nể, và một phần nhỏ trong số tác phẩm Nguyễn Xuân Khánh đã vẽ trong khoảng hơn mười năm đang được trưng bày tại phòng tranh Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, từ 9 đến 30-3).
Theo ông Đặng Hải Sơn, chủ nhân gallery Tự Do - nơi đang sở hữu một sưu tập tranh Nguyễn Xuân Khánh, cũng là nơi từng tổ chức cho Khánh năm cuộc triển lãm cá nhân liên tiếp từ 1994 đến 1999 - thì khó có thể biết hết số lượng tranh mà Khánh đã vẽ chỉ trong mười năm ấy. Số tranh của gallery Tự Do và những gì gia đình của Khánh lưu giữ được khá nhiều, nhưng cũng chỉ có thể bày được 30 bức tại triển lãm này. Ông Sơn cho biết có một doanh nhân yêu thích tranh Nguyễn Xuân Khánh đến mức đã tổ chức cho Khánh ra sống và vẽ nhiều ngày trên một hòn đảo cũng là khu du lịch của ông ngoài khơi Nha Trang, đồng thời là người mua rất nhiều tranh của anh. Chưa hết, tranh Khánh còn có trong nhiều bộ sưu tập khác, cả trong nước lẫn nước ngoài.
Tháng 8-1998, khi nhóm làm phim tài liệu Những sắc màu gallery (kịch bản và lời bình: Nguyễn Trọng Chức, đạo diễn: Nguyễn Việt Hùng) ra Hà Nội để thực hiện những cảnh phim tại một số gallery ở thủ đô, chúng tôi đã được xem một triển lãm tranh Nguyễn Xuân Khánh tại khách sạn Daewoo, nơi được biết cũng sở hữu nhiều tác phẩm của anh.
Sông Tam Bạc - Tranh sơn dầu - 1995
Sắc màu thiên phú
Thành công về mặt thị trường, Nguyễn Xuân Khánh còn nhận được nhiều lời ca ngợi trên mặt báo, điều chẳng dễ đối với một nghệ sĩ trẻ tự học, tự lập thân trong hội họa. Trong số những cây bút viết về anh với sự yêu quý, trân trọng dành một tài năng, có Phan Vũ và Nguyễn Thuyên đều là họa sĩ tự học. Trong một bài viết, Nguyễn Thuyên nhận định: “Những hòa sắc phong phú đẹp đẽ rủ nhau về tụ lại trong một loạt tranh phong cảnh vẽ bằng sơn dầu của người họa sĩ trẻ tự học gốc Hải Phòng. Để phân tích được rằng trong bóng cây có xanh cobalt và tím chẳng hạn, những danh họa thời ấn tượng như Pissarro hay Monet đã khổ công tìm kiếm thì Xuân Khánh làm điều này nhẹ nhàng thoải mái như được chỉ đạo bởi cái điều mà người ta gọi là thiên phú”[1].
Bờ biển - Tranh sơn dầu - 1996
Quả là những tranh vẽ phong cảnh của Khánh, không riêng cảnh quê nhà đất Cảng mà với bất kỳ nơi nào Khánh đã đến, đã ngắm nhìn và vẽ thì đều khiến người xem rung động, gợi họ nhớ về một chốn nào đó đã sống, đã trải qua với nhiều kỷ niệm. Chẳng thế mà Phan Vũ từng viết những dòng thật cảm động: “Tôi ngắm mãi bức tranh Sông Tam Bạc của Khánh để nhớ. Tôi đã có một thời thơ ấu ở Hải Phòng nhưng đã đi xa từ lâu lắm... Bức tranh của Khánh đã cho tôi một xúc động đột ngột. Tôi lại trở về với thằng bé hay lang thang dọc sông Cấm, bến Sáu Kho, bến Bính, hay đứng trên cầu Hạ Lý bắc qua sông Tam Bạc... Chúng tôi có một khoảng cách bốn mươi năm về tuổi nhưng Hải Phòng vẫn là Hải Phòng. Những tranh phong cảnh Hải Phòng Khánh vẽ những năm gần đây vẫn làm tôi thương những năm xưa nơi tôi mới ra đời, nơi tôi hay nấp vào vạt áo, theo mẹ đi chợ Sắt...” [2]. Ai đã từng ngang qua phố Nam Định với những mái nhà cổ se sắt và xa xa là gác chuông một giáo đường lặng lẽ ắt sẽ không khỏi bồi hồi khi ngắm bức Phố Nam Định, dù sắc màu của Nam Định cổ kính trong tranh Khánh mới thật lạ lùng, như thể trong “một giấc mơ” theo cách nói của Nguyễn Thuyên. Hay chỉ là một góc núi nhô ra biển mà ta có thể gặp ở bất kỳ vùng biển nào sao thân yêu đến thế!
Phố Nam Định - Tranh sơn dầu - 1998
Bí ẩn không thể giải thích
Rất dễ nhận ra ảnh hưởng của các bậc thầy họa phái Dã thú (Fauvisme) trong tranh Khánh, nhất là André Derain và Maurice de Vlaminck. Màu sắc mà Derain và Vlaminck dùng để vẽ những bến cảng, những con thuyền, những đường phố, nhà cửa, hoa lá... rõ ràng rất gần gũi với bảng màu của Khánh nhưng phong cảnh anh vẽ lại rất gần gụi, thân quen, không hề xa lạ với chúng ta. Không chỉ gây bất ngờ cho giới chuyên môn và người thưởng ngoạn với mảng tranh phong cảnh xuất sắc của anh, Nguyễn Xuân Khánh cũng rất chắc tay với những bức chân dung thể hiện tính cách nhân vật dù vẽ thực hay có ít nhiều cách điệu. Những chân dung tự họa của anh cũng đầy sức ám ảnh, qua ánh mắt của người trong tranh dường như chính anh đã báo trước cuộc đời ngắn ngủi của mình.
Có một chi tiết đáng chú ý trong cuộc đời của Khánh: chàng họa sĩ tài hoa mệnh yểu hóa ra còn là một người sành sỏi ẩm thực, một “tay dao thớt cấp độ chuyên nghiệp” như nhà báo Nguyễn Lâm từng tiết lộ trong một bài viết, và có dạo Khánh từng mở quán nhậu ở Gò Vấp chuyên tiết canh lòng lợn ban trưa, cầy tơ chiều tối, rất đông khách. Nguyễn Lâm kể: “Trong các cuộc tụ họp bạn bè, Khánh bao giờ cũng là bếp trưởng với biệt tài chế biến (nhanh, sạch và gọn) nguyên liệu cực rẻ thành các món nhậu thịnh soạn, không ai chê vào đâu được”[3] .
Chân dung - Tranh sơn dầu - 1996
Bàn về hội họa, Maurice de Vlaminck có một câu rất thú vị: “Tranh đẹp giống như món ăn ngon, chỉ có thể thưởng thức, không giải thích được”. Dù có nhiều nỗ lực để giải mã những bí ẩn, những huyền ảo trong sắc màu của Nguyễn Xuân Khánh nhưng không thể giải thích được vì sao một người tự học hội họa lại vẽ được những tác phẩm làm rung động lòng người như thế!
Sinh năm 1969 tại Hải Phòng, mất ngày 20-3-2001 tại TP.HCM
Giải Văn học nghệ thuật Nguyễn Bỉnh Khiêm 1992
Triển lãm cá nhân: Nhà Văn hóa Hữu Nghị Việt - Tiệp, Hải Phòng (1992); Phòng tranh Tự Do, TP. Hồ Chí Minh (1994, 1995, 1997, 1998, 1999, 2013)
Từ 1985 đến 2000, tham gia nhiều triển nhóm trong nước và tại Brussels (Bỉ), Melbourne (Úc). Có tranh trong các bộ sưu tập tư nhân trong nước và tại Mỹ, Nga, Canada, Pháp, Hongkong, Thái Lan, Singapore, Đức, Malaysia.
Nguyễn Xuân Khánh qua đời sau một tai nạn giao thông vào một đêm tháng 3-2001; bức ký họa chân dung này Khánh vẽ tôi đúng vào cái đêm định mệnh ấy! (Ký họa được in trong catalogue triển lãm “Mặt - chân dung một người làm báo” - tháng 01-2013)
Hoa - Tranh sơn dầu - 1996
Chân dung tự họa - Tranh sơn dầu - 1998
[1] Tuổi Trẻ Chủ Nhật 10-12-1995
[2] Thể Thao - Văn Hóa 18-7-1998
[3] Thế Giới Mới số tháng 3-2001