CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nghiên cứu - Phê Bình

Nguyễn Tuân và phép "lạ hóa" trang văn

Chủ nhật ngày 13 tháng 5 năm 2012 12:00 AM

Đọc Nguyễn Tuân, tôi cứ hình dung ông như một pho từ vị sống, phong phú và độc đáo. Thiết nghĩ, có được vốn từ như thế đã là rất khó; sử dụng kho tàng chữ nghĩa ấy thế nào cho hiệu quả, cho đích đáng còn khó hơn nhiều. Điều này giống như người giàu có và việc tiêu tiền của họ. Rất có thể là sang trọng, văn hóa, nhưng cũng dễ trở thành trọc phú, lố bịch, phát cuồng. Nguyễn Tuân là người biết "tiêu tiền". Ông không rơi vào bệnh "loạn ngôn", "ngộ chữ", "cuồng thư"... Ông viết như một hành vi sáng tạo văn hóa sang trọng. Đã nói đến sáng tạo, dù bất kỳ ở lĩnh vực nào, là nói đến cái mới, cái không lặp lại. Nói tác phẩm văn học là những sản phẩm tinh thần không có phiên bản là vì thế. Đọc Nguyễn Tuân thấy ông rất sợ sự trùng lặp, sợ giẫm đạp lên người và giẫm đạp lên mình. Tuy nhiên phong cách lại là một cái gì đó rất ổn định; là sự lắng kết của nhiều yếu tố hao hao giống nhau tồn tại trong nhiều tác phẩm của cùng một nhà văn...Xét từ góc nhìn này, có thể nói: cái độc đáo vô song, điểm nổi bật bao trùm xuyên suốt các tác phẩm của Nguyễn Tuân trên bình diện ngôn ngữ là lấy sự thay đổi liên tục làm nét ổn định. Luôn luôn mới lạ chính là điểm thống nhất ở mỗi dòng, mỗi trang ông viết. Hình như tất cả cái kho từ vựng khổng lồ, phong phú và độc đáo, ông đều tập trung nhằm lạ hóa trang văn, lạ hóa sự diễn đạt của mình mỗi khi cầm bút. Dường như ông luôn luôn cố chống lại sự giản đơn, nhàm chán và tẻ nhạt trong cách nói, cách viết. Với một vốn liếng ngôn từ nghệ thuật giàu có, mỗi khi cầm bút, bằng nhiều cách khác nhau, Nguyễn không chịu buông ra những câu chữ thông thường. Ông không chịu diễn đạt sự vật và ý nghĩ như ta quen biết hiển nhiên mà luôn tìm một cách nói, một cách biểu đạt mới lạ. Vì thế văn Nguyễn Tuân in đậm dấu ấn chủ quan, cái mà Anh Đức cho rằng:" mỗi dòng, mỗi chữ tuôn ra dưới đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng". Xin dẫn ra đây một số "phép" Nguyễn Tuân hay dùng để lạ hóa trang văn của mình. Cách viết này tạo cho người đọc cảm giác hình như câu văn lệch chuẩn. Nhưng chính vì thế mà cách viết ấy đã gây nên ấn tượng sâu đậm và tạo được hiệu quả hết sức bất ngờ thú vị .

1. Nguyễn Tuân và những từ dùng độc đáo

Ngôn ngữ là tài sản chung của cả cộng đồng, nhưng không phải ai dùng cũng được, cũng đúng, cũng hay. Đọc Nguyễn Tuân thấy có những chữ hình như sinh ra để chờ, để đợi ông dùng. Chẳng hạn khi ông viết:" huýt trời ơi, đêm nằm ở đuôi cát (Sa Vũ) Móng Cái mà nghe Ngờ Bờ Vờ nói về cái chốn bùn cực Nam của Tổ quốc ". Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến bình :" Huýt trời ơi, lại thêm một từ mới được Nguyễn Tuân cấp hộ chiếu vào ngôn ngữ văn học" (Năm bài giảng về thể loại). Có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ mà ở đó ta thấy Nguyễn Tuân "chế tác" ra những từ rất lạ như để chỉ mình ông dùng. Đây là một vài ví dụ: "Ngồi ở hồ Thủy tạ ven hồ Kiếm chếnh choáng hơi rượu sầu nhớ", "lòng thấy se co hẳn lại ","Phải cố quăng chó vào nhà địa Quế, cố tình mà bắt nó đang gây chó ", " Những tâm hồn ngộ dại, thơ mơ, hồng hoang "...và đến những chữ này thì chỉ có ở Nguyễn Tuân: Thực dân đực, thực dân cái, sinh vật Nghị Quế chồng, sinh vật Nghị Quế vợ, bọn bành bá Tàu ...Ông liệt kê ra hơn 100 kiểu cười, nhiều kiểu rất độc đáo: Cười bỏng tai, cười bù khú, cười góp, cười dế, cười ngựa, cười dê, cười trâu, cười động cỡn, cười cầu phong, cười Thái sư, cười Đổng Trác...(Nhân đọc tiếu lâm). Cho đến cười thiếu vệ sinh thì chắc chỉ có Nguyễn Tuân mới đủ sức khai sinh cho ngôn ngữ Việt. Cũng như khi ông gọi ra các kiểu trăng trong Truyện Kiều, ta mới thấy hết sự độc đáo, phong phú giàu có và đầy sáng tạo trong cách viết của Nguyễn:" Giăng khuyết, giăng tròn. giăng già, giăng non,giăng ngàn, giăng đèn, giăng cửa chiền, giăng tỵ nạn, giăng bù khú, giăng tụng niệm, giăng cố nhân, giăng biên thuỳ, giăng phải gió...(Tản mạn xung quanh một câu Kiều). Hình như giở bất kỳ một trang văn nào của Nguyễn Tuân, ta đều nhặt ra được những từ như thế. Chính những từ này đã làm cho câu văn của ông sinh động hẳn lên và đặc biệt là không lẫn vào đâu được.

2. Nguyễn Tuân dùng từ đồng nghĩa

Nguyễn Tuân có một trữ lượng từ đồng nghĩa vô cùng phong phú và đa dạng. Không những thế ông còn hơn người ở việc biết sử dụng và có ý thức sử dụng chúng. Từ đồng nghĩa trong văn của Nguyễn Tuân có hai loại: loại có sẵn trong kho tàng ngôn ngữ dân tộc và loại ông tự chế tạo ra riêng cho mình và hầu như chỉ mình ông"xài" được . Chính loại thứ hai này in đậm dấu ấn của Nguyễn Tuân. Ông không bao giờ chịu dùng những từ người khác đã dùng quá nhiều. Khi người ta viết: ở đây chỉ có cát vàng, cây xanh và sóng bạc đầu thì Nguyễn viết :" ở đây chỉ có cát vàng cây xanh và sóng trắng đầu ". Cũng như khi ta nói : sông Đà dài 883km, thì với Nguyễn Tuân phải diễn đạt là: sông Đà dài 883 ngàn thước mét". Theo cách của Nguyễn Tuân hình như con sông Đà của ông dài hơn lên rất nhiều. Ông không nói: nước ta có 2500km bờ biển mà bảo “2500 cây số cát Việt Nam”. Ông không viết 1/ 4 thế kỷ mà gọi là một góc tư thế kỷ. Ông là người hay dùng từ Hán Việt, nhưng lại lấy chữ khóe, chữ khía để thay thế cho những từ như phương diện, bình diện, giác độ: "Tắt đèn cũng tiêu biểu cho một khóe hiện thực" hoặc "Cái khía đểu giả khốn nạn vượt hết cả sức tưởng tượng". Người ta bảo hút thuốc, thì ông dùng ăn thuốc hoặc thắp một điếu thuốc. Có nhiều từ đồng nghĩa do chính ông sáng tạo ra, ví như để chỉ hạt cát chẳng may lọt vào bụng con trai, ông dùng nào là hạt đau, hạt xót, hạt bụi biển xâm lăng; nào là cái bụi bặm khách quan nơi rốn biển, cái hạt buốt sắc, cái khối tình con ...Hoặc để chỉ chiếc cà vạt, ông dùng hàng loạt cách gọi khác nhau: đám cà vạt tơ, những giải lụa màu, những thân tơ óng ả, những kiếp tơ tằm nhuộm thắm, loài tơ quấn cổ, những cung nhân bị bỏ rơi, những nàng phi thất sủng...vv . Viết về đời sống giang hồ, bên cạnh những từ như đời phiêu lưu, đời trôi dạt, đời lông bông lang bang, đời bồng bềnh, đời lang thang, sống trôi nổi, đời viễn du, đời lữ thứ, đời lãng du, đời làm khách ...ông còn "chế tạo" ra những cách nói khác lạ:" lăn cái vỏ mình trên lục địa, mài mòn thân thể trên mặt địa cầu, đi nếm cơm thiên hạ, đi chợ trên lục địa, chước bạ cuộc đời vào địa dư trái đất...Ông gọi bọn phi công Mỹ là những vân phỉ, cướp trời, giặc trời, giặc lái, thằng bay, ác điểu Mỹ, một dây tù tội, một lũ tù dây, một dây tù Mỹ, một chuỗi quỷ sống, một xâu vô lại ... Chỉ một cái vết chống sào của người lái đò sông Đà, nhưng ông diễn đạt bằng nhiều cách rất lạ: Cái vết chống sào, cái khoanh củ nâu, cái đồng tiền tụ máu, một thứ huân chương lao động ... Ngay cả những từ đồng nghĩa có sẵn, ông dùng cũng rất đúng lúc, đúng chỗ. Với từ chết chẳng hạn: nếu là trẻ con thì ông dùng "em nó đi rồi ", người già thì ông viết "cụ tôi về","ông ấy nằm xuống", nhà sư "tịch ", người có địa vị là " hết lộc ", tránh nói chết buồn thì dùng "trăm tuổi ", chết mà thoả đáng thì dùng" ăn xôi nghe kèn "," việc hai năm mươi "... Chỉ cái chết của Đôtxtôiepxky, Nguyễn viết:" hoàn thành xong thì Đốt tắt nghỉ ", nhưng với đứa con trai " rốt lòng" của mình thì ông viết "Lãng hỏng rồi", còn khi Bá Nhỡ (Chùa đàn) sắp chết, ông bảo" kẻ sắp hết làm người "... Những ví dụ như thế trong văn Nguyễn Tuân vô cùng phong phú và đầy sáng tạo, biến hóa .

3. Nguyễn Tuân động từ hóa danh tính từ

Nguyễn Tuân dùng động từ rất giỏi. Ông sợ bị mắc bệnh "bại liệt về động từ", vì thế câu văn của ông thường "vận động và tạo hình", "co duỗi thoải mái"... Tuy vậy, hình như dùng vốn động từ thông thường ông cảm thấy chưa đủ, chưa độc đáo, cho nên rất nhiều trường hợp ông sử dụng danh từ, tính từ như là một động từ (động từ hóa danh, tính từ) để sáng tạo một từ mới, một cách nói mới. Thông thường người ta vẫn nói: ném bom, thả bom, trút bom, quẳng bom, bỏ bom, rải bom... Có nghĩa bom là danh từ, bổ nghĩa trực tiếp cho các động từ như ném, thả, trút, quẳng, bỏ, rải...Nguyễn Tuân không dùng thế . Ông viết: " Kẻ cướp NíchXơn đã bom vào tiếng hát ả đào dân tộc ấy" hoặc “NíchXơn vừa B52 vào tiếng hát cổ truyền Hà Nội". Cũng kiểu cấu tạo từ như thế, ông viết : "  Tônxtôi hành văn chính xác", "Tsêkhốp tha thiết với từng người", " Sông Đà xanh ve mãi lên","Cứ mỗi lần ra tới Trà Cổ là lòng lại đùng đùng gió lên "...

4. Nguyễn Tuân đảo trật tự từ

Trong tiếng Việt có nhiều từ ghép thông thường, ai cũng biết, cũng dùng như linh hồn, xương tủy, tổ tiên, âm thanh... Đọc Nguyễn Tuân thấy ông ít dùng những này theo kiểu thuận thông thường mà luôn tìm cách đảo lại trật tự những từ ấy, cũng là để tạo nên một cách nói khác lạ. Hãy đọc mấy câu văn sau đây của Nguyễn: "Tôi cảm thấy anh như một hồn linh muôn thuở của sông nước này", " Đốt đã lọc gạn ra những nét sáng của con người "," Tôi lặng cúi xuống mặt giấy trắng tinh đang om sòm những tiếng mời chào kia mà nói bật lên những lời biết ơn với đất nước ông bà tiên tổ "... Cứ như vậy ta có thể nhặt ra rất nhiều những từ Nguyễn đổi lại trật tự thông thường. Đây là một số từ như thế hãi sợ, lìa chia, nhiệt náo, li cách, trái oan, ngữ ngôn, thanh âm, mòn chết, tủy xương ...

5. Nguyễn Tuân và câu văn mang dáng dấp cổ

Điều này thật dễ thấy, nhất là ở những tác phẩm Nguyễn Tuân viết trước cách mạng. Trong Vang bóng một thời, cái gì cũng cổ, từ nội dung đến hình thức. Với lối kết cấu câu và cách sử dụng từ Hán Việt đắc địa, Nguyễn Tuân đưa người đọc trở về với thế giới xa xưa của một thời quá vãng."Dạ thưa trượng nhân, chúng tôi xin chờ những điều trượng nhân dạy bảo" (Trên đỉnh non Tản)"; “Mà bạch cụ, chúng tôi không hiểu vì sao ngọn đồi này cao mà thủy lại tụ" (Những chiếc ấm đất); "Ánh sáng thản nhiên của cây bạch lạp tỏa quanh áo tang khăn trắng, người tửu đồ tình chung đang vò võ đối mặt vào tranh lạnh" (Chùa đàn) v.v... Đặc điểm này càng về sau càng nhạt dần do sự chuyển đổi trên nhiều phương diện từ đề tài, cốt truyện, nhân vật... đến cách nghĩ, cách cảm, tất cả đều hướng vào cuộc sống mới mang hơi thở và nhịp điệu của một thời đại mới. 

6. Nguyễn Tuân với những so sánh độc đáo

Đọc Nguyễn Tuân thấy ông dùng phép so sánh thật là linh diệu. Những so sánh của ông vừa làm người đọc hứng khởi, bất ngờ, vừa thấy người viết rất công phu sáng tạo, khác đời. Đây là kiểu so sánh của Nguyễn Tuân: "đã có lần tôi nhìn sông Đà như một cố nhân"; "Vui như chiêm bao đứt quãng", "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi thơ "... Những so sánh như thế thấy xuất hiện trong văn Nguyễn Tuân khá cao. Tuy nhiên, chất Nguyễn Tuân chỉ bộc lộ đậm đặc qua những kiểu so sánh thế này: "Phút long trọng nhất của hoa quỳnh là lúc nó đang như bà mẹ rặn đẻ, nó cố phá màng hoa mà buột được cánh ra. Cánh nó lẩy bẩy như những tiếng thơ còn ngập ngừng trên bản thảo, phân vân chưa biết mình hiện hình ra như thế thì đã vừa lòng nhà thơ chưa. Hoa Quỳnh nở thật mệt nhọc, tưởng đến long hết rễ trong chậu cây. Quỳnh run run loạng choạng trong đêm điện" (Trang hoa) , hoặc "Ông thử roi vào mặt trống, rồi uốn hai đầu xuống, thân roi ưỡn ngửa mãi lên như như lúc người đàn bà tránh một cái hôn bạo…" (Đới roi)…

Khi cần đặc tả để khắc vào tâm trí người đọc hình ảnh của sự vật, ông dùng so sánh liên tiếp, tới tấp, triệt để gây nên ấn tượng rất mạnh. Đây là khi ông miêu tả tiếng đàn của Bá Nhỡ đánh hầu chủ ấp Mê Thảo: "Tiếng đàn hậm hực chừng như không thoát hết được vào không gian... Nó là một cái tâm sự không tiết được ra. Nó là một nỗi ủ kín bực dọc bưng bít . Nó giống như cái trạng huống thở than của một cảnh ngộ vô tri . Nó là niềm vang rội quằn quại của những tiếng chung tình . Nó là cái dư ba của bể chiều đứt chân sóng.  Nó là cái cơn gió chẳng lọt kẽ mành thưa . Nó là sự tái phát của chứng tật phong thấp vào cữ cuối thu dầm dề mưa ẩm và nhức nhối xương tủy . Nó là cái lả lay nhào lìa của lá bỏ cành . Nó là cái lê thê của nấm mồ vô danh hiu hiu ngọn cỏ vàng so le. Nó là cái oan uổng ngàn đời của cuộc sống thanh âm. Nó là sự khốn nạn, khốn đốn của chỉ tơ con phím . Nó là chuyện vướng vít cả đời ..." (Chùa Đàn).  Những so sánh dồn dập, thúc ép tình cảm làm cho người đọc nửa thế kỷ sau cũng thấy ấm ức, tức tưởi ngột ngạt, căng thẳng như muốn vỡ tung ra. Những so sánh như thế, phi Nguyễn Tuân ra, thật khó có người nào viết nổi.

7. Nguyễn Tuân và lối diễn đạt mới lạ

Nhiều người đọc Nguyễn Tuân cho rằng văn ông cầu kỳ, thậm chí rắc rối trong cách nghĩ, cách viết. Trước cách mạng, chính Nguyễn Tuân cũng đã nhận xét: "Ngôn ngữ của Nguyễn lủng cà lủng củng, dấm dẳn cứ như đấm vào họng . Đọc lên nghĩa tối quá lời ông sấm Trạng. Nguyễn cứ lập ngôn một cách bướng bỉnh vì đời nó ngu thế thì không bướng bỉnh sao được "(Đôi tri kỷ gượng). Như thế cách viết ấy thực ra là một hành vi phản ứng đối với xã hội đương thời. Một mặt nó bắt đầu từ thái độ thù ghét sự nhàm chán, quẩn quanh, tù túng, lặp đi, lặp lại của cuộc sống cũ, mặt khác do sự day dứt, thúc ép của tâm lý sáng tạo. Mới lạ trong cách nói, cách viết luôn hấp dẫn ông, trở thành một nét đậm trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Bằng sự lệch chuẩn so với cách viết thông thường, ông đã tạo ra được một giọng điệu rất độc đáo, riêng biệt. Nhiều khi ý trong văn ông không có gì mới nhưng do cách diễn đạt mà người đọc vẫn thấy rất hấp dẫn. Ví như khi ông viết " Trong khi châu Âu khói lửa không có biên thùy và cuộc chém giết đó sau này đem chế biến vào tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình thì Nguyễn Du của văn học Việt Nam thung dung đi sứ sang Bắc Kinh. Rồi Nguyễn Du đưa về nước ta một nàng Kiều kèm theo 3254 câu thơ " (Chuyện nghề); hoặc: "Pho truyện ấy dài 2000 trang, bao gồm một cái thiên hạ 559 con người nhân vật do Tônxtôi chế tạo ra vì mục đích bảo vệ hòa bình, nhất là để chửi bới chiến tranh "(Chuyện nghề); "Chưa bao giờ tôi thấy sông Đà đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra mà phết vào bản đồ lai chữ" (Người lái đò sông Đà). Kiểu diễn đạt như thế thực sự mạng lại cho người đọc nhiều điều, ít nhất cũng là sự khoái cảm vì một cách nói mới lạ .

8. Nguyễn Tuân đưa khẩu ngữ vào văn

 Đọc Nguyễn Tuân thấy văn ông viết cổ kính mà nhiều khi cũng rất hiện đại. Tính chất cổ kính - hiện đại ấy được tạo bởi một mặt ông hay dùng từ Hán Việt để tăng sự trang trọng, mặt khác ông cũng không ngần ngại trong việc đưa khẩu ngữ vào văn. Cái thứ văn nói ấy, Nguyễn Tuân dùng rất chuẩn xác tạo nên một dáng vẻ của riêng ông. Ví như khi ông viết "Nó dùng người Việt đánh cây Việt tươi quý. Đểu hết sẩy." (Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường) hoặc "Đất nước mình sinh sắc trù mật quá đi tụi bay ơi ",  “Sau này mà có điều kiện làm cầu tốt, cầu đẹp, thì vứt mẹ nó đi chứ tiếc làm gì những cái hình sắng đá ấy trên sông" (Cầu ma). Khẩu ngữ hay dùng lối nói tắt, ngắn gọn và hàm súc. Đọc văn Nguyễn Tuân thấy ông hay dùng kiểu ấy, nào là "quốc khánh thống Diệm"," tổng Ken Hoa Kỳ", nào là Giơneo, hoặc Đốt ... Lối văn khẩu ngữ ấy đã giúp ông viết một cách phóng túng, không bị gò ép, tạo  được những trang văn gần gũi với cuộc sống thường nhật, lột tả hết được sinh sắc của hiện thực. Đây là chân dung của Đèo Văn Long vua Mèo: "Y như cú vọ, qua đâu là hau háu tìm phụ nữ để phát triển các sự xòe "( Xòe )...

9. Nguyễn Tuân kết cấu câu văn linh hoạt

Sinh thời Nguyễn Tuân rất sợ câu văn "tê thấp". Văn ông dài ngắn hết sức khác nhau, tùy theo từng lúc, từng chỗ, từng hoàn cảnh mà buông thả, co cắt. Ông chủ trương "lối văn nhiều khớp xương, co duỗi vô tận ", biến hóa khác thường "vừa rất quy tắc vừa tìm cách phá quy tắc "như Phan Ngọc đã nhận xét. Câu văn của Nguyễn Tuân lại rất giàu chất nhạc, chất thơ mà chủ yếu là do ông sử dụng đích đáng những từ láy âm và nhịp điệu trầm bổng. Nhưng câu văn tả vẻ đẹp của trân châu nơi đáy bể này đọc lên không kém bất cứ một câu thơ văn xuôi nào trong văn học Việt Nam hiện đại: "Vỏ trân châu xanh hồng huyền ảo, càng nhìn càng thấy ưa và thấy lộng lên cái thảm kịch của sinh vật nằm dưới rốn biển mà vẫn không chịu nguôi lòng tương tư cái nguồn sáng cội gốc đang bị trần sóng trên đỉnh đầu bẻ gãy hết tia chói. Màu vẻ lòng trai thật là kiều diễm như màu vàng của cầu vồng bắc lên từ một thế giới đáy biển vẫn hoài bão ánh trời"( Cô Tô)

Nhiều khi, bằng phép lặp về cấu trúc ngữ pháp, ông đã tạo nên sự cân đối hài hòa trong câu văn:" Thạch Lam đã làm cho tiếng nói Việt Nam gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại ra và trội đậm hơn, đem sinh sắc vào tiếng ta" (Thạch Lam); "Ba đồng một cái ý tình nhớ tiếc bằng dạ xanh chữ đen, năm đồng một cái tứ sầu hoài nền sa tanh chữ nhung" (Chiếc lư đồng mắt cua); " Không bắt được rễ, không nảy được chồi, không ngậm được quả" (Tình rừng). Có khi Nguyễn Tuân dùng phép đảo ngữ để nhấn mạnh một cảm xúc và thái độ: "Và ở cuối truyện bục ra một cái cười đích đáng" hoặc " Lả lay hiện sáng lên một cái bóng dừa nghiêng nghiêng tàu lá". Cũng giống như khi ông viết:"Khua im một bàu sương muối", "Thông thống một luồng hoang dại "... Do sự biến hóa của câu văn như thế nên chép văn Nguyễn Tuân hễ rời mắt khỏi từng câu, từng chữ, suy luận theo logic thông thường là sai ngay, đúng như Phan Ngọc đã nhận xét: "Đọc văn Nguyễn Tuân không ai biết trước câu sau sẽ nói gì ."

 Lời kết   

Nguyễn Tuân có một kho tàng ngôn ngữ hết sức phong phú và độc đáo. Toàn bộ gia tài quý giá đó, ông dồn để sáng tạo nghệ thuật, trước hết là sáng tạo ngôn từ. Dù nhìn dưới góc độ nào cũng thấy ngòi bút Nguyễn Tuân tập trung lạ hóa cách viết của mình, cố gắng để tạo nên một vẻ đẹp chưa có. Với Nguyễn Tuân, ngôn ngữ nghệ thuật linh diệu vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh của cả đời ông. Tiếng Việt như một “khối vuông ru-bích”, dưới bàn tay của người nghệ sĩ ngôn từ họ Nguyễn, khối vuông ấy biến hóa liên tục và dậy hết sắc màu - Màu sắc Nguyễn Tuân .


Hà Nội, Noel 2011
         Đ.N.T

Bình luận
Viết bởi vinhthu -- hoaithu.cdspht2011@gmail.com -- 10/30/2013 9:17:51 PM
bài viết rất xác thực với đúng nghệ thuật của nguyễn tuân về phương tiện và biện pháp tu từ.cảm ơn giáo sư rất nhiều.đây là một tài liệu bổ ích cho những người học văn.
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Chia sẻ trên Facebook