CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Dịch thuật

BÊN KIA CHÂN TRỜI XANH

Thứ bẩy ngày 29 tháng 9 năm 2012 6:21 PM

Có thể chiếm hai phần ba thế giới, nhưng chúng ta chỉ thấy đó là biển. Mở một quyển Atlas, mọi miền đất được đánh dấu, nhưng thẳm xanh xung quanh có thể chỉ là một miền trống. Với những tổ tiên xa xôi, thiếu GPS hay thậm chí kính lục phân, vượt qua biển cả mênh mông vừa đáng sợ vừa đem lại sức mạnh. Biển mang đến giao thương và những chuyến phiêu lưu, sự sống cũng như cái chết song hành.

Brian Fagan, giáo sư danh dự môn nhân loại học trường Đại học California, có niềm đam mê lớn với biển. Bản thân là một thủy thủ cừ khôi, cuốn sách của ông đi ngược lại thời tiền sử, khám phá xem chúng ta đã bắt đầu chinh phục đại dương như thế nào.

Đây là một câu chuyện hấp dẫn. Từ những dân tộc bản địa và Polynesia ở “Miền gió mùa” trên Ấn Độ Dương, từ những thương lộ Địa Trung Hải ở thế giới cổ điển tới những cuộc phiêu lưu trên Đại Tây Dương của những người phương Bắc, đây là cả lịch sử trên bình diện rộng lớn.

Cách đây bốn mươi ngàn năm, những người bản địa nhìn đại dương với cách họ nhìn đất liền, như là “Giấc mơ biển cả”. Với họ đó là một thế giới nước được vạch ra từ những vì sao; là “bức tranh biển từ trí nhớ” vươn về một quá khứ xa xôi chưa ghi dấu. Họ nhận ra con đường của mình từ những chỉ báo thiên nhiên: “Chòm Thất tinh xuất hiện vào thời điểm lạnh nhất trong năm, khi loài cá nược hảo hạng di chuyển về bờ tìm kiếm làn nước ấm”. Sự thay đổi nhỏ trong màu nước biển đủ là một hỗ trợ hàng hải với họ giống như màn hình điện tử chúng ta sử dụng ngày nay.

Người xưa cũng dựa vào thiên nhiên để chế tạo tàu bè. Những con thuyền của người  Polynesia và Trung Đông được làm từ thân cây rỗng, sậy và tre, phủ dầu cá để chống nước, người Mesopotamia thì dùng nhựa đường. Thay vì compass họ dựa vào mặt trời và những vì sao. Họ thậm chí cảm nhận những thay đổi ở vùng biển động nhờ sự đung đưa của tinh hoàn.

Từ những kỹ thuật đầy trực giác đó, cả một đế chế bắt đầu. Những nền văn minh Địa Trung Hải sử dụng những hòn đảo làm bước đệm giao thương. Người Phoenicia vượt trội hơn tất cả, họ tới tận Cornwall (Anh Quốc) để mua thiếc, và giữ nguồn bí mật để tạo thế độc quyền. Đem về những chuyến hàng đó chịu rủi ro khổng lồ, nhưng việc đó đem lại những lợi ích lớn lao.

Vượt biển cũng đem lại những cuộc chinh phục. Alexander Đại Đế có những con thuyền dẹt đặt trong những chiến thuyền lớn hơn, trong khi người La Mã lại sử dụng tàu chuyên chở trọng tải lớn giống thời đại ngày nay, để phục vụ đế chế quân sự của mình, “vận chuyển ngũ cốc và hàng xa xỉ trên diện rộng”, tác giả Fagan lưu ý.

Trong khi đó, thậm chí những chuyến hàng quý giá hơn được đưa đến từ châu Phi trên những xà lan Ai Cập, chất đầy gỗ mun, ngà voi, vàng, hương trầm và da báo. Sự xuất hiện của văn hóa Hồi giáo vào thế kỷ VII chứng kiến một sự mở rộng thương mại tương đương trên Ấn Độ Dương, những người đi biển Arab thừa kế con đường thương mại trước đó để buôn bán ngà voi được đám nô lệ dọc “hành lang Swahili” ở Đông Phi mang đến. Quả là một việc bóc lột hiệu quả nhưng bất nhẫn, cả hàng hóa và con người đều được đem bán.

Nhưng tất cả đều trở nên nhỏ bé so với những chuyến thám hiểm kỳ vĩ của người Trung Quốc do Trịnh Hòa chỉ huy đầu thế kỷ XV. Với những pháo đài đi biển có 12 cánh buồm và 1.000 thủy thủ, dài 130m và rộng 50m, những cuộc phiêu lưu này giống như một quốc gia đang chuyển mình hơn là một hạm đội đang tìm kiếm những miền đất mới. Đó là một nỗ lực đáng ngạc nhiên, vì tất cả quy mô và những điều kỳ diệu của nó. Khi Trung Quốc thu mình lại, các hoàng đế về sau đã phá hủy hồ sơ về những chuyến đi, vì chúng là “sự tiếp cận gian dối về những thứ kỳ quặc”. Thật châm biếm, về sau rất nhiều hàng hóa giao thương hiện đại được vận chuyển từ Trung Quốc.

Hấp dẫn hơn nữa là phần kể của Fagan về những chuyến đi biển trên Đại Tây Dương thời xưa – những cuộc phiêu lưu dựa trên nghi lễ và niềm tin cũng như thương mại và xâm chiếm. Gò đất và chòi đá được dựng lên để có thể nhìn thấy từ biển, giống như thủy thủ sau này sử dụng những công trình cao như tháp chuông nhà thờ để định hướng trên bờ biển châu Âu. Fagan chỉ ra bến thuyền cổ nhất thế giới, trên bờ sông Humber, nơi một thân cây sồi rỗng được tìm thấy với những dăm gỗ vẫn còn vương trên mảng đất xung quanh.

Có lẽ những câu chuyện hấp dẫn nhất trong Phía xa thẳm xanh (tạm dịch nhan đề: Beyond the Blue Horizon) đến từ một nơi xa xôi hơn nữa ở phương Bắc. Những người đi biển Na Uy có thể đã sử dụng “đá mặt trời”, những tinh thể canxít khử cực ánh xạ mặt trời để có thể nhìn thấy mặt trời thậm chí qua mây, theo đó dẫn đường cho họ. Kỹ nghệ đó cho phép những con thuyền Viking to lớn đi đến tận “Vinland”, nơi nhiều người hiện nay cho là bờ biển Cape Cod (Đông Bắc Hoa Kỳ).

Trong khi đó, người Anhđiêng Aleut ở Alaska  theo đúng nghĩa đen được khâu (xăm) vào da đầy những thuyền bè (baidarka), khuôn mặt họ trát đầy hỗn hợp chất nhuộm oxit và dầu cá voi. Thuyền của họ, trông không khác những động vật biển có vú là bao, cực kỳ nhanh và dễ điều khiển, dù trên cạn họ khó mà đi thẳng do phần lớn thời gian phải gập cong người trên thuyền.

Chính là những chi tiết này làm cho cuốn sách của Fagan trở nên xuất sắc. Về căn bản, tác giả khuyến nghị rằng không cần đọc các chương một cách thứ tự, nhưng có thể dàn xếp từ đại dương này đến đại dương kia. “Giống người Na Uy với thiên hướng phiêu lưu, sự tò mò không ngừng nghỉ, sự chọn lựa khám phá đại dương của họ cũng là của bạn”.

Philip Hoare - Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch
Từ The Telegraph 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook