Về cuốn tiểu thuyết dữ dội của Péter Nádas về những thập kỷ đen tối của Hungary. Bài phê bình của Mark Damazer trên báo Financial Times.
Những câu chuyện song song gồm hơn 1.100 trang về bạo lực cá nhân, chính trị và sự rối loạn chức năng gia đình, bị ngắt quãng bởi những con người thuộc mọi kích cỡ và lứa tuổi đầy khát khao dục vọng luôn miệng những câu khuôn sáo dâm đãng. Phần lớn cuốn sách được đặt trong bối cảnh Hungary, bắt đầu từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít đến sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Cuốn tiểu thuyết dài, nhưng đứt đoạn, đầy bạo lực và tình dục này – một biểu tượng của sự dư thừa và các thái cực – vốn không dành cho những kẻ yếu tim.
Péter Nádas đã làm việc gần hai mươi năm để tạo nên một dàn nhân vật khác thường mà bản năng đen tối và thậm chí hành động còn thường xuyên đen tối hơn của họ trải ra thành một tập hợp những câu chuyện phần lớn không hoàn chỉnh khiến độc giả kinh hãi, chìm đắm và thường bị kích thích mạnh. Người yêu thích Nádas nhìn ông như một trí thức Mitteleuropa (Trung Âu) vĩ đại. Một vài người, với tinh thần lạc quan mạnh, so sánh ông với Tolstoy hay Proust. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Cuốn sách kỷ niệm (xuất bản bằng tiếng Anh năm 1997), về một tiểu thuyết gia Hungary vướng vào chuyện tình ở Đông Đức, được Susan Sontag (1933 -2004), một nhà văn Mỹ giàu ảnh hưởng, vô cùng say mê.
Nádas bắt đầu với phong cách chính thống giả tạo – một câu chuyện trinh thám. Một xác người, xực nước hoa, trong một công viên ở Berlin, một thám tử tòa án đầy duy ngã, một sinh viên chìm trong khiếp đảm, có thể đã hoặc không phạm tội giết người và bà cô lẩm cẩm mà anh buột miệng thú tội. Nhưng câu chuyện bao trùm là một trong những câu chuyện bị bỏ lại, treo lơ lửng trong không gian. Nhan đề cuốn tiểu thuyết gợi ý một cách kể chuyện không thống nhất – và Nádas đã không khiến mọi người phải thất vọng.
Kỹ thuật của ông là không nhượng bộ. Không có dấu trích dẫn cho lời thoại trực tiếp. Cốt truyện thay đổi đột ngột trong các chương. Thỉnh thoảng Nádas chọn cách biến tấu chủ đề của mình theo phong cách Victorian truyền thống. Nhưng rồi một thanh niên lưỡng giới, vẻ bề ngoài hấp dẫn, luôn muốn tự tử, Kristóf Demén được giới thiệu là người thứ ba; trở thành người tường thuật những chuyến đi điên rồ tìm kiếm tình dục đồng tính, vì tình yêu với một người phụ nữ hơn tuổi đã có chồng, và vì tự tôn.
Nhưng Nádas có chủ điểm và chúng là những chủ điểm lớn. Nhiều người Hungary, vốn bị cắt bỏ khỏi đế chế của mình sau Thế chiến thứ nhất, tìm kiếm nơi ẩn náu, hay ít nhất là an ủi, trong nền văn hóa chính trị thuần phân biệt ngôn ngữ và chủng tộc. Nádas sẽ không có bất cứ thứ nào như vậy. Ông coi thường sự không khoan dung, tính rập khuôn máy móc và miệt mài trong sự thật của tính thống nhất hỗn độn. Những nhân vật của ông, thậm chí những người Hungary chính gốc, bị đá văng với những ảnh hưởng Gypsy, Slavơ, Do Thái, Đức. Người Hungary có thể thích nhìn nhận bản thân như là nạn nhân của những lực lượng ngoại bang trong hàng thập kỷ, nhưng ở đây họ được thể hiện với đầy đủ khả năng tạo nên lòng căm thù của chính mình. Hungary của Nádas bị vứt bỏ với những con người đau khổ đang cố gắng, gần như luôn luôn trong vô vọng, để sống với những bí mật tội lỗi. Trẻ em bị bắt nạt tại gia đình, thường xuyên bị cha mẹ tra tấn, ghẻ lạnh và bị Gestapo giết. Lòng tốt thật là thiếu.
Tất cả những sự tàn nhẫn này có vẻ là công thức cho hành động bỏ cuộc. Nhưng cái tốt đẹp nhất của Những câu chuyện song song là nó mạnh mẽ như bất cứ thứ gì người viết phê bình này đã từng đọc khi giải quyết những tổn thương của thế kỷ trước – chiến tranh, chiếm đóng, bài Do Thái, trại tập trung, tư tưởng phát xít giết người và sự tìm kiếm tính chính thống của một dân tộc.
Ở một trong những đoạn hay nhất cuốn sách, thuyền trưởng Bellardi cố gắng thuyết phục người bạn từ thuở nhỏ, kiến trúc sư Madzar gia nhập phong trào cực hữu Hungary. Bellardi sử dụng một loạt biện pháp liên hoàn gồm nấu nướng, trò chuyện, bạo lực – vừa cám dỗ vừa đe dọa Madzar. Hai người đàn ông cuồng dại vì nhau nhưng cũng cận kề việc nói về những thập kỷ đầy oán giận dồn nén. Madzar, có một nửa dòng máu Đức, bị ám ảnh đầy khát vọng với một nữ phân tâm học Do Thái. Ý chí anh bị tê liệt. Nádas thích thú trong sự mơ hồ này và vẽ nên con đường thông qua sự dằn vặt của hai người đàn ông với sự thấu hiểu chói lòa.
Những mẩu chuyện ngắn được mở rộng trong tiểu thuyết là thế mạnh của Nádas. Ông xây dựng sự căng thẳng qua hàng chục trang giấy trong đó người Nga thảm sát dòng người xếp hàng chờ bánh mỳ ở Budapest năm 1956. Và hơn cả là đoạn tại dạ tiệc mà những nhà ưu sinh học đấu đá khốc liệt, Baron von der Schuer (người không thể chịu nổi mùi thịt sống) và học trò, Baroness von Thum zu Wolkenstein thanh lịch, bị cuốn vào cuộc vật lộn sôi sục vì quyền lực trong khi háo hức chằm chằm vào nữ bá tước trẻ. Lớp nối lớp của cốt cách tầng lớp tư sản bị lột trần để lộ ra sự nguy hiểm và đồi bại của những nhân vật chính, nhưng chi tiết cuộc thí nghiệm được giữ ở phía sau. Đó là một hình mẫu trang viết vụn vỡ, xứng đáng với chủ điểm kinh hoàng của nó.
Với tính dục cũng như vậy. Đôi khi miêu tả của Nádas về những tình huống khêu gợi trong khoảnh khắc được diễn tả rất nghẹt thở. Nhưng Nádas không có phanh hãm và đến cuối câu chuyện, sau khi mọi hứng thú có thể mường tượng đã được khám phá và mô tả, nó trở nên nhàm chán.
Tuy nhiên Những câu chuyện song song xứng đáng với nỗ lực được bỏ ra. Có rất nhiều sáng tạo và ông đã phơi bày được sự thối nát của những hệ tư tưởng man rợ.
Mark Damazer - Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch
Từ Financial Times