1. Có lẽ không một ai trong chúng ta phủ nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa đối với nhân loại nói chung và nhà văn nói riêng. Nền tảng văn hóa luôn là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng những tài năng. Trong lịch sử văn học nghệ thuật, các nhà văn lớn bao giờ cũng đồng thời là những nhà văn hóa tiêu biểu cho thời đại của mình. Tác phẩm của họ luôn luôn là những kết tinh của những tri thức văn hóa tổng hợp sâu rộng, đòi hỏi độc giả cũng phải có văn hóa mới hiểu, cảm nhận và đánh giá đúng được. Trong thư gửi M. Hac-cơ-nét-xơ (1888), Ăng-ghen[1] đã đánh giá rất cao H.Bandắc[2]. Ông cho rằng, bộ tiểu thuyết Tấn trò đời "đã cung cấp cho ta cái nhìn lịch sử hiện thực tuyệt vời nhất của xã hội Pháp" và nó cũng cho ông biết được "nhiều chi tiết, ngay cả theo ý nghĩa kinh tế học hơn ở các sách của tất cả những nhà chuyên môn, các sử gia, các nhà kinh tế học và các nhà thống kê của thời kỳ này gộp lại "[3]
Bình luận và lý giải tại sao văn của tác giả Sử ký lại hay đến như vậy, Mã Tốn cắt nghĩa: "Ông ta (Tư Mã Thiên) phía Nam vượt sông Tràng Hoài, ngược dòng Đại Giang, trông thấy ngọn sóng cuồn cuộn, tiếng gió ào ào, vật ngang tạt ngửa, cho nên văn chương trôi chảy, man mác, mạnh mẽ vô cùng. Chơi xem hồ Động Đình, hồ Vân Mộng và hồ Bành Lãi, thấy nước rộng mênh mông, rập rờn sóng biếc, hàng muôn ngọn dâng dồn vào cũng không đầy, cho nên văn chương tràn chứa mà sâu thăm thẳm. Lại chơi qua phía Bắc tới gò Đại Lương, xem chỗ chiến trường của Hán, Sở khi trước, tựa như còn nghe thấy tiếng Hạng Vương ậm oẹ quát tháo, tiếng Cao Tổ chửi mắng om sòm, như rồng bay, như cọp nhảy, như có muôn binh ngàn ngựa, cung to, giáo dài đuổi nhau mà reo lên ầm ầm cho nên văn chương hùng dũng, mạnh mẽ, khiến cho người ta phải sởn ốc rùng mình..."[4]. Mộng Liên Đường cũng cho rằng khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã có"con mắt nhìn xuyên sáu cõi và tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời", cho nên lời văn viết ra "như có máu chảy dưới đầu ngọn bút". Bản thân Nguyễn Du cũng từng nói rằng, ông học được rất nhiều từ các bài ca của người "trồng gai dệt vải và hái dâu chăn tằm". Thiết nghĩ, người đời sau nếu không có cách chơi của Tử Trường (Tư Mã Thiên), không có tấm lòng và con mắt của Tố Như thì cũng khó có thể thấy hết cái hay cái đẹp trong văn chương của hai ông vậy. Có phải thế chăng mà người ta đọc Kiều mãi không chán và cứ càng sống lâu, càng đi nhiều, từng trải hơn, người ta lại khám phá ra ở câu chuyện oan khổ ấy những tiếng đồng vọng từ trong sâu thẳm trái tim mình. Rất có thể phải đến một lúc nào đó ta mới thấm thía và cảm nhận hết nỗi xót xa, đau đớn, dằn vặt của Nguyễn Du khi cho nàng Kiều nói những lời nghẹn ngào, tức tưởi trong buổi đoàn viên ấy:
" Dở hay nào có hay gì
Đã tu tu chót qua thì thì thôi "
Một người muốn trở thành nhà văn phải có rất nhiều phẩm chất, nhưng trước hết phải có năng khiếu văn chương. Năng khiếu văn chương là loại tài năng "thiên bẩm","trời cho". Người ta thường vẫn nói, người này, người nọ sinh ra là để làm thơ, viết văn. Nguyễn Bính quan niệm, làm thơ là cái nghiệp giời đầy: "Mình tôi giời bắt làm thi sĩ". Đã là cái nghiệp "giời đầy", "giời bắt" như vậy thì đâu phải cứ muốn là được. V.I.Lê-nin[5], vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản, cũng từng nói: "Có lột da tôi, tôi cũng chịu, đến hai câu thơ cũng không làm nổi"[6]. Như thế năng khiếu là lĩnh vực nếu chỉ có cố công, gắng sức thôi thì không đủ, ở đây cần phải có tài. Có lẽ vì thế mà nhà văn Thạch Lam nói:"Người ta sinh ra đã là nghệ sĩ hay không chứ không thể học tập mà thành được"[7]. Tất nhiên khái niệm năng khiếu và nghệ sĩ ở đây phải hiểu theo nghĩa đích thực. Theo nghĩa này không phải cứ có thơ đăng trên báo, thậm chí in ra mấy tập sách rồi chưa chắc đã là nghệ sĩ, chưa chắc đã có năng khiếu đích thực.
Nếu năng khiếu văn chương là chuyện trời phú, trời cho, muốn có cũng không được, không thể đem sức ra mà có, học mãi mà thành, thì vốn văn hóa lại tạo nên được, rèn luyện và cố gắng là có được. Năng khiếu là thứ trời cho, còn văn hóa là đời cho. Văn hóa là sự tổng hợp nhiều phương diện của cuộc đời, trong đó học vấn nhà trường đóng một vai trò rất quan trọng. Học vấn nhà trường không tạo ra năng khiếu văn chương, nhưng giúp cho năng khiếu ấy phát triển mạnh mẽ hơn. Điều đó cũng có nghĩa là tuy có mối liên quan chặt chẽ nhưng năng khiếu văn chương và vốn văn hóa sâu rộng là hai chuyện khác nhau. Chúng ta đều biết, tuổi thơ của nhà văn lớn Mắcxim Gorki[8] trôi trong cay đắng tủi hờn. Không được học hành cẩn thận, ông phải lần mò kiếm sống và coi cuộc đời rộng lớn, lắm chuyện lành, nhiều chuyện dữ là trường đại học của mình. Ở Việt Nam không ít nhà văn đầy tài năng nghệ thuật mà trình độ học vấn nhà trường không cao như Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Nguyễn Bính, Xuân Quỳnh...vv. Sở dĩ phát huy được năng khiếu của mình đến thế là nhờ họ đã hết sức cố gắng, cố gắng tới mức quyết liệt để học tập vốn văn hóa từ sách vở và nhất là từ cuộc đời đặng bù lại sự thiếu hụt của giáo dục học đường. Và dĩ nhiên, nếu những nhà văn ấy có điều kiện học cao hơn, có hệ thống hơn, thì chắc chắn tài năng của họ sẽ còn được phát huy hơn nữa.
Nếu như lịch sử nghệ thuật đã chứng minh rằng cái "phông văn hóa" của một con người có vai trò to lớn trong việc chi phối tầm cỡ phát triển năng khiếu bẩm sinh của con người đó, thì ngược lại, cũng không thiếu những ví dụ chứng tỏ không biết bao nhiêu tài năng thiên phú đã thui chột, teo tóp dần theo năm tháng, do không có được nền tảng văn hóa sâu rộng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau trong cuộc đời của họ. Cứ nhìn vào tấm gương của các nghệ sĩ thiên tài ta sẽ thấy họ như những người khổng lồ trong văn hóa, những "người lữ hành kì dị" không bao giờ biết mệt mỏi trên con đường thăm thẳm của sáng tạo nghệ thuật. Ở họ ta không hề thấy dấu vết của tuổi già, cũng không hề thấy dấu hiệu của sự cạn kiệt trong cảm hứng sáng tạo. Tác phẩm của họ cứ liên tiếp ra đời, càng về sau, càng sung sức, vạm vỡ. Những con người ấy, như người ta vẫn thường nói, chỉ có cái chết mới bứt họ ra khỏi sự sáng tạo không ngừng, không nghỉ. Thậm chí khi họ mất rồi, tác phẩm vẫn tiếp tục tái sinh. Điều gì đã tạo nên sức sáng tạo kì diệu ấy? Đã đành trước hết ai cũng hiểu là cần có tài năng thiên phú, nhưng đây mới chỉ là "điều kiện cần". Ngay sau đó phải là sự tiếp sức của vốn văn hóa sâu rộng như là "điều kiện đủ". Lịch sử nghệ thuật được hình thành bởi cuộc chạy tiếp sức liên tục của các nghệ sĩ vĩ đại. Trên con đường ấy, vốn văn hóa là thứ thuốc trợ lực quan trọng không thể thiếu. Không có gì khó hiểu trước những hiện tượng nhiều nhà văn, nhà thơ, vốn sinh ra là để sáng tạo nghệ thuật, vốn có năng khiếu bẩm sinh, nhưng tác phẩm của họ cứ mỗi ngày một còm cõi; viết một bộ sách, càng về sau càng đuối dần, xuống sức, lặp lại người và lặp lại chính mình... Suy cho cùng đó là dấu hiệu của sự cạn kiệt vốn văn hóa.
Vốn văn hóa có liên quan rất mật thiết đến vấn đề truyền thống và cách tân trong sáng tạo nghệ thuật. Người có căn cốt văn hóa đã đành là người luôn biết coi trọng truyền thống, phát huy truyền thống. Nhưng mặt khác những cách tân nghệ thuật cũng không thể không bắt đầu và được xây dựng trên nền tảng văn hóa vững chắc. Để có được một cuộc cách tân kiểu thơ Mới (1932-1945) phải có sự gặp gỡ và hội đủ nhiều yếu tố, trong đó chắc chắn các thi sĩ phải bắt đầu từ việc nắm vững văn hóa truyền thống, làm chủ và làm thành thạo những loại hình nghệ thuật truyền thống trước khi đi đến những sáng tạo mới. Khao khát đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật là đáng trân trọng, đáng động viên và khích lệ. Nhưng một số cây bút có nguyện vọng này dường như vẫn còn thiếu những yếu tố cần và đủ cho một cuộc cách tân nghệ thuật thực sự, mà trước hết là chưa có được một nền tảng văn hóa sâu rộng. Một số cây bút của văn học Việt Nam hiện đại trong thời gian qua muốn vùng vẫy, thoát khỏi sự ràng buộc của thi pháp cũ. Họ cảm thấy viết như những bậc đàn anh đi trước thì có gì đó không ổn nữa, cần phải thay đổi, phải sáng tạo để một cách viết khác, theo một thi pháp khác. Nhưng, một trong những lí do quan trọng có lẽ là thiếu sự trợ giúp của một tầm văn hóa sâu rộng, thành thử sự gặt hái của những cuộc cách tân chưa được bao nhiêu, phần lớn chỉ mới dừng lại ở những cuộc thử nghiệm chưa thành. Thế mà thoáng chốc đã gần 40 năm sau 1975 và một phần tư thế kỷ đất nước bước vào thời kỳ đổi mới (1986). Phong trào Thơ Mới (1932-1945) chỉ cần một thời gian rất ngắn là hoàn toàn thu phục được nhân tâm, hoàn toàn chiến thắng. Lí do chính là cuộc cách mạng về thơ ca ấy đã chín muồi các điều kiện, trong đó có sự chín muồi về văn hóa.
2. Nhiều người đọc tùy bút Tờ hoa của Nguyễn Tuân cứ nghĩ là ông viết bài ký về các loài hoa trong phiên chợ hoa ngày tết. Và do thế cứ ấm ức vì những chuyện ông kể ra trong ấy xem ra chẳng ăn nhập gì. Mở đầu ông nói chuyện ong ở Tây Bắc, đùng một cái quay sang nói về con trai và quá trình làm ngọc nơi đáy bể; tiếp đấy lại kể chuyện phát xít Đức làm cỏ cả làng Liđixê nước Tiệp, nay nơi ấy trồng toàn hoa hồng và "lừng thơm lên những bài thơ hoa hồng"; rồi bỗng nhiên lại kể chuyện em bé Nga vẽ hoa hồng xanh và Lê nin đã khóc khi biết em suốt ngày phải sống trong một căn buồng kín bưng "chỉ có một khung cửa sổ nhìn hếch lên bầu trời", em thấy khoảng trời ấy rất đẹp và cho đó là hoa hồng... Mới xem qua thì thấy đúng là "lan man" thật, nhưng đọc kĩ sẽ thấy ở thiên tùy bút này Nguyễn chỉ mượn chuyện hoa để nói chuyện ngoài hoa. Tờ hoa là một tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn về cội nguồn của bút lực và sáng tạo nghệ thuật. Cái mạch ngầm xuyên thấm, liên kết tất cả các chuyện không đâu vào đâu chính là cái tuyên ngôn ấy. Nó thấm đượm trong mỗi câu, mỗi chữ cái ý nguyện của ông, rằng muốn có được những trang viết "lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu" thì người nghệ sĩ phải luôn lao tâm khổ tứ, phải âm thầm khổ luyện, nhiều khi phải qua xa xót khổ đau, phải nặng nhọc đèo bòng, phải được sống, được tận mắt nhìn ngắm cuộc đời rộng lớn cũng như phải tích cóp được cho mình một gia tài văn hóa sâu rộng, phong phú ...
Vì lẽ ấy ông biểu dương con ong "đã để lại cho người một bài học về kiên nhẫn, về cần lao và tích lũy, về chế tạo và sáng tạo". Cũng vì thế ông thấy "mình cũng là một con sinh vật đang nung một thứ mật gì. Sự tích lũy ở mình cũng ngày ngày có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống". Một thái độ sống như thế ắt hẳn phải khinh ghét cái phù phiếm của những "đàn bướm tốt mã chấp chới bay, lộng lẫy những sắc phấn của sáo ngữ ồn ào". Nói chuyện con trai làm ngọc nơi rốn bể cũng là để ví nhà văn như con trai làm ngọc "có những quá trình không phải hoài thai, không đẻ gì (theo nghĩa hẹp và theo nghĩa đen sinh học ) nhưng rất khổ đau và nặng nhọc đèo bòng". Đến đây cũng dễ hiểu vì sao ông viết:" Nhìn những ngọn hoa sáng chói công khai giữa bầu trời mà không khỏi bận lòng về lũ rễ cái, rễ con trong bóng tối của lòng đất kín: rễ trong kia chỉ liên lạc được với hoa ngoài đây bằng con đường nhựa đắng duy nhất của ruột mình". Rõ ràng cái đẹp nhiều khi bắt đầu và là kết quả của cái đau, cái xót, cái đắng, cái cay. Nghệ thuật phải phản ánh trung thực hiện thực. Muốn thế nghệ sĩ phải được sống trọn vẹn với cuộc đời rộng lớn. Nếu chỉ đóng khung trong một căn phòng chật hẹp, chỉ thấy độc một mảnh trời vuông qua ô cửa kia như em bé Nga, thì tất yếu hoa hồng nào cũng là một "cái hình vuông biếc màu da trời ". Mới hiểu vì sao Nguyễn luôn chủ trương đi, đọc và viết. Nhiều lần ông bàn tới chuyện đi, đọc và viết. Không như thế thì làm sao có thể viết được những Trang hoa; làm sao có thể nhân chiếc đồng hồ trên tay chị phiên dịch mà cùng một lúc giới thiệu một cách hấp dẫn và am tường, sành sỏi hàng chục loại đồng hồ của mấy ngàn năm về trước: đồng hồ nước, đồng hồ nến, đồng hồ cát, đồng hồ gà, đồng hồ lửa, đồng hồ hương... và từ đó mà giới thiệu đồng hồ hoa Thủy tiên công phu như thế. Viết văn cũng cần sự chính xác, công phu để tạo nên sự kì diệu như chơi hoa Thủy tiên vậy.
Cứ như thế, mỗi trang, mỗi dòng của Nguyễn Tuân đều mang đến cho người đọc những hiểu biết, những tri thức văn hóa sang trọng, phong phú và mới lạ, ít có ở những cây bút khác. Tầm văn hóa đã giúp Nguyễn Tuân cho đến tận cuối đời vẫn có được một bút lực sung sức và tuôn chảy mãi như không bao giờ vơi cạn. Tầm văn hoá ấy đã giúp ông có được cái nhìn sự vật không bao giờ đơn giản, xuôi chiều, chống lại sự khô cứng, sơ lược, máy móc. Ông là con người không bao giờ chịu được sự chung chung đại khái từ nội dung đến hình thức. Bao giờ ông cũng tìm hiểu đến ngọn nguồn, khai thác vấn đề đến cạn kiệt. Có người chê Nguyễn Tuân và văn ông phức tạp. Sự vật nhiều khi cứ lật đi, lật lại, soi ngắm kỹ lưỡng đến mức “chẻ tóc làm tám”. Tôi nghĩ, đúng con người và văn chương Nguyễn phức tạp. Nhưng phức tạp theo nghĩa đó là “dấu hiệu của sự phát triển”, chống lại sự khô cứng, giản đơn, máy móc. Kiên trì theo hướng này, Nguyễn Tuân bao giờ cũng tìm cách mô tả đến cùng một cách chính xác, cụ thể, chi tiết những gì ông thấy, ông nghe, ông cầm nắm được. Một con người từng đếm được cầu Hiền Lương có 7 nhịp, 894 miếng ván và dài 178 mét, chia đôi mỗi bên 89 thước “nhưng ván cầu thì 450 tấm thuộc về Bắc và như thế là ta hơn mấy tấm” (Cầu ma). Một nhà văn khi viết về giọt mật ong biết đó là kết quả của 2.700.000 chuyến đi với tổng cộng đường bay 8.000.000 cây số và thấy trong nửa lít mật ong ngời lên 5 vạn thứ hoa. Một nhà tùy bút đi trên sông Đà, từng đếm được và chép ra 73 cái thác có tên. Nhiều tên thác đọc lên đã thấy rùng mình và dễ viết sai chính tả như thác Hát Nó Kéo, Hát Soong Pút, Hát Soong Mon, Mó Nàng, Mèo Quen... Cũng như khi viết về rừng, ông kê ra rành rọt 94 thứ gỗ (Tình rừng). Và dù chưa đến được Cà Mau, ông vẫn kể ra cặn kẽ 69 tên đất, tên làng nơi “cái gót chân chưa khô bùn vạn dặm” ấy... Một nghệ sĩ như thế làm sao chịu được sự giản đơn trong những trang viết. Và muốn thế, ông không thể không tự trang bị một vốn ngôn từ phong phú để trợ giúp cho ngòi bút đỡ bất lực trước một hiện thực phức tạp như đang ganh đua, tròng ghẹo và thách thức ông. Đọc Truyện Kiều, bên cạnh việc ông phát hiện Kiều đánh đàn 7 lần và 51 lần Nguyễn Du nói tới trăng, ông còn định danh ra 21 kiểu trăng, 21 nội dung – tình thế trăng trong truyện Kiều. Nhìn vào đây mới thấy sự phức tạp của ông tinh tế biết nhường nào: giăng khuyết, giăng tròn, giăng già, giăng non, giăng ngàn, giăng đèn...giăng cửa chiền, giăng tỵ nạn, giăng bù khú, giăng tụng niệm, giăng cố nhân, giăng biên thùy, giăng phải gió... (Tản mạn, xung quanh một câu Kiều). Mô tả sự vật bao giờ cũng dễ hơn là gọi tên sự vật đúng bản chất bằng vài ba chữ.
Có nhà ngôn ngữ học ao ước viết một bài về cách dùng động từ của Nguyễn. Tôi thấy không chỉ có động từ mà ngay cả tính từ của tác giả “Vang bóng một thời” cũng rất “vang bóng”. Tôi chỉ kịp thống kê bài “Về tiếng ta”, ở đó Nguyễn Tuân chứng minh tiếng Việt rất giàu và đẹp, để miêu tả sự linh diệu của tiếng ta, ông đã huy động tới 72 tính từ khác nhau. Chỉ xin chép ra đây những tính từ mang đậm màu sắc Nguyễn Tuân: thứ tiếng nói ruột thịt tủy xương, cái di sản nhiệm màu, thần diệu, tài quái, khoái hoạt, rất vận động và tạo hình, sắc nhậy, thông tuệ, xum xuê, lời lép, vẻ trong, vẻ sáng, tỏa chói, bề bộn, phức tạp, ùn ùn, ngồn ngộn, vù vù... Đọc bài Về tiếng ta, nhà ngôn ngữ học Phan Ngọc cũng phải thốt lên: “Anh có thời giờ đâu mà học ngôn ngữ học. Thế mà mọi lập luận đều chính xác đến mức một kẻ tự cho mình là người trong nghề phải bái phục. Quan điểm của anh về tính trong sáng của tiếng Việt là tài giỏi tới mức độ không mấy nhà ngôn ngữ học hiểu được”[9].
Có ai trong số nhà văn Việt Nam tỉ mỉ ngồi lựa ra trên 100 kết hợp từ chỉ tiếng cười (Nhân đọc Tiếu Lâm). Bài này Nguyễn viết năm 1966. 26 năm sau (1992) Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) chỉ nêu lên được 30 trường hợp. Từ điển đồng nghĩa, trái nghĩa[10], cũng chỉ nêu được 19 kết hợp từ chỉ tiếng cười... Xem bảng thống kê hơn 100 mẫu cười của Nguyễn Tuân, ta thấy ngạc nhiên vì nhiều kiểu cười rất độc đáo “E phải làm từ vựng, từ điển Việt Nam đến nơi rồi cho tiếng cười giàu có của chúng ta” (Nhân đọc tiếu lâm). Cười bỏng tai là gì? rồi cười bù khú, cười góp, cười dế, cười ngựa, cười dê, cười trâu, cười động cỡn, cười hợm hĩnh, cười cầu phong, cười thái sư, cười Đổng Trác?... Và đến cái cười thiếu tính vệ sinh thì chắc chỉ có Nguyễn Tuân mới đủ sức khai sinh cho nó vào kho tàng ngôn ngữ Việt. Đọc Nguyễn Tuân, thấy bao giờ ông cũng cố gắng khai thác đến cạn kiệt vốn từ ngữ có thể dùng được của cha ông. Chả thế mà nhà ngôn ngữ học Haudricourt[11], nguyên kỹ sư nông học, cho biết tiếng Việt có 17 từ chỉ cây tre[12]. Nguyễn Tuân không đọc Haudricourt, nhưng trong bài "Cây tre - người bạn đường", Nguyễn chỉ ra 9 tên tre đơn và 8 tên tre ghép khác nhau. Không chịu chấp nhận với ý kiến cho là tiếng ta đơn âm, độc âm, trong lúc nhàn rỗi, Nguyễn Tuân ngồi chép ra một loạt trạng từ ghép. Nay đếm thấy 55 trường hợp díu ba, 20 trường hợp díu tư (Tản mạn về ngôn ngữ), nhiều từ trong bảng trên thấy rất lạ như tít cù lèo, cặp bà lời, khắm lằm lặm, tỉnh bình sinh, khướt cù lỳ, giăng hờ giăng há, nhân ngãi nhân ghì, cà rịch cà tang... Chưa hết, ông còn thống kê ra 97 trạng từ, động từ ở đầu bằng phụ âm kh như khú, khai, khắm, khắc nghiệt, khắt khe, khấp khểnh, khủng khiếp, khắm lằm lặm, khét lèn lẹt, khai mò mò... Thống kê ra được bảng trên đã là công phu, nhưng thú vị nhất là khi ông nhận xét “Tôi có cái ấn tượng là phụ âm kh hay nhấn vào khía tiêu cực của những biểu hiện sự sống... Những từ ấy rất liên quan đến ngũ giác của người Việt Nam bình thường và lành mạnh... Nhắc đến, gọi đến những sự việc, những trạng thái không được vừa mắt, vừa mũi, vừa tai, không được vừa lòng... (Chuyện nghề).
Ở đời thiếu gì người đi nhiều, đọc nhiều; nhà văn chân chính nào mà chẳng phải dụng công vào chữ nghĩa, coi trọng cả nội dung và hình thức… Nhưng mấy người làm được như Nguyễn. Vâng tôi nghĩ về phương diện này hình như chỉ có Nguyễn Tuân làm và chỉ có ông mới làm được thì phải. Một nghệ sĩ như thế làm sao có thể chịu được sự giản đơn và nghèo nàn về văn hóa trong từng trang viết?
Thế nhưng đọc kỹ Nguyễn Tuân, tôi nghĩ chính ông lại là người luôn cảm thấy sự bất lực về vốn văn hóa và ngôn từ của mình mỗi khi cầm bút. Hóa công là một đấng toàn năng – vị võ sư không dạy hết sách cho lũ môn sinh. Con người là một sản phẩm tuyệt vời và ghê gớm nhất của tạo hóa. Tạo hóa phú cho con người thứ tiếng nói kỳ diệu, nhưng vẫn là thứ tiếng nói đầy hạn chế và bất lực trước hiện thực. Và tôi nghĩ, một trong những dấu hiệu của nhà văn lớn là người đó mang trong mình mặc cảm vũ trụ. Chính vì thế ông ta cũng là người hơn ai hết thấm thía bài học về sự bất lực của ngôn từ. Điều này như một nghịch lý “càng học càng thấy dốt”. Cái vòng tròn hiểu biết càng mở rộng thì diện tiếp xúc với cái chưa biết càng vô tận, vô cùng...
Nói đến Nguyễn Tuân, không ai nghi ngờ điều này: Đó là một bậc thầy ngôn ngữ Việt. “Dưới ngòi bút Nguyễn Tuân “chữ nghĩa” được thổi hồn trở nên sống động khác thường. Chính chữ nghĩa “thân tình” của tác giả đã tạo ra những trang ký văn học“tuyệt bút”[13]. Đọc Nguyễn Tuân, Phan Ngọc nhận xét: “Câu văn lung linh ngày xưa, trong đó các động từ và các từ láy âm dùng đắc thể gây ra cho người đọc một sự say mê gần như ma quái”[14]. Khi Nguyễn Tuân nằm xuống, nhà văn Anh Đức cho rằng: “chúng ta vừa mất đi một bậc thầy ngôn ngữ”, “Một nhà văn mà khi ta gọi là một bậc thầy nghệ thuật ngôn từ, ta không thấy ngại miệng. Một nhà văn độc đáo vô song mà mỗi dòng mỗi chữ tuôn ra dưới đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng”[15]. Từ năm 1967, Nguyễn Đình Thi đã khẳng định: “Nguyễn Tuân là bậc thầy tiếng Việt Nam và ông làm công việc tạo ra những cái chưa có”[16]. Chính Nguyễn Tuân cũng tự nhận bằng một vài dòng ngắn ngủi. Trong sơ yếu lý lịch để ở Hội nhà văn, ông ghi:
"Nguyễn Tuân: chuyên viên tiếng Việt Nam
Trình độ văn hoá: sáng tạo văn học".
Một bậc thầy ngôn ngữ, một nhà văn tài hoa đến vậy, nhưng chính con người ấy lại luôn luôn ý thức rõ sự bất lực của ngôn từ. Ông cho rằng “cái thảm kịch ghê gớm nhất của người viết văn chuyên nghiệp là khi tả những chỗ tình cảm dữ dội, nhưng chữ nghĩa thì không ra được”[17]. Nhiều lần ông nhắc tới cái bế tắc của ngòi bút, những lúc “đăm đăm ngồi trước những trang giấy trắng lạnh phau” (Đi và viết), “có lúc tưởng như mình tuột hết vốn chữ rồi” (Phố Phái). Đi thăm đảo Cô Tô, Nguyễn Tuân trăn trở: “Cái màu xanh luôn luôn biến đổi chiều nay trên biển Cô Tô như là thử thách cái cái vốn từ vị của mỗi đứa chúng tôi đang nổi gió trong lòng”. Rồi ông lại tự chất vấn mình: “Biển xanh như gì nhỉ? Xanh quá quắt? Xanh như lá chuối non? Xanh như lá chuối già? Xanh như mùa thu ngả cốm làng Vòng? ... Xanh như cái màu áo của Kim Trọng trong tiết thanh minh? Đúng một phần thôi. Bởi con sóng vừa dội bên kia đã gia giảm thêm một chút gì, đã pha biển sang màu khác. Thế thì nói biển xanh như vạt áo của ông quan Tư Mã nghe đàn tỳ bà trên con sông Giang Châu thì có đúng không? Chưa được ư? Thế thì nó xanh một màu áo cưới được không? Hay là nói nó thế này: nước biển chiều nay xanh như một trang sử loài người lúc con người phải viết vào thân tre? Nghe hơi trừu tượng phải không? Mà kìa, nhìn cho kỹ mà xem, màu biển đang xanh cái màu dầu xăng của những người thiếu quê hương. Nghe vẫn chưa ổn phải không? Sóng cứ tiếp cái màu xanh muôn vẻ mới và nắng chiều luôn luôn thay màu cho sóng. Mà chữ thì không tài nào tuôn ra kịp được với cái nhịp sóng. Đua với sóng thì chỉ có thua thôi”[18]. Tôi cố trích một đoạn dài trong bài Cô Tô, một mặt để thấy Nguyễn đang đua tài với tạo hóa, mặt khác cũng để thấy lời thú nhận sự bất lực của ông rất đỗi hồn nhiên.
Mô tả và làm nổi bật phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân là một việc làm thú vị nhưng không khó[19].
Vấn đề là chỉ ra tính quy luật và bản chất của động lực thúc đẩy ngòi bút ấy trổ hoa kết trái. Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nhận xét: “Vốn từ của Nguyễn Tuân thường bộc lộ đầy đủ” trữ lượng của nó trong hai trường hợp:
- Một là khi đi sâu vào một điểm để tránh trùng lặp buộc ông phải tung ra vốn từ đồng nghĩa phong phú.
- Hai là khi có hiện tượng mới lạ, độc đáo “ông quyết ném ra bằng hết vốn từ ngữ của mình để chạy đua với tạo vật muôn màu muôn vẻ”[20].
Đó là một nhận xét chính xác. Thế nhưng bản chất phong cách ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo của Nguyễn là gì?
Tôi nghĩ rằng phong cách ấy, một mặt bắt đầu từ cái ngông. Nghĩa là phải khác đời, khác người trong cách nghĩ, cách nói, cách viết. Chính vì thế mà ta thấy mọi nơi, mọi lúc Nguyễn Tuân cố gắng hết mình, bằng nhiều cách khác nhau để lạ hóa sự diễn đạt của mình. Mặt khác tiềm ẩn trong sâu thẳm của cái ngông ấy lại là việc thức nhận ra một cách sâu sắc sự bất lực của ngôn từ. Chính điều này khiến ông cũng như Bá Nhỡ trong Chùa Đàn quyết “đánh cái cuộc đời mình vào đây để rồi xem nó thành được cái gì”[21]. Cuối cùng vốn ngôn từ càng giàu có, ông càng cảm nhận rõ hơn sự bất lực này. Càng cảm thấy bất lực, ông càng gắng sức vùng vẫy, tìm đủ lối để thoát khỏi cái vòng “kim cô” đầy sức mạnh nhưng cùng đầy hạn chế của phương tiện ngôn từ. Cứ như thế Nguyễn Tuân vật lộn với chính mình ... Và kết quả là trên con đường chữ nghĩa thăm thẳm như con đường lưu đầy, “người lữ hành kỳ dị” này đã trở thành “Tổ sư một môn phái cho đến nay ở Việt Nam chưa có một môn đệ”[22]. Âu cũng là bài học chung cho tất cả những người cầm bút.
*
* *
Khát vọng cách tân trong nghệ thuật như những tia chớp bừng sáng, nhưng phải có một năng lượng văn hóa rất lớn nén chặt thì sự bùng nổ của sáng tạo mới xuất hiện, mới thành công. Nếu chỉ có khát vọng và năng khiếu trời phú thì chưa đủ. Nhưng không dễ gì có được một nền tảng văn hóa sâu rộng. Đó phải là một quá trình bền bỉ, một sự tích luỹ liên tục về vốn sống, sự từng trải trong trường đời cộng với sự cố gắng học hỏi không ngừng một cách có hệ thống, có ý thức những giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc và nhân loại. Với văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Tuân là một tấm gương về sự tích lũy văn hóa như thế.
Hà Nội, 19/ 2/2012 .
[1] Friedrich Engels ( 11820- 1895), nhà tư tưởng, triết học, người Đức
[2] Honoré de Balzac (1799–1850), nhà văn hiện thực, người Pháp
[3] Mác- Ăng ghen Bàn về văn học nghệ thuật. Sự thật,1977.tr 385
[4] Phan Kế Bính- Việt Hán văn khảo. Mặc Lâm xuất bản,1970, tr 108
[5] Vladimir Ilyich Lenin (tiếng Nga: Влади́мир Ильи́ч Ле́нин- 1870-1924)
[6] Lê-nin : Bàn về văn hoá văn nghệ -Văn học .1977, tr.459
[7] Thạch Lam : Theo giòng -Tuyển tập Thạch Lam, Văn học.1968
[8] Tên thật là Aleksey Maksimovich Peshkov ( tiếng Nga Алексей Максимович Пешков - 1868-1936)
[9] Phan Ngọc - Nguyễn Tuân và quá trình chuyển biến một phong cách - Tạp chí Phê bình và dư luận 4 -1988.
[10] Nxb.Giáo Dục .H 1992.
[11] André-Georges Haudricourt (1911 - 1996) cũng là nhà nhân loại học, người Pháp.
[12] Dẫn theo Phan Ngọc- Tài liệu đã dẫn
[13] Hoàng Ngọc Hiến "Năm bài giảng về thể loại" - Trường viết văn Nguyễn Du. Hà Nội.1992
[14] Phan Ngọc- Tài liệu đã dẫn
[15] Anh Đức - Báo Văn nghệ số 33 ngày 15-8-1987.
[16] Nguyễn Đình Thi - Người đi tìm cái đẹp cái thật. Báo Văn nghệ số 32 ngày 8-8-1967.
[17] Những chữ in nghiêng trong đoạn này do tôi nhấn mạnh - ĐNT
[18] Những chữ in nghiêng trong đoạn này do tôi nhấn mạnh - ĐNT
[19] Chúng tôi đã trình bày trong bài "Nguyễn Tuân và phép lạ hoá trang văn".
[20] Nguyễn Đăng Mạnh - Tựa tuyển tập Nguyễn Tuân – Văn học .Hà Nội, 1992.
[21] Xem Chùa Đàn- Nguyễn Tuân. Văn học, Thành phố HCM. 1989.
[22] Phan Ngọc- Tài liệu đã dẫn