Cuối năm 2016, khi đã chuẩn bị xong bản thảo cuốn “Từ điển tiếng Việt của GS, Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu”, Hoàng Tuấn Công có nhờ Hoàng Dũng viết Lời tựa và tôi viết Lời bạt. Mấy hôm trước Hoàng Dũng đã công bố Lời tựa (in ở đầu sách), nay tôi xin đăng Lời bạt (in ở cuối sách) để bạn đọc rộng đường tham khảo.
Một chiều mùa hè cách đây vài ba năm, tôi nhận được điện thoại của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Anh nói với một giọng đầy hứng khởi, cứ như vừa phát hiện ra điều gì đó thật mới mẻ:“này, ông hỏi hộ tôi xem Hoàng Tuấn Công là ai, ở đâu và làm gì? Một nhà ngôn ngữ học giỏi thế sao lâu nay không nghe thấy tên, mãi bây giờ mới xuất hiện?”
Sau một vài ngày, tôi báo lại cho Nguyễn Quang Lập mấy thông tin cơ bản về Hoàng Tuấn Công: quê Thanh Hóa, học tổng hợp sử, hiện đang công tác tại phòng truyền thông hay tuyên truyền gì đó của Sở Nông nghiệp Thanh Hóa… Chưa nghe hết, Nguyễn Quang Lập đã xuýt xoa: “ Ôi trời ơi, thế thì phí quá, uổng quá. Là đồng hương, ông xem có tác động được gì để Công chuyển đến một nơi nào đó cho phù hợp với cái tài của nó không”. Nghe xong tôi thực sự cảm động trước tấm lòng liên tài của Nguyễn Quang Lập và rất tò mò về Hoàng Tuấn Công. Thế rồi tôi bị hút vào những bài viết của Công, trước là đọc trên trang của Nguyễn Quang Lập, rồi sau thường vào thẳng Blog Tuấn Công Thư Phòng. Đó là những bài Công viết phê bình, đối thoại và đính chính, chú giải về hàng loạt những sai sót trong việc giải nghĩa từ ngữ tiếng Việt của một số nhà biên soạn từ điển; chỉ ra những ngô nghê, nhảm nhí trong trong việc sử dụng tiếng Hán và hành vi đạo văn của một cây bút chuyên viết và chỉ viết được về thơ Hồ Chí Minh; phân tích sự cẩu thả và thiếu chính xác trong chữ nghĩa của một vị GS cao niên chuyên sản xuất câu đối .v.v…
Tôi đã đọc các bài viết của Công một cách say sưa không dứt ra được; phần vì những bài viết đó có nhiều lý giải rất mới mẻ, trước hết là với hiểu biết của chính tôi; phần vì cách viết của Công rất hấp dẫn, vừa khoa học, công phu, lại vừa đáo để trong lập luận, một thứ văn luận chiến (polémique) sắc sảo. Những bài viết của Công thực sự đã chinh phục tôi, và sự thật nếu không đọc, tôi hoàn toàn có thể hiểu sai những từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ mà lâu nay vẫn nghe, vẫn dùng. Không chỉ riêng mình, tôi chắc rất nhiều người đã và sẽ vỡ ra, ngộ ra nhiều điều khi đọc những gì Công viết. Không tin thì bạn cứ hãy liếc qua thử vài ba trang của cuốn sách này - cuốn “Từ điển tiếng Việt của Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu”, cuốn sách mà tác giả đã dày công biên soạn trong vòng 3-4 năm nay và cũng đã công bố ít nhiều trên trang blog của mình, nay hợp làm một quyển.
Tôi được biết, bản thảo của cuốn sách đã xong từ lâu, rất nhiều người mến mộ, giới thiệu với dăm ba nhà xuất bản. Nhà nào ban đầu cũng hăm hở nhận lời, nhưng rồi cuối cùng sách vẫn chưa ra được. Vừa rồi gặp tôi, Công bảo: “không hiểu sao sắp ký hợp đồng rồi họ lại bảo thôi thầy ạ”.
Lật từng trang bản thảo cuốn sách Từ điển tiếng Việt của Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu, tôi cứ nghĩ mãi về lý do vì sao “sắp ký hợp đồng rồi họ lại bảo thôi”. Rồi tự lý giải cho mình. Lý do thì có thể nhiều, nhưng phải chăng như nhiều người đã nghĩ, lý do chính là do tâm lý ngại “va chạm” với tên tuổi của GS Nguyễn Lân. Một bậc thầy đáng kính, một nhà khoa học đáng nể trọng, một tên tuổi không thể không nhắc tới của khoa học giáo dục nước nhà thời hiện đại. Lại nữa thầy đã vào cõi thiên thu… Do dự, ngại ngùng về điều này cũng thường tình và dễ cảm thông. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ: nếu GS Nguyễn Lân còn sống, ông sẽ phản ứng thế nào khi đọc sách này? Liệu thầy có buồn và nổi nóng với kẻ hậu sinh? Không, tôi chắc thầy chẳng bao giờ xử sự thế, mà trái lại sẽ rất trân trọng những người như Hoàng Tuấn Công, người không chỉ chăm chú đọc kĩ những cuốn sách Từ điển của thầy mà còn tỉ mỉ ghi chép, đối chiếu, so sánh, khảo cứu từng con chữ trong đó để đối thoại, chú giải, đính chính lại những gì chưa ổn, chưa đúng, đặng mang đến cho bạn đọc một cách hiểu vẹn toàn, chính xác. Kho tàng tri thức, chữ nghĩa của ông cha để lại là vô tận, bao la; ai có thể ôm hết và hiểu đúng mọi điều? Sai sót trong việc hiểu và giải thích kho tàng chữ nghĩa ấy là chuyện bình thường, góp ý để chỉnh sửa lại cho đúng là chuyện rất nên làm và nên khích lệ, ủng hộ, biểu dương… Ai cũng nghĩ thế, huống chi là GS Nguyễn Lân, một người thầy, một nhà khoa học luôn có tấm lòng rộng mở, bao dung. Rồi cứ nghĩ nếu có phép màu giúp GS Nguyễn Lân sống lại, khi gặp Công, thầy sẽ nở một nụ cười hiền hậu và bảo: “Cậu khá lắm; giỏi lắm!”. Tôi cũng nghĩ thầy sẽ rất mừng và tự hào về một thế hệ “hậu sinh khả úy”, chứ không buồn nản vì một đám sĩ tử, nhân danh trí thức, nhân danh đạo lí khiêm cung để chỉ biết cúi đầu, cung cúc nghe theo, chép lại, nói lại y nguyên như sách của thầy, kể cả cái sai, điều sót.
Một lý do khác cũng có thể dẫn đến việc người ta “ngại ngùng” với bản thảo cuốn sách này là do tính chất phức tạp, khó khăn trong đánh giá, thẩm định. Các nội dung tri thức được đề cập trong sách này mang tính bách khoa. Có thể nói các vấn đề nêu trong sách hầu như liên quan đến rất nhiều lĩnh vực; đòi hỏi người soạn và người thẩm định phải có những hiểu biết rất đa dạng, phong phú, chính xác của nhiều ngành khoa học, cũng như phải có kinh nghiệm, sự từng trải từ cuộc sống, không chỉ hôm nay mà cả xa xưa, nhất là cuộc sống xa xưa. Do tính chất phức tạp của tri thức tổng hợp được đề cập tới và dường như lường trước được những “nghi ngờ” khó tránh khỏi của bạn đọc về độ tin cậy trong diễn giải của người soạn, Hoàng Tuấn Công chủ trương trình bày rất chi tiết, cặn kẽ; lập luận rào trước đón sau, dẫn ra nhiều ngữ liệu, chua rõ nguồn trích, nguyên văn tiếng La tinh, tiếng Hán, tiếng Mường, tiếng Anh; đối chiếu với hàng chục cuốn từ điển khác; liên hệ với cách nói, cách hiểu tương tự của các dân tộc khác… để làm rõ ý kiến của mình. Vì thế cuốn sách này không chỉ đơn thuần là từ điển giải nghĩa mà nó thực sự còn là một công trình khảo cứu rất công phu… Cũng vì thế việc đánh giá, thẩm định, biên tập không đơn giản.
Bản thảo cuốn sách hơn sáu trăm trang, với tôi đây là một kho tàng tri thức khổng lồ. Mỗi ngày tôi tranh thủ xem và học từ đó khoảng dăm bảy mục, vừa phù hợp với thời gian, vừa là để nhấm nháp, nghiền ngẫm,“tiêu hóa” những gì tác giả đã nêu lên, vừa như là món ngon để dành ăn dần, sợ hết…
Không cần phải theo thứ tự trước sau, bạn cứ lật giở và đọc bất cứ trang nào cũng được…Bất cứ trang nào bạn cũng có thể gặp được những điều thật thú vị trong cách hiểu, cách chú giải của Hoàng Tuấn Công.
Tiếng nói, ngôn ngữ của một dân tộc là “vốn hương hỏa cha ông để lại” như nhà văn Nguyễn Tuân từng tâm niệm. Mỗi người cần có ý thức và có trách nhiệm chung tay góp phần làm cho“vốn hương hỏa”ấy ngày càng phát triển, sinh sắc hơn lên. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, tiếng Việt đang bị mai một, bóp méo, hiểu sai, sử dụng cẩu thả… thì cuốn sách này là một đóng góp có ý nghĩa; một nỗ lực cá nhân đáng trân trọng trong việc giữ gìn tiếng Việt, để tiếng nói của cha ông ngày càng giàu có, tinh tế, chuẩn mực, sáng trong hơn.
Với một cuốn sách như thế, tôi càng tin vào điều đã nghĩ, nếu GS Nguyễn Lân còn sống, hẳn ông cũng chẳng bận lòng, phật ý, cho dù tác giả bàn về những sai sót của thầy.
Hà nội - Đ.N.T