CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Dịch thuật

ALEXIS DE TOCQUEVILLE VÀ NỀN DÂN CHỦ HOA KỲ

Chủ nhật ngày 13 tháng 5 năm 2012 7:13 PM

Tượng nữ thần Tự Do là món quà nước Pháp dành tặng Hoa Kỳ, trong khi một triết gia Pháp viết nên cuốn sách tuyệt vời về dân chủ nói chung, cũng như dân chủ ở Hoa Kỳ. Alexis de Tocqueville nhen nhóm những ý tưởng đầu tiên về dân chủ ở tuổi mười chín.

Nền dân chủ ở Hoa Kỳ của Tocqueville là một cuốn sách mọi người nên đọc. Không có cuốn sách về dân chủ nào hay hơn, và không có cuốn nào hay hơn về dân chủ ở Hoa Kỳ – ngôi nhà đầu tiên của nền dân chủ hiện đại.

Trong làn sóng dịch thuật và phân tích những năm gần đây, có hai tập sách cung cấp thêm nhiều thông tin quý giá về kiệt tác của Tocqueville. Frederick Brown biên tập và dịch một tập hợp thư ngắn gọn, súc tích Tocqueville viết khi du hành xuyên Hoa Kỳ giai đoạn 1831-1832 trong quá trình ông trao đổi với người Mỹ và thu thập tài liệu chuẩn bị cho cuốn sách của mình. Olivier Zunz và Arthur Goldhammer cũng ra một tập sách công phu, gồm những lá thư giống trong tập sách của Brown, thêm vào nhật ký đi đường, tường thuật chuyến đi tới biên giới, các ghi chép và thư từ khác về Hoa Kỳ. Và một tuyển tập những ghi chép của Gustave de Beaumont, người bạn, người đồng hành của Tocqueville. Tập sách này gồm cả những bức ảnh chim muông ở Hoa Kỳ mà hai người chụp để Beaumont vẽ tranh, theo đó làm rõ xu hướng kỳ lạ của Tocqueville cả theo cánh tả (yêu thiên nhiên) lẫn cánh hữu (yêu săn bắn).

Hai câu hỏi nảy sinh từ những tư liệu về chuyến đi và sự chuẩn bị của Tocqueville cho cuốn sách của ông, ấn bản đầu tiên xuất hiện năm 1835. Một là, ông đã nắm bắt được những gì bằng cách đến tận Hoa Kỳ xa xôi thay vì nghiên cứu từ xa? Hai là, làm sao và bằng cách nào ông học được cách viết đầy thuyết phục và sâu sắc? Hai câu hỏi này viện dẫn đến một khẳng định ngày nay được biết đến là tinh thần Biệt lệ Hoa Kỳ (American Exceptionalism), một tranh cãi gần đây giữa những người Cộng hòa vốn khuếch trương nó như là sự lý giải cho chủ nghĩa yêu nước Hoa Kỳ, và những người Dân chủ vốn phản đối nó và hàm ý rằng Hoa Kỳ không có gì đặc biệt, trừ khi nó trở nên đặc biệt để lãnh đạo tất cả những quốc gia bình thường khác.

Tocqueville nghĩ rằng Hoa Kỳ là thực sự cá biệt nhờ những điều kiện thuận lợi cho phép nó tự thân phát triển và nở rộ mà không chịu nhiều can thiệp từ châu Âu. Trong lời giới thiệu cuốn sách, ông nói rằng ông thấy bên trong Hoa Kỳ “hơn cả một Hoa Kỳ… tự thân nó là một hình ảnh dân chủ”.

Khi nói về nền dân chủ Hoa Kỳ, Tocqueville khẳng định và đi xa hơn những gì Alexander Hamilton viết ở trang đầu tiên cuốn Người liên bang (The Federalist) bằng cách giải thích khái niệm Biệt lệ Hoa Kỳ. Hamilton viết rằng Hoa Kỳ định đoạt mọi việc bằng đạo đức và lấy ví dụ về câu hỏi liệu chính phủ tốt có thể được lựa chọn kỹ lưỡng hay chỉ là vấn đề ngẫu nhiên. Hoa Kỳ đặc biệt vì nó có thể trả lời một câu hỏi lý thuyết chưa từng được trả lời, bằng cách không tạo ra một lý thuyết mới mà qua thực hành các biện pháp. Tocqueville đồng ý với quan điểm đó và theo đó trên thực tế đã tìm ra một lý thuyết mới. Cuốn sách của ông về Hoa Kỳ nói với cả thế giới văn minh về những điều họ trông đợi từ tương lai của đất nước này, vì Hoa Kỳ khác biệt ở chỗ cho thấy một nền dân chủ toàn diện. Nhưng nó không khác biệt như cách chủ nghĩa yêu nước Hoa Kỳ khoe khoang về một đất nước vượt trội so với toàn bộ các dân tộc khác trong mọi thời đại, điều mà Tocqueville cảm thấy chướng tai gai mắt.

Như một vài tư liệu khẳng định, Tocqueville không thân thiện lắm với các triết gia hay các lý thuyết gia. Trong Nền dân chủ ở Hoa Kỳ, ông lờ đi triết học chính trị trong nguyên lý tạo nên Hoa Kỳ, và gọi những người Thanh giáo (Puritan), chứ không phải những người như John Locke chẳng hạn, là “điểm khởi đầu” của Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh tính rèn luyện tuân thủ hiến pháp và không bao giờ nhắc tới quan điểm nặng lý thuyết của Jefferson hay bản Tuyên ngôn độc lập theo trường phái John Locke. Tuy vậy Tocqueville lại thấy thích thú với “những hệ quả từ lý thuyết”. Trong một bức thư viết năm 1834 gửi người anh em họ, ông lưu ý rằng “đã mười năm từ khi tôi thai nghén hầu hết các ý tưởng” cho cuốn sách. “Tôi đến Hoa Kỳ chỉ để gạt bỏ những âu lo còn lại”. Mười năm trước đó, Tocqueville mới chỉ mười chín tuổi. Ông không tìm thấy các ý tưởng nhờ chuyến đi mà đã ngẫm nghĩ về chúng nhiều năm trước. Ông đến Hoa Kỳ để thấy “một nền dân chủ tuyệt vời”, và biết nó sẽ vượt lên các nền dân chủ khác như thế nào.

Với định nghĩa và sự xác nhận tinh thần Biệt lệ Hoa Kỳ mà người ta có thể phản đối, mà những người hoài nghi ngày nay chắc chắn phản đối, rằng một đất nước duy trì chế độ nô lệ không thể tự xưng tụng là một ví dụ điển hình của tự do chính trị hay một lựa chọn kỹ lưỡng cho cả nhân loại. Tocqueville đồng ý, và trong những bức thư viết về Hoa Kỳ sau chuyến đi, ông đả phá kịch liệt vết nhơ mà chế độ nô lệ gây ra cho danh tiếng của Hoa Kỳ trên thế giới, đặc biệt khi nhiều quốc gia khác đã hủy bỏ nó. Sau Đạo luật Kansas – Nebraska năm 1854, ông càng trở nên lo lắng. Chúng được Lincoln giải quyết, nhưng Tocqueville đã mất năm 1859 mà không học hỏi được từ người có thể cho ông thấy điều vĩ đại nhất.

Trong Nền dân chủ ở Hoa Kỳ, Tocqueville coi chế độ nô lệ như một ví dụ về sự bạo ngược với số đông. Theo lẽ ấy nó thuộc về dân chủ, nhưng là thái cực đối nghịch, và là sự đe dọa thường trực đối với dân chủ. Đó là lý do ông có thể nói rằng Hoa Kỳ đã tìm ra một nền dân chủ hoàn chỉnh. Công lý dân chủ luôn đi kèm với bất công dân chủ. Lý do chế độ nô lệ kéo dài quá lâu ở Hoa Kỳ thuộc về số đông đứng sau nó, và khi cuộc khủng hoảng đến – ngay sau cái chết của Tocqueville – Lincoln thấy rằng dù có nhiều người dân chống đối chế độ nô lệ, nhưng không có một số đông để đấu tranh loại bỏ nó. Sau cuộc bầu cử năm 1860, Lincoln đã có thể tập hợp một số lượng đông đảo cho cuộc chiến để cứu đất nước, qua một quá trình dù đẫm máu nhưng thủ tiêu được chế độ nô lệ. Như Tocqueville đã dự đoán, đó là vì nền dân chủ mà tự thân nó có vấn đề phải tự gột rửa.

Tocqueville cũng so sánh định mệnh của người da đen và người da đỏ ở Hoa Kỳ. Người da đen bị nô dịch bởi định kiến dân chủ, còn người Anhđiêng bị lừa dối bởi những hiệp ước bất công của thói đạo đức giả dân chủ. Người da đỏ trong mắt ông thật tự do và cao quý theo cách rất riêng của họ, nhưng vẫn hoang dã và không thể chấp nhận được lợi ích từ những lý lẽ và sự khai hóa, những thứ có thể tiết chế và cải thiện tinh thần vốn rất khó uốn nắn của họ.

Còn câu hỏi về phương thức của Tocqueville? Đầu tiên chúng ta phải đối mặt với một sự thật rằng thiên tư của ông là không thể thiếu. Để thấy được khác biệt giữa một thiên tài và một kẻ không thiên tài, chúng ta có thể bắt đầu với khác biệt giữa Tocqueville, người viết một cuốn sách vĩ đại, và anh bạn Beaumont, người viết một cuốn sách tầm thường. Hai người cùng thực hiện chuyến đi Hoa Kỳ, mà Tocqueville gọi là “một cái cớ”, rồi tháng 7/1831 Beaumont tự hào tuyên bố “thành quả to lớn của chúng ta” về Hoa Kỳ rằng đề tài thực sự về chuyến đi của họ sắp ra mắt. Nhưng đến tháng 11, ông nhận ra Tocqueville đang tự viết cuốn sách của mình còn ông thì chuẩn bị viết về một cách đối xử tưởng tượng trong chế độ nô lệ – “tác phẩm này sẽ khiến tôi bất tử”, ông nhấn mạnh. Sau cái chết của Tocqueville, Beaumont biên tập các tác phẩm của ông, và chúng ta có thể nói rằng ông là một người bạn chân chính.

Tocqueville ghi chép “nhật ký đi đường” dưới dạng các đoạn hội thoại giữa “Q” (hỏi) và “A” (đáp) khá tương phản với các phương thức điều tra hiện đại. Tocqueville đặt những câu hỏi thông minh với những người thông minh và khiến họ đối mặt với sự phủ định cũng như tự giải thích bản thân. Ông tư duy và học hỏi trong quá trình làm bản điều tra. Những người điều tra ngày nay đặt các câu hỏi giản đơn tới những người trả lời trung bình, có mã số cho những câu trả lời, phát biểu lại và biến đổi toán học rồi suy ra một mô hình mà với nó họ có thể thuyết phục đồng nghiệp. Liệu phương pháp nào cho kết quả tốt hơn? Để trả lời câu hỏi này, hãy cân nhắc cách Tocqueville xác định câu hỏi về Biệt lệ Hoa Kỳ, câu hỏi Hoa Kỳ thực sự là gì, trong khi khoa học xã hội cho rằng điều đó là vô nghĩa hay không thể trả lời được và né tránh.

Harvey Mansfield - Dịch bởi: Nguyễn Thiện Hoàn Dương
                 Từ The Wall Street Journal
Chia sẻ trên Facebook