CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Dịch thuật

BERYL BAINBRIDGE - KIỆT TÁC ÁM ẢNH CUỐI CÙNG

Thứ sáu ngày 15 tháng 6 năm 2012 10:22 AM

Beryl Bainbridge, nữ văn sỹ người Anh, hai lần đoạt giải Whitbread, năm lần được đề cử giải Booker, qua đời tháng 7.2010 bỏ lại một kiệt tác chưa được hoàn thành.

Khi Beryl Bainbridge qua đời năm 2010, cuốn tiểu thuyết chiếm trọn thập kỷ cuối cùng của bà vẫn chưa được hoàn thành. Chúng tôi giới thiệu bản gốc Cô gái mặc váy chấm bi, một lời kể ám ảnh về chuyến đi xuyên nước Mỹ trùng hợp với vụ ám sát Robert F. Kennedy. Dưới đây là câu chuyện về những ngày cuối cùng của Bainbridge.

Mục cáo phó về cái chết của Beryl Bainbridge vì ung thư tháng bảy năm ngoái tỏ lòng kính trọng trước tổng số mười tám tác phẩm sầu thảm và điêu luyện của bà; trước tính cách quảng giao và tửu lượng hạng nặng; và ngôi nhà nổi tiếng lập dị của Camden (Bắc London) nơi bà sống năm mươi năm cuộc đời, kèm theo một con trâu nhồi bông ở hành lang. Chúng cũng đem lại một cái nhìn lấp lửng về tiểu thuyết dang dở của Bainbridge mà bà chỉ chút nữa đã hoàn thành trước khi mất.

Cô gái mặc váy chấm bi đánh dấu sự khởi đầu các tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của Bainbridge, như Bác sỹ Georgie (1998), tác phẩm thuật lại cuộc chiến Krym(*). Dù xoay quanh một khoảnh khắc trong biến cố lịch sử, vụ ám sát nghị sĩ Robert F. Kennedy, hồi ức ở khách sạn Los Angeles năm 1968 đáng chú ý ở chỗ nó dường như được tạo dựng rất giống với cuộc đời của Bainbridge. Đó là sự trở lại phong cách viết thời kỳ đầu của bà, vốn dựa rất nhiều vào tự truyện, chủ yếu là sự giáo dục kham khổ ở Formby và mối quan hệ với người cha mà bà âm mưu giết hại ở tuổi lên mười!

Cô gái mặc váy chấm bi là câu chuyện về Rose, một phụ nữ dễ thương sống trôi dạt, trông già hơn so với tuổi gần ba mươi, tìm kiếm một bác sỹ Wheeler bí ẩn, người giúp cô thoát khỏi nỗi đau đớn tuổi thơ. Năm 1968, Bainbridge ghi nhận ước muốn phải viết “thứ gì đó đẹp đẽ và không suy tính, ít nhất không phải thứ tôi thường ham mê. Phải không suy tính”. Bà không chỉ muốn chạy trốn quá khứ, mà cả những phương thức thông thường để chạy trốn quá khứ bằng cách nghĩ và viết về nó. Đó là lý do những tác phẩm hay nhất của bà chứa đựng nhiều điều khó nắm bắt, giống như Hilary Mantel gần đây mô tả: “Một không khí huyền bí, như thể thứ gì đó chưa ráo mực đã biến mất, để lại một vệt mờ cho độc giả nắm bắt.”

Cuốn tiểu thuyết dựa trên chuyến đi trong vòng ba tuần trên một chiếc xe tải cắm trại xuyên nước Mỹ tháng 5.1968, cùng lúc được bà ghi lại vào nhật ký. Các nét chính mô tả chi tiết những suy nghĩ và phác thảo trong chuyến đi từ Washington đến San Francisco, trong đó thông tin về cái chết của Kennedy bùng phát như một ngọn lửa. Nó gồm những mẩu nhỏ từ quan sát và nghe trộm những đoạn hội thoại về nền chính trị xã hội Hoa Kỳ.

Như cách Bainbridge thường làm, Cô gái mặc váy chấm bi được tạo dựng thành một tiểu thuyết li kỳ, và độc giả bị lôi cuốn vào một bí ẩn kết nối Washington Harold với Rose – nhân cách của Bainbridge – và điều khiến họ liên quan đến vụ ám sát nghị sĩ Kennedy. Rose trở thành cô gái mặc váy chấm bi, người được cho là đã chạy khỏi khách sạn nơi Kennedy bị bắn.

Sử gia, nhà báo A.N. Wilson, một người bạn của Bainbridge, nói rằng bà bị ám ảnh bởi cuốn tiểu thuyết cuối cùng này. “Lý do bà không hoàn thành nó là một bí hiểm về tâm lý, tôi không biết điều gì đã ngăn trở bà. Nó vượt quá khuôn khổ của tác giả”. Brendan King, người hiệu đính các bản thảo của Bainbridge trong hai mươi năm, nghĩ rằng vấn đề là bà đã sử dụng quá nhiều nguyên liệu từ cuộc sống riêng tư trong những tác phẩm trước.

Phải đến khi bà tiết lộ cuốn nhật ký từ chuyến đi năm 1968, phong cách viết của bà mới được giải phóng. Bainbridge luôn ở trong tình trạng sức khỏe tốt vào những năm cuối đời và làm việc chăm chỉ để hoàn thành cuốn sách. Nhưng cuối cùng, thời gian đã không ủng hộ bà.

Melvyn Bragg, phát thanh viên và nhà văn, viếng thăm Bainbridge trong bệnh viện những ngày cuối cùng, kể lại rằng bà khăng khăng chỉ cần ba mươi ngày nữa. “Bà ấy nằm giữa một đám dây rợ, ống thở lằng nhằng, đau khổ, bức bối, nhưng rất rành mạch. Bà nói đã chuẩn bị xong tất cả, và hỏi liệu tôi có thể đảm bảo rằng bà ấy còn sống được ba mươi ngày nữa?”

Bà gọi Brendan King đến để giúp, và ông gợi ý một cách để khiến cuốn tiểu thuyết trở nên chặt chẽ nếu bà không còn đủ thời gian để hoàn thành nó. “Tôi gửi lại bà ấy những trang tôi đề nghị nên chuyển xuống cuối, nhưng ngày hôm sau bệnh tái phát và ra đi vài ngày sau đó”.

Câu chuyện thật mỏng manh dễ vỡ và u ám giống như những tiểu thuyết trước đó của Bainbridge. Mặc dù được Brendan King sắp xếp lại sau cái chết của bà, nó vẫn đích thực là giọng nói của Bainbridge. King không phải giới thiệu những điều mới, mà chuyển đoạn hồi ức về vụ ám sát Kennedy xuống cuối, tạo ra cảm giác một cái kết. Ông cũng loại bỏ những điều lặp lại bằng cách ghép nội dung từ những bản thảo trước đó của Bainbridge.

Kết quả là nó còn huyền bí hơn cả một câu chuyện hoàn chỉnh. Người ta thường nói về Bainbridge và người bạn Penelope Fitzgerald rằng họ là những nữ văn sỹ viết tiểu thuyết tự truyện trước, sau đó chuyển thành tiểu thuyết lịch sử khi cạn ý tưởng. Theo cách này, Cô gái mặc váy chấm bi là sự trở lại với phong cách thời kỳ đầu của Bainbridge. Nhưng sự khác biệt giữa tiểu thuyết tự truyện và tiểu thuyết lịch sử là không đúng, Bainbridge khẳng định trong một lần phỏng vấn của thư viện Anh rằng: “Khi tôi viết một cuốn tiểu thuyết, tôi viết về cuộc sống của bản thân; gần như là tôi viết tự truyện, luôn luôn như vậy. Và để khiến nó giống một tiểu thuyết, tôi thêm vào một kẻ sát nhân hay một cái chết ở cuối”.

King nói rằng Cô gái mặc váy chấm bi nên được nhìn nhận là một kiệt tác chưa hoàn thiện, đơn giản vì Bainbridge ra đi trước khi bà có thể kết thúc cuốn sách. Không bao giờ biết cái kết tài tình bà định thực hiện ra sao nếu có thêm thời gian, chúng ta vẫn có thể nói chắc chắn rằng từng dòng của cuốn sách này đáng giá là “chương cuối cùng” của cuộc đời Bainbridge.

_________________________
(*) Chiến tranh Krym (1853-1856): cuộc chiến giữa hai lực lượng quân sự châu Âu, phe đồng minh gồm đế quốc Pháp, đế quốc Anh, đế quốc Ottoman và Sardinia chống lại đế quốc Nga và Bulgaria. 

Lorna Bradbury / Ruth Scurr - Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch
Từ Telegraph và Times 
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook