CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Dịch thuật

TÂM HỒN NỔI LOẠN

Thứ sáu ngày 13 tháng 7 năm 2012 11:51 AM
Kháng cự, nổi dậy và thất bại đóng một vai trò quan trọng trong tác phẩm mới nhất của Mario Vargas Llosa về cuộc đời của nhà ngoại giao người Ireland Roger Casement. Phê bình của Ángel Gurría – Quintana trên tờ Financial Times.

Khi Mario Vargas Llosa được trao giải Nobel Văn học năm 2010, Viện hàn lâm Thụy Điển đã ca ngợi “phép đồ họa của cấu trúc quyền lực và những hình ảnh đanh thép về sự kháng cự, nổi dậy và thất bại của cá thể”.

Kháng cự, nổi dậy và thất bại đóng một vai trò quan trọng trong tác phẩm mới nhất của nhà văn Peru sắp được dịch sang tiếng Anh, Giấc mơ Xen-tơ, xuất bản năm ông nhận giải Nobel. Nhân vật chính là nhà ngoại giao và nhà quốc túy Roger Casement, bị hành hình vì tội mưu phản tại nhà tù Pentonville năm 1916. Vargas Llosa có thói quen viết về những nhân vật lịch sử có thật, từ Antonio Conselheiro, nhà thuyết giáo dòng Chúa cứu thế người Brazil trong Cuộc chiến nơi tận cùng thế giới (1984), đến nhà độc tài Rafael Trujillo của Cộng hòa Dominica trong Yến tiệc của dê (2001), hay họa sỹ Paul Gauguin trong Đường đến thiên đàng (2003). Dễ hiểu tại sao cuộc đời Casement là trường hợp không thể cưỡng lại được.

Casement sinh tại Dublin, cha là người Tin lành và mẹ là người Kitô. Thuở hai mươi, tâm trí bị những câu chuyện khám phá thiêu đốt, ông khởi hành tới châu Phi và tham gia cùng Henry Morton Stanley (nhà thám hiểm xứ Wales, 1841 – 1904) trong vài cuộc thám hiểm.

Những chuyến đi thời trẻ dẫn ông tới chức vụ lãnh sự Anh quốc tại Boma, một hải cảng ở Congo, khi đó dưới quyền vua Leopold vương quốc Bỉ. Được chính quyền Anh ủy nhiệm để điều tra những vụ ngược đãi của các đặc vụ Leopold, ông cung cấp một bản báo cáo chi tiết về những tội ác với người Congo của chính quyền thuộc địa Bỉ. Bản báo cáo công bố năm 1904 đã gây ra sự phẫn nộ quốc tế, góp phần dẫn đến sự biến mất của Congo thuộc địa và biến Casement trở thành người nổi tiếng.

Bộ Ngoại giao sau đó yêu cầu ông điều tra những tố cáo bạo hành của những ông trùm cao su vùng Putumayo, miền Amozon ở Peru. Lời kể chi tiết của ông về tình trạng nô lệ mà đám công nhân cao su bản xứ phải chịu đựng đã dẫn đến một vụ bê bối nữa và vô số lời cáo buộc. Casement, người tham gia nhiều chiến dịch không mệt mỏi, trở thành trục chính của phong trào chống lại chế độ nô lệ hiện đại. Ông được phong tước hiệp sỹ năm 1911.

Nền tảng và kinh nghiệm của ông về những áp bức trên thế giới thổi bùng lên sự bận tâm của ông tới mục tiêu chủ nghĩa dân tộc Ireland. Khi Thế chiến I cận kề, ông bắt đầu một nhiệm vụ được chuẩn bị không kỹ lưỡng để tìm kiếm sự hỗ trợ từ Đức cho mục tiêu cộng hòa. Những cố gắng của ông trở nên vô nghĩa. Năm 1916, trong một nỗ lực để ngăn chặn phong trào Phục sinh Ireland, mà chính quyền Đức trước đó đã thất bại trong việc vận chuyển vũ khí cho nó ông bị một tàu ngầm Đức bỏ lại trên bờ biển Ireland. Ông ngay lập tức bị bắt và tống giam.

Câu chuyện rất thú vị, và đôi khi, Vargas Llosa dẫn dắt bằng một giọng điệu khoa trương. Nhưng ông có một khung tranh thật rộng để vẽ, và sự mệt mỏi toàn diện của ông ở những đoạn mô tả kỹ lưỡng về cuộc đời Casement đôi lúc mang tính nghĩa vụ, giọng văn quá bị ảnh hưởng khuôn sáo. Vargas Llosa có vẻ rất bị cuốn hút tới việc di chuyển khắp thế giới trong sự nghiệp của Casement, đến mức làm tổn hại tới cách thể hiện nhân vật.

Một trong những phần gây tranh cãi nhất trong câu chuyện Casement là việc công bố Nhật ký đen, trong đó ông được cho là đã ghi lại chi tiết các cuộc gặp đồng tính khác nhau. Chúng được lan truyền ẩn danh trong khi Casement chờ đợi ân xá, và đóng góp vào công luận chống lại ông. Các học giả hiện vẫn tranh cãi về tính xác thực của vấn đề.

Vargas Llosa đã kết luận rằng chúng được Casement viết nhưng có thể là ghi lại những vụ yêu đương lăng nhăng trong tưởng tượng. Khía cạnh quan trọng này trong nhân cách đầy mâu thuẫn của Casement chỉ được tác giả thể hiện qua loa, trong khi sở thích tính sử thi và cường điệu của Vargas Llosa thường cản trở bất kỳ nét phức tạp tâm lý nào. Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng cuốn tiểu thuyết có thể như thế nào nếu rơi vào tay một người kể chuyện có sắc thái hơn, ví dụ Colm Tóibín (nhà văn Ireland).

Độc giả phải đợi tới tận cuối tiểu thuyết, khi Casement và người cai ngục, vốn từng căm thù nhau, bắt đầu phát triển một sự đồng cảm không ai nghĩ đến. Sự tốt bụng bất ngờ từ người thi hành án ở cảnh cuối của tiểu thuyết thật xúc động.

Bất chấp những khoảnh khắc đó, độc giả có thể cảm thấy rằng quá nhiều lời mô tả giải thích làm giảm cảm giác thân thuộc với các nhân vật. Vargas Llosa có thể đưa độc giả tới châu Phi hay vùng Amazon, nhưng theo cách nào đó ông không thể chuyên chở họ tới đó. Có nhiều điều để thưởng thức trong cuốn sách này, nhưng Vargas Llosa có lẽ đã nên chú ý đến cuộc sống nội tâm của Casement, hơn là câu chuyện hoang đường ồn ào của công chúng.

Ángel Gurría Quintana - Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch
Từ Financial Times
Chia sẻ trên Facebook