CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nghiên cứu - Phê Bình

BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG VĂN HỌC- MẤY Ý NGHĨ CÒN BỎ DỞ...

Chủ nhật ngày 5 tháng 10 năm 2014 12:00 AM

1. Cách đây lâu lắm rồi, tôi có đọc truyện ngắn Lão Mitơríc của Liên Xô (cũ). Cho đến nay cả cốt truyện lẫn tên người viết ra nó tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ một chi tiết thế này: Với bất kỳ ai, khi tranh luận vấn đề gì đó, lão Mitơríc đều văng ra một câu: "Không phải là không tin nhưng tôi nghi lắm". Câu nói cửa miệng ấy của lão diễn đạt rất chính xác ý tưởng của tôi khi nghĩ về bản sắc dân tộc trong văn học xưa cũng như nay. Tôi không nghĩ rằng lão Mitơríc mang trong người dòng máu Tào Tháo và tôi cũng không phải là tín đồ của chủ nghĩa hoài nghi. Nhưng quả là sẽ rất khó có một câu trả lời minh bạch, sáng sủa và đầy sức thuyết phục khi đặt ra câu hỏi: Có hay không một bản sắc dân tộc trong văn học hiện nay ? Nếu có thì nó là cái gì vậy? Và dĩ nhiên không thể tránh được câu hỏi khái quát hơn: Liệu có một bản sắc thuần Việt trong lịch sử?

Bảo không có thì hoàn toàn không phải, thì có lỗi, thậm chí bị coi là vong ân bội nghĩa với cha ông. Bởi "khi ta sinh ra đất nước đã có rồi - Đất nước có từ ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể" (Nguyễn Khoa Điềm). Đất nước ấy lại có một lịch sử chống ngoại xâm oai hùng và một lịch sử văn hoá lâu dài vẫn thường truyền tụng. Một đất nước như thế, bảo không có một bản sắc dân tộc thì tin sao được. F.Braudel (1902 - 1985), một sử gia người Pháp, từng khẳng định: "Một dân tộc chỉ có thể tồn tại bằng cái giá không ngừng tìm kiếm bản sắc của dân tộc mình"[1]. Tôi hiểu rằng, nói đến bản sắc là nói đến những màu sắc rất riêng chỉ mình mới có. Nói một cách giản đơn, bản sắc là của độc. Logic này dẫn tôi đến hàng loạt câu hỏi "lẩm cẩm", đôi khi ngơ ngẩn cả người.

Những đức tính như cần cù, chịu thương, chịu khó, anh dũng, bất khuất, lạc quan yêu đời hay nhẫn nại bền bỉ ... liệu có phải chỉ là những đức tính làm nên bản sắc riêng của người Việt? Hình như trống đồng không phải chỉ tìm thấy ở đất ta? Cây nhị thì đã rõ, nhưng ngay cả món độc huyền, gần đây có người bảo cũng không phải chỉ mình ta có. Mấy truyện dân gian như Trầu Cau, Bầu bí, Tấm Cám, Ý Ưởi, Ý Noọng ... thì rõ là nhiều nước ở Đông Nam Á đều thấy kể như thế.

Còn bao nhiêu thứ khác nữa, những thứ mà lâu nay ta cứ tưởng mình ta có, liệu có phải chỉ một mình ta ?

2. Nói đến bản sắc dân tộc không thể không tính đến lịch sử và quá khứ. Nhưng nói như Ernéston Sabato thì: "lịch sử thế giới là câu chuyện về các cuộc chinh phục, xâm lăng và hỗn phối các dân tộc". E. Sabato cũng đã đặt câu hỏi: "Bản sắc đích thực của Tây Ban Nha là gì ?". Và ông tự trả lời: "Nếu ta lần ngược quá khứ của nó, ta sẽ đi đến người Iberia bí ẩn mà ta hầu như không biết gì hết. Tiếp theo là người Phênixi, người Xentơ, người La Mã, các dân tộc Đức, Hy Lạp và Ả Rập. Và ngôn ngữ đích thực của một quốc gia như vậy có thể là gì ? Một thứ tiếng Castilla bị tước bỏ hết những gốc Teutonic, Ả Rập, Hy Lạp, La tinh, Ý, Anh và ngày nay là Mỹ chăng ? Từ đó ông kết luận: "Sự thuần khiết là một phạm trù ngày nay chỉ có trong thế giới ý tưởng của Platon. Không có cái gì trong thế giới con người là thuần khiết, kể cả đối với các vị thần trên núi Olympe cũng vậy, cũng bị ô nhiễm như người dân ở đó bởi các thần linh Ai Cập và Babilon.”[2]

Vậy bản sắc đích thực của Việt Nam là gì? Liệu chúng ta có thể trả lời một cách sòng phẳng và khoa học như thế chưa cho thế hệ hôm nay và mai sau?

Nước Pháp văn hóa và văn minh chẳng lẽ lại không có một lịch sử, một quá khứ và một bản sắc đích thực? Nhưng chính đất nước ấy đã sinh ra nhà thơ René Char, người đã viết câu thơ: "Di sản lịch sử của chúng ta không do một di chúc nào để lại". Cũng chính đất nước ấy sinh ra F.Braudel, người đã đưa ra một "đính chính" nổi tiếng sáng suốt cho Marc Bloch. Khi Bloch cho rằng "Không có một lịch sử nước Pháp, chỉ có một lịch sử châu Âu". F.Braudel chữa lại: "Không có một lịch sử châu Âu, chỉ có một lịch sử thế giới".

Cần phải tự hào dân tộc, nhưng chỉ nên tự hào với những gì là bản sắc của dân tộc mình. Muốn thế, chúng tôi nghĩ rằng cần phải thoát khỏi tâm lý "Tự kỷ trung tâm". Một dân tộc đã chịu hàng ngàn năm đô hộ của phương Bắc và gần một thế kỷ thực dân cai trị, đặt vấn đề khôi phục lại toàn bộ mặt thật của lịch sử, đi tìm lại một bản sắc đích thực đã mất của quá khứ liệu có ảo tưởng quá chăng? "Làm sao giành lại đầy đủ quyền sở hữu một quá khứ mà kẻ thực dân nhiều khi đã liền một lúc đào bới lên và phá hủy, phát hiện và đánh giá lại quá khứ theo thước đo của chính họ"[3].        

Đó là một công việc đầy khó khăn ... nhưng không thể không làm. 

3. Tôi nghĩ, đúng là một việc khó khăn nhưng không thể không làm. Chừng nào còn nhập nhèm, chừng ấy chúng ta vẫn còn nguy cơ rơi vào tình trạng: say sưa ca ngợi vinh quang cho một dân tộc khác, tự hào thay cho một đất nước khác. Chỉ khi nào tìm ra được bản sắc đích thực của dân tộc lúc đó chúng ta mới có một thước đo đúng để định giá trị dân tộc tính của văn học hôm nay.

Lấy bằng chứng nào để khẳng định rằng thơ Thanh Thảo, thơ Nguyễn Quang Thiều và hàng loạt các nhà thơ hôm nay viết cứ như dịch từ thơ Tây sang thơ Ta "dịch từ thơ Ta ra thơ Việt" là thiếu tính dân tộc, là không có bản sắc ...? Tôi không nghĩ rằng đây là những câu thơ mang tính dân tộc:

Anh lang thang em. Anh mini em. Anh xanh xao em. Đêm về anh ướt mắt em” ( Cửa Việt ). Nhưng tôi cũng không nghĩ rằng nhưng câu thơ sau thiếu dân tộc tính:

Sông Đáy chảy vào đời tôi
Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi chiều đi làm về vất vả
Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm
Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt
Cơn mơ vang lên tiếng cá quẫy tuột câu như tiếng nấc
Âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn".

(Sông Đáy - Nguyễn Quang Thiều)

Phải là người gắn bó lắm và da diết lắm với quê hương, với xứ sở, phải mang dòng máu mẹ một nắng hai sương mới viết được những dòng thơ như thế. Hình ảnh người mẹ lưng "đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm" sao thân thuộc đến thế và "tiếng cá quẫy tuột câu" cũng "âm thầm vỡ trong tôi" như một niềm giao cảm lạ kỳ.

Tôi làm nghề dạy học, nhiều khi học sinh hỏi: Các sách đều viết tính dân tộc biểu hiện ở nội dung và hình thức. Hình thức dân tộc là gì, nếu không phải là ngôn ngữ, là thể loại. Vậy tại sao Hồ Chủ Tịch viết thơ chữ Hán bằng thể Đường luật, viết truyện ký bằng tiếng Pháp; chẳng lẽ những tác phẩm của Người thiếu tính dân tộc ?

Chúng ta đã có cả một khoảng lùi của lịch sử 70-80 năm để có thể nhìn lại một phong trào thơ Mới.  Đến nay một Nguyễn Bính "quê mùa", bậc thầy thơ lục bát và ca dao, đặt cạnh một Xuân Diệu trong y phục tối tân "mới nhất trong những nhà thơ mới". Cả hai đều hấp dẫn với mọi thế hệ chẳng kém gì nhau, cả hai đều rất dân tộc.

Chẳng ai ngây thơ cho rằng, chỉ có quay lại với thơ lục bát, ca dao và truyện nôm khuyết danh mới là dân tộc. Nhưng quả là xác định cho đúng, nói cho ra nhẽ và thể hiện cho được bản sắc của dân tộc là cực khó. Có người làm lục bát, bắt chước ca dao vẫn chẳng thấy dân tộc đâu cả. Tôi nghĩ câu thơ này rất rất hiện đại mà cũng rất dân tộc, nhưng chưa hẳn là do Phạm Công Trứ dùng lối lục bát:

"Trên đò các cụ tụng kinh
Chúng mình trẻ quá chúng mình tụng nhau"

Vì nếu cứ sử dụng lục bát là có tính dân tộc, thì câu sau đây rất vần vè, rất lục bát nhưng có phải là thơ không? Tính dân tộc ở đâu?

Con đò dịch đít sang ngang
Bên kia có một cái làng thò ra”

Tìm bản sắc dân tộc ở đâu? Một người bạn của tôi cho rằng: phải tìm ra tiết điệu tâm hồn dân tộc. Gõ nhịp vào tiết điệu tâm hồn ấy, dù diễn đạt bằng hình thức nào đi nữa cũng sẽ bật ra bản sắc dân tộc. Tôi thấy đó là một lập luận có nghĩa lý. Tuy vậy sẽ giải thích sao đây khi một tác phẩm vượt không gian, vượt thời gian rung lên cái tiết điệu tâm hồn của rất nhiều dân tộc khác nhau. Bản sắc dân tộc của tác phẩm ấy ở đâu?

Tôi nghĩ, tiết điệu tình yêu của con người từ thủa Ađam và Eva đến hôm nay về bản chất không có gì thay đổi, không thời nào cao hơn thời nào, nơi này không kém nơi kia. Tiết điệu của tình yêu đích thực mang tính phổ quát. Và như vậy khi lí luận về tính dân tộc, bản sắc dân tộc, không thể không nghĩ đến mối quan hệ giữa nó với tính toàn cầu, nhất là trong xu thế hội nhập của những dòng văn hoá đa chiều kích, đúng như lời kêu gọi của hai ông Giám đốc và Tổng biên tập tạp chí Người đưa tin UNESCO : "Để cho tất cả các xã hội mà trong nửa thiên niên kỉ đầy hỗn loạn và bạo lực, đã chuyển từ giai đoạn của bản sắc cộng đồng và tôn giáo sang bản sắc dân tộc, nay sẽ cùng nhau bước vào giai đoạn của bản sắc hành tinh"[4].

Đúng là có một bản sắc dân tộc trong văn học. Tuy vậy chỉ cho ra, đánh giá cho đúng là vô cùng khó khăn. Cần rất nhiều công sức và trí tuệ, cần một cái nhìn và một thái độ thật sự khoa học, khách quan... Còn nếu chỉ yên chí với những gì đã có lâu nay thì đành phải mượn câu nói cửa miệng của lão Mitơric "không phải là không tin, nhưng tôi nghi lắm"....

 

1994- 2014

 


[1] Người đưa tin UNESCO - 1990

[2] Người đưa tin UNESCO, 8 - 1992

[3] Người đưa tin UNESCO 4 - 1990

[4] Tính đa bội của con người. Người đưa tin, 8/ 92

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook