CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nghiên cứu - Phê Bình

NHÂN KẾT THÚC CỦA TÁC PHẨM TẮT ĐÈN

Thứ tư ngày 24 tháng 9 năm 2014 12:00 AM

Ai đã đọc Tắt đèn của Ngô Tất Tố hẳn còn nhớ câu này: "Buông tay, chị vội choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. Trời tối đen như mực và như cái tiền đồ của chị" Đó là những dòng cuối cùng chấm hết cuốn sách. Câu kết thúc này nổi tiếng đến nỗi nhiều người không đọc Tắt đèn cũng biết, cũng thuộc lòng. Thời ngồi ghế nhà trường, ít nhất một lần, ai đã học qua cấp 2 mà chẳng được thầy cô chỉ giáo rằng: đây là hạn chế của tác giả và tác phẩm Tắt đèn. Vì kết thúc như thế thì đen tối quá, tiêu cực quá, nhân vật và người đọc không tìm thấy lối ra, chẳng thấy tương lai và tiền đồ đâu cả.v.v và v..v...

Thực ra không chỉ với Tắt đèn mà hầu như kiểu phân tích và đánh giá ấy đã trở thành khuôn mẫu; thành cách nhìn nhận, cách đánh giá chung của một thời đối với nhiều tác phẩm văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Chí Phèo đâm chết người rồi đâm chết mình cũng là bế tắc. Giông tố thì mịt mù, còn Bước đường cùng thì chỉ đọc cái tên cũng đã thấy cùng đường rồi... Văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 song song tồn tại ba dòng văn học. Mỗi khi tổng kết văn học giai đoạn này, trong một thời gian dài trước đổi mới (1987), giáo viên đều đi đến nhận định tổng quát rằng: văn học cách mạng là tiên tiến; văn học lãng mạn là tiêu cực phản động; văn học hiện thực phê phán tuy còn nhiều hạn chế nhưng vẫn có lợi cho cách mạng...

Nhắc lại điều trên kể ra cũng hơi “vô duyên” vì bây giờ chúng ta đã “nhìn lại”, “nghĩ lại”, “đánh giá lại”, đã “tỉnh ngộ” và “sám hối” trong nhận thức, đã đối mặt với định kiến lạc hậu cũ mèm... Tuy nhiên chúng tôi nghĩ, trong việc đánh giá những tác phẩm cụ thể, quán tính của những nhận thức cũ còn rất lớn, những thói quen, định kiến một thời vẫn còn quyền uy của nó. Mặt khác và quan trọng hơn là cần phải hiểu giá trị và hiệu quả đích thực của những kết thúc “đen tối” trong văn học hiện thực phê phán nói chung và Tắt đèn nói riêng trên một tinh thần khách quan khoa học; tránh những nhận thức chung chung, giáo điều: trước chê nay khen hoặc ngược lại.

Trở lại tác phẩm Tắt đèn; giả sử ngày ấy Ngô Tất Tố kết thúc tác phẩm một cách sáng sủa hơn, ví như cứ cho chị Dậu gặp được cách mạng, được giác ngộ và trưởng thành, hoặc giả cho chị Dậu gặp may hơn ở một hoàn cảnh nào đó để chị cứu được chồng, chuộc được con, thoát khỏi kiếp mù mịt “tắt đèn” thì sự thể sẽ như thế nào? Tôi nghĩ, nếu như thế có lẽ tiểu thuyết Tắt đèn đã không còn ai nhớ nữa. Ngô Tất Tố đã lựa chọn một cách kết thúc đúng như nó phải kết thúc. Ở đây, một mặt ông không thể không tuân thủ một cách nghiêm ngặt nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực để làm tăng tính chất phê phán - tố cáo ; mặt khác và quan trọng hơn là kết thúc như thế đã tạo được hiệu quả  thẩm mỹ trong người đọc. Gấp cuốn sách lại, trăm ngàn câu hỏi hiện lên day dứt người đọc: chị Dậu sẽ đi đâu? Kiếm ăn bằng cách nào? Chồng con chị ra sao? Còn cạm bẫy nào đang chờ chị? Thế lực nào tiếp tục săn đuổi người đàn bà khốn khó này? Cuộc đời sao cay nghiệt thế? Quan lại sao đểu cáng thế?... Rốt cuộc tương lai chị sẽ ra sao?

Một kết thúc như vậy, đã tạo nên được sức ám ảnh và sự lay thức tâm hồn người đọc, buộc họ phải suy nghĩ, phải trăn trở khôn nguôi về số kiếp một con người.

Thông thường trong tâm lý tiếp nhận của bạn đọc, ai cũng muốn một kết thúc có hậu cho tác phẩm theo tinh thần dân gian đầy nhân bản: “ác giả ác báo”, “ở hiền gặp lành”, “tham thì thâm”... Đó là một ý nguyện tốt lành trong tư tưởng và tâm hồn người đọc. Nhưng sự thực cuộc đời nhiều khi thật nghiệt ngã, chứ đâu chỉ toàn những chuyện tốt lành. Hơn nữa ở tác phẩm văn học nếu chỉ có kết thúc như thế sẽ dẫn tới tình trạng “bão hoà”, “vô cảm”, thậm chí “phản cảm” trong tâm lý tiếp nhận[1], không tạo được trạng thái háo hức thèm muốn trong việc tìm hiểu tiếp, khám phá và suy nghĩ tiếp. Khi đã thoả mãn tối đa nhu cầu rồi (dù đó là nhu cầu gì) thì con người chỉ cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ.

Những kết thúc có hậu một cách đơn giản, sáo mòn, cứng nhắc, dập khuôn dễ gây cho bạn đọc cảm giác về sự giả tạo - cuộc đời đâu phải thế. Ngay ở một tác phẩm vĩ đại như Truyện Kiều, sau 15 năm lưu lạc trong biển “đời mưa gió”, nàng Kiều trở lại đoàn viên, khi Nguyễn Du hoan hỉ hạ bút:

Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa 

thì cũng chính là lúc, ta thấy rất rõ ông đang nở nụ cười gượng gạo “Vui là vui gượng kẻo mà”... Thực tế, đặt chi tiết này trong tổng thể toàn bộ màn kết của Truyện Kiều, người đọc chỉ thấy thương xót cho Kiều hơn và thương cả cho Nguyễn Du hơn mà thôi.

 Như vậy, kiểu kết thúc của một tác phẩm có liên quan chặt chẽ với tính vấn đề tác phẩm đó. Kết thúc một tác phẩm có nghĩa là vấn đề này được giải quyết đồng thời vấn đề khác lại được đặt ra buộc người đọc phải trăn trở suy nghĩ. Có như thế tính vấn đề mới không bị thủ tiêu. Tác phẩm có thể dừng lại ở một trang, một dòng nào đó về mặt hình tuyến, nhưng những vấn đề đặt ra trong đó thì không kết thúc. Nó tiếp tục sống, tiếp tục “hành chức” và phát triển trong tâm hồn, tình cảm của bạn đọc theo nhiều hướng, nhiều chiều, nhiều khả năng khác nhau. Những kết thúc như thế đã tạo nên vẻ đẹp đa âmtính chất không đáy của tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm văn học nào cứ nhằm giải quyết một cách triệt để, kết thúc một cách rõ ràng, chẻ hoe, sòng phẳng, thì thường thường những tác phẩm ấy nhạt, khó để lại dư ba trong “biển lòng” độc giả. Thực chất tính vấn đề ở loại tác phẩm này đã bị thủ tiêu.

Văn học Việt Nam giai đoạn 1945- 1975 dù phát triển đa dạng phong phú đến đâu, nhưng xét riêng về mô hình kết thúc tác phẩm thường có chung một hướng, một điểm giống nhau: ta thắng địch thua, cái mới thắng cái cũ. Kết thúc phải rõ ràng như thế, chỉ cần lửng lơ một chút là bị “thổi còi” ngay. Do đó, không ít tác phẩm chỉ cần xem mở đầu đã biết ngay kết thúc. Con sông cuộc đời đầy quanh co uẩn khúc, lắm thác, nhiều ghềnh cuối cùng đều được bàn tay chắc khoẻ của tác giả nắn thẳng dòng chảy để thể hiện xu hướng vận động “đi lên”, “từ bóng tối ra ánh sáng”, “từ hiện tại đến tương lai”... Trong khi cuộc sống cũng như con người chứa trong mình muôn vàn bí ẩn với trăm ngàn “câu hỏi không lời đáp” (Huy Cận) và “Câu trả lời thật không dễ dàng chi” (Nguyễn Trọng Tạo). Văn học viết về cuộc sống con người, một mặt cần phải giúp con người hiểu con người từ nơi sâu thẳm của tâm hồn, nhưng mặt khác cũng cần phải giúp con người hiểu được sự không hiểu nổi của con người...

Đứng về một phương diện nào đó mà nói: những tác phẩm lớn là những tác phẩm chẳng bao giờ có kết thúc, hiểu theo nghĩa rộng của từ này. Bao giờ nó cũng để lại một khoảng trống khổng lồ với trăm ngàn điều “có thể” xảy ra trong đó. Dấu chấm hết của tác giả ở cuối cuốn sách cũng chỉ là chấm hết của một điều “có thể” xảy ra, còn lại, độc giả hãy tự lựa chọn lấy một cách kết thúc thuận ý mình. Cũng vì thế, có lẽ những tác phẩm lớn không thuộc về cá nhân nào trong lịch sử, nó là sản phẩm “đồng sáng tạo” của nhiều người, nhiều thế hệ. Nó không chết mà cứ tiếp tục lang thang mãi trong hành trình dài dặc, thăm thẳm và mênh mông của tâm hồn thế nhân.

 

Đ.N.T - 1992- 2014

 



[1] Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi phản đối cách kết thúc có hậu hiện đại.Ở đây chỉ muốn nhấn mạnh logích tất yếu của kết thúc tác phẩm, kết thúc mà không thủ tiêu tính vấn đề của tác phẩm.

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook