CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nghiên cứu - Phê Bình

VĂN TÂM VÀ NHỮNG TÁC PHẨM CUỐI ĐỜI

Thứ tư ngày 23 tháng 5 năm 2012 12:00 AM

VĂN TÂM (1933 - 2004)

Thấm thoát thế mà đã ngót một thập niên trôi qua; tháng 6 này đã là cái giỗ thứ 8 để tưởng nhớ ngày ông ra đi - nhà giáo ưu tú, nhà nghiên cứu - phê bình Văn Tâm[1]. Từ giã cái thế giới thân quen và yêu mến hết mực này, ông về với những người thiên cổ - những văn nhân nổi tiếng một thời mà dường như ông vẫn còn duyên nợ.

Cuộc đời nghiên cứu của Văn Tâm có thể chia làm ba chặng như ba thời kỳ của một đời cây. Từ tuổi thanh xuân ngập tràn hoài bão, thân cây căng nhựa sống, đâm cành nẩy lộc; đến những tháng năm chống chọi với bão giông, những gian lao khắc nghiệt, tưởng rụng lá, trơ cành; thế rồi cây đời như xanh lại và ruột đã sinh trầm.

Tôi quen và thân với Văn Tâm khoảng 15 năm chặng cuối, từ 1989 cho đến ngày ông mất 2004. Trong 15 năm ấy thì đã đến 9 năm ông phải vật lộn với bệnh tật. Mặc dù cơ thể ốm đau, nhưng về tinh thần Văn Tâm như trở lại sung sức và mạnh mẽ hơn, liên tục cho ra những tác phẩm nghiên cứu - phê bình văn học để lại được nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc. Không tính các bài báo lẻ và những công trình viết chung, thời gian này ông cho ra ba tập sách riêng khá dầy dặn: Góp lời thiên cổ sự (NXB văn học 1992); Đoàn Phú Tứ - Con người và tác phẩm ( NXB văn học 1995) và Vườn khuya một mình ( NXB Văn hóa - thông tin, 2001). Ba cuốn sách, ba mảng màu đậm nhạt khác nhau, nhưng đều in đậm dấu ấn Văn Tâm.

I) Lặng lẽ giữa đôi bờ khoa học và nghệ thuật

Đó là nhận xét và cảm nhận của tôi khi đọc cuốn Góp lời thiên cổ sự. Từ tâm niệm với câu thơ của Lão Đỗ đời Đường "Văn chương thiên cổ sự" (Văn chương là việc của ngàn đời), Văn Tâm tự giới hạn mình với một mục đích rất khiêm nhường: "góp ý, thậm chí có khi chỉ là gợi ý với bạn đọc" và nguyện làm "một tiếng chuông trong giàn chuông "thiên cổ sự" của cuộc đời", "một mặt nêu cao những tiêu chí khách quan, mặt khác biết coi trọng những hứng thú chủ quan của từng "tiểu vũ trụ" trong khi cảm thụ cái Đẹp"[2].

Tư tưởng này xuyên suốt toàn bộ cuốn sách, xâu chuỗi 24 bài viết tưởng như rất tản mạn của ông, từ việc góp ý cho một vài giáo sinh đi thực tập hiểu đúng "ngôi thứ nhất", đến việc đính chính lại hàng loạt "Vấn đề văn học trong nhà trường" cho một số vị giáo sư đại học; từ việc phân tích một từ, một chữ, giúp cho bạn đọc tránh "ngộ sự" và "nhiễu sự văn chương" đến việc luận bàn, đánh giá một loạt phong cách lớn: Nguyễn Du, Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân .v.v... ; từ việc "gợi ý" để hiểu đúng một tác phẩm cụ thể đến những vấn đề khái quát "Mấy suy nghĩ về học thuật hôm nay ..."; từ việc xét "Đố Kiều trong văn hóa Kiều" đến cái nhìn "Hề Chèo - Một mảnh hồn dân tộc" .v.v..., đâu đâu người đọc cũng thấy một ý thức trách nhiệm, một tấm lòng và một tình yêu đối với văn chương, đối với cái Đẹp của người viết "Góp lời thiên cổ sự". Vâng, tôi muốn nói phải có tấm lòng và một ý thức trách nhiệm mới có được những bài viết như thế. Cũng bởi tư tưởng và quan niệm trên cho nên khi đọc "Góp lời thiên cổ sự", đành rằng nhiều khi người đọc khoái chí với những lý giải cụ thể, nhưng tôi nghĩ cái đáng ghi nhận của cuốn sách này lại là: những "gợi ý" cho bạn đọc một cách nhìn, một cách nghĩ, một phương pháp tiếp cận tác phẩm văn học đúng hơn, khoa học hơn. Bởi vì tất cả những lý giải cụ thể ở đây cũng chỉ là một tiếng chuông trong giàn chuông "thiên cổ sự"; vả lại, trong văn chương "tác giả giai thù biệt" (nhà văn ai có giống ai - Lão Đỗ) thì "độc giả" càng "giai thù biệt" đúng theo quan niệm của chính Văn Tâm.

Qua "Góp lời thiên cổ sự", người đọc thấy rõ tác giả mong muốn vươn tới sự hòa đồng giữa cái khách quan khoa học và cái chủ quan bản ngã trong việc tiếp nhận và lý giải những giá trị của cái Đẹp. Điều đó được thể hiện ở 4 đặc điểm sau đây của cuốn sách:

- Luôn cung cấp những tư liệu phong phú, nghiêm túc, công phu.

- Cố gắng xem xét, lý giải các hiện tượng văn học từ bề rộng và chiều sâu văn hóa, coi trọng tính hệ thống.
- Thích đặt lại vấn đề, xem xét lại những điều tưởng đã ổn định với một cảm hứng phê phán.

- Điểm xuyết bằng những cảm nhận chủ quan tinh tế, sâu lắng khi bình giá, phân tích.

 Dễ nhìn thấy 2 đặc điểm đầu thuộc về tính khách quan, khoa học, 2 đặc điểm sau là sản phẩm của những hứng thú chủ quan.

1. Tư liệu phong phú, nghiêm túc, công phu

Trong nghiên cứu khoa học, ai cũng biết, nắm được tư liệu gốc là hết sức quan trọng. Văn bản khởi nguyên đành rằng không quyết định nhưng là cần yếu, nếu như không muốn nói, nó phải là yêu cầu đầu tiên. Chẳng thế mà chúng ta nhiều khi đã tốn quá nhiều giấy mực để cãi nhau về một chữ của người thiên cổ; chẳng thế mà đôi khi chỉ nhầm năm xuất bản, thời điểm ra đời của tác phẩm là đỗ vỡ cả một hệ thống lập luận khoa học tưởng như rất vững chắc. Hình như chính Văn Tâm cũng đã một lần mắc phải "lỗi" ấy khi viết về Vũ Trọng Phụng nên ở tập sách này, bài nào ông cũng trình bày một khối tư liệu phong phú, công phu và chính xác đến từng chi tiết (nhiều khi chính xác - chi tiết đến mức khó chịu). Bạn đọc dễ dàng tìm thấy những trang viết kiểu thế này: "Về phương diện hình thức, tập "Tiếng thu" cũng có những nét độc đáo: khuôn khổ 22 x 15cm không đánh số trang (nay đếm thấy có 104 trang); bìa do họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung trình bày, bìa in lót tên cơ sở xuất bản: Editions Librairie Centrale; ruột sách gồm 52 bài thơ (bài Tiếng thu thứ 15); kết thúc là 4 trang viết (không đặt tựa đề) của tác giả; tập thơ có 6 phụ bản: 4 bức của Nguyễn Đỗ Cung vẽ theo hướng siêu thực (tranh bìa cũng vậy); 1 bức ghi: "Tranh của Ng.G", bức thứ 6 chú thích: "Tranh của N.Kh.Đ". (tr.182).

Chưa hết cụ thể, ông còn cho biết thêm: tập thơ do Tô Văn Đức phố Cầu Gỗ xuất bản (1939) để trừ nợ Lưu Trọng Lư và bài "Tiếng thu" gồm 9 câu liên tục không chia đoạn, các chữ đầu dòng không viết hoa (trừ 3 chữ Em); mỗi câu 5 âm tiết; nửa vần liền, nửa vần ôm" .v.v...

Có lẽ không cần bình luận gì thêm ngoài điều này: những ai đó khi viết lách hay "hớt ngọn", nói theo, trích theo ý mình, viết theo trí nhớ, thậm chí "xuyên tạc" cả văn người khác, thì ví dụ trên là một tiếng chuông cảnh tỉnh có ý nghĩa.

Đặc điểm này còn thể hiện ở chỗ, mỗi khi bàn về một vấn đề nào đó, ông thường đưa ra bộ sưu tầm gần như hoàn chỉnh lượng thông tin cần biết về lịch sử vấn đề: những ai đã nói, nói ở đâu, nói những gì, nói như thế nào, đăng ở đâu, trang, dòng, ngày, tháng ... rất chi tiết, cụ thể và chính xác. Không những thế ông còn cho in kèm hàng chục phụ bản, bút tích, ảnh và minh hoạ của các hoạ sĩ nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên v.v... Tất cả những điều trên cộng hưởng với nhau tạo nên tính nghiêm túc và độ tin cậy cao nhất của tư liệu mà ông đã đưa ra.

2. Xem xét, lý giải các hiện tượng văn học từ bề rộng và chiều sâu văn hóa, coi trọng tính hệ thống

Những tác phẩm văn học lớn, đích thực đều là những kết tinh văn hóa. Phân tích và khám phá các tác phẩm ấy không thể không xuất phát từ vốn văn hóa sâu rộng; đặt chúng trong mối quan hệ với toàn bộ hệ thống mới có thể nhận chân được các giá trị đích thực. Điều đó rất dễ hiểu nhưng rất khó làm. Vì ở đó là cả một chân trời mênh mông vô tận mà sức mỗi người chỉ là hữu hạn. Ở đó học phí của sự hiểu biết đôi khi phải trả bằng máu và nước mắt. Chưa nói đến thực tiễn, chỉ ý thức được điều này đã là rất quí. Nó hạn chế được sự ngộ nhận của người nghiên cứu. Về phương diện này Văn Tâm có được ưu thế cả nhận thức lẫn thực tiễn. Những trang viết của ông có thể còn thiếu điều này điều khác, nhưng rõ ràng là theo hướng đó. Nắm vững nguồn tư liệu phong phú ông trình trước bạn đọc một bức tranh tổng quan những thăng trầm lịch sử của Vũ Trọng Phụng theo năm tháng. Đặt tác phẩm của họ Vũ giữa "rừng cười nhiệt đới" từ đông sang tây, từ cổ chí kim để nhận ra tiếng cười độc đáo của tác giả "Số đỏ". Không có một vốn triết học phương Đông, khó có thể chỉ ra đặc sắc "Hữu vô tương tác trong thi pháp Tản Đà". Cũng như vậy, những hiểu biết phong phú về nghệ thuật dân gian đã giúp ông lý giải một cách đầy sức thuyết phục hiện tượng sân khấu "Hề Chèo - Một mảnh hồn dân tộc". Không ít hiện tượng văn học, ở đó, những kiến thức về âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điện ảnh, ngôn ngữ học, dân tộc học, lịch sử, địa lý, tâm lý ... đã giúp ông có một cái nhìn và một cách lý giải thỏa đáng. Cách tiếp cận và lý giải các hiện tượng văn học như trên, phải chăng là những ví dụ minh chứng cho chủ trương của ông: Cần phải "cách tân quan niệm học thuật và bổ sung công cụ khám phá"; cần thay đổi các tiêu chí đánh giá, mở rộng, khai thông "độ rộng thẩm mỹ" "đào sâu hệ qui chiếu mỹ học", cũng như ông kêu gọi cần "dẫn nhập các phương pháp nghiên cứu" cho khoa nghiên cứu văn học.

3. Thích đặt lại vấn đề, xem xét lại những điều tưởng đã ổn định với một cảm hứng phê phán

Suốt một thời gian dài, với quan niệm cũ, cách nghĩ cũ, cách đánh giá cũ, nền lý luận phê bình của chúng ta đã để lại khá nhiều tồn tại cần giải quyết. Ở nhiều bài viết, Văn Tâm đã đóng góp phần mình một cách tích cực để "giải oan", "phá án" cho một số tác giả và tác phẩm văn học. Có thể thấy rõ nỗ lực đó ở những bài viết, những tham luận khoa học về Vũ Trọng Phụng và các tác giả văn học lãng mạng 1930 - 1945. Nhiều vấn đề tưởng đã nằm yên trong sách giáo khoa, trong các giáo trình đại học, ông đem ra "xét lại" và đính chính một loạt "vấn đề văn học trong nhà trường". Ông đối thoại với những người hay "nhiễu sự văn chương"; biện hộ cho Nguyễn Du qua màn "Thúy Kiều - Hoạn thư và phiên tòa Lâm Tri"; bênh vực Nguyễn Huy Thiệp; cổ vũ Dư Thị Hoàn ... cũng đều xuất phát từ tinh thần đó, từ cảm hứng đó - cảm hứng phê phán. Cách phê phán của Văn Tâm nhìn chung là nhẹ nhàng; nhiều khi dí dỏm như khi góp ý cho cô giáo sinh hiểu đúng "ngôi thứ nhất". Nhưng nhiều khi ông cũng châm biếm một cách sâu cay, kiểu như dẫn ra lời nhà phê bình Pháp Xanh Bơ-vơ: "Mỗi nhà phê bình ưa săn một loài thú riêng để xông vào mà băm vằm" nhằm phê phán sự bất công của nhà nghiên cứu họ Vũ đối với nhà văn họ Vũ. Hoặc như khi ông giễu một nhà nghiên cứu lịch sử cứ chăm chăm đối chiếu truyện của Nguyễn Huy Thiệp với "Sử ký giáo khoa thư". Phê phán chân chính thực ra là góp phần trả sự vật về đúng vị trí của nó; cũng có nghĩa là làm sáng lên những giá trị chỉ cóvốn có của một sự vật nào đó. Đọc "Góp lời thiên cổ sự" có thể thấy tác giả viết với một tinh thần đối thoại và một cảm hứng phê phán như thế.

4. Những cảm nhận chủ quan tinh tế, sâu lắng

Tôi thường nghĩ rằng cuối cùng, tác phẩm văn học cụ thể vẫn là hòn đá thử vàng để nhận chân giá trị của từng cây bút phê bình. Trang bị những vũ khí, những công cụ khám phá và các tiêu chí mỹ học mới, những thi pháp học, cấu trúc luận ... để làm gì, nếu không phải là để hiểu đúng, hiểu sâu cái hay, cái đẹp của từng tác phẩm văn học. Điều này dễ thống nhất, nhưng trong thực tế nhiều khi lý thuyết rất hay song khi áp dụng vào tác phẩm cụ thể vẫn cứ trật khấc; vẫn không tóm được "hồn văn", không nói trúng được cái thần thái của tác phẩm. Trong nhiều trường hợp, tác phẩm văn học sau cuộc đại phẫu thuật của nhà phê bình, chỉ còn lại là cái xác không hồn.

Trong tập sách này, Văn Tâm đã cố gắng kết hợp sự phân tích khách quan khoa học với những cảm nhận chủ quan riêng biệt. Vì thế một số bài phân tích tác phẩm cụ thể của ông đều có nét riêng, ít nhiều đều chỉ ra được thần thái và sắc diện của tác phẩm với những lời bình tinh tế, sâu sắc. Đây là đoạn văn ông chỉ ra linh hồn phần đầu bài thơ "Đèo Cả" của Hữu Loan:

"Cái Sống ở phần mở đầu bài thơ "Đèo Cả" là sinh lực đất trời ẩn tàng trong cảnh quan địa lý kỳ vĩ của núi cả rừng già vạn thủa Việt Nam. Vẻ bát ngát vô biên của mây trời trên đỉnh "núi cao ngút", dáng thăm thẳm của những "Lối vàng xanh tuôn", một mặt như đối chứng với cái bé nhỏ, hữu hạn của con người để nhắc nhở sự "tự tri", sự phản tỉnh về những dục vọng tầm thường; mặt khác, cảnh sắc ngoạn mục tràn đầy sinh lực ấy cũng có khả năng thổi căng những tâm hồn rúm ró - như chàng Trapuskin của Uxpenxki (1843 - 1902) khi được chiêm ngưỡng tượng thần Vệ nữ ở Viện bảo tàng Luvơrơ" .

Những đoạn văn như thế, có thể tìm thấy ở nhiều bài viết của ông như "Hề chèo - Một mảnh hồn dân tộc", "Thúy Kiều - Hoạn Thư và phiên toàn Lâm Tri", "Tương tư của Nguyễn Bính", "Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mạc Tử", "Chiều xuân của Anh Thơ", "Hai đứa trẻ - Thạch Lam" v.v...

Cũng như mọi tập sách khác, "Góp lời thiên cổ sự" không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Sẽ là mâu thuẫn chăng, khi tôi cho rằng, chính chỗ mạnh của ngòi bút Văn Tâm lại tạo nên nhược điểm trong các bài viết của ông. Bạn đọc dễ nhận thấy, do quá say sưa trình bày tư liệu, xác lập tổng quan mà tác giả nhiều khi không cân đối được các phần của bài viết. Cảm giác phần tư liệu lấn át phần chính và ít phát huy được công năng cho phần chính là có thực. Cũng vì thế bài viết đôi khi dàn trải. Thêm vào đó lượng từ Hán Việt ông dùng hơi nhiều, khí văn cổ hơi đậm, thành thử câu văn nhiều khi nặng nề. Đọc Văn Tâm nhiều khi tôi cứ thấy thấp thoáng giọng của nghệ sĩ Văn Tâm đan xen với giọng của nhà khảo cứu Tầm Dương. Và lòng bỗng ao ước: Giá như hai giọng ấy hòa đồng và nhuần nhị hơn. Cũng cần phải nói thêm rằng cuốn sách được in một cách ... quá cẩu thả. Kết quả là sai sót quá đáng; nhiều từ, nhiều câu vô nghĩa, đôi khi mất đi cả một đoạn văn; lại có những điểm bất nhất: "Lời nói đầu" ghi 32 bài viết, mục lục ghi 25 bài, và thực tế chỉ có 24 bài. Thật đáng tiếc là có những lỗi không đáng có ấy ở một cuốn sách như "Góp lời thiên cổ sự".

II) Hết mình vì cái đẹp và cái tài

Ba năm sau khi in Góp lời thiên cổ sự, Văn Tâm vắt kiệt sức mình cho cuốn Đoàn Phú Tứ - Con người và tác phẩm[3]. Sách vừa in xong thì ông cũng bị bạo bệnh quật ngã. Cuốn sách ấy dày 661 trang, chia làm ba phần lớn:

Phần I: Đã mang lấy nghiệp, gồm 220 trang giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp và những giá trị của tác phẩm Đoàn Phú Tứ.

Phần II: Còn chút của tin là phần tập hợp một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn quá cố họ Đoàn. (358 trang).

Phần III: Thấy hiu hiu gió là khúc tưởng niệm người đã khuất gồm 73 trang hồi ức, hồi ký của nhiều nghệ sĩ lớn đối với tác giả Màu thời gian.

Lướt qua chừng ấy trang, cứ lẩn thẩn ngồi ngắm cuốn sách, nghĩ ngợi mãi... Rồi cũng như Văn Tâm, tôi muốn lấy nửa câu Kiều để tự lý giải cho mình "Chữ tâm kia mới ...". Vâng, tôi nghĩ vào những năm tháng ấy, nếu không có nhiệt tâm, văn tâm, nhân tâm ... thì khó có được những công trình như thế.

Đọc cuốn sách, trước hết chúng ta gặp được những gì xuất sắc nhất của nhà văn quá cố họ Đoàn. Từ bài thơ nổi tiếng Màu thời gian đến những bài ký còn ít ai biết như Hạ đom đóm, Hai sườn Tam Đảo. Từ vở kịch Ngã Ba đến tiểu luận Đi tìm chủ từ trong vài đoạn văn Đoạn trường tân thanh .v.v...

Xem những tác phẩm của Đoàn Phú Tứ mà Văn Tâm gọi là "còn chút của tin" ấy, người đọc mới thấy hóa ra lâu nay mình còn biết rất ít về văn nghiệp họ Đoàn. Đã đành là có khi chỉ cần một bài thơ như Màu thời gian cũng đủ lưu tên của ông với hậu thế. Nhưng dù sao, nay nhìn vào 358 trang tác phẩm (chưa kể sách dịch mà ông ký tên là Tuấn Đô), cũng không ít người giật mình. Cuốn sách vì thế, buộc người ta phải nhìn nhận và đánh giá Đoàn Phú Tứ một cách toàn diện hơn, công bằng hơn. Thiết nghĩ cũng chẳng phải lỗi của một mình ai, nhưng xin ghi công cho người làm sách hôm nay. Bởi lẽ, tác phẩm của Đoàn Phú Tứ mấy chục năm qua không in lại, phần lớn xuất bản trước cách mạng bị "mất mát tán lạc nhiều do đó những trang của ông được tái xuất trong tập sách này là kết quả của một quá trình sưu tầm, lần hỏi không nhanh chóng dễ dàng ..." (Lời cuốn sách).

Tôi biết, Văn Tâm vốn là nhà sưu tầm, khảo cứu. Tư liệu của ông nhiều người không dễ có. Ấy thế mà khi làm sách này ông cũng mất đứt mấy năm trời. Đôi lúc cứ nghĩ, không biết cuốn sách này mang lại cho Văn Tâm được bao nhiêu tiền mà ông "vất vả" vì nó thế. Chưa nói tới công sức lao tâm khổ tứ luận bàn, cứ tính mấy năm trời ông đi lại, sưu tầm, sao chụp, quà cáp, gặp người này, hỏi người kia, kẻ trên rừng, người dưới biển, ông trong Nam, bà ngoài Bắc ... đã đủ thấy ông tổn phí rất nhiều. Lại nữa, khi sách ra đời, tôi biết riêng tiền ông bỏ ra mua tặng bạn bè đã gấp hai, ba lần số tiền ông được thù lao nhuận bút. Giữa thời buổi "kinh tế thị trường", nhiều người trước khi viết sách, đã phải tính toán trước mình được lãi bao nhiêu. Còn ông, cặm cụi mấy năm để rồi khi sách in ra, nếu tính về tiền là ông "lỗ nặng". Biết thế thì ai nỡ cho ông là vì tiền mà viết. Cứ nghĩ, không có nhiệt tâm, văn tâm, nhân tâm thì làm gì có sách ấy ra đời.

Nhưng có người bảo, ông viết sách ấy là để nổi danh, nổi tiếng. Thực ra thì có gì là xấu nếu như đúng thế. Ai đã dính vào chuyện văn chương, thơ phú mà không thích mình nổi tiếng, nổi danh? Song le, chỉ nghĩ con người ấy từ 1952 đã từng xuất bản kịch. Khi tôi ra đời, ông đã là tác giả của một chuyên luận khá nổi tiếng: Vũ Trọng Phụng - Nhà văn hiện thực (1957). Công trình nghiên cứu về nhà văn họ Vũ này, ông viết lúc mới ngoài 20 tuổi. Năm 1964 ông cũng đã là tác giả tập sách: Tản Đà - Khối mâu thuẫn lớn với bút danh Tầm Dương.

Hơn hai mươi năm gần như ông im hơi lặng tiếng, âm thầm dạy học trò, âm thầm làm việc, tích lũy để rồi bắt đầu thời kỳ đổi mới ông "sinh hạ" liên tiếp những đứa con tinh thần của chính mình…

Năm 1995, Đoàn Phú Tứ - Con người và tác phẩm ra đời. Thêm cuốn sách này, những trang viết của ông dày hơn, nhưng chắc chẳng phải vì để nổi tiếng mà ông cầm bút. Tôi đọc sách ấy cứ nghĩ vì sự trân trọng liên tài, hết mình vì cái đẹp mà ông viết, ông làm. Văn Tâm viết về Đoàn Phú Tứ như một sự tri ân người đã khuất, như để trả một món nợ tinh thần mà ông day dứt, băn khoăn. Và hơn nữa, ông viết vì hình như con người và tác phẩm của Đoàn Phú Tứ có gì đó đồng vọng trong ông, khuyến khích và vẫy gọi ông. Nếu như trong sáng tác "tâm hồn mỗi nhà văn có một chất dính riêng, chất dính ấy chỉ có thể bắt được những gì thích hợp với nó mà thôi ..."[4] thì điều này cũng đúng với những người viết lí luận phê bình. Ở Văn Tâm, tôi thấy ông có thể viết về nhiều nhà văn, nhiều vấn đề, nhưng phải chăng có 3 nhà văn, 3 nghệ sĩ mà ông tập trung công sức nghiên cứu một cách cẩn thận, công phu và đầy tâm huyết, đó là: Tản Đà, Vũ Trọng Phụng và Đoàn Phú Tứ. Ba nhà văn này mức độ, văn tài có khác nhau nhưng đều có chung một điểm, một tâm thế khá giống nhau mà Tản Đà đã nói hộ: "Tài cao, phận thấp, chí khí uất". Họ đều là những kẻ sĩ khảng khái, dám vung tay trước mặt kẻ có quyền thế. Và họ đều là những hiện tượng văn nghệ "phức tạp", cuộc đời, sự nghiệp cứ "ba chìm bảy nổi chín lênh đênh"…

Có lẽ vì thế cũng như khi viết về Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, lần này Văn Tâm đã dành hẳn 220 trang để tái hiện và khắc họa lại toàn bộ chân dung nhà văn họ Đoàn, cả cuộc đời và trong văn nghiệp. Trên mọi phương diện, ông đều muốn cố gắng làm hết sức, hết lòng, đến nơi đến chốn. Không phải ngẫu nhiên mà ông lấy hai tiêu đề: Ngọn nguồn lạch sôngTiếng cầm đài để giới thiệu cuộc đời và phân tích giá trị văn nghiệp của Đoàn Phú Tứ. Phải chăng đó là ý nguyện muốn đi đến cùng cội nguồn, muốn thấu hiểu tận đáy lòng nhà văn quá cố của người viết, cũng như Tử Kỳ hiểu lòng Bá Nha ngày xưa vậy.

Từ nhiệt hứng trên, Văn Tâm giới thiệu với bạn đọc một Đoàn Phú Tứ tài hoa mà long đong lận đận, một dịch giả Tuấn Đô giỏi giang, cần mẫn cũng là người dám đối mặt, quát lại bọn chủ sở, đốc lý người Tây; một nhà thơ đầu tiên dám đứng lên chống tham nhũng, vạch mặt bọn Trần Dụ Châu hồi kháng chiến chống Pháp. Nhiệt hứng này cũng giúp Văn Tâm phát hiện và chỉ ra được hai giá trị cơ bản của thơ Xuân Thu nhã tập nói chung và thơ Đoàn Phú Tứ nói riêng. Hai giá trị đó là: Sự tiên giác, tiên phong trên con đường trở về cội nguồn Sự tiên giác, tiên phong trên con đường trở về phương Đông. Đọc sách này, bạn cũng sẽ thấy hết được công lao và những đóng góp quan trọng của Đoàn Phú Tứ vào lịch sử thoại kịch Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám trên cả hai bình diện hoạt động biểu diễn và sáng tác kịch bản. Một số vở kịch triết lý của Đoàn Phú Tứ như Thằng Cuội ngồi gốc cây đa hoặc Ngã ba là những vở kịch nhiều ý nghĩa, không dễ hiểu, đã được Văn Tâm phân tích chi tiết và góp những lời bàn xác đáng.

Cũng như vậy, bài Màu thời gian, một bài thơ nổi tiếng, ai cũng thấy hay nhưng không phải ai cũng hiểu, đã được Văn Tâm góp phần lý giải và cung cấp những tư liệu quí báu để người đọc có thể tiếp cận và hiểu đúng bài thơ hơn ...

Những nhận xét và kiến giải của Văn Tâm về kịch và thơ Đoàn Phú Tứ có thể còn phải tiếp tục trao đổi, nhưng do tính chất tiên phong ở trên nên đương nhiên nó mới mẻ và rất hữu ích cho những ai muốn nghiên cứu tiếp về Đoàn Phú Tứ.

Điểm cuối cùng cần ghi nhận qua cuốn sách này là thái độ công bằng, công tâm công phu của người nghiên cứu. Đây có lẽ cũng là đặc điểm chung của ngòi bút Văn Tâm. Đọc những công trình của ông, bạn có thể yên tâm về nguồn tư liệu. Trước khi đi sâu vào một hiện tượng văn nghệ nào đó, bao giờ ông cũng cung cấp cho người đọc một bức tranh tổng quan rộng lớn với những thông tin cần thiết. Ông luôn dẫn ra cụ thể, chi tiết những gì liên quan đến vấn đề đang bàn, ghi rõ xuất xứ và trình bày tư liệu một cách nghiêm túc. Chỉ riêng 220 trang phần I sách này tôi đã thấy ông chú giải 107 mục, kèm theo gần 20 ảnh tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đoàn Phú Tứ.

Gấp cuốn sách lại, ngồi suy ngẫm. Cứ nghĩ trong thời buổi nhà nhà làm sách, người người làm sách, không ít cuốn làm theo kiểu xáo xào, chụp giật thì những sách như Đoàn Phú Tứ - Con người và tác phẩm, không phải là không có nhược điểm, nhưng dẫu có thế đi nữa, những công trình như thế chẳng đáng trân trọng lắm sao?

III) Khát khao được đối thoại, giao cảm, tri âm

Như trên đã nói, sau khi cuốn Đoàn Phú Tứ - con người và tác phẩm ra đời, Văn Tâm bị tai biến mạch máu não. Bắt đầu những năm tháng chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo, những tưởng đã kết thúc một sự nghiệp cầm bút; cứ nghĩ bệnh tật đã hạ gục ông, đã bắt ông thúc thủ, khuất phục… Thế mà bỗng nhiên ông trở lại, ung dung đi giữa “Vườn khuya một mình” với một tập sách dày hơn 300 trang, gồm 21 bài viết trong vòng 10 năm.

Dĩ nhiên đó không phải là tất cả những gì ông viết trong 10 năm ấy, nhưng 21 bài trong tập sách này được tổ chức theo một ý tưởng mới, gắn bó với nhau bằng một mạch liên kết mới. Mặc dù đằng sau cuốn sách vẫn là một Văn Tâm tinh tế, tài hoa như hồi Giảng văn văn học lãng mạn Việt Nam (1991); một Văn Tâm đáo để, róng riết khi Góp lời thiên cổ sự (1992); một Văn Tâm công phu, tỉ mỉ lúc viết Đoàn Phú Tứ…(1995); song Vườn khuya một mình vẫn có sắc thái riêng.  Có thể nói, mạch tư tưởng xuyên suốt các bài viết trong tập sách này là tư tưởng đối thoại. Đối thoại với mình và đối thoại với người. Qua đối thoại, bằng đối thoại mà làm “ sáng lên” và “sang thêm” những chân giá trị của sự vật. Với tư tưởng này, dường như ở mỗi bài viết, ông đều đặt ra một tình huống có vấn đề, có tính mẫu thuẫn và xung đột trong nhận thức của bạn đọc để từ đó mà tranh luận, mà lý giải và phát biểu ý kiến của mình.

Nhận xét vừa nêu được thể hiện sáng rõ ngay từ một bài viết ngắn nhất trong tập sách này, bài  Xin người trốn kĩ mãi đi ( 2,5 trang). Khi thiên hạ đổ xô đi tìm tên thật của bút danh T.T.Kh, tác giả của Hai sắc hoa ti gôn;  khi “hơn nửa thế kỷ trôi qua, biết bao cây bút trong giới hàn mặc đã hao tâm tổn trí hòng làm sáng tỏ tính danh và sự tích của nữ sĩ này”; khi sự thật vẫn im lìm không chịu lên tiếng, thì bỗng Văn Tâm…phát hiện ra . Không phải ông phát hiện ra tên thật của nữ sĩ mà phát hiện ra một chân lý của tiếp nhận nghệ thuật, nếu có thể nói như thế, rằng “chân lý khoa học không hẳn lúc nào cũng hỗ trợ hữu ích cho chân lý mỹ học”. Vì thế ông cho rằng: “màn sương mờ bao phủ bút danh T.T.Kh mặc nhiên đã trở thành một yếu tố thi pháp lợi hại gia tăng hương sắc trữ tình của bài thơ lên rất nhiều…Cứ để yên T.T.Kh tội nghiệp sẽ trẻ đẹp và gây thương cảm đến muôn đời”. Đọc xong bài viết này, người đọc mới thấm thía tại sao ông cất lời khẩn cầu da diết: “Xin người trốn kĩ mãi đi”.

Với hàng loạt bài trong tập sách được suy nghĩ và làm sáng tỏ theo tinh thần đối thoại ấy, Văn Tâm đã mang đến cho người đọc nhiều kiến giải mới mẻ, nhiều kết luận đáng tin cậy và những khám phá bất ngờ, thú vị.

Từ những hiểu biết tường tận về cây đàn đáy, về cỗ trống chầu, về thanh nhịp phách, Văn Tâm miêu tả và cắt nghĩa Thể phách và tinh anh của hát nói- ca trù. Ông cho rằng: “ Văn hóa ca trù là một ngã  ba mỹ học: nơi đây quy tụ ba dòng đẹp (cái đẹp của nghệ thuật, cái đẹp của nhan sắc, cái đẹp của những trái tim tri âm, tri kỷ). Từ đây ông chiêu tuyết cho tâm hồn và nhân cách của những người ca kĩ, những con người một thời bị khinh rẻ, bị liệt vào tầng lớp “xướng ca vô loài”. Cũng từ đây, ông làm sáng lên những giá trị, những chủ đề trong các tác phẩm của Nguyễn Tuân về đề tài này, những giá trị và chủ đề của những tác phẩm không dễ thống nhất như Chùa đàn chẳng hạn.

Nghiên cứu về Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch, ông cho rằng “mấy chục năm qua giới nghiên cứu đã tập trung tìm hiểu tính đảng, tính giai cấp, tính dân tộc… điều đó cần nhưng chưa đủ”. Và vì thế, ông tập trung làm sáng tỏ những cảm xúc nhân loại của Hồ Chí Minh trong tập thơ này như một sự bổ sung hết sức cần thiết nhằm hoàn chỉnh chân dung tinh thần của Người.

Giới thuyết Thơ mới là một trong những bài viết sâu sắc, phong phú và giàu sức thuyết phục. Bài này ông viết nhân dịp 60 năm ngày Thơ mới ra đời. Sáu mươi năm trôi qua, nhưng “hình như chưa có cây bút nào xác định được rõ ràng hàm nghĩa Thơ mới- xác định giàu tính thuyết phục thì lại càng chưa. Ngược lại, vấn đề còn trở nên rắc rối thêm, xuất hiện nhiều ý kiến bất đồng, thậm chí mâu thuẫn…”. Rồi từ những thống kê tỉ mỉ, chính xác; từ những chứng cứ rõ ràng, cụ thể, Văn Tâm đã đối thoại với nhiều nhận định sai lầm, nhiều ngộ nhận ấu trĩ, nhiều kiến giải dung tục… và đưa ra một giới thuyết về Thơ mới với những kết luận đầy sức thuyết phục.

Cũng giống như bài Giới thuyết Thơ mới, với sự am hiểu sâu rộng về bối cảnh lịch sử khi Nguyễn Huy Tưởng viết Vũ Như Tô, Văn Tâm đã phân tích và lý giải khá kỹ lưỡng về giá trị cũng như tư tưởng chủ đạo của vở kịch nổi tiếng này. Ông không tán thành với những kết luận cho rằng Nguyễn Huy Tưởng viết Vũ Như Tô “chứng tỏ thời kỳ đó tư tưởng chưa ổn định”; ông cũng không tán thành ý kiến cho rằng “tiếng nói của Đan Thiềm là tiếng nói của nghệ thuật thuần túy”, “Vũ Như Tô là nhân vật u mê”... Ông khẳng định tiếng nói của Đan Thiềm là tiếng nói của dân tộc, của nghệ thuật vị dân tộc và Vũ Như Tô không hề u mê, “Chàng đã xây dựng Cửu Trùng Đài với một ý thức sáng rõ và đáng quý: nêu cao địa vị của nòi giống, của dân tộc Việt trước các dân tộc khác.”

Có thể tìm thấy trong tập sách này khá nhiều bài viết với những khám phá và lý giải mới mẻ theo tinh thần đối thoại như trên. Trong số đó có mấy bài ông viết khi mới hồi phục từ hoàn cảnh tưởng như tuyệt vọng vì căn bệnh hiểm nghèo, như Thể phách và tinh hoa hát nói - ca trù ( 2000), Thiền học trong hai vở kịch của Đoàn Phú Tứ (1999); Thể phách thơ Việt Nam - khát vọng tự do (2000); Nhà văn Vũ Trọng Phụng giỏi Phật học? (2001); Hồ Dzếnh- Từ trái tim ân hận ( 2001); … Đọc những bài viết này, khó thấy dấu vết của sự “suy giảm”, “xuống tay” hoặc sự “ đổi giọng”, “ lạc điệu” trong ngòi bút của tác giả. Ngược lại  dường như người ta thấy ngòi bút của ông càng già dặn và trầm tĩnh hơn, đằm thắm và tha thiết hơn. Hãy đọc một vài nhận xét của ông về Thể phách thơ Việt Nam - khát vọng tự do: “ Khát vọng tự do biến thể… phá cách thể hiện rõ nhất trong thơ Việt Nam trung đại có lẽ là thể hát nói (ra đời vào khoảng thế kỉ 18-19), sản phẩm tinh thần của tầng lớp kẻ sĩ phóng khoáng “lợm mùi giáng chức với thăng quan”(Nguyễn Công Trứ) muốn sống “ngoài vòng cương tỏa” mà “xáo trộn cổ kim”. Tinh thần biến thức, phá cách của hát nói trung đại sẽ được Thơ mới kế thừa tích cực và phát triển rộng rãi, dài lâu, tạo nên một cuộc cách mạng thơ ca, “ Nghĩa là cho đến tận hôm nay, thể phách thơ Việt Nam vẫn còn cuộn cuộn khát vọng tự do. Khát vọng này có khi vụt sáng lên tựa sao băng như những bài thơ không vần táo bạo, độc đáo mà tròn đầy thi cảm của Nguyễn Đình Thi xuất hiện đầu cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954)…

Nếu lấy cái mạch ngầm xuyên suốt tập sách này là tiêu chí để thẩm định và đánh giá độ chụm của các bài viết, thì sẽ thấy có một số bài nằm bên lề mạch ngầm đó. Có thể kể các bài như Một thuở ban đầu; Tranh hồn quê của Trương Đình Hào; Về tác phẩm điện ảnh Đất nước đứng lên…Những bài này đặt trong một chỗ khác thì cấu trúc của tập sách sẽ chặt chẽ hơn. Không biết đây có phải là nhược điểm của cuốn sách không.

Tôi cũng không nghĩ tất cả các nhận xét, bình luận trong các bài viết theo tinh thần đối thoại ở tập sách này là chân lý. Có những ý kiến, nhận xét còn phải trao đổi, suy nghĩ và tranh luận thêm…Nhưng điều đáng quý ở đây là người viết bao giờ cũng đưa ra được ý kiến riêng của chính mình. Và để có được điều đó, Văn Tâm đã phải lao động miệt mài, đã chấp nhận nhiều khi lẻ loi, cô đơn; có lúc mạo hiểm đến cả sức khỏe và tính danh bản thân; có khi mất cả bạn bè và có thời đã phải trả giá bằng mấy chục năm im lặng, nhẫn nhục…

Cầm tập sách trên tay, tôi cứ nghĩ mãi không hiểu điều gì đã buộc ông cầm bút, nhất là trong hoàn cảnh của ông lúc bấy giờ. Đọc Lời nói đầu, thấy ông giải thích nhan đề cuốn sách, nguyên là mượn nửa câu Kiều “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để nói về cái khốn khổ, đơn chiếc, lẻ loi và có phần mạo hiểm của người cầm bút. Đã khốn khổ, cô đơn; đã biết lẻ loi, mạo hiểm sao vẫn cứ dấn thân, sao vẫn cứ đeo đẳng cái nghiệp bút nghiên ? Giải thích thế nhưng tôi ngờ ông đã giấu đi một nửa ý tứ câu Kiều, nửa ấy cho ta biết rõ hơn cái nguyên do vì sao ông cầm bút. Phải chăng trong cái đêm khuya ấy, nàng Kiều lẻ loi, mạo hiểm băng vườn vì trong lòng đang nồng cháy một tình yêu, vì vẫn còn chất chứa bao điều muốn nói; vì nàng biết phía bên kia có một Kim Trọng vẫn đang chờ đợi để sẻ chia, thông cảm… Vâng tôi cho rằng sáng tạo nói chung là sự thôi thúc, thôi thúc từ bên trong trái tim người cầm bút; là khát vọng và hy vọng được giao cảm, tri âm. Do sự thôi thúc, khát khao, hy vọng nên mới dũng cảm, chấp nhận đơn côi, bất chấp lẻ loi, mạo hiểm. Văn Tâm không năm ngoài quy luật ấy.


Khi bị ngã bệnh rồi, Văn Tâm vừa rất ngại gặp người đến thăm hỏi, vừa lại rất muốn trò chuyện với mọi người, nhất là bạn văn. Mấy lần tôi đến thăm, khi nhận lời qua điện thoại bao giờ ông cũng gặng hỏi cho bằng được khi nào đến? Chính xác là mấy giờ, mấy phút…? Ban đầu tôi không hiểu, cứ nghĩ ông ốm nằm một chỗ thì đến lúc nào mà chẳng được. Mãi đến lần thứ hai, ba gì đó tôi mới ngộ ra, ông hẹn giờ để biết chính xác và có thời gian “trang điểm”, “chỉnh đốn” lại trang phục…Ông không muốn người tiếp chuyện thấy cái bệ rạc, nhếch nhác của người ốm; ông muốn hình ảnh của mình vẫn đàng hoàng và không mất đi vẻ đẹp trong mắt người quen. Văn Tâm là thế, luôn mê mẩn và tôn thờ cái đẹp. Những tác phẩm cuối đời của ông thể hiện rất rõ một Văn Tâm luôn hết mình vì cái tài, cái đẹp; luôn khát khao được đối thoại, giao cảm, tri âm. Như cánh buồm lặng lẽ trôi đi giữa đôi bờ khoa học và nghệ thuật, ông miệt mài cóp nhặt chữ nghĩa của sách, của đời để tạo ra những trang viết mang đậm dấu ấn Văn Tâm.

Đ.N.T - 05/2012



[1] Văn Tâm sinh 05/09/1933, mất ngày 24/06/2004

[2] Lời nói đầu cuốn Góp lời thiên cổ sự

[3] Tác giả Văn Tâm - NXB Văn học 1995

[4] Nguyễn Đăng Mạnh - Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn - NXB Giáo dục - 1994 - tr 13.

Bình luận

        Rất hân hạnh, bạn là người đầu tiên gửi lời bình luận đến chúng tôi !
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook