CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Dịch thuật

TẤM BẢN ĐỒ VĨ ĐẠI THU NHỎ THẾ GIỚI

Thứ sáu ngày 1 tháng 6 năm 2012 11:54 AM
Khi tấm bản đồ vĩ đại và đầy ắp  chi tiết được trình đến một ông vua uy quyền, ấy là sự thần phục và cũng là lòng tôn kính. Một phần, nó chứng tỏ quyền hạn của người cai trị, phạm vi quốc gia, và sự thần phục đối với ông ta.

Đây là tấm bản đồ có quy mô hoành tráng – dài hơn 4m, rộng khoảng 1,8m (12,5 foot x 5,5 foot) – và đầy tham vọng – mô tả thế giới đầu thế kỷ XVII. Một trong những khía cạnh nổi bật của tấm bản đồ thế giới được trưng bày tại Thư viện Quốc hội Mỹ là chữ “Trung Nguyên”, cách Trung Quốc tự gọi mình (ở chính giữa) và núi non, sông suối thu hút sự quan tâm với chú thích dày đặc, tất cả đều bằng tiếng Trung.

Được Matteo Ricci – một thầy tu dòng Tên người Italy – tạo nên, và dường như được triều đình hoàng đế Vạn Lịch giao phó năm 1602 – một năm sau khi Ricci trở thành người phương Tây đầu tiên được nhận vào Bắc Kinh, sau đó là Tử Cấm Thành. Tấm bản đồ thực tế là một cống vật cho Trung Quốc, nơi Ricci đã sống từ năm 1582, và qua đời năm 1610.

Một trong những bút tích của Ricci (đặt ngay phía nam của đông chí tuyến), tuyên bố rằng ông “ngưỡng mộ đế quốc Trung Hoa vĩ đại”, nơi ông được đối xử “thân thiện vượt xa những gì ông đáng được nhận”. Ở miền đất đai rộng lớn của Trung Quốc, ông khẳng định: “Trung Nguyên vang danh vì nền văn minh vĩ đại của mình”.

Sự vĩ đại ấy có thể được cảm nhận qua những chi tiết tinh tế được chạm khắc tỉ mỉ lên sáu khối gỗ trước khi được in trên giấy gạo. Những lời giải thích tiếng Trung của Ricci xuất hiện nhiều ở một số vùng đến mức dường như chúng bao trùm toàn bộ khu vực. Tấm bản đồ đứng trên sáu tấm bình phong gập và tưởng tượng nó có thể nhấn chìm người xem.

Ricci tạo ra hai phiên bản trước đó, bắt đầu từ năm 1584, dựa trên Atlas và công cụ đi cùng ông trong hành trình từ Italy. Nhưng chỉ phiên bản thứ ba còn tồn tại và là tấm bản đồ đầu tiên kết hợp thông tin của lối vẽ bản đồ phương Đông và phương Tây. Nó cũng là bản đồ cổ nhất còn lại, mang một tầm nhìn rộng hơn về thế giới đến người Trung Quốc.

Ngay cả những bản đồ tường cứng cáp nhất cũng chỉ có tuổi thọ hạn chế, thật hiếm có tấm bản đồ to và phân đoạn như vậy. Hàng thế kỷ không ai rõ liệu bản sao chép này có tồn tại hay không. Đó là lý do nó được gọi là “bông uất kim hương đen không tưởng”. Đây là một trong sáu bản được biết đến.

Thư viện Quốc hội Mỹ thường không trưng bày hiện vật lẻ, bên ngoài bộ sưu tập của họ. Nhưng tầm quan trọng của nó, đồng thời là bản đồ phương Đông đầu tiên bao gồm cả châu Mỹ khiến họ cho trưng bày tạm thời, và giới thiệu lần đầu tiên ở Mỹ. Một bản quét kỹ thuật số chi tiết cũng được đăng trực tuyến.


Nhưng họ đã hoàn toàn sai lầm khi không cung cấp cho du khách một lời giải thích rõ ràng về tấm bản đồ,ngoài một văn bản duy nhất, thậm chí không có bản dịch các ký tự Trung Quốc. Ý nghĩa các ký tự là vô cùng quan trọng để hiểu được sự phức tạp của cách dàn xếp và trình bày tấm bản đồ, vì một phần nó là hành động tỏ lòng kính trọng, cũng là một phần nỗ lực ngoại giao của Ricci để khẳng định sự vĩ đại của nền văn hóa và tôn giáo riêng của mình.

Ricci dịch thuật toán Euclid sang tiếng Trung, chỉ cho người Trung Quốc thấy chiếc đồng hồ phương Tây và sáng tạo ra cách ghi âm tiếng Trung bằng ký tự phương Tây. Ông thậm chí dạy họ những bài học đặc biệt về ghi nhớ.

Tấm bản đồ giải thích về vĩ tuyến và kinh tuyến – bằng chứng rằng mặt trời lớn hơn mặt trăng, một bảng thể hiện khoảng cách đến các hành tinh từ trái đất, lời lý giải sự dài ngắn khác nhau của ngày và đêm, và vùng cực của trái đất – bất thường mà phù hợp với phần chính của bản đồ.

Tấm bản đồ là bước tiếp theo của công cuộc truyền đạo. Nó minh họa các giao lộ của hai nền văn minh lớn. Ngay cả khi Ricci thay đổi trung tâm địa lý bản đồ phương Tây, thêm vào đặc điểm chi tiết của Trung Quốc và những khu vực khác từ các nhà vẽ bản đồ Trung Quốc cùng toàn bộ chú thích tiếng Trung, ông cũng thêm vào một khung hình mang tính duy lý và tôn giáo, ca tụng khoa học và đức tin phương Tây.


Một mặt, Ricci lược bỏ nhiều chi tiết của châu Âu, “24 quốc gia” khiến châu Âu kém quan trọng hơn thực tế lúc đó trên sân khấu thế giới. Mặt khác, chú thích của Ricci long trọng tuyên bố rằng tất cả người châu Âu là “những môn đồ sùng đạo của Thiên Chúa giáo”, “tất cả đều thông thạo nguyên lý thiên văn học và triết học”.

Ricci cũng dựa trên các nguồn khác để nói ngắn gọn về các dân tộc khác trên thế giới, và có tất cả đặc thù được kể từ một Gulliver Trung Quốc. Ở miền Bắc Nga, có một “Quốc gia người lùn” với “những người dân, cả nam và nữ, chỉ cao khoảng hơn 30 phân (1 foot)”. “Thường xuyên bị lũ chim lớn ăn thịt,” Ricci giải thích, “họ phải sống trong các hang động để trốn”, ít nhất cho đến khi họ ra ngoài để “phá hủy trứng của chúng, hay cưỡi dê.”

Ở Kanata (Canada), ông viết, “cư dân thân thiện và hiếu khách với người lạ”, nhưng “những người sống ở vùng núi giết nhau quanh năm, dành nhiều thời gian để giao tranh và cướp bóc”. “Họ chủ yếu sống dựa vào rắn, kiến, nhện, và những loài sâu bọ khác”.

Thông tin về những con người kỳ lạ ở các vùng đất khác là để tương phản với nền văn minh Italy và Trung Quốc.

Bách khoa toàn thư Công giáo năm 1913 trích lời Ricci: “Đây là công trình hữu ích nhất có thể được thực hiện tại thời điểm đó để thuyết phục Trung Quốc tin vào Đức Tin của chúng ta… Quan niệm về sự vĩ đại của đất nước của họ và sự nhược tiểu của tất cả các vùng đất khác khiến người Trung Quốc vô cùng tự hào rằng cả thế giới dường như man rợ và dã man so với chính họ”.

Ricci viết trên bản đồ: “Đi du lịch trong khi thoải mái tự mình khám phá, và có thể quan sát tất cả các nước trên thế giới mà không cần ra khỏi cửa”.

Ricci là bậc thầy của một kỹ thuật đặc biệt về trí nhớ: ông tưởng tượng cho mình một cung điện lớn và ở trong ấy, ông đặt các đối tượng liên quan đến các vấn đề mình cố gắng ghi nhớ; khi tinh thần ông tản bộ qua cung điện này, mỗi vấn đề sẽ có chỗ riêng, nhằm dễ dàng đến với tâm trí và được coi là một phần của trật tự hài hòa.

Theo quan điểm của Ricci, có vẻ tấm bản đồ này là một cung điện của trí nhớ, nhắc đến thế giới thực, nơi mọi thứ được đặt đúng chỗ – một thế giới ở đó một hoàng đế Trung Hoa và một linh mục dòng Tên có thể tìm thấy điểm chung trong sự theo đuổi tri thức và đức tin.

Edward Rothstein - Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch
Từ The New York Times


Ảnh: Tư liệu 

 

Chia sẻ trên Facebook