CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nghiên cứu - Phê Bình

DẤU CÂU VÀ NGẮT NHỊP

Thứ tư ngày 4 tháng 3 năm 2015 12:00 AM

Có lần trong một cuộc hội thảo về truyện ngắn, nhà văn Tô Hoài đã than phiền rằng: nhiều người viết văn bây giờ hình như quên hết cả các dấu câu. Ông thật có lý khi cho rằng dấu câu là một hình thức của chữ, của từ… Thật ra không phải chỉ có dấu câu mà ngay cả cách ngắt nhịp cũng cần được xem là một từ đa nghĩa, một từ đặc biệt trong vốn ngôn ngữ chung của nhân loại.

Chúng ta đều biết rằng trong những tình huống giao tiếp thông thường của cuộc sống, im lặng lắm khi lại nói được rất nhiều: khi căm thù tột đỉnh, lúc xao xuyến bâng khuâng, khi cô đơn buồn bã, lúc xúc động dâng trào... Những cung bậc tình cảm này nhiều khi không thể mô tả được bằng chữ nghĩa. Dấu câu và sự ngắt nhịp là một trong những phương tiện hữu hiệu để thể hiện "sự im lặng không lời".

 Nhiều khi người ta chỉ nghĩ đến nhiệm vụ của dấu câu là tách ý, tách đoạn của câu văn. Thực ra bên cạnh nhiệm vụ ấy, dấu câu và sự ngắt nhịp còn có một chức năng rất quan trọng, đó là tạo nên "ý tại ngôn ngoại", hàm nghĩa và gợi ra những điều mà từ không nói hết, nhất là trong thơ.

Tái hiện lại không gian và giây phút Bác Hồ trở về Tổ quốc sau 30 năm xa cách, nhà thơ Tố Hữu viết :

Ôi  sáng xuân nay, Xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về ... Im lặng . Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...
(Theo chân Bác )

Nếu không chú ý mấy dấu chấm ở hai câu cuối : Bác về ( ba chấm) Im lặng ( chấm) và cuối cùng vui ngẩn ngơ ( ba chấm ) thì đọc sẽ không chính xác và làm mất đi rất nhiều màu sắc biểu cảm sâu lắng của đoạn thơ . Chính các dấu câu ấy đã tạo nên những khoảng lặng rất lớn, nhằm diễn tả sự im lặng và xúc động đến thiêng liêng, dường như cả đất trời và vạn vật nơi núi rừng biên giới đang sống trong nỗi vui mừng thầm lặng, đang hồi hộp, nín thở chờ đón Người trở về Tổ quốc ...

Đọc câu thơ của Chế Lan Viên " Đất nước đẹp vô cùng . Nhưng Bác phải ra đi" trong bài Người đi tìm hình của nước, nhiều người bỏ quên cái dấu chấm giữa dòng thơ, đọc một mạch, đã làm mất đi bao sức gợi cảm sâu lắng, thiết tha, diễn tả một sự nuối tiếc, đau đớn đến xót xa trong lòng người ra đi khi phải xa Tổ quốc; mất đi cái ý ngầm: buộc phải ra đi, “đành” xa tổ quốc “đành lòng vậy” …

Để ngắt nhịp người ta thường dùng dấu câu, nhưng nhiều khi không có dấu câu. Trong trường hợp này, người đọc cần phải thông nghĩa, hiểu ý mới ngắt nhịp đúng.  Câu thơ của Tố Hữu : “Càng nhìn ta lại càng say ", có thể đọc:" Càng nhìn / ta lại càng say "( nhịp 2/4 ) tưởng như thế là đúng, nhưng thực ra là "Càng nhìn ta / lại càng say "( nhịp  3/3 ). Vì ở đây ý thơ muốn thể hiện là : ai đó ( thế giới ) càng nhìn ta ( Việt Nam ) thì càng say lòng chứ không phải ta càng nhìn mình lại càng say chính mình ( ta tự say ta).

Cũng như thế câu thơ của Xuân Diệu:"Một chiếc xe đạp băng vào bóng tối", nếu không chú ý sẽ đọc thành:"Một chiếc xe đạp / băng vào bóng tối "; trong khi đúng ý Xuân Diệu phải đọc là:"Một chiếc xe / đạp băng vào bóng tối ". Ở đây, điều mà nhà thơ muốn nhấn mạnh là hành động "đạp" chứ không phải chiếc "xe đạp"; muốn thể hiện tinh thần hăng hái, hồ hởi, phấn khởi, mạnh mẽ của chủ thể trữ tình.

Câu thơ của Tản Đà "Non cao tuổi vẫn chưa già", có người đọc theo nhịp  3/3 : Non cao tuổi / vẫn chưa già và hiểu là non dù đã cao tuổi nhưng vẫn còn trẻ ( chưa già ). Nhưng thực ra ở đây cao không phải là nhiều tuổi cao là độ cao, là núi cao ngất "Non cao những ngóng cùng trông",“Non cao đã biết hay chưa?”

 Trong nhiều trường hợp sự ngắt nhịp, xuống dòng liên tục, đột ngột của tác giả tạo nên một ý nghĩa rất sâu sắc. Bài thơ Màu tím hoa sim của  Hữu Loan là một ví dụ tiêu biểu. Câu thơ Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt  được ông ngắt thành 6 dòng thơ:

         Màu tím hoa sim

                            tím

                                  chiều

                                           hoang

                                                     biền

                                                             biệt

Và không chỉ ở câu thơ này, cả bài thơ bị ông "bẻ gãy", các câu thơ “vỡ vụn”, sụp đổ… diễn tả một nỗi đau tan nát, thể hiện những tiếng nấc đứt đoạn, nghẹn tắc; một hạnh phúc đổ vỡ, tan thành nhiều mảnh, không gì hàn gắn nổi ...

Dấu câu và cách ngắt nhịp không chỉ quan trọng với thơ mà ngay cả khi đọc văn xuôi cũng cần chú ý. Thử đọc hai đoạn văn sau đây:

Đoạn 1: Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường . Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng."

( Tôi đi học - Thanh Tịnh )

Đoạn 2 : Không được ! Ai cho tao lương thiện ? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này ? Tao không thể là người lương thiện nữa . Biết không ! Chỉ còn một cách ... biết không ! ... Chỉ còn một cách là ...  cái này ! Biết không !... Hắn rút dao ra, xông vào, Bá Kiến ngồi nhỏm dậy, Chí Phèo đã văng dao tới rồi .

( Chí Phèo - Nam Cao )

Đoạn văn của Thanh Tịnh 62 chữ, chỉ có 2 câu, 2 dấu chấm và 2 dấu phảy, nhịp điệu nhẩn nha, không có gì gấp gáp vội vàng . Cả đoạn văn là những tiếng nói thì thầm, nhỏ nhẹ như lá rụng cuối thu, lãng đãng như mây bạc lưng trời...Tất cả nhằm diễn đạt một tâm trạng, một tấm lòng đang "náo nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường" .

Đoạn văn của Nam Cao 63 chữ ( tương đương với đoạn trên ) nhưng được chia làm 9 câu với nhiều loại dấu câu: 5 dấu cảm thán, 4 dấu chấm lửng, 3 dấu chấm phảy, 2 dấu chấm hỏi và 2 dấu chấm. Hàng loạt dấu câu ấy  khiến nhịp điệu câu văn trở nên gấp gáp, khẩn trương ... Chưa kể đến sự cộng hưởng của ngữ nghĩa do các từ ngữ và hình ảnh, chỉ riêng nhịp điệu do hệ thống dấu câu ở trên tạo nên đã giúp Nam Cao tái hiện rất thành công cuộc đối mặt quyết liệt và dữ dội giữa Chí Phèo và Bá Kiến. Cả cuộc đời Chí triền miên trong cơn say, mệt mỏi và u tối. Bỗng giây phút này hắn bừng tỉnh và sáng láng. Giây phút ấy dường như rất ngắn ngủi nên Chí phải nói rất nhanh, làm rất gấp, tức khắc và quyết liệt... Cách chấm câu và ngắt nhịp ấy đã giúp Nam Cao diễn tả rất thành công tâm trạng uất ức, dồn nén và tình thế gấp gáp khẩn trương của màn bi kịch này.

Dấu câu và cách ngắt nhịp chi phối cách đọc rất mạnh mẽ, không chỉ ngữ âm, ngữ nghĩa; không chỉ trong đọc hiểu mà cả đọc diễn cảm nữa. Đọc đoạn văn của Thanh Tịnh, ai đọc nhanh, gấp và lên giọng thì... hỏng . Ngược lại không thể đọc đoạn văn của Nam Cao với giọng nhỏ nhẹ, nhẩn nha được.

Trong tiếng Việt, cái dấu phảy tưởng như nhỏ bé ấy nhiều khi lại có sức mạnh “cải lão hoàn đồng”, biến sống thành chết…Chẳng thế mà có giai thoại sau: một anh nông dân đến xin Ủy ban giấy phép giết trâu. Ông chủ tịch xã không đồng ý, phê vào giấy: “trâu cày không được thịt”. Anh này về nhà vẫn mổ trâu bình thường. Công an xã đến, anh mang giấy ra và chỉ vào câu: “trâu cày không được, thịt”. Công an đành chịu thua. Thì ra vẫn chừng ấy chữ nhưng anh nông dân láu cá đã thêm dấu phảy vào sau chữ được làm thay đổi 180 độ nghĩa của văn bản; từ ý ông chủ tịch ngăn cấm, không cho phép mổ trâu, vì đây là con trâu còn khỏe ( trâu cày) sang hẳn ý cho phép, vì con trâu này không cày được nữa nên phải thịt…

Thế chẳng phải chỉ vì một dấu phảy mà đang sống phải chết là gì ?

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook