CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Dịch thuật

TỪ ĐỔ VỠ ĐẾN BÙNG NỔ

Thứ bẩy ngày 20 tháng 10 năm 2012 4:39 PM

Thương gia, Chiến binh, Hiền triết – một lịch sử quyền lực mới là cuốn sách về lịch sử thế giới lấy cảm hứng từ triết lý Ấn Độ về thuyết chiến tranh, hòa bình và thịnh vượng.

Năm 1949, Jawaharlal Nehru, thủ tướng Ấn Độ, thăm Mỹ lần đầu tiên. Ông được William O’Dwyer, thị trưởng New York, chiêu đãi. Những lời chào đón đầu tiên là: “Ngài Nehru, có năm mươi tỷ đôla xung quanh chiếc bàn này”. Nhằm mục đích gây ấn tượng với khách, nhưng câu nói đó chỉ làm tan hết mọi kỳ vọng. Với Nehru, một người Bà La Môn Ấn Độ, một nhà quý tộc và một nhà dân chủ xã hội, quá trình sinh ra và lớn lên khiến ông có xu hướng đối địch với cánh thương gia.

Ngài thị trưởng không biết đến dòng dõi của thủ tướng và Nehru, ngược lại, cũng không biết rằng Mỹ là “đất nước duy nhất mà thương gia có thể tiến đến mức thống trị”. Trong cấp bậc xã hội Mỹ thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, cánh thương gia có quyền chi phối tuyệt đối. Mặc dù quyền lực đó bị chế ngự phần nào trong những thập kỷ tiếp theo, việc chấp nhận rủi ro và kiếm lợi tiếp tục được đánh giá cao. Vì thế thậm chí “những nhà khoa học Mỹ thấy tự hào vì ‘sự thực dụng’ và gần gũi của họ với đám doanh nghiệp, trong khi cánh đồng nghiệp Đức và Pháp chỉ tập trung vào nghiên cứu lý thuyết”.

Tác giả Priestland lướt qua câu chuyện như một chuỗi vật lộn giữa các đẳng cấp trong ba nhóm mà ông xác định là “chiến binh”, “hiền triết” và “thương gia”. Ông phân biệt giữa thương gia “cứng” và thương gia “mềm”, xa hơn nữa, giữa hiền triết “tư tưởng” và hiền triết “chuyên môn”. Mỗi nhóm có một công việc cũng như định hướng giá trị khác biệt. Chiến binh trọng sự dũng cảm thể chất và niềm tự hào văn hóa. Thương gia chuộng sự hiệu quả, sự chọn lựa của khách hàng và một tầm nhìn toàn cầu. Hiền triết cũng khuyến khích sự hiệu quả, mặc dù dưới sự bảo trợ của chính phủ hơn là của thị trường. Họ cũng tin vào sức mạnh công nghệ trong việc hình thành công việc của con người.

Khi minh họa những quá trình mâu thuẫn và kết hợp giữa các đẳng cấp, tác giả đem đến những chân dung sinh động của thương nhân, kinh tế gia và chiến binh. Sau một cuộc trò chuyện có từ thời trung cổ của các đẳng cấp này, cuốn sách nhịp bước khi tiến vào thế kỷ XX. Hai cuộc thế chiến được giải thích là sự chuyển động trong giới thương gia cứng, những người tìm kiếm chiến binh để bảo vệ cho họ trước sự cạnh tranh từ bên ngoài hoặc giúp họ mở rộng thị trường.

Một chương tập trung vào những năm 1920, khi thương gia chiếm thế thượng phong ở Mỹ. “Làm sao mà chủ nghĩa Bônsêvích có thể nở rộ tại một đất nước cơ giới hóa có tiêu chuẩn cuộc sống và tư tưởng quá cao đến mức không cho phép sự tồn tại của một số đông nông dân hẹp hòi, dốt nát?”, một quảng cáo xe Chevrolet năm 1924 đặt câu hỏi. Khoảng 2.000 Rotary Clubs (một kiểu tổ chức ủng hộ quyền con người và hòa bình) được thành lập trong thập kỷ này, phát tán giá trị Mỹ ra toàn thế giới.

Tuy nhiên, “sự thống trị không bị kìm hãm của thương gia mềm” dẫn đến Đại khủng hoảng, tiếp sau đó các chế độ được chiến binh lãnh đạo mọc lên khắp nơi ở châu Âu, cũng như Nhật Bản. Cũng như những người khác, tác giả Priestland chỉ ra những tương đồng đáng ngạc nhiên về cách thương gia bị nhìn nhận sau hậu quả lần sụp đổ Phố Wall 1929 và cuộc khủng hoảng tài chính 2007 – 2008. Trước đây, cũng như bây giờ, thương gia “được coi là một thành viên trong tầng lớp thượng lưu quốc tế, ích kỷ, quan tâm đến nhét đầy ví hơn là sản xuất cho quốc gia và tạo việc làm cho người bình thường”.

Trong việc hạ uy tín của thương gia, chủ nghĩa cộng sản quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng. Priestland cũng nhắc nhở về Josef Stalin, với triết lý chính trị riêng biệt của ông. Stalin nói với một đồng nghiệp Trung Quốc rằng: “Người Mỹ là con buôn. Tất cả lính Mỹ đều là kẻ đầu cơ, bận rộn với bán bán mua mua”. Với một đồng chí Pháp, Stalin bày ra một câu cách ngôn: “Khi ai đó nhận được một đồng, đầu óc hắn sẽ trở nên trống rỗng”. Khi nghe rằng người Czech và Ba Lan đang gặp khốn khổ vì chủ nghĩa tiêu dùng Mỹ, Stalin lưu ý rằng “chỉ có một thứ mà những gã theo đuổi ‘lối sống phương Tây’ không thể giải thích được: tại sao chúng ta đánh bại được Hitler”.

Trong khi đó, tại Tây Âu, một sự thỏa hiệp đẳng cấp được hình thành sau 1945, “cân bằng lợi ích của công nhân, thương gia mềm và quý tộc trưởng giả, tất cả phải được tổ chức dưới chế độ kỹ trị hiền triết hợp lý”. Điều này mang lại vài thập kỷ tăng trưởng kinh tế và sự hài lòng trong xã hội. Đầu thập niên 1970, tầng lớp “chiến binh thương gia” trở lại trung tâm sân khấu của cuộc sống chính trị. Một học thuyết chính thống mới trỗi dậy trong giới kinh tế gia, hối thúc sự nhượng bộ của nhà nước và cắt giảm thuế. Tư tưởng “tân tự do” này được thấy đầu tiên ở Chile với Augusto Pinochet, và ngay sau đó, ở Anh với Margaret Thatcher và ở Mỹ với Ronald Reagan. Những thập kỷ sau tư tưởng này leo thang hầu khắp thế giới.

Priestland đã miêu tả tuyệt vời về Davos, vùng núi Thụy Sỹ nơi những doanh nhân hàng đầu thế giới và những chính trị gia vị thị trường gặp gỡ tháng giêng hàng năm. Ông viết, Davos là “Valhalla (lâu đài của vua Odin trong thần thoại Bắc Âu) của những vị thần kinh doanh mới”, “một Rotary Club của những nhà tài phiệt”, một diễn đàn “tự cho là địa điểm của tư duy nghiêm túc và tranh luận những vấn đề lớn” nhưng “thực tế là một đấu trường của phần lớn toàn bộ sự đồng thuận tư tưởng và sự tự mãn trí tuệ”. Sự đồng lòng ở Davos gặp thách thức bởi cuộc khủng hoảng 2008 (và về sau), dẫn đến sự buộc tội một trật tự kinh tế bị ngân hàng và giới kinh doanh chi phối quá mức. Cuộc khủng hoảng được Priestland nhìn nhận như là sự khẳng định rằng “mọi đẳng cấp đều có xu hướng mạnh mẽ để vượt quá bản thân, và quyền bá chủ của một đẳng cấp đơn lẻ là điều đem đến thảm họa”.

Bất chấp những đoạn văn lấp lánh và những so sánh khá hấp dẫn, giống như giới “chiến binh thương gia”, đôi khi cuốn sách có xu hướng vượt quá chính nó. Priestland đánh giá thấp vai trò của những hệ tư tưởng xuyên đẳng cấp như chủ nghĩa quốc gia và các tôn giáo trong việc hình thành thế kỷ XX. Trong thế kỷ XXI, sinh thái học và nhân chủng học có thể trở nên quan trọng hơn là thị trường chứng khoán hay những đội quân hùng hậu, khi quyết định những thay đổi lịch sử. Rốt cuộc, xã hội học cấu trúc của quá khứ không để lại chỗ cho những cơ hội hay sự ngẫu nhiên. Thói tùy ý, hành động bột phát và phi lý của những cá nhân vốn đã thường xuyên có ảnh hưởng quyết định đến lịch sử nhân loại. 

Ramachandra Guha - Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch
The Financial Times
Chia sẻ trên Facebook