CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Dịch thuật

JOSEPH PULITZER - TỪ PHÓNG VIÊN QUÈN ĐẾN ÔNG TRÙM BÁO CHÍ

Thứ bẩy ngày 1 tháng 9 năm 2012 11:36 AM

Nếu bạn là một người nhập cư đến cảng New York cuối thế kỷ XIX, tòa nhà đầu tiên phải để mắt ắt là trụ sở tờ New York World, cao nhất Manhattan, hai mươi tầng, với mái vòm mạ vàng phản chiếu ánh sáng xa bốn mươi dặm ra biển. Trong cuốn tiểu sử về Pulitzer, tác giả James McGrath Morris cho rằng nó là ngôi đền của truyền thông đại chúng hiện đại Hoa Kỳ.

Tờ báo chiếm vị trí quan trọng trong đời sống thành phố giống như chính trụ sở chọc trời của nó. Từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XIX, tờ World của Joseph Pulitzer thực hiện cuộc cách mạng báo chí nhờ thương hiệu từ những bài điều tra sâu sắc, ban biên tập rầm rộ, những tội ác tày trời, những câu chuyện đầy nhân văn, và lối trình bày sặc sỡ. Bán chạy hàng trăm nghìn bản, World không chỉ là tờ báo lập kỷ lục trong lịch sử, mà tạo nên lịch sử. Cuộc bầu cử tổng thống năm 1884 chứng kiến Grover Cleveland thắng ở bang New York nhờ World ủng hộ, qua đó thành ứng cử viên đầu tiên của đảng Dân chủ vào Nhà Trắng kể từ nội chiến. Năm 1898, cùng với địch thủ lớn nhất (tờ Journal của William Randolph Hearst), World đánh trống trận đưa đất nước vào cuộc chiến với Tây Ban Nha.

Sức mạnh và triển vọng của nước Mỹ có thể được tổng kết lại rằng World được một người nhập cư sáng lập – một người Do Thái Hungary đến Mỹ không xu dính túi và không biết một từ tiếng Anh. Joseph Pulitzer sinh năm 1847 ở thị trấn Mako, Hungary, trải qua tuổi thơ ở Budapest, nơi cha ông là một thương nhân thành đạt. Giống như mọi gia đình trung lưu Do Thái ở Đế chế Áo – Hung, gia đình Pulitzer nói tiếng Đức, và họ háo hức tin theo phong trào cải cách đạo Do Thái.

Pulitzer chắc đã chôn chân trong môi trường Do Thái đó nếu không có cái chết của cha, khi ông 11 tuổi. Đó là sự kiện tang thương nhất trong những mất mát của gia đình ông (trong chín người con, chỉ có hai người sống tới lúc trưởng thành) và họ phải chịu cảnh nghèo túng. Năm 1864, Joseph 17 tuổi, quyết tự lập thân. Đáng lẽ ông đã không thể đủ tiền đến Mỹ, nếu không có đợt tuyển quân ở khắp châu Âu cho nội chiến Mỹ, để tìm kiếm đám lính trẻ dự bị cho quân dịch ở miền Bắc Mỹ. Pulitzer vượt Đại Tây Dương trên chuyến tàu đầy ắp đám binh sỹ tương lai, cuối cùng ông phục vụ trong Đội Kỵ binh New York “Lincoln” số 1, một trong vài đơn vị nói tiếng Đức.

Vì không hề tham chiến đến khi chiến tranh kết thúc, Pulitzer chưa bao giờ thấy bom đạn, rồi xuất ngũ tháng 6.1865. Sau đó, ông đến St. Louis, thành phố miền trung tây có cộng đồng nhập cư gốc Đức đông đúc, kiếm được một chân phóng viên tại tờ tiếng Đức Westlich Post, và được ông chủ tờ báo bảo trợ. Đó là Carl Schurz, giám đốc công đoàn và sau này là thượng nghị sĩ.

Schurz là hình mẫu lý tưởng cho Pulitzer. Schurz đã chứng minh rằng một người nhập cư (ông trốn khỏi Đức sau cách mạng 1848) có thể nâng ảnh hưởng của cộng đồng đến báo chí và chính trị như thế nào. Nhưng còn có một sự trớ trêu rằng Pulitzer, một người Do Thái, lại có thể dễ dàng chấp nhận cộng đồng Đức – Mỹ cũng như bản thân mình. Trở lại Trung Âu, gốc tích Do Thái của Pulitzer luôn là nét cố hữu của ông, vĩnh viễn ngăn cách ông với cộng đồng Đức và Hungary bất chấp ông bị đồng hóa ra sao. Dẫu vậy, ở Mỹ, mối liên hệ ngôn ngữ có ý nghĩa hơn cả sự chia cắt tôn giáo và chủng tộc. Ít bị cản trở, Pulitzer được đồng thuận thành phát ngôn viên của người Đức ở St. Louis.

Năm 1870, chỉ sáu năm sau khi tới Mỹ, Pulitzer được bầu vào ủy ban lập pháp bang Missouri. Quận của ông gồm những đảng viên Cộng hòa gốc Đức và những đảng viên Dân chủ gốc Ireland, ông vận động tranh cử nhằm thẳng vào cơ sở sắc tộc. Trong một bài báo, ông viết, “Người Ireland có thể bầu cho quỷ dữ để đánh bại những ứng viên gốc Đức. Thân hữu Đức phải nói gì về điều đó?” Một thời gian sau, ông được bổ nhiệm vào ủy ban cảnh sát ở St. Louis, giữ một ghế truyền thống cho cộng đồng Đức.

Sự thăng tiến của Pulitzer bị cản trở do thất bại của phong trào Cộng hòa Tự do (mà Schurz dẫn đầu) chống lại tổng thống Ulysses S. Grant. Khi Pulitzer chuyển sang đảng Dân chủ, ông chỉ hành động theo nguyên tắc – ông cho rằng đảng Cộng hòa đã mục nát và chỉ dành cho người giàu – nhưng ông cũng tìm cho mình một vị trí trong tương lai. Giống như việc chuyển từ báo tiếng Đức sang báo tiếng Anh, ông bỏ lại sau lưng đảng được người Đức ủng hộ. Năm 1878, khi ông mua tờ báo đầu tiên, St. Louis Post-Dispatch, ông tuyên bố rằng nó “độc lập và thân Dân chủ”. Pulitzer là người quảng bá quan trọng cho quyền lực của đảng Dân chủ trong phần còn lại của đời mình

Con đường thăng tiến của Pulitzer bắt đầu khi ông biến Post-Dispatch thành một cỗ máy kiếm tiền và để mắt đến thủ phủ của kinh doanh và báo chí, thành phố New York. Cùng lúc đó, ông cũng rời xa nguồn gốc Do Thái. Năm 1878, ông lấy Kate Davis, họ hàng xa của Jefferson Davis – tổng thống duy nhất phe miền Nam. Hôn lễ diễn ra ở nhà thờ Episcopal, khu Epiphany ở Washington D.C. “Thành công, quyền lực, và giàu sang ở Mỹ chỉ có một nơi để tôn thờ, đó là nhà thờ Episcopal,” tác giả Morris viết, “và trong phần còn lại đời mình, Pulitzer sẽ thuộc về nó”. Pulitzer thậm chí khích lệ tin đồn rằng mẹ ông “không phải người Do Thái mà là người Công giáo” – dù nó không có vẻ gì là sự tiến bộ đối với tầng lớp thượng lưu da trắng ở Mỹ.

Nguồn gốc Do Thái của Pulitzer là một bí mật để ngỏ, tuy nhiên, kẻ thù luôn lợi dụng để bôi nhọ ông. Morris trích vài lời chế nhạo của họ: “Jewsesp Pulitzer” (Jew nghĩa là người Do Thái), nhìn chung, đó là sự quấy nhiễu hời hợt và không hiệu quả, đặc biệt khi so với tư tưởng bài Do Thái nhằm vào những nhân vật Do Thái trong báo giới châu Âu. Mọi người khó chịu vì Pulitzer không phải do ông là người Do Thái, mà vì ông luôn tỏ ra nóng nảy và không chấp nhận điều đó. Năm 1870, khi là một nhà lập pháp, Pulitzer gây tai tiếng vì bắn một người đàn ông (dù thương tích không đáng kể) trong một cuộc cãi vã chính trị. Tại World, ông tiếp tục thanh trừng những kẻ thù tầm cỡ, tấn công chính trị gia tham nhũng hay đơn giản là đối thủ chính trị, bao gồm cả tổng thống Theodore Roosevelt.

Tồi tệ hơn là cách đối xử của Pulitzer với nhân viên và gia đình. Trong ba chương cuối cuốn sách, tác giả miêu tả Pulitzer như một ông chủ từ địa ngục – một nhà quản lý chi li, khủng bố nhân viên với hàng đống điện tín, thậm chí ông còn không đặt chân tới tòa soạn. Biên tập viên này đến biên tập viên khác rời World, thường là tới Journal của Hearst, đơn giản họ không thể chịu nổi những cơn điên và tính xoi mói của Pulitzer. Vợ chồng Pulitzer cuối cùng ly thân, con cái thì khiếp sợ ông. Khi Pulitzer mất thị lực do bong võng mạc, đến cuối những năm 1880, ông nhạy cảm một cách khác thường với âm thanh, ông chi hàng triệu đô la trong vô vọng mua và cải tạo những ngôi nhà để có được sự yên lặng tuyệt đối. Cuối cùng ông tiêu khiển trên du thuyền cách âm đặc biệt của mình, hoàn toàn cách xa thế giới con người.

Tới khi chết, năm 1911, cuộc sống của Pulitzer đi từ giấc mơ đến ác mộng. Nếu Orson Wells đã làm bộ phim Công dân Kane (Citizen Kane) về Pulitzer thay vì Hearst, nó sẽ tàn phá một câu chuyện cổ tích, cũng như khiến Pulitzer không bị lãng quên. Tờ World ngừng hoạt động năm 1931, hậu quả từ cuộc Đại Khủng hoảng, trụ sở bị phá hủy năm 1955. Tên tuổi Pulitzer ngày nay được nhớ đến nhờ giải thưởng do ông tài trợ, cùng với trường Báo chí Columbia, thành lập theo chúc thư của ông.

Tuy nhiên, điều khiến cuốn tiểu sử của Morris đặc biệt kịp thời là hiện nay chúng ta đang chứng khiến sự biến mất của phong cách làm báo do Pulitzer tạo ra. Kiểu báo mà mọi người đều đọc vì phải đọc – từ chính trị gia, thương gia cho tới người lao động hay bà nội trợ – đã thuộc về quá khứ, cũng như lợi nhuận mà những tờ báo ấy đem lại. Tài sản của Pulitzer ở thế kỷ XIX tương đương với một tỷ phú thời nay, còn những tờ báo chết dần chết mòn hiện nay lại đang trông chờ những tỷ phú cứu rỗi. Một thế kỷ sau cái chết của Pulitzer, báo chí hiện nay hứa hẹn tham gia vào những kỹ nghệ hiện đại khác của Kỷ nguyên Mạ vàng (Gilded Age) – từ đường sắt để khai thác than – trên đống phế liệu của lịch sử nước Mỹ.

Adam Kirsch - Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch
Từ Tablet Magazine  

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook