CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Dịch thuật

CÙNG ĐỌC LẠI CUỐN "MEAULNES CAO KỀU"

Thứ ba ngày 7 tháng 8 năm 2012 9:26 AM

Không ai nghi ngờ tính kinh điển của tác phẩm Le Grand Meaulnes (hai bản tiếng Việt: Meaules cao kều, Môn sếu) của Alain-Fournier. Một cuộc thăm dò ý kiến độc giả Pháp cách đây hơn chục năm đặt nó vào vị trí thứ sáu trong số những cuốn sách của thế kỷ XX, chỉ sau Proust và Camus. Phần lớn người Pháp đều đọc qua tại trường học, nhưng rất ít người từng đọc lại. Điều này có thể hiểu được, phát sinh từ sự miễn cưỡng khi đọc lại những tác phẩm đã đọc, nhưng hơn thế, đó có thể từ một nỗi sợ rằng điều thần kỳ của tác phẩm có thể không xảy ra lần thứ hai, đến tuổi trưởng thành, chúng ta đã hiểu biết quá nhiều nên khó có thể thấy phép màu trong đó một lần nữa. Nhưng đây có thể là một sai lầm.

Phần lớn chúng ta nhớ tới thuở thiếu niên như một dạng phủ định kép: không còn là trẻ con nữa, nhưng cũng chưa đủ sức là người lớn. Phép màu của Fournier trong Meaules cao kều là tạo nên một cõi mộng mơ mà tại đó điều phủ định kép trở thành một điều khẳng định. Khi Meaulnes – kẻ lang thang, kẻ phiêu lưu, người tìm đường – tình cờ bắt gặp lâu đài bỏ hoang, có điều gì đó như fête champêtre (lễ hội đồng ruộng) diễn ra, với những người dự tiệc ăn vận như thập niên 1830. Trong lễ hội, cậu nghe lỏm được lũ trẻ giải thích cách mà chúng “được phép làm mọi việc tùy thích”. Vì vậy, giấc mơ không thể có được lại nằm trong một cuộc sống ở đó chúng ta có thể là trẻ con nhưng thỏa sức tung tác, cư xử như người lớn. Đây thực tế là định nghĩa về tự do của tiểu thuyết.

Tại bữa tiệc, Meaulnes ngay lập tức yêu em gái cậu chủ lâu đài, Yvonne de Galais, cô bé cuối cùng cự tuyệt cậu: “Chúng ta là hai đứa trẻ; chúng ta thật ngờ nghệch”. Nhưng đương nhiên, đây là phần mở rộng đầy logic của giấc mơ: được phép dại dột mà không bị trừng phạt, tận hưởng tình yêu người lớn và giữ được trái tim trẻ thơ.

Tình yêu trong tiểu thuyết này đầy mơ mộng và cao quý, và cũng ngụ ý không dính dáng đến tình dục. Nhà phê bình Jacques Rivière, người bạn lâu năm của Fournier, viết: “Sự thuần khiết và trong sáng hoàn hảo” là cần thiết với ông để yêu, và ông tin vào “sự hợp nhất tâm hồn trước sự hợp nhất thể xác”. Những khát khao tương tự cũng đúng trong thế giới của lâu đài bí ẩn: ba năm sau khi phát hiện ra điều đó, Meaulnes nhìn lại và ngẫm rằng cậu đã đạt đến “tầm cao của sự hoàn hảo và trong sáng”. Rivière, vốn không thích một cuốn sách thiếu tính châm biếm, cho rằng Fournier “quá nhạy cảm” và “ủy mị”. Fournier, với tác phẩm hiếm khi có một mẩu châm biếm nào, tìm được câu trả lời hoàn hảo: “Sự ủy mị ở đó khi nó chưa biến mất, khi nó mất đi, bạn sẽ có biểu hiện thực sự của nỗi buồn cuộc sống”.

Cuốn tiểu thuyết chứa đựng vô số thứ – màu nhiệm, dũng cảm, không chắc chắn, bị điều khiển bởi các sự kiện ngẫu nhiên, hay giống như bản nhạc opera – nhưng không bao giờ ủy mị, vì điều đó thật đúng với những gì chúng ta nhớ về thời niên thiếu, với tất cả hy vọng, sợ hãi và những giấc mơ không tưởng. Fournier luôn viết với giọng điệu nhẹ nhàng, thân mật, không ngập ngừng – nhưng một kiểu cách sách vở lớn hơn luôn có ở mọi nơi.

Fournier, một người chịu nhiều ảnh hưởng Ăng-lê, năm 1905 từng làm việc ba tháng như một “tay giúp việc người Pháp” tại xưởng sản xuất giấy dán tường Sanderson phía tây London, ngưỡng mộ sâu sắc Dickens, Kipling, và Stevenson – người ông gọi là “người Anh thú vị” cuối cùng. Cuộc “phiêu lưu lý thú” trong Meaules cao kều gợi nhớ đến “trò chơi tuyệt vời” trong Kim (tiểu thuyết của Kipling – ND), và cuốn tiểu thuyết này còn mang đậm phong cách Stevenson (tấm bản đồ không nguyên vẹn, cuộc truy lùng kho báu mất tích, chiếc chìa khóa bằng xương, chiếc rương bị khóa trong đó chứa manh mối sống còn). Và cũng có những ảnh hưởng Pháp. Mặc dù Fournier mù mờ về Flaubert, tiểu thuyết của ông mở đầu (giống như Madame Bovary) với chuyện một cậu bé đi tới lớp học, kèm với miêu tả về một chiếc mũ kỳ cục.

Cũng có một sự tự nhận thức rằng hư cấu là hư cấu. Vì thế Meaulnes giống như “người hùng của tiểu thuyết” với cậu bé kể chuyện Francois Seurel trong khi cả hai tìm kiếm “lối đi bí mật viết trong những cuốn sách”. Tác phẩm không chỉ chìm trong hư cấu mà là dự đoán hư cấu: ít nhất, rất rõ ràng rằng Seurel là điềm báo trước của Nick Carraway, người kể chuyện trong The Great Gatsby (Đại gia Gatsby – tiểu thuyết rất nổi tiếng của nhà văn Mỹ F. Scott Fitzgerald). Cả hai đều mờ nhạt, khá thụ động trong cảnh nô lệ ở một thế giới mê hoặc, là những người ăn quẩn cối xay và ngưỡng mộ sự khác lạ, táo bạo của người phiêu lưu. Cả hai đều gí mũi vào tủ kính bày hàng trong khi nhận ra rằng tấm kính không thể vỡ được. Liệu có phải Fitzgerald đã đọc Meaules cao kều khi ở Paris trong thập niên 1920 (và thậm chí mượn cả cách đặt tên truyện)?

Đương nhiên, việc đọc lại cuốn sách cũng bộc lộ những điểm yếu của nó. Một phần ba đầu tiên, với thế giới thần tiên được chèn vào thế giới trẻ thơ thôn quê thực một cách trơn tru, vẫn là hoàn hảo. Một phần ba tiếp theo, tính căng thẳng giảm đi, bạn băn khoăn tại sao lũ trẻ chỉ giao tranh nhỏ, tại sao đám Digan và đoàn xiếc lại tới thị trấn, hay ở lại thị trấn khá lâu. Nhưng một phần ba còn lại, nhịp điệu được phục hồi, tính phức tạp cực độ trong cốt truyện (năm nhân vật chính với hai tam giác tình cảm) phát huy tác dụng theo cách thật chuyên nghiệp, thực sự đến mức độ của “một sự biểu đạt thực sự của những nỗi buồn cuộc sống”.

Có một chút tiếc nuối đọng lại rằng giá như Meaulnes và Seurel giải đáp được điều bí ẩn, hay tìm được lâu đài huyền bí trước tiên. Cảm giác về lâu đài huyền bí vốn có thể hoặc không thực sự tồn tại hấp dẫn đến mức phần nào trong bạn không thực sự muốn bị cuốn vào các tọa độ bản đồ. Nhưng rồi, cuốn tiểu thuyết phải dẫn tới đâu đó sau khi đã thực hiện xong công việc thu hút bạn lúc đầu.

Trong những trang sách mở đầu đầy cuốn hút đó, Meaulnes tìm thấy trên gác mái ở ngôi nhà của cậu bé kể chuyện vài cây pháo hoa đã sử dụng từ đợt chào mừng 14 tháng 7 năm ngoái (vì sao ai đó lại đặt pháo hoa đã sử dụng ở gác mái là một câu hỏi mà tiểu thuyết không buồn trả lời). Tuy nhiên, hai trong số đó vẫn còn dùng được. Meaulnes dẫn Seurel ra sân và đốt pháo; hai cậu bé, tay trong tay, nhìn những tia sáng lung linh “không chớp mắt”. Khung cảnh này biểu hiện trước câu trả lời không ngại ngần của Meaulnes với tình yêu bùng cháy dữ dội, nhưng nó cũng là phản ứng của độc giả với chính cuốn tiểu thuyết. Chủ nghĩa lãng mạn là một buổi trình diễn pháo hoa huy hoàng, và hàng thập kỷ sau khi màn chính đã qua, các tác giả vẫn còn giữ được sự hấp dẫn. Meaules cao kều là một trong những sự bùng nổ cuối cùng của chủ nghĩa lãng mạn. Cuốn sách phát hành năm 1913, một năm sau đó Thế chiến I bùng nổ (Fournier chết ngay trong những tuần đầu của cuộc chiến), rồi chủ nghĩa lãng mạn không bao giờ còn là hiện thực nữa. Nhưng chúng ta vẫn có thể nhìn lên bầu trời đêm và thấy chói lòa.

Julian Barnes - Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch
Từ The Guardian
Chia sẻ trên Facebook