CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nghiên cứu - Phê Bình

Đọc Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh

Chủ nhật ngày 13 tháng 5 năm 2012 12:00 AM

1

Thú thật tôi không thích lắm cái nhan đề của cuốn sách: Giã biệt bóng tối1 . Cái tên ấy cho thấy dấu vết đạo diễn khá rõ, tính hướng đạo lộ và vì vậy phần nào làm giảm đi sự súc tích, hàm ẩn của tư tưởng luận đề đặt ra trong thiên truyện. Tên sách này khiến tôi nhớ tới việc Lê Văn Trương đã đổi tên truyện Chiếc lò gạch2 của Nam Cao thành Đôi lứa xứng đôi. Tên đầu “kín”, tên sau“lộ”. Hơn nữa sự kết hợp giữa giã biệtbóng tối cứ như là “tri kỷ gượng”. Hai chữ giã biệt vang lên trong lòng người đọc một âm hưởng buồn. Buồn vì sắp phải chia xa, chia ly, vì phải chia tay với một cái gì đó thân thiết, thơ mộng, quý giá mà có nguy cơ không bao giờ gặp lại: giã biệt mẹ già, giã biệt tuổi thơ, Giã từ tuổi nhỏ (Xuân Diệu), một giã gia đình…(Thâm Tâm),"Giã biệt bạn lòng ơi"... Còn bóng tối, ai cũng hiểu- đó là một hình ảnh ước lệ mang đầy tính biểu tượng- biểu tượng của cái xấu, cái ác, cái phi nhân, thế giới của ma quỷlòng thù hận...Thế thì sao lại là giã biệt? Ở đây cùng lắm chỉ là tiễn biệt, giống Tiễn biệt những ngày buồn3 , tiễn biệt bóng đêm của làng Thổ Ô - cái mảnh đất ít người nhiều ma4 ấy. Nếu là Tạ Duy Anh, tôi sẽ lấy một nhan đề khác để đặt tên cho cuốn sách, Chuyện làng Thổ Ô chẳng hạn. Nghe giản dị, tự nhiên, khách quan và giấu kín được mạch triết luận cũng như chủ đề của tác phẩm, tư tưởng của người viết... Hãy cứ để người đọc tự thân nhập vào câu chuyện của làng Thổ Ô ấy mà suy nghĩ, mà buồn bã, mà căm giận, xốn xang, mà đau nhức, tức tưởi đến muốn tống khứ bóng tối ra khỏi cuộc đời này. Cũng cần nói thêm, các tiểu thuyết của Tạ Duy Anh gần đây thường mang tính luận đề và những cái tên của tác phẩm đã thể hiện khá rõ tư tưởng của những luận đề ấy: trước Giã biệt bóng tốiThiên thần sám hối và sắp tới Sinh ra để chết cũng vậy.

Vâng, tôi thích cái tên Chuyện làng Thổ Ô hơn. Giã biệt bóng tối, nghe có vẻ "mùi mẫn",“cải lương” không hợp với sóng gió và bão tố, bùn lầy và nước đọng, máu và nước mắt, tội lỗi và oan khiên, hận thù và đểu cáng... đầy ắp, ngổn ngang trong thiên truyện.
Nhưng bù lại, tác giả "bịa" ra được cái tên làng: Thổ Ô. Cái tên ấy thật có ý nghĩa, thật phù hợp với những gì xảy ra trong đó. Không biết Tạ Duy Anh có hàm ý gì khi đặt tên làng như thế hay không, cái tên làng mà người biên tập cam đoan "không có trong bất cứ một cuốn dư địa chí nào".  Nhưng với tôi, một  người  đọc,  hai  tiếng Thổ  Ô - nghe như phảng phất, u ơ vọng về từ xa xăm, vạn cổ; nó gợi lên hàng loạt từ mới nghe đã rùng mình, nào thổ mộ, thổ phỉ, thổ tả, thổ huyết; nào nhà thổ, thổ hào, thổ quan, thổ ty,... Rồi ô nhục, ô uế, ô trọc, ô danh, ô dù, ô nhiễm, ô lại, ô hợp, dâm ô,...chưa đọc đã thấm ê chề, nhục nhã. Và thổ ô có phải là đất đen? Hàm nghĩa về mảnh đất đen bạc với những con người đen đúa, đen đủi, dân đen, phận đen, số đen...

2 

Cuốn sách thuộc loại sách"đọc một lèo", hấp dẫn ngay từ đầu, đã đọc vào là muốn đọc hết. Sức hấp dẫn của nó không chỉ là những câu chuyện li kì, chết chóc lạ lùng, những chi tiết có vẻ"hoang đường và không dành cho người yếu bóng vía" như lời người dẫn chuyện, mà còn là cách kể, cách dẫn dắt, nêu vấn đề bằng một thứ ngôn ngữ phong phú, sắc sảo của người viết. Cốt truyện không phức tạp, nhưng chi tiết thì hết sức sinh động, thể hiện một trí tưởng tượng thật giàu có, một bút lực sung sức. Câu chuyện xoay quanh số phận bi thảm của một thằng bé mồ côi, lang thang cơ nhỡ, làm thuê kiếm ăn qua ngày. Số phận đau khổ đưa thằng Thượng- nhân vật chính trong truyện, trôi dạt đến cái miếu thành hoàng bỏ hoang của làng Thổ Ô. Ở đó trong một lần ốm nặng, mê man bất tỉnh, nó đã gặp nhân vật tao - "kẻ ẩn mình trong bóng tối", đại diện cho bóng tối, vốn là hồn ma của một lão ăn mày, đã từng được giao làm chủ tịch xã trong cải cách ruộng đất, giết người như ngóe, rồi lại thành thân tàn ma dại ngay sau ngày các ông Đội rút khỏi làng. Lang thang khắp nơi kiếm cơm thừa canh cặn cho đến ngày lão bị "bó trong một cái chăn đầy rận, nhét đại xuống cái hố bảo là huyệt cho sang". Chết mà trong lòng đầy thù hận. Lão gặp thằng Thượng và gã gẫm thằng bé kí một "hợp đồng ma quỷ:"nếu muốn tao sẽ cho mày một điều ước: hễ kẻ nào hại mày, lập tức nó bị chết bất đắc kì tử". Thế là từ đó cứ mỗi khi thằng Thượng giận kẻ nào đè nén, ức hiếp mình, dù chỉ là ý nghĩ oán hận trong đầu, lập tức kẻ đó chết một cách bất đắc kì tử. Mà thằng Thượng thì có rất nhiều kẻ đè nén ức hiếp. Và thế là hàng loạt cái chết kì lạ liên tiếp xảy ra với dân làng Thổ Ô. Nào là lão Tung đang giữa trưa "bị sét đánh cháy thành than", rồi thằng San chó, “chết tím tái ngay trên bụng vợ”, tiếp đến ông Thìn tự nhiên ngã vập xuống đất "phòi óc ra và chưa kịp đưa về nhà đã tắt thở", rồi mụ Hường béo“chết cứng trong tư thế ngồi”, tiếp theo ông Phụng tự nhiên rơi xuống giếng,“tang giếng lao theo đè thân nát nhừ”; rồi lại đến lão Định mắm đang luyện võ trên tầng thượng "thì tự nhiên có ai như bốc đít liệng qua hàng lan can lao xuống đất gãy cổ"...Cho đến lần gặp cô giáo dạy lớp Một, mặc dù rất yêu mến cô, nhưng chỉ vì muốn thử quyền năng của lão già – bóng tối, vô tình thằng Thượng đã làm hại cô giáo. Từ đó thằng bé vô cùng ân hận, nó quyết tâm từ bỏ cái "hợp đồng" ma quỷ với lão già-bóng tối. Một trận chiến đấu thầm lặng giữa một bên là lão già, quyền năng của bóng tối và một bên là thằng Thượng- bé nhỏ, mong manh, côi cút giữa đời. Thằng bé quyết định chống lại lão bằng cách không hề hé răng than thở hoặc chỉ thoáng một ý nghĩ nguyền rủa anh chàng Bính, mặc dù người này tự nhiên điên khùng, tra tấn, chửi rủa và đánh đập thằng Thượng một cách man rợ. Lòng kiên trì, sự nhẫn nhục của thằng bé được thử thách đến tận cùng trước lão già- bóng tối luôn thường trực đeo bám, cổ vũ cho cái ác... Cuối cùng thằng bé đã chiến thắng.

Đấy, cốt truyện chỉ có thế và mạch chính của tác phẩm là thế. Tuy nhiên ai đọc xong cũng thấy mình như vừa thoát ra khỏi một "mê cung", vừa hư vừa thực; vừa có vẻ hoang đường, ghê rợn; vừa đầy tính hiện thực - một hiện thực ngổn ngang, bề bộn và chát chúa. Tất cả đều lộn tùng phèo, nhàu nát và bầm dập, đớn đau. Cảm giác ấy trước hết là do cách kể, cách sắp xếp, dàn dựng khá công phu của tác giả. Mạch chính của truyện không liền và gọn như tóm tắt ở trên, nó bị cắt khúc, xé ra làm nhiều mục, đoạn, bằng các chuyện kể của nhiều nhân vật, người, ma, lẫn lộn, đan xen,"chen ngang","loạn khẩu"rất nhiều; vừa chìm ngập trong quá khứ (những ngày tháng cải cách ruộng đất dữ dội, đau khổ, oan khiên) thoắt lại ở hiện tại, như mới hôm qua, hôm nay (báo chí đưa tin, hội thảo khoa học, truyền hình, mạng internet, cô ca ve ...)

Như một giấc mơ không liền mạch, vỡ gãy, gấp khúc, đan xen bằng nhiều trường đoạn với nhiều điểm nhìn và ngôn ngữ, giọng điệu khác nhau. Ít nhất có 8 điểm nhìn thay nhau chiếu rọi, mô tả mọi ngõ ngách của câu chuyện xung quanh thằng bé và cái chết lạ lùng của những kẻ xấu số làng Thổ Ô. Trước hết, câu chuyện được kể bằng lời người dẫn chuyện, người kể chuyện- lời tác giả; tiếp đến là lời của nhân vật tôi- thằng Thượng; thứ ba là lời của nhân vật xưng Tao- kẻ ấn mình trong bóng tối; tiếp đến là lời tự truyện của một cave; lời của nhà thiết kế; rồi chuyện và lời kể của gã đào mỏ mang tên Bính. Ngoài ra còn có lời người tường thuậtlời người biên tập. Sự chuyển đổi các điểm nhìn khác nhau này tạo nên sự đa dạng trong cách kể và làm tăng tính khách quan của câu chuyện. Dường như tác giả muốn nói to với mọi người rằng, cái chuyện làng Thổ Ô ấy đâu phải chỉ mình tôi biết, nhiều người, nhiều việc vẫn còn đấy, nhân chứng đây này, có cả người đã chết, có người còn sống, chính họ lên tiếng, chính họ kể về "câu chuyện xảy ra giữa hai thế kỉ" ấy. Và mọi cái nhìn đều bình đẳng, ông tác giả, người dẫn chuyện ngang hàng với các nhân vật, như là những nhân vật. Cứ xem cách đặt tiêu đề các mục trong cuốn sách thì thấy rõ điều đó: "Tường thuật trên một bản tin thời sự", "Dư luận của dân làng Thổ Ô xung quanh những cái chết kỳ lạ.","Nhân vật xưng tôi: thằng bé", "Nhân vật xưng tao: Kẻ ẩn mình trong bóng tối","Lời người dẫn chuyện nhưng bị chen ngang"...

Tạ Duy Anh đã thể hiện và phác họa chân dung những con người và sự việc này bằng một vốn ngôn ngữ phong phú, hiện đại – ngôn ngữ còn tươi rói, nóng rẫy của đời sống hiện thực- cát bụi, lấm lem. Ngôn ngữ ấy dường như tôi thấy chỉ có ở tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Rất nhiều cách ví von đầy màu sắc dân dã và vô số các biệt ngữ, tiếng lóng được vận dụng đúng lúc, đúng chỗ để làm nổi bật chân dung của một thế giới nhân vật đầy bất hảo; một hiện thực dữ dằn và ngang trái. Nào là tàu nhanh, lướt ván, ngổi xổm, chổng mông, ghếch chân kiểu chó đái, trăn gió cuốn mồi, thằn lằn giãy chết, nhái ôm măng, khỉ cõng con, đại bàng cắp thỏ.. kiểu chó, kiểu rắn, kem mút, gặm ngô non, thổi kèn, bật bông, sóc đĩa... nào là tờ cụ xanh, ba que, nuột lắm, nét như sony, đơn giản như đan rổ ... Hiện tượng ngôn ngữ iếc hoá được tận dụng tối đa qua miệng nhân vật lão già nhằm biến tất cả sự việc, con người thành những trò hề vớ vẩn: văn sĩ văn siếc, giáo sư giáo siếc, triết học triếc hiếc, ăn iếc, ngủ nghiếc, làm tình làm tiếc, chết chiếc, lí luận lí liệc, súng lục súng liệc, chủ tịch chủ tiệc, khẩu hiệu khẩu hiệc, chó chiếc, mèo miệc, lợn liệc, giun giếc...

Tôi vẫn thường nghĩ, một trong các tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá một nhà văn lớn hay nhỏ là xem vốn chữ của người ấy. Hiện thực cuộc sống là muôn màu và hết sức tinh tế, tinh vi, bất tận. Trong khi ngôn ngữ của con người thì rất có hạn. Theo các tài liệu tâm lý học, người thợ nhuộm có thể phân biệt được 60 màu đen khác nhau5 nhưng thử hỏi trong kho tàng ngôn ngữ Việt có bao nhiêu từ ngữ chỉ màu này? Đó là chưa nói thế giới tinh thần, tình cảm của con người là hết sức phức tạp; người viết có thể xúc động, run rẩy, đồng cảm, xôn xao… nhưng liệu có đủ chữ để thể hiện đúng và trúng những trạng thái đó không? Chính vì thế ngay cả Nguyễn Tuân, một bậc thầy ngôn ngữ, một nhà văn tài hoa đến vậy, vẫn luôn luôn ý thức rất rõ sự bất lực của ngôn từ. Ông cho rằng “cái thảm kịch ghê gớm nhất của người viết văn chuyên nghiệp là khi tả những chỗ tình cảm dữ dội, nhưng chữ  nghĩa thì không ra được”. Nhiều lần ông nhắc tới cái bế tắc của ngòi bút, “có lúc tưởng như mình tuột hết vốn chữ rồi” (Phố Phái); có lúc “đăm đăm ngồi trước những trang giấy trắng lạnh phau” và ông gọi đó là “pháp trường trắng” (Đi và viết). Nhìn từ khía cạnh này, tôi thấy Tạ Duy Anh có một vốn ngôn từ khá giàu có, nhưng quan trọng hơn là anh rất có ý thức trong công việc lao động chữ nghĩa nhằm làm mới và tạo nên sức hấp dẫn cho mỗi trang văn.

3

Mặc dù câu chuyện có vẻ hoang đường với nhiều tình tiết li kỳ, nhưng ai đọc Giã biệt bóng tối cũng thấy đằng sau đó "thấp thoáng" một hiện thực với bao sự kiện, biến cố cùng những số phận con người bằng xương bằng thịt ở đời. Từ những câu chuyện xoay quanh một cái làng nhỏ bé, làng Thổ Ô tăm tối và hoang dại, cuốn sách hé mở cho người đọc bức tranh hiện thực khá rộng lớn, phong phú và có ý nghĩa khái quát. Ở đây làng Thổ Ô của Tạ Duy Anh cũng mang ý nghĩa điển hình giống như làng Vũ Đại của Chí Phèo (Nam Cao), làng Đông Xá của chị Dậu (Ngô Tất Tố), làng Mùi của chú AQ (Lỗ Tấn), làng Xô Man của Tnú ( Nguyên Ngọc)... Qua một làng mà thấy bức tranh của cả xã hội, cả quá khứ và hiện tại. Nhìn từ góc độ này, bức tranh xã hội hiện lên trong Giã biệt bóng tối thật kinh khủng, rùng rợn. Thế giới nhân vật trong truyện có thể chia làm hai loại: Loại thứ nhất là những người mang một lí lịch bất hảo, một lối sống bất nhân- các nhân vật này đều chết một cách "bất đắc kì tử", sống thế nào, chết thế ấy. Tiêu biểu nhất là nhân vật lão già trong bóng tối, hiện thân của bóng tối; và loại thứ hai, những nhân vật lương thiện nhưng bị cuộc đời chà đạp, xô đẩy vào cảnh đường cùng, khốn khổ và tủi nhục, mà tiêu biểu là thằng bé Thượng và cô ả cave. Chuyện trong sách cũng chia làm hai: chuyện của quá khứ và chuyện mới xảy ra, đang xảy ra, đan cài vào nhau tạo nên một hiện thực ngổn ngang, phức tạp xung quanh cái làng Thổ Ô - một mảnh đất dường như đã khô kiệt hết mọi “tia nước của tình thương”6.

Tính thời sự thể hiện rõ ở các vấn đề nóng hổi của cuộc sống hiện đại được đặt ra trong cuốn sách, nhất là những tệ nạn xã hội và sự đốn mạt của con người. Cảm hứng phê phán được bộc lộ bằng cách cho chính cái xấu, cái ác tự phơi bày, tự lên tiếng tố cáo mình. Cảm hứng ấy thể hiện đậm đặc ở nhân vật lão già trong bóng tối. Dưới con mắt lão, cả thế gian này đều nhặng xị, vớ vẩn, "cuộc đời như một sân khấu của những thằng hề. Hề lớn, hề bé, hề dài cẳng, hề ngắn lũn chũn... cứ là đông nhung nhúc", các nhân vật đều đểu cáng, táng tận lương tâm. Những nhân vật đã chết một cách bất đắc kì tử, hoặc chết một cách thê thảm, nhục nhã thì đã rõ, nhưng những người còn sống thì cũng đa phần là là thế và được miêu tả, thể hiện bằng một giọng điệu giễu cợt. Rất nhiều lần nhân vật lão già -bóng tối nhắc đi nhắc lại các nhân vật, sự kiện đã và đang xảy ra một cách đầy mỉa mai. Đây chỉ là một ví dụ: "- Hỏi như giáo sư tiến sĩ ấy nhỉ. Gà sống thiến sót chứ là cái quái gì mà tinh tướng. Lại còn tham gia ban bệ này, hội đồng nọ, cố vấn cố viếc nữa chứ…Tao đang nói là tất tật cái bọn giáo sư giáo siếc, tiễn sỹ tiến siệc đều nhờ tao giúp mới nên công nên trạng chứ học hành nghiên cứu nghiên kiếc gì chúng nó". Tất tật dưới mắt lão, từ những nhà khoa học mang danh GS, TS đến các nhà báo, nhà văn; từ "bọn học gạo chạy bằng cấp", đến bọn" xin nhà, xin chức vụ, xin lương bổng, xin đề tài ma, xin dự án cọp"; từ bọn thanh niên choai choai con nhà giàu ăn chơi trác táng đến mấy ông Ủy ban nhân dân, mấy ông gác tù và có cả một thằng Tây mũi lõ cũng bệnh hoạn, đểu cáng.

Người đã thế, việc trong tác phẩm cũng đầy tính hiện thực và cảm hứng phê phán. Cả một đoàn toàn các nhà khoa học "đầu ngành", tốn kém biết bao công sức, tiền của đi điều tra nghiên cứu nguyên nhân của những cái chết bí ẩn để cuối cùng rút ra một kết luận:"Trong trường hợp này chỉ việc đổ phắt cho địch là đắc sách nhất... Kẻ địch vốn vô hình, không thể nhảy ra mà cãi lí được". Người dân làng Thổ Ô, nơi có những người chết thì sống trong mông muội, lấy dữ làm lành, tự an ủi trong họa có phúc. Cả làng "y như có hội","giờ đây mọi người thành ra suốt ruột chờ đợi xem có ai chết nữa không và nhà nước có ưu đãi gì cho làng Thổ Ô... Những người có thân nhân chết còn sốt ruột hơn. Có thể đây chính là dịp để cho họ đổi đời". Anh chồng cô giáo là "hãnh diện nhất", "được báo chí săn tin","hóa ra vợ anh ngã xuống không tầm thường chỉ là một cái chết. Trong kí ức nhân dân nàng sống mãi. Và anh bắt đầu nghĩ đến chuyện dựng tượng cho vợ. Khối kẻ chả ra gì cũng được dựng tượng đấy thôi"... Những lời văn như thế, đọc lên cứ như lời của ông“vua phóng sự đất Bắc” trong Số đỏ thuở nào.

Có thể thấy bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, cuốn sách hướng đến khá nhiều đối tượng châm biếm, phê phán, cảnh tỉnh: những cán bộ lãnh đạo ngu dốt, bỉ ổi trẻ cũng như già; các nhà khoa học, trí thức rởm, vô trách nhiệm; quần chúng tăm tối, đĩ điếm, trộm cắp; những thanh niên nhà giàu, con ông cháu cha ăn chơi trác táng; các nhà văn, nhà thơ bất tài, phụ họa... Thành ra hình như ai đọc cũng thấy một phần của giới mình trong đó. Và chính vì thế sức khái quát và cảm hứng phê phán càng trở nên sâu đậm hơn.

4

Với hiện thực vừa được mô tả, cuốn sách dễ mang lại cho người đọc cảm giác ớn lạnh, hun hút như đi vào một đường hầm thăm thẳm và đen đặc. Trong suốt những ngày dài ảm đạm, tăm tối như hũ nút chỉ có một chút ánh sáng leo lét mà ấm cúng. Đấy là mỗi khi thằng Thượng nghĩ về người bà của nó, mà phần lớn là trong mơ. Còn lại chủ yếu là bóng tối. Bóng tối quánh đặc như bao bọc và chiếm lĩnh mọi ngõ ngách của thiên truyện. Bóng tối như dồn các nhân vật vào đường cùng không lối thoát và làm người đọc xây xẩm cả mặt mày... Nhưng rồi người ta cũng thở phào nhẹ nhõm khi đọc những trang cuối của cuốn sách. Cuối cùng ánh sáng vẫn chiến thắng bóng tối; chiến thắng bằng lòng tha thứ và đức khoan dung. Ánh sáng ấy người đọc tìm thấy ở thằng bé Thượng và cô ả cave, cả hai đều là nạn nhân của quá khứ. Như trên đã nói, trong cuộc chiến đấu thầm lặng mà căng thẳng, quyết liệt với thế lực bóng tối, với cái ác mênh mông, không cùng; thằng bé lạc loài, đơn côi và mong manh ấy đã chiến thắng. Nó đã kiên quyết không về hùa với đội quân của bóng tối, không đồng lõa với bóng tối. Nó chiến thắng bằng lòng kiên trì nhẫn nhục, bằng sự câm lặng chịu đựng, luôn nhìn bằng "ánh mắt tha thứ" và khuôn mặt" hoàn toàn không thấy biểu hiện của nỗi đau đớn thù hận". Còn với ả cave, trong cái đêm đi kiếm tiền không may mắn ấy, cô ả đã gặp thằng Thượng. Chính sự ngây thơ, trong trắng của đứa trẻ là vầng sáng chiếu rọi cho cuộc đời đầy u tối, buồn đau của ả. Và cũng giống cái ánh sáng cây nến của cụ Mirien đã từng giác ngộ người tù khổ sai Giang Van Giang7.; chính vầng sáng ấy đã giác ngộ, biến thị thành một con người khác hẳn trong trại phục hồi nhân phẩm. Đến lượt mình, thị lại trở thành vầng sáng hướng thiện cho gã Bính. Trong lúc điên loạn hành hạ thằng bé, gã đào mỏ "bỗng thấy hiện lên một vùng ánh sáng" và hắn "nhận ra ở giữa vùng sáng ấy là khuôn mặt của ả gái làm tiền". Cái ánh sáng ấy đã làm gã chùn tay. Đau khổ định tự tử, nhưng rồi cũng chính ánh sáng ấy làm Bính bừng tỉnh với quyết tâm làm lại cuộc đời, hắn "sẽ đưa thằng Thượng đi tìm người đàn bà ấy"...

Cái ác bất lực, chấm dứt. Bóng tối đang lụi tàn."Lão già và dàn đồng ca của ông ta chẳng còn việc gì để làm khi cuộc sống chỉ còn lại lòng tha thứ". Hãy để ngày ấy lụi tàn 8, hãy kiên quyết Giã biệt bóng tối, hay đúng hơn khước từ bóng tối - tiễn biệt bóng tối của cuộc đời và bóng tối trong chính mỗi con người. Đấy chính là âm hưởng nhân bản vang vọng khi thiên truyện khép lại. Nó giữ cho người đọc đứng lại được trên bờ vực mà bên dưới chỉ thấy thăm thẳm bóng tối và cái ác. Nó làm cho người ta thấy cần sống thế nào cho ra sống và cần phải tống khứ bóng tối ra khỏi cuộc đời này, để thế hệ hôm nay không bị trùm lấp bởi bóng tối của quá khứ, để họ "hoàn toàn vô can trước quá khứ".

 

Hà Nội, tháng 4/2008- 9/2011

                     ĐNT




1Tiểu thuyết- Nhà xuất bản Hội nhà văn 2008
2 Tên ban đầu của truyện Chí Phèo ( Nam Cao)
3 Tên tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh
4 Nhại theo tên tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường
5 http://www.tamlyhoc.net
6 Chữ của Nguyễn Tuân viết về tiểu thuyết Tắt đèn
7 Các nhân vật trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của V.Hugo (1802-1885)
8 Tên một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Anh: Gerald Gordon (1909- 1998)
Bình luận

        Rất hân hạnh, bạn là người đầu tiên gửi lời bình luận đến chúng tôi !
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Chia sẻ trên Facebook