Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc
Một bài văn nghị luận sâu sắc và cảm động của Phạm Văn Đồng
1. Lâu nay, trong chương trình môn Ngữ văn ở nhà trường phổ thông, văn nghị luận chỉ được chú trọng ở phần Làm văn; việc phân tích, đọc-hiểu, giảng văn các tác phẩm văn nghị luận ít được chú ý. Số tác phẩm nghị luận hiện đại được đưa vào giảng văn, phân tích và hướng dẫn học sinh đọc-hiểu là rất ít so với văn chương hình tượng (truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, thơ, v.v.). Việc dạy và học một số tác phẩm nghị luận (trung đại và hiện đại) cũng còn phiến diện. Khi phân tích những tác phẩm như Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi), Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh),… phần lớn giáo viên và học sinh chỉ chú ý đến nội dung, tập trung khai thác tư tưởng yêu nước, căm thù giặc, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, niềm tự hào dân tộc, v.v. Việc khai thác những nội dung, tư tưởng sâu sắc trong các tác phẩm ấy là hoàn toàn đúng, tuy vậy nếu chỉ có thế thì chưa đủ, cần thấy đấy còn là những áng văn nghị luận mẫu mực. Tức là cần phân tích, bình giá vẻ đẹp nghệ thuật của những áng văn đó. Nói đúng hơn là phải xuất phát từ đặc trưng văn nghị luận, từ các yếu tố hình thức nghệ thuật của loại văn này để chỉ ra vẻ đẹp của nội dung, tư tưởng. Cũng có nghĩa là thấy được sự gắn bó giữa nội dung và hình thức của văn bản – tác phẩm.
Vậy đặc trưng của văn nghị luận là gì? Nói một cách khái quát, văn nghị luận là một thể loại nhằm phát biểu tư tưởng, tình cảm, thái độ, quan điểm của người viết một cách trực tiếp về văn học hoặc chính trị, đạo đức, lối sống,… nhưng lại được trình bày bằng một thứ ngôn ngữ trong sáng, hùng hồn, với những lập luận chặt chẽ, mạch lạc, giàu sức thuyết phục. Tuy nhiên, có một thực tế, nhiều khi nói đến văn học, văn chương người ta thường chỉ nghĩ đến những sáng tác bằng tưởng tượng, hư cấu như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện ký, v.v... mà ít nghĩ đến văn nghị luận. Quan niệm như thế tất nhiên là phiến diện, chưa đầy đủ. Nếu văn học là "loại hình nghệ thuật sáng tạo bằng ngôn từ"([1]) thì văn nghị luận đương nhiên phải được coi là văn học. Từ điển Bách khoa toàn thư của Mỹ cũng định nghĩa :"Văn học là những sản phẩm viết của xã hội bằng văn xuôi hoặc thơ. Theo nghĩa rộng, văn học bao gồm tất cả các kiểu viết theo lối hư cấu (fiction) hoặc không hư cấu (nonfiction) nhằm mục đích xuất bản"([2]). Cũng theo phân loại của từ điển này, văn nghị luận (essay / literature criticism) được xếp vào dạng thức không hư cấu (forms of nonfiction). Hư cấu là một hoạt động cơ bản của tư duy hình tượng. Đó là lối tư duy dựa vào trí tưởng tượng để sáng tạo ra, "bịa ra" (như M. Goóc-ki nói) những nhân vật, câu chuyện, tình tiết,… trong các tác phẩm nghệ thuật. Văn nghị luận không dùng hư cấu, không dựa vào trí tưởng tượng mà dựa vào tư duy lô gích nhằm trình bày tư tưởng, quan điểm nào đó của người viết. Khác với văn hình tượng, văn nghị luận trình bày tư tưởng và thuyết phục người đọc chủ yếu bằng lí lẽ và lập luận. Nếu như văn hư cấu nhằm kích thích trí tưởng tượng, xây dựng óc quan sát tinh tế với tình cảm chân thực và những khám phá hồn nhiên về thiên nhiên, về đời sống gia đình, xã hội, v.v. thì văn nghị luận nhằm hình thành, phát triển khả năng lập luận chặt chẽ, trình bày những lí lẽ và dẫn chứng một cách sáng sủa, giàu sức thuyết phục; diễn tả những suy nghĩ và nêu ý kiến riêng của mình về một vấn đề nào đó trong cuộc sống hoặc trong văn học, nghệ thuật.
Để bài văn có sức thuyết phục cao, người viết phải đưa ra những lí lẽ, những lập luận và các bằng chứng tiêu biểu, xác đáng. Lí lẽ và lập luận giúp người đọc hiểu, còn bằng chứng làm người đọc tin vào vấn đề người viết nêu ra. Một khi đã hiểu và tin tức là đã bị thuyết phục. Lí lẽ và lập luận trong bài văn nghị luận muốn chặt chẽ, phải xuất phát từ một chân lý hiển nhiên hoặc một ý kiến đã được nhiều người thừa nhận. Những ý kiến ấy thường là của những cá nhân có uy tín (các lãnh tụ, các nhà văn, nhà khoa học, nhà văn hóa lớn, v.v.). Lí lẽ của bài văn nghị luận thể hiện ở hệ thống các luận điểm của bài viết, còn lập luận là cách thức trình bày lí lẽ, cách dẫn dắt và cách nêu vấn đề của người viết.
Văn nghị luận nói chung là sản phẩm của tư duy lô gích, suy lý,... vì thế ý tứ phải rõ ràng, lập luận phải chặt chẽ, văn phong phải sáng sủa, bảo đảm độ chính xác, giàu sức thuyết phục,... Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là văn nghị luận chỉ trình bày vấn đề một cách khô khan, trừu tượng, từ chối mọi cảm xúc và hình ảnh. Trái lại muốn tăng thêm sức thuyết phục, bên cạnh việc "gõ" vào lí trí, bài văn nghị luận cần tác động mạnh mẽ vào tình cảm của người đọc. Muốn thế, người viết văn nghị luận cần phải có tình cảm, cảm xúc cao độ. Ngôn ngữ văn nghị luận cũng cần phải hấp dẫn, lôi cuốn bằng các từ ngữ giàu hình ảnh và có sức biểu cảm cao.
Bài Nguyễn Đình Chiểu – Ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc là một bài văn nghị luận tiêu biểu, sâu sắc của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vì thế khi phân tích, đọc-hiểu, không thể không chú ý đến những nét đặc trưng của văn nghị luận vừa nêu.
2. Ngay câu mở đầu bài viết, tác giả Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh "Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này". Lúc này là lúc nào? Thời điểm ấy rất có ý nghĩa đối với việc tìm hiểu, phân tích bài văn. Ở cuối bài viết, tác giả ghi rõ:" Nhân kỷ niệm ngày mất của nhà thơ Đồ Chiểu (03-07-1888), đăng trên Tạp chí Văn học tháng 07-1963". Nhưng năm 1963 và quãng thời gian đó là những năm tháng như thế nào? Vào lúc ấy, dân tộc ta, đất nước ta đang xảy ra những sự kiện gì trọng đại, nhất là ở Nam bộ, ở Bến Tre, quê hương của nhà thơ Đồ Chiểu? Và tại sao trong bối cảnh lịch sử đó lại càng cần làm sáng tỏ hơn ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu?
Có thể nói đó là những năm tháng cả miền Nam sống trong máu lửa, chịu đựng biết bao hy sinh mất mát, đau thương mà vẫn ngẩng cao đầu. Những tháng năm bi hùng ấy còn in đậm trong thơ Tố Hữu:
Có những ông già nó khảo tra
Chẳng khai, nó chém giữa sân nhà
Có chị gần sinh, không chịu nhục
Lấy vồ nó đập, vọt thai ra.
...
Ôi kể làm sao hết được anh!
Bao nhiêu máu chảy, bấy dòng kênh
Phải chi em gửi cho anh được
Nắm đất đang nồng lửa đấu tranh !
(Lá thư Bến Tre)
Đó là những năm tháng, chính quyền Ngô Đình Diệm được sự ủng hộ của quân Mỹ, nắm chắc bộ máy cảnh sát và quân đội, triển khai quốc sách tố cộng, truy nã những người kháng chiến cũ, bức hại những gia đình có người theo cách mạng, lê máy chém khắp miền Nam thực thi luật 10 - 59, bắt bớ tù đày và gây ra nhiều vụ tàn sát đẫm máu. Từ những năm 1960, Mỹ quyết định tài trợ, ngày càng can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến bằng cách đưa quân ồ ạt vào miền Nam, cho tới tháng 05 - 1965 đã có 543 ngàn quân Mỹ có mặt tại mảnh đất này.
Đó cũng chính là lúc ngọn lửa đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam bừng lên, chói sáng "Miền Nam trong lửa đạn, sáng ngời" (Tố Hữu). Hàng loạt phong trào đấu tranh chống Mỹ nổi lên, tiêu biểu là phong trào bãi công của công nhân như Xí nghiệp pin Con Ó, xưởng dệt Vinatexco, hãng thầu RMK-BRJ,… phong trào đấu tranh xuống đường của học sinh, sinh viên. Hàng loạt nhà sư, nữ sinh tự thiêu để phản đối chính quyền Mỹ – Diệm. Đó là các cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức ở Sài Gòn (ngày 11 - 06 - 1963); tu sĩ Thích Thanh Huệ tại trường Bồ Đề ở Huế (ngày 13 - 08 - 1963),…
Trong hoàn cảnh sục sôi cách mạng ấy, ta hiểu tại sao Phạm Văn Đồng nhấn mạnh thời điểm lịch sử khi ông viết bài ca ngợi Nguyễn Đình Chiểu. Bởi vì từ xưa đến nay, thơ văn luôn là vũ khí sắc bén trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Nguyễn Đình Chiểu do mù lòa không cầm được súng gươm ra trận như những anh hùng, nghĩa sĩ khác, nhưng thơ văn yêu nước của ông là tiếng kèn xung trận, cổ vũ cho chính nghĩa và đạo lý, thắp sáng lên tinh thần yêu nước thương nòi, động viên tinh thần quả cảm của muôn vạn con người đang đối mặt với kẻ thù. Những vần thơ yêu nước ấy không chỉ rực cháy thời Đồ Chiểu sống, mà sức nóng của nó vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay và mãi mai sau. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ Lê Anh Xuân, người con miền Nam tập kết ra Bắc, ngày trở lại quê hương đã viết:
Tám năm xa quê hương
Trăm năm gần Đồ Chiểu
Nay lòng ta càng hiểu:
Thơ là súng, là gươm
( Đọc thơ Đồ Chiểu- 1963)
Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam trong những năm tháng đau thương và anh dũng ấy rất cần được tiếp sức bởi ngọn lửa của thơ văn Đồ Chiểu. Vì thế cần phải làm sáng hơn nữa những giá trị thơ văn của ông, nhất là thơ văn yêu nước. Để ý hai chữ "đáng lẽ" trong câu mở đầu bài viết này, ta sẽ thấy ẩn đằng sau là một lời trách nhẹ nhàng: Thế mà dường như chúng ta chưa thấy hết giá trị của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, thậm chí còn hiểu thiên lệch về tác phẩm Lục Vân Tiên, và nhất là còn ít biết về thơ văn yêu nước của nhà thơ mù đất Đồng Nai.
3. Sức hấp dẫn của bài viết trước hết thể hiện ở cách nêu vấn đề của tác giả Phạm Văn Đồng. Việc ví Nguyễn Đình Chiểu như ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc không có gì mới. Chúng ta đều biết Lê Thánh Tông đã ví tâm hồn Nguyễn Trãi sáng như sao Khuê "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo"; Hội Tao Đàn của Lê Thánh Tông cũng có 28 nhà thơ được gọi là nhị thập bát tú (28 ngôi sao). Cách nêu vấn đề của tác giả bài viết tạo được hấp dẫn ở chỗ ông đưa ra một nhận xét độc đáo: “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”. Nhận xét này cho người đọc một tiền giả định: lâu nay chúng ta chưa thấy hết ánh sáng đặc biệt của ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu. Cũng từ đây Phạm Văn Đồng chỉ ra những hạn chế trong việc nhìn nhận thơ văn Nguyễn Đình Chiểu: một là chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả Lục Vân Tiên và hiểu tác phẩm này cũng còn thiên lệch; hai là ít biết thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu -"khúc ca hùng tráng của phong trào yêu nước chống bọn xâm lược Pháp". Lo-gic lập luận này buộc người đọc phải băn khoăn, trăn trở: vậy Nguyễn Đình Chiểu là người thế nào? Người ta hiểu thiên lệch về tác phẩm Lục Vân Tiên ra sao và cần hiểu thế nào mới đúng? Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu viết về những gì và có những tác phẩm nào tiêu biểu? Có thể rút ra bài học gì từ cuộc đời và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Đình Chiểu ?.v.v... Đây cũng chính là nội dung cơ bản mà tác giả Phạm Văn Đồng muốn phân tích và làm sáng tỏ trong bài viết Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc.
Để thể hiện toàn bộ nội dung cơ bản vừa nêu, bài văn được tổ chức theo bố cục và kết cấu ba phần rất chặt chẽ, rõ ràng, sáng sủa. Trong phần mở bài, tác giả nêu lên luận điểm trung tâm bằng một câu văn khái quát: “Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này”. Câu văn ấy hàm chứa một thông điệp nhằm nhắn gửi đến bạn đọc: Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của dân tộc cần phải được nghiên cứu, tìm hiểu và đề cao hơn nữa. Như để giải đáp những băn khoăn trong lòng độc giả, ở phần thân bài, Phạm Văn Đồng lần lượt nêu lên ba nội dung cơ bản:
- Một là: giới thiệu nét đặc sắc về cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu (Trả lời câu hỏi Nguyễn Đình Chiểu là người thế nào?)
- Hai là: giới thiệu giá trị thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu (Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu viết về cái gì và có những tác phẩm nào tiêu biểu?)
- Ba là: khẳng định lại giá trị tác phẩm Lục Vân Tiên (Cần hiểu đầy đủ tác phẩm Lục Vân Tiên như thế nào?)
Khẳng định Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ yêu nước, tác giả lập luận:"Vì mù cả hai mắt, nên hoạt động của người chiến sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu là thơ văn". Mà thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương "soi sáng tâm hồn trong sáng và cao quý lạ thường của tác giả", đồng thời "ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại". Giới thiệu cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Văn Đồng đề cao khí tiết "cao cả và rạng rỡ", đề cao tinh thần "phấn đấu vì nghĩa lớn" và ca ngợi thái độ "khinh miệt bọn lợi dụng văn chương để làm điều phi nghĩa" của nhà thơ mù đất Đồng Nai hào phóng này.
Để làm nổi bật giá trị thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Văn Đồng khẳng định: "Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu làm sống lại trong tâm trí chúng ta phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam bộ". Luận điểm này được tác giả làm sáng tỏ bằng việc chỉ ra bối cảnh lịch sử đau thương và khổ nhục của dân tộc ta lúc bấy giờ. Từ đó liên hệ với thơ văn của Đồ Chiểu để lý giải nội dung nổi bật trong bộ phận thơ văn yêu nước của Đồ Chiểu:"không phải ngẫu nhiên mà thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu một phần lớn là những bài văn tế, ca ngợi những người anh hùng suốt đời tận trung với nước, và than khóc những người liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân". Trong bộ phận thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Văn Đồng đặc biệt đề cao bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc bằng việc so sánh bài văn này với bài Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi. Người đọc như cảm nhận được tất cả tình cảm tự hào, náo nức, thái độ trân trọng mến yêu của người viết đối với nhà thơ Đồ Chiểu được thể hiện bằng những lời văn đầy sảng khoái và xúc động: "Hai bài văn, hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng một dân tộc. Bài Cáo của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang:"sống đánh giặc thác cũng đánh giặc... muôn kiếp nguyện được trả thù kia...". Không chỉ ca ngợi bài Văn tế..., Phạm Văn Đồng còn đánh giá cao nhiều tác phẩm thơ văn yêu nước khác của Nguyễn Đình Chiểu, ông gọi đó là "những đoá hoa, những hòn ngọc rất đẹp" mà bài Xúc cảnh chỉ là một ví dụ.
Về giá trị của tác phẩm Lục Vân Tiên, một lần nữa, Phạm Văn Đồng khẳng định:"Phải hiểu đúng Lục Vân Tiên thì mới thấy hết giá trị của bản trường ca này". Hiểu đúng Lục Vân Tiên, theo Phạm Văn Đồng là hiểu đúng cả về nội dung và nghệ thuật. Về nội dung, tác giả bài viết cho rằng đừng nhìn vào giá trị luân lí, giá trị ấy ngày nay có phần đã lỗi thời, hãy nhìn vào các nhân vật và lí tưởng sống của họ. "Các nhân vật của Lục Vân Tiên... là những con người đáng kính, đáng yêu, trọng nghĩa khinh tài, trước sau một lòng, mặc dầu khổ cực, gian nguy, quyết phấn đấu vì nghĩa lớn", " Họ gần gũi chúng ta và câu chuyện của họ làm chúng ta cảm xúc và thích thú". Về gía trị văn chương của Lục Vân Tiên, Phạm Văn Đồng nhấn mạnh điều cần chú ý "đây là một chuyện để "kể", chuyện "nói". Tác giả cố ý viết một lối văn "nôm na", dễ hiểu, dễ nhớ, có thể truyền bá rộng rãi trong dân gian. Hơn nữa Nguyễn Đình Chiểu lại mù, đọc cho ngươì khác chép và không có điều kiện xem lại, sửa chữa. Văn bản tác phẩm cũng chỉ là bản sao, không còn nguyên bản nữa... Tất cả những lý do ấy cho thấy dù còn "một đôi chỗ sơ sót về văn chương" nhưng vẫn" không thể làm giảm giá trị văn nghệ của bản trường ca thật hấp dẫn từ đầu đến cuối" này. Dường như người viết muốn khẳng định: Nếu không có giá trị văn chương thì tại sao Lục Vân Tiên rất phổ biến trong dân gian, nhất là ở miền Nam. "Người ta thích Lục Vân Tiên, người ta say sưa nghe kể Lục Vân Tiên, không chỉ vì nội dung câu chuyện, còn vì văn hay của Lục Vân Tiên".
Kết thúc bài viết, Phạm Văn Đồng nêu lên bài học rút ra từ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu: “Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá và tư tưởng.”
Từ đây người đọc có thể thấy, điều đáng trân trọng, kính phục đối với cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương chói sáng về tinh thần yêu nước cháy bỏng và lòng căm thù giặc sâu sắc. Quan điểm thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu đáng trân trọng ở chỗ ông luôn dùng thơ văn làm vũ khí chiến đấu chống lại bọn xâm lược, đề cao chính nghĩa, ngợi ca đạo đức đáng quý trọng ở đời.
Với bài Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc, Phạm Văn Đồng không chỉ thuyết phục người đọc bằng những luận điểm, luận cứ và cách lập luận rất chặt chẽ, sắc sảo như vừa nêu mà còn tác động vào tình cảm, trái tim người đọc bằng những lời văn đầy cảm xúc, sâu lắng. Màu sắc biểu cảm của bài nghị luận này thể hiện rất đậm nét. Trong nhiều đoạn văn tác giả công khai thể hiện cảm hứng ngợi ca của người viết đối với Nguyễn Đình Chiểu. Ông dùng rất nhiều những từ ngữ và hình ảnh, những cách diễn đạt độc đáo, sâu sắc để ca ngợi nhà thơ mù đất Đồng Nai. Chẳng hạn: “ Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”; hoặc: “ Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả, thật là sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân, vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước.”; hoặc:“ Nhân kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu (ngày 3 tháng 7 năm 1888), trong lòng chúng ta, hãy đốt một nén hương để tưởng nhớ người con quang vinh của dân tộc !”...
Ngôn ngữ văn nghị luận cũng được thể hiện rất rõ ở những câu văn mang tính khẳng định, chẳng hạn: "Cuộc đời và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là của một chiến sĩ hi sinh phấn đấu vì một nghĩa lớn."; hoặc" Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng."...
Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên sức hấp dẫn của bài văn nghị luận này.
* * *
Phạm Văn Đồng không chỉ là nhà hoạt động chính trị xuất sắc, ông còn là một nhà văn, nhà văn hoá lớn của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Sinh thời, ông quan tâm đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa- văn nghệ- giáo dục. Trong lĩnh vực văn chương, ông đã để lại nhiều bài viết rất đặc sắc, có giá trị lâu bền và in đậm dấu ấn Phạm Văn Đồng. Ông từng viết Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc[3]; rồi Hồ Chí Minh, hình ảnh của dân tộc[4]... Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc cũng là một bài viết như thế. Giá trị cơ bản của bài văn nghị luận này không chỉ ở nội dung sâu sắc, xúc động mà còn ở nghệ thuật chính luận với bố cục chặt chẽ, luận điểm, luận cứ và cách lập luận sáng sủa, có sức thuyết phục cao. Văn phong của ông trong sáng, giàu hình ảnh và mang đậm màu sắc biểu cảm, thể hiện rõ một phong cách nghị luận độc đáo - Phong cách Phạm Văn Đồng.
Hà Nội, tháng 9/ 2012
Tài liệu tham khảo
1) Nhiều tác giả ( 2003), Văn nghị luận đầu thế kỉ XX - NXB Văn học
2) Phạm Văn Đồng (1973), Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, NXB Giáo dục.
3) Phạm Văn Đồng (1996), Tuyển tập văn học, NXB Văn học
4) Nhiều tác giả (2004), Đồng chí Phạm Văn Đồng nhà lãnh đạo xuất sắc, nhà văn hoá lớn của dân tộc, NXB Lao động.
5) Đỗ Ngọc Thống (2007)- Văn nghị luận (giáo trình Làm văn), NXB Đại học sư phạm Hà Nội.
([1]) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB GD, 1992.
([2]) Encarta Encyclopedia 2000 – Literature.
[3] Xem Nguyễn Trãi: về tác gia và tác phẩm – NXB Giáo dục 1999
[4] Xem Nghiên cứu học tập thơ văn Hồ Chí Minh - NXB KHXH 1979, trang 22