Adam Kirsch bình luận bề Imre Kertész, một nhà văn Hungary sống sót qua Cuộc đại thảm sát, mà ông ám ảnh cả cuộc đời và không thể viết về bất cứ thứ gì khác. Các tác phẩm của ông là một cuốn tự truyện dài, u ám và ngột ngạt.
Sự nghiệp văn chương của Imre Kertész đầy những quằn quại vu vơ như một vở kịch mê-lô(1). Sinh năm 1929 ở Budapest trong một gia đình Do Thái bị đồng hóa sâu sắc, Kertész bị đày đến Auschwitz năm 1944. Ông sống sót ở đó và ở Buchenwald, đến khi các trại giam được giải phóng, rồi trở lại Hungary, nơi ông hoạt động với tư cách một nhà báo, công nhân nhà máy, nhà văn tự do và dịch giả. Phải mất một thập kỷ ông mới hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên – Không số mệnh(Sorstalanság), kể lại kinh nghiệm của ông trong các trại tập trung. Khi ông hoàn tất, không một nhà xuất bản ở Hungary Cộng sản nào đả động đến nó. Không số mệnh không hề xuất hiện cho tới năm 1975, rồi được để ý đôi chút; các tiểu thuyết sau đó của ông cũng vậy, Kinh nguyện cho một đứa trẻ chưa ra đời(Kaddis a meg nem született gyermekért) không được người Hungary chú ý nhiều.
Một sự mỉa mai khắc nghiệt, chính là ở Đức – nơi Kertész có mối liên hệ như là một nhà dịch thuật văn học hiện đại Đức sang tiếng Hungary, và nơi ông chuyển đến sinh sống – tác phẩm của ông có ảnh hưởng lớn nhất. Thậm chí, Kertész còn vô danh tới mức việc ông được trao giải Nobel Văn học năm 2002 là một bất ngờ lớn. Mặc dù Kertész là nhà văn Hungary đầu tiên đoạt giải Nobel, nhưng nó khiến ông nhận được sự thù địch từ những người cánh hữu và chống Xê-mít ở quê nhà, họ bực bội vì một người Do Thái viết lách cởi mở về sự ghẻ lạnh mà ông chịu đựng từ người Hungary không đáng được vinh danh như thế. Trong khi ở Mỹ, chỉ một vài tác phẩm của ông được xuất bản với số lượng hạn chế, và gần như không ai biết đến tên tuổi ông.
Sau giải Nobel, sách Kertész bắt đầu xuất hiện qua các bản dịch tiếng Anh của Tim Wilkinson, nhưng không theo trình tự thời gian. Không số mệnh giới thiệu bản ngã khác của Kertész: cậu thiếu niên Gyorgy Köves trải qua những khoảnh khắc trong trại tập trung giống như tác giả (nhưng không chính xác hoàn toàn, Kertész khẳng định). Kinh nguyện cho một đứa trẻ chưa ra đời, cuốn sách tiếp theo ở Mỹ của ông, là cuốn thứ ba trong bộ ba, kể về Köves, một người đàn ông trung niên – người giải thích trong lời độc thoại đầy giận dữ vì sao ông từ chối đem một đứa trẻ đến một thế giới có khả năng rơi vào Cuộc đại thảm sát.
Chỉ đến bây giờ, với sự xuất bản Thất bại, chúng ta có tác phẩm thứ hai trong bộ ba tác phẩm. Nếu Không định mệnh được viết với giọng điệu giả ngây ngô trong sáng, nên được so sánh với Ngay thẳng, hay lạc quan của Voltaire, và Kinh nguyện cho một đứa trẻ chưa ra đời sử dụng lối huênh hoang hài hước lỗ mãng của Thomas Bernhard, thì những bóng ma tối cao của Thất bại rõ ràng là Beckett và Kafka, những bậc thầy về lối viết mang tới sự hỗn loạn và tuyệt vọng.
Một phần ba đầu tiên của Thất bại cho thấy một nhà văn trung niên, người rõ ràng là Kertész, mặc dù ông được ám chỉ như một “cậu bé nhiều tuổi” bằng cách kết hợp tính thân mật và sự khinh bỉ. Giống như Kertész, “cậu bé nhiều tuổi” là một nhà văn và một dịch giả với tác phẩm cuộc đời là tiểu thuyết tự truyện về Cuộc đại thảm sát – cuốn sách khiến ông mất một thập kỷ để hoàn thành, và lúc đầu bị các nhà xuất bản vùi dập. Hiện giờ ông đang tìm kiếm chủ đề cho một cuốn sách khác, không phải vì ông thực sự muốn viết, mà vì ông đã trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, thật tình cờ dù ít dù nhiều.
Cốt truyện phần đầu tiên của Thất bại đến trực tiếp từ vở kịch Cuốn băng cuối cùng của Krapp của Beckett. Khi tìm kiếm nguồn cảm hứng, “cậu bé nhiều tuổi” lục lọi ngăn kéo hồ sơ của mình và đọc to những ghi chép và ghi nhớ cũ kỹ, chỉ để làm xẹp những ước vọng từ chúng, với những lời cảm thán lẩm bẩm – giống như Krapp làm khi nghe lại những hồi tưởng được ghi lại vào băng âm thanh. Tác động của những lời tự ngắt như “Aha!”, “Lạy chúa tôi” phụ thuộc vào một cảm giác chắc chắn về việc căn cơ thời gian và hài kịch lặp, điều Kertész may mắn sở hữu. Chuyển ngữ lời văn đó sang tiếng Anh nhấn mạnh rằng nó đã bị ảnh hưởng từ Beckett như thế nào. Kết quả là Thất bại có vẻ quen thuộc hơn qua bản dịch so với nguyên bản – một trong những trớ trêu của ảnh hưởng văn học.
Ký ức của “cậu bé nhiều tuổi” hiện rõ – giữa những quấy rầy từ vợ, từ bà mẹ hay rầy la, và từ mụ hàng xóm tầng trên – diễn ra từ thời điểm ông hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên nhưng không thể xuất bản. Đây chính là sự thất bại mà tựa đề nhắc đến, và Kertész tìm thấy một sự mê hoặc tai quái khi đào sâu vào tâm lý và những hàm ý hiện sinh trong thất bại của ông. Ông cày xới lá thư từ chối xuất bản ngày 27 tháng 7 năm 1973 với lời mô tả gợi nhớ đến Không định mệnh. Thực sự, đó có thể chính là bức thư Kertész đã nhận được: “Chúng tôi cho rằng cách diễn đạt nghệ thuật của ông với nguyên liệu là những trải nghiệm của ông không hề thoát ý, trong khi bản thân chủ đề lại khủng khiếp và gây sốc.”
Tất cả bộ máy hư cấu biến đổi này phục vụ Kertész như một cách tiếp cận vấn đề cốt lõi của phần đầu tiên: Viết về Cuộc đại thảm sát để làm gì? Trí tưởng tượng tương tác với sự thật và những câu chuyện mà chúng ta đều coi là không thể tưởng tượng nổi như thế nào? Thậm chí là một người sống sót sau Cuộc đại thảm sát không hề khiến Kertész miễn nhiễm trước hiện thực quái đản khi đọc về nó. Ví dụ, ông nhớ lại một câu chuyện cực kỳ rùng rợn về vụ giết 340 người Do Thái Hà Lan tại một mỏ đá ở Mauthausen: họ bị ép phải mang những tảng đá hộc lên một cầu thang dốc đứng, bị đánh nếu làm rơi đá, cho đến khi họ đầu hàng bạo lực, thương tật, hoặc tự sát.
Ông không thể đọc tiếp về Cuộc đại thảm sát, nhưng Kertész cũng không thể ngừng viết về nó. Trong miêu tả về một thứ có vẻ như được dùng trong Không định mệnh, Kertész đem đến một tầm nhìn cho tâm lý của người viết, được tìm thấy giữa sự cống hiến ám ảnh và sự nghi ngờ phù phiếm, nó có thể áp dụng cho các nhà văn hiện đại ở mọi thể loại, thậm chí những thể loại không bị đè nặng bởi một chủ đề tệ ác như của Kertész.
Nhưng điều gì đã xảy ra khi Kertész hoàn thành định mệnh của ông – khi ông biến những trải nghiệm bản thân từ Cuộc đại thảm sát thành Không định mệnh, và đem đến một thế giới gần như thờ ơ? Ông nhận ra ông vẫn phải viết, vì ông không thể làm gì khác hơn nữa. Đây là thất bại thứ hai, nhưng khó phát hiện hơn: thất bại không phải vì thất bại mà vì thành công. Vì thế, bất chấp tất cả những phản kháng của ông rằng ông không có gì để nói, rằng những ghi chép cũ không có gì thú vị, hay ông muốn nghỉ ngơi, “cậu bé nhiều tuổi” ngồi xuống bên máy đánh chữ và sản xuất một tiểu thuyết: cuốn tiểu thuyết nằm trong một cuốn tiểu thuyết tạo thành phần thứ hai và dài hơn của Thất bại.
Vì thế, ở trang 119 của cuốn sách, chúng ta được chào đón bởi tiêu đề “Chương 1”, và “cậu bé nhiều tuổi” dành lại đất diễn cho Köves – bản ngã khác của Kertész nhằm mục đích kể lại câu chuyện. Cùng lúc đó, ảnh hưởng của Beckett đem đến một màn sương “méo mó siêu thực” [nguyên văn: Kafkaesque(2)]. Köves tỉnh giấc để tìm kiếm bản thân trên một máy bay rời khỏi Budapest đến một nơi xa xôi – “ông đã bay được mười sáu giờ đồng hồ”. Nhưng khi máy bay hạ cánh, ông rơi vào một thứ đơn giản chỉ là Budapest – nhưng là thời điểm cuối những năm 1940, thành phố chàng Köves trẻ đã trải nghiệm khi anh trở về từ Buchenwald.
Không điều gì ở trên được diễn đạt trực tiếp; nhưng không giống những câu chuyện của Franz Kafka, trong đó chúng ta có thể ở bất cứ đâu, chắc chắn là Kertész đang viết tự truyện. Mục đích của phong cách kiểu Kafka là nhấn mạnh sự hoang mang của người tị nạn trở về, cụ thể là, người đó mất khả năng định hướng trong xã hội độc đoán, xảo trá thời Cộng sản Hungary. Đến nay, những phiên tòa nhiều đến mức không thể đếm được trong Phiên tòa và nạn quan liêu phi lý của nhà nước cộng sản là giống nhau, và phần lớn nửa thứ hai của Thất bại diễn ra như dự kiến. Köves bị sa thải, rồi lại được thuê, và bị điều chuyển dưới chỉ thị từ quyền lực tối cao giấu mặt; mọi người sợ phải nói cởi mở về những điều xảy đến với họ; những đôi tình nhân lao vào nhau say đắm, rồi chia tay trong khinh bỉ.
Kertész cho chúng ta thấy câu chuyện “tạo dựng” của Köves giống câu chuyện “thật” của “cậu bé nhiều tuổi” một cách đầy thông minh. Những trang cuối của tác phẩm, Köves kết thúc bằng một đoạn hội thoại triết lý với Berg (một tội phạm chiến tranh, dù chúng ta không biết chính xác hắn phạm tội gì) dội lại những tư tưởng ở đoạn đầu Thất bại. Và hình ảnh của những người Do Thái Hà Lan mang vác đá hộc, sự độc ác gợi lại thần thoại về Sisyphus(3), và trở lại dưới hình thức chữ nghĩa đầy khó hiểu ở những trang cuối cuốn tiểu thuyết. Đến cuối cuốn sách tinh tế và có sức nặng này, nó giống như dải Mobius(4) hay một con rắn tự nuốt đuôi của mình – biểu trưng thích hợp cho một cuộc sống bị nghệ thuật nuốt chửng, và một nghệ thuật bị nuốt chửng bởi điều mà vì nó người sáng tạo nghệ thuật phải sống.
_________________________
1. Kịch mêlô (còn gọi là bán nhạc kịch) là loại kịch bố cục và cốt truyện lâm ly, mùi mẫn, khuynh hướng nhấn mạnh đạo lý.
2. Kafkaesque: thuật ngữ được dùng như tính từ để miêu tả tình huống, khái niệm, hoàn cảnh giống như hoặc chịu ảnh hưởng của nhà văn Áo – Hung, Franz Kafka (1883-1924).
3. Sisyphus: ông vua trong thần thoại Hy Lạp bị thần linh trừng phạt bằng cách phải lăn một tảng đá lên đỉnh núi, nhưng khi lên đến đỉnh, tảng đá lại lăn xuống và ông phải tiếp tục công việc từ đầu, mãi mãi.
4. Dải Mobius: chỉ có một mặt cong đơn, đóng, liên tục và một mối xoắn. Một dải Mobius đơn giản được tạo ra bằng cách nối hai đầu của băng giấy hình chữ nhật sau khi đã xoắn một băng một góc 180 độ. Nếu một con kiến bò trên bề mặt dải mobius, nó sẽ bò trên đó vĩnh viễn.
Adam Kirsch - Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch
Từ Tablet Magazine