CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Dịch thuật

CHUYỆN KỂ ĐỒNG XA

Thứ sáu ngày 6 tháng 7 năm 2012 11:11 AM

Tiểu thuyết mới của Richard Ford về tội ác và sự trừng phạt ghi lại những mảnh đời nhỏ bé tại miền thiên nhiên hùng vĩ Bắc Mỹ. Phê bình của Jason Cowley trên tờ Financial Times.

Tình tiết trong Canada, cuốn tiểu thuyết về tội ác và trừng phạt, không phải là vấn đề điều gì sẽ xảy ra và xảy ra khi nào mà là xảy ra như thế nào và tại sao. Nó bắt đầu với một tuyên ngôn táo bạo, giống như những tác phẩm của Richard Ford thường làm: “Đầu tiên, ta sẽ kể về vụ cướp mà bố mẹ đã thực hiện. Rồi về vụ giết người đã xảy ra sau đó”.

Từ quan trọng ở đây là “kể”. Tiểu thuyết có một tình huống được đẩy lên cao trào, cũng như hai vụ giết người, một vụ tự tử; nhưng quan trọng nhất là việc “kể”. Hoặc có thể nó nên là sự kể lại, vì lặp lại và nhắc lại là những nguyên lý tổ chức.

Người kể chuyện, Dell Parsons, khoảng cuối trung niên và suy nghĩ đầy ám ảnh về thứ ông gọi là “sự kiện trong cuộc đời chúng tôi”. Là một cậu bé 15 tuổi sống với người chị sinh đôi tại một thị trấn nhỏ ở Great Falls, Montana; bố mẹ cậu, bất hạnh và thiếu tình yêu, thực hiện một vụ cướp ngân hàng vụng về mùa hè năm 1960. Sau khi họ bị bắt và tống giam, chị gái Dell bỏ trốn và cậu được một người bạn của mẹ đem đến sống ở vùng biên giới Canada tại một thị trấn thôn quê. Ở đó, tại miền hoang vu bao la, cậu phát hiện ra sự thật đau lòng về sự sa đọa của bố mẹ cũng như rơi vào tầm ảnh hưởng của một người đàn ông học hành tử tế, trưng diện, đẹp trai, cuồng tín và tôn thờ Nietzsche trong phạm vi hẹp. Gã này vốn giết người không thương xót và khiến cậu bé thậm chí cảm thấy rối loạn hơn về vị trí của mình trên đời.

Câu chuyện Dell kể không đủ mức cần thiết, được ráp lại từ những bản tin trên báo cũ, từ nhật ký của mẹ trong tù sau khi bị bắt mà mẹ cậu gọi là “ký sự” của mình, và từ trí nhớ. Cậu nhớ lại như tất cả chúng ta, không tin cậy và không chắc chắn về động cơ đích thực của những người khác.

Một vài phần cuốn sách là một lãnh địa quen thuộc. Tiểu thuyết thứ tư của Ford, Cuộc sống hoang dã, cũng được đặt trong bối cảnh Great Falls mùa hè 1960. Giống như Canada, nó là sự hồi tưởng ảm đạm kể lại bởi một người đàn ông trung niên cố gắng hiểu tại sao cha mình chọn sai ngã rẽ cuộc đời. Tương tự trong Canada, người kể chuyện kiếm tìm hòa bình nhưng không bao giờ đạt được khi ông nhớ lại mùa hè người cha rời bỏ gia đình để chống chọi với một vụ cháy rừng đe dọa thị trấn và nhớ lại sự ra đi của ông đã hủy hoại gia đình như thế nào.

Các nhân vật của Ford vẫn luôn khốn khổ như vậy, đến từ những thị trấn nhỏ, cô độc và không toại nguyện nhưng cũng có thiên hướng mộng mơ. Họ chịu đựng những mất mát thông thường hàng ngày: lo lắng tiền bạc, các mối quan hệ đổ vỡ, sự nghiệp ngang trái. “Tôi gắn với những cuộc sống nhỏ bé của con người, đó là vấn đề thực”, Ford từng nói. Những cảnh đời ông ghi lại có thể nhỏ bé nhưng điều vĩ đại ở những tiểu thuyết của ông là phong cách trữ tình và khung cảnh Bắc Mỹ làm nền cho họ. Những câu văn của Ford trong cuốn sách này thăng bằng một cách phi thường, và không bao giờ cho thấy sự căng thẳng. Từng câu, từng khổ, ông không bao giờ vội vã khi xây dựng và mở rộng câu chuyện.

Canada gồm 69 chương ngắn, đôi khi chỉ dài không quá vài trang, và câu chuyện được kể từ một góc nhìn kép, góc nhìn của một đứa trẻ bối rối tái tạo những sự kiện nhiều năm về trước như thể bị kẹt trong thời khắc hiện tại, và góc nhìn của một người đàn ông trung niên biểu lộ sự lặp lại hồi cố. Giọng điệu cực kỳ nhất quán: phức tạp, trầm tư, và thương cảm.

Tiểu thuyết hay nhất của Ford, Cây bút thể thao (1986), vốn đem lại cho ông tên tuổi, sự giàu có và lượng độc giả dồi dào ở tuổi bốn mươi, được Frank Bascombe kể lại, với anh mọi thứ tốt nhất có vẻ đã thuộc về quá khứ, thậm chí anh không thực sự biết rõ về nó. Sau khi sớm thành công với một cuốn sách, Bascombe không còn viết một cách nghiêm túc nữa. Khi chúng ta gặp anh, anh đang trôi dạt, xa cách vợ và than vãn vì cái chết của con trai. Anh giãi bày: “Nếu viết về thể thao dạy cho bạn mọi thứ, và có nhiều sự thật cũng như vô số lời nói dối, để cuộc sống của bạn có chút ý nghĩa nào đó, bạn không sớm thì muộn phải đối mặt với khả năng tiếc nuối tệ hại… Tôi tin tôi đã làm hai việc này. Dập tắt tiếc nuối. Tránh xa đổ vỡ. Và tôi vẫn còn ở đây để nói về nó”.

Dập tắt tiếc nuối và tránh xa đổ vỡ: đây là những bài học mà Dell cũng phải học, và đôi khi ông có vẻ hấp dẫn như anh chàng Bascombe trong Cây bút thể thao (hơn là hai nhân vật trong các tiểu thuyết sau đó, Ngày độc lập và Bài ca của đất, cùng nhau trở thành bộ ba Bascombe). Canada rốt cuộc là một cuốn sách về những lựa chọn của chúng ta khi tuyệt vọng nhưng không thể lên tiếng cho sự tuyệt vọng ấy, và về những câu hỏi chúng ta ước rằng giá như đã hỏi khi có cơ hội. Nó quá dài và đã có thể thành công hơn nếu như căng thẳng và dồn dập hơn, hay thực tế là được biên tập tốt hơn. Ford là một tác giả Mỹ quan trọng và xu hướng của những nhà văn như ông là luôn muốn viết ra một tuyệt phẩm. Vẫn tuyệt vời được đi cùng ông khi ông đang sáng tác tốt, và dành nhiều công sức cho tiểu thuyết này.

Jason Cowley - Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch
Từ Financial Times
Chia sẻ trên Facebook