CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Dịch thuật

NGÔI NHÀ BẰNG ĐÁ - ANTHONY SHADID

Thứ hai ngày 29 tháng 10 năm 2012 11:42 AM

Có một thời kỳ danh sách các tác phẩm bán chạy nhất gắn liền với những cuốn sách nhỏ vui nhộn về việc khôi phục những ngôi nhà cổ ở Địa Trung Hải. Sau thành công của Một năm ở Provence (1989) của Peter Mayle, một trào lưu những chuyện kể về việc tôn tạo di tích xuất hiện trên báo chí, khi những độc giả thành thị được cho là thích chạy trốn khỏi những vụ tắc đường giờ cao điểm để đến với những mùa thu hoạch ôliu ở Tuscany hay những ngày hội giữa vườn cam ở Andalucia. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa ai từng nghĩ đến việc viết về một dự án tôn tạo ở vùng biên giới bị giày xéo Nam Libăng.

Ngôi nhà bằng đá, hồi ký nhẹ nhàng và thông minh của Anthony Shadid, phóng viên chiến tranh của tờ New York Time, người Mỹ gốc Libăng hai lần giành giải Pulitzer, là một tác giả khá hơn Mayle nhiều. Một phần vì Shadid rút về thành phố Marjayoun (Libăng) bị thiêu đốt bởi một cuộc chia lìa đau đớn và những điều ghê rợn ông chứng kiến trong cuộc chiến Iraq, Shadid rút về thành phố Marjayoun (Libăng) bị thiêu đốt bởi một cuộc chia lìa đau đớn và những điều ghê rợn ông chứng kiến trong cuộc chiến Iraq năm 2006. Một phần cũng vì tác phẩm của Shadid ít đề cập thiết kế bên trong hơn là sự trầm ngâm về gốc gác Do Thái và khúc bi thương của một nơi từng là chốn đô hội thời Ottoman.

Nội dung chính trong Ngôi nhà bằng đá là về việc phục dựng ngôi nhà. Quyện lẫn với nó là lời kể của Shadid về tổ tiên mình và thế giới của họ, nơi vào thời hiện đại trở thành Libăng, Syria, và Israel. Chủ đề thứ ba xoay quanh việc nhập cư của các thành viên trong gia tộc Shadid, và cách họ tái lập cuộc sống tại Mỹ.

Cách đây một thế kỷ, người ông của Shadid, tên là Isber, dựng nên ngôi nhà đá của gia đình với những cổng vòm nhọn và mái ngói đỏ trên đỉnh đồi Marjayoun, thị trấn giàu có với 35.000 dân. Rồi một chuỗi tai họa ập đến: Thế chiến I, sự tan rã của Đế chế Ottoman và sự bội phản của người Palestine với Tuyên bố Balfour. Những sự kiện đó đã đẩy người Tây Á vào một thế kỷ mâu thuẫn chủ nghĩa dân tộc, chuyên quyền, chiến tranh, di tản và lưu đày.

Đặc biệt hơn, Marjayoun được đặt dưới họng pháo của nhà nước Israel mới, chỉ cách biên giới hơn 10 dặm, và bị tách biệt khỏi vùng nội địa tự nhiên. Chẳng mấy chốc, thị trấn mất hai phần ba dân số sau khi những cư dân dòng Chính thống Hy Lạp di cư. Trong trường hợp của gia đình Shadid, mọi người bỏ việc trồng ôliu để di tản sang Oklahoma mở một cửa hàng tạp hóa.

Khi Shadid lần đầu tiên nhìn thấy ngôi nhà tổ tiên, nó đã bị một quả tên lửa của người Israel đánh trúng, trong lần chiếm đóng năm 2006. Để thách thức, ông đã trồng một cây ôliu nhằm “cho con gái và thế hệ của nó thấy rằng, ngôi nhà của Isber, bất chấp hiện trạng, luôn là ngôi nhà phải bảo vệ”. Vài tháng sau, ông quyết định trở lại và khôi phục hoàn toàn ngôi nhà, mặc dù quyền sở hữu đã bị chia chác giữa hàng trăm nhánh di tản trong dòng họ Isber, và quyền sở hữu của ông còn chưa được thiết lập.

Giữa những câu chuyện về sự khó khăn khi tập hợp các nghệ nhân điêu luyện kiến trúc Ottoman cổ, về sự cô đơn, xung đột văn hóa, sự ngờ vực từ hàng xóm; và những khó khăn để tin vào tương lai của Libăng và cộng đồng Thiên Chúa giáo trước hành động ngày càng quyết đoán của Hizbollah – “những tay du kích uống cà phê Starbucks, súng phóng lựu gác trên ghế, mang một tầm nhìn đặc sệt Libăng về toàn cầu hóa”, Shadid đã thành công khi biến những mảng vỡ thành một ngôi nhà thật sự.

Khi công việc hoàn tất, miệng nhai những quả ôliu đầu tiên của mình, ông nhìn vào tương lai: “Tôi nghĩ về ngày mà tôi và con gái nhấm nháp quả ngon từ cây ôliu trồng khi tôi bắt đầu hành trình trở lại với Isber. Có nhiều nguồn sống đã tồn tại trong ngôi nhà cổ này”. Thật bi kịch khi bản thân nó lại không được như vậy. Sống sót sau khi bị tay chân Gaddafi ở Libya bắt giữ và đánh đập – cú đánh cuối cùng từ những quằn quại của thế giới hậu Ottoman gây ra cho ông, ngay sau khi gửi xong bản thảo cuốn sách này, ông qua đời vì một cơn hen suyễn khi đang trên lưng ngựa để tác nghiệp về cuộc xung đột Syria. Ông ra đi ở tuổi bốn mươi ba. Cuốn sách lý thú này xứng đáng là đài tưởng niệm cho một nhà báo xuất chúng.

William Dalrymple - Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch
Từ The Financial Times


Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook