Cuộc triển lãm tại Pallant Gallery House, Sussex vừa được tổ chức để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Keith Vaughan, họa sĩ người Anh sinh ra tại Sussex và là một trong những người nổi bật nhất ở thế hệ ông.
Sau khi dùng thuốc quá liều vào tháng 11.1977, Keith Vaughan tự thú trong nhật ký: “Tôi không thể lê lết vài năm nữa trong tình trạng này” và kết luận rằng “65 tuổi là đủ với tôi”. Triển lãm mới đây tại Pallant House Gallery cho thấy vụ tự tử của Vaughan đã cướp đi một họa sỹ với phong cách dữ dội và ám ảnh của nền mỹ thuật Anh quốc. Trong khi phải vật lộn vì trầm cảm trong suốt sự nghiệp, ông đã thành công trong việc định nghĩa một tầm nhìn đặc biệt, truyền tải toàn bộ nét u sầu trong sức sáng tạo khôn nguôi của mình một cách tốt nhất.
Gặp chấn thương tâm lý năm lên tám khi người cha bỏ đi và không bao giờ trở lại, Vaughan bị ám ảnh bởi cảm giác mất mát từ gốc rễ. Những mong mỏi tính dục đồng giới, vốn không bao giờ được đáp ứng trong một mối quan hệ bền lâu, càng làm trầm trọng nỗi khắc khoải của ông. Có thể cảm thấy điều đó trong những tác phẩm đầu tiên của Vaughan trong thập kỷ 1930 về những kỳ nghỉ bên bờ biển phía Nam nước Anh ở Pagham, Sussex, ông nô đùa với đám bạn và em trai Dick. Thời gian sau, khi nhìn lại cách họ trần truồng lang thang rong chơi trên bãi biển, Vaughan gượng gạo bình luận về “những ngày tháng hoàn toàn trong sáng”. Trong bức bột màu giàu hình ảnh Bãi tắm biển, vẽ khoảng năm 1938, ông thể hiện đám thanh niên lố nhố trên biển. Họ trông nhợt nhạt và yếu ớt. Một vài phần cơ thể, được đơn giản hóa chỉ còn phác thảo, trong suốt giữa làn nước và bầu trời phía xa. Mặc dù đi theo nhóm, mỗi cá thể có vẻ bị cô lập một cách lạ kỳ.
Điểm nhấn về sự cô đơn phản chiếu chính hoàn cảnh khó khăn của Vaughan, với tư cách là một nghệ sỹ tự học làm việc cho một công ty quảng cáo trước khi từ chối nhập ngũ vì không thuận với lương tâm trong Thế chiến II. Hoạt động trong đội sơ cứu từ thiện St John Ambulance và công ty Pioneer không bóp nghẹt hối thúc làm nghệ thuật của ông. Chịu ảnh hưởng từ Graham Sutherland (họa sỹ người Anh, 1903 – 1980), người ông gặp gỡ thông qua nhà phát hành giàu ảnh hưởng Peter Watson, tranh của ông khóc thương một London bị tàn phá trong chớp nhoáng. Tác phẩm nổi bật Đêm trên phố (1943) bỏ riêng những nếp nhà bị oanh tạc vào một khoảng cách u tối. Tiền cảnh bị chế ngự bởi một vật thể kỳ lạ tựa như đá tảng, tại đó khuôn mặt đôi tình nhân trẻ dường như được tạc vào đá. Họ hôn nhau và khóc, như thể ai oán vì không thể hân hoan tình yêu trong thế giới chìm trong đêm tối và bom đạn.
Đến cuối cuộc chiến, Vaughan tự nhận thấy mình là một họa sỹ Tân lãng mạn, thuộc về trường phái bao gồm John Piper, Robert Colquhoun và Robert MacBryde. Ông ở chung với John Minton, người cũng lâm vào hoàn cảnh như ông, năm 1946, và có được tiếng tăm đáng kể nhờ vẽ tranh minh họa trong tập thơ có ảnh hưởng sâu rộng Một mùa ở địa ngục của Arthur Rimbaud. Tên sách sầu não đầy lôi cuốn với Vaughan, khi đó đã ám ảnh với một hình tượng tựa bào thai, khom gù, trần truồng tìm kiếm nơi nương náu trong một hang động sỏi đá.
Cuộc chiến kết thúc, ông không còn mong muốn bị trói chân trong quỹ đạo của trường phái Tân lãng mạn. Bị ám ảnh bởi “cảm giác thất bại với tư cách một họa sỹ”, ông viết trong nhật ký năm 1948: “Tôi trở nên ý thức về cảm giác sụp đổ đang lớn dần… mặc dù gần như tôi đã gánh án tử hình”. Một phần vấn đề của Vaughan nằm ở việc thiết lập các tiêu chuẩn cao một cách vô lý cho bản thân ông. Sự ái mộ ngày càng lớn dành cho các tác phẩm của ông đem đến một nhiệm vụ đặc biệt năm 1951: vẽ bức bích họa trung tâm tại Dome of Discovery ở Hội chợ Vương quốc Anh. Tại đây, ở tuổi 39, ông có mọi lý do để thỏa mãn với sự tiến bộ của mình. Ông chọn người anh hùng Hy Lạp Theseus làm chủ đề chính, đi kèm với một chiếc đầu lâu ám chỉ quái vật Minotaur bị Theseus giết ở Labyrinth. Nhưng Dome of Discovery đã sớm bị phá hủy, và những chuyến đi không nghỉ tới Hy Lạp và Maroc cũng không thể chữa lành vết thương tâm lý của Vaughan.
Keith Vaughan’s ‘Village in Ireland’ (1954)
Kết thân với với Cézanne, Matisse, Picasso và Nicolas de Stael, Vaughan cố gắng thoát khỏi phong cách đặc sệt Ănglê. Ông cũng thử phát triển một phong cách vẽ đổi mới hơn để đẩy hình khối đến biên giới trừu tượng. Trong Sự tử vì đạo của Thánh Sebastian, một bức tranh lớn và tham vọng, vẽ năm 1958, ông đặt mình vào một chủ đề hay bắt gặp ở nhiều kiểu trang trí bàn thờ thời Baroque và Phục hưng. Nhưng thay vì tung hô vẻ đẹp bi kịch của Sebastian như một “biểu tượng đồng tính” thế kỷ XX, Vaughan buồn bã tiếp cận Sebastian từ phía sau như một kẻ tử vì đạo vô danh với khuôn mặt ẩn khuất. Tình cảnh của Sebastian thật đau đớn, năm gã tàn nhẫn đang sửa soạn cung tên để hạ sát ông.
Vaughan rõ ràng đồng cảm với kẻ tử vì đạo xấu số, mặc dù sự nghiệp của ông đạt đỉnh cao vào thập kỷ 1960. Trong một chuyến đi năm 1965 tới Maroc, ông nhắc đến “những người thôi miên rắn, những nam vũ công mặc quần áo nữ, và những người chở thứ nước sặc sỡ như thuốc độc”. Nhưng bức Những nhạc sỹ ở Marrakesh (1966 – 1970) bâng quơ một cách kỳ lạ và hoàn toàn trống vắng niềm vui. Các nhân vật được đơn giản hóa, trông trì trệ và bất động, vang vọng từ sự nội quan của tác giả, người cuối cùng đã quyết định chấm dứt sự tồn tại bất an của chính mình.
Richard Cork - Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch
Từ Financial Times