Với trên trăm trang sách, dưới hình thức một câu chuyện ly kỳ - câu chuyện người hóa thú, tiểu thuyết Miền đời quên lãng[1] đặt lại vấn đề mà từ lâu đã là đề tài phổ biến của văn học thế giới: Hiện tượng "lại giống" ở con người văn minh. Có thể nhận thấy điều này qua sự đối sánh liên tục, đầy dụng ý của tác giả giữa hình tượng các nhân vật người và hình tượng con khỉ - thủy tổ xa xưa của loài người. Sự đối sánh ấy đem lại cho bạn đọc một bất ngờ: hành vi xả thân vì đứa trẻ khác loài của con khỉ độc trong truyện hóa ra lại chứa đựng "nhân tính" nhiều hơn thái độ ngoảnh mặt làm ngơ của ông trưởng phòng tổ chức nọ trước lời thỉnh cầu của người mẹ cùng tiếng khóc "ngằn ngặt ... thảng thốt nấc trong mê man đói khát" của đứa con. Và quy luật của đời sống hỗn mang có tàn bạo và tăm tối thật đấy nhưng dù sao, con khỉ độc trong truyện vẫn có vẻ "người" hơn gã người rừng bị đời xua đuổi, dồn đẩy vào tình trạng muông thú. Những trang viết đầy xúc động của cuốn tiểu thuyết dành cho việc mô tả tình mẫu tử, ý thức dòng họ, lòng kiêu hãnh lúc gặp nguy khốn của con khỉ độc, trong khi ở gã người rừng tất cả những ánh lửa nhân tính ấy đều đã tắt ngấm, chỉ còn lại vỏn vẹn những nhu cầu bản năng sơ đẳng nhất...
Tuy nhiên ở đây, tác giả Miền đời quên lãng không mải mê săn lùng những tình tiết giật gân nhằm đánh vào sự hiếu kỳ ở bạn đọc. Anh cũng không lấy bản thân việc mô tả cuộc sống "ăn lông ở lỗ" theo lối sao chép tự nhiên chủ nghĩa làm mục đích. Nổi cộm lên trong toàn bộ mạch truyện là nỗi niềm da diết, là khát vọng muốn truy tìm đến cùng cội nguồn tình trạng bi kịch của đời sống. Do đâu mà một chàng trai đầy "lòng tin bản năng ở người đời", một cô gái quê mười bảy tuổi ngây thơ và trong trắng lại phải gánh chịu những kết cục bi đát như thế? Câu trả lời nằm gọn ngay trong nhan đề cuốn sách. Nhan đề này chứa đựng hai lớp nghĩa. Ở lớp nghĩa cụ thể, nó tóm lược nội dung của cuốn tiểu thuyết, kể về những số phận riêng lẻ nào đó chẳng may gặp rủi ro bị đời bỏ quên, bị bứt ra khỏi cộng đồng. Chuỗi bi kịch bất tận trong cuộc đời các nhân vật bắt đầu từ một sự lãng quên hết sức thường tình và đồng thời cũng hết sức phi lý, phi lý đến nỗi mãi nhiều năm sau này, gã người rừng (vốn trước đây là một anh lính trẻ được giao nhiệm vụ giữ kho) vẫn không tài nào cắt nghĩa nổi "tại sao cấp trên lại có thể bỏ quên gã cùng với cái kho trong rừng sâu". Sự vận động tiếp đó của mạch truyện lại có chiều hướng xóa mờ dần cái nghĩa đen hạn hẹp của sự quên lãng cụ thể này và đẩy nó sang một bình diện ý nghĩa mới, khái quát một trạng thái nhân thế, một kiểu ứng xử, một mô hình giao tiếp quen thuộc vốn dĩ đã được mặc nhiên thừa nhận trong đời sống cộng đồng của chúng ta nhiều chục năm qua. Chẳng phải có một thời, miền đời riêng tư ở mỗi người bị bỏ quên, bị khuất lấp hoàn toàn sau một miền đời chung rộng lớn, nơi con người ta gặp gỡ và hội tụ vào các tổ chức đoàn thể, cùng phấn đấu cho sự nghiệp chung và đó là toàn bộ giá trị cá nhân của họ? Cách nhìn nhận và định giá cá nhân thông qua lăng kính các chuẩn mực qui phạm của cộng đồng dẫn con người tới tình trạng trở nên giống nhau một cách hình thức, hệt như những đơn vị vô hồn trong cái tổng số lớn lao, đồng thời cũng làm tăng sự gián cách giữa họ. Đó là lý do vì sao ở Miền đời quên lãng lại xảy ra một sự khan hiếm lạ kỳ, khan hiếm những hành vi giao tiếp thông thường những đối thoại, trao đổi, trò chuyện giữa các nhân vật và nếu có chăng, chúng cũng không đủ sức phá vỡ bức tường ngăn cách giữa họ.
Thảm họa "lại giống" được tác giả trình bày như một quá trình con người mất dần tiếng nói, mất dần nhu cầu giãi bày, sẻ chia những nỗi niềm tâm sự sâu kín cũng như khả năng tiếp nhận, cảm thông lẫn nhau. Chẳng có gì lạ khi tác giả để cho gã người rừng và người đàn bà bất hạnh ăn ở với nhau hàng tháng trong rừng sâu mà không hề biết một chút gì về quá khứ của nhau, thậm chí cả tên nhau cũng không biết nữa. Đỉnh điểm của quá trình "lại giống" trong cuốn tiểu thuyết là một cảnh tượng thương tâm: người mẹ bất lực gào lên những lời cháy bỏng yêu thương hòng lay tỉnh ý thức của đứa con đã hoàn toàn vô tri, nó đã là con của "bà mẹ" khỉ ; đối với nó cái con người đang khóc lóc điên loạn ngoài cũi lim kia chỉ là một sinh vật khác loài xa lạ.
Ấn tượng về một sự lãng quên khủng khiếp, sự quên lãng ở những con người đang mất dần ý thức, không chỉ toát lên nội dung cuốn tiểu thuyết mà còn từ bản thân hình thức nghệ thuật của nó. Và nếu chúng ta lấy sự phù hợp giữa hình thức với nội dung làm một tiêu chí định giá nghệ thuật, phải thừa nhận rằng Thiện Kế đã chọn được một hình thức nghệ thuật có nhiều điểm tân kỳ nhưng khá hữu hiệu trong việc chuyển tải nội dung tư tưởng của cuốn tiểu thuyết. Trái với thông lệ, tác giả không đặt tên cho các nhân vật của mình mà chỉ sử dụng những cách gọi phiếm chỉ, những anh, ông, chị, gã nào đó. Có thể nhận thấy, cái tên của mỗi người nào đó có nghĩa gì đối với một lịch sử và một nhân loại như trong Miền đời quên lãng. Kết cấu của cuốn tiểu thuyết cũng không tuân theo một trình tự chương hồi mạch lạc mà chỉ gồm sáu chục phiến đoạn có độ ngắn dài hết sức khác nhau được cố tình chắp vá lại một cách rời rạc; các lớp thời gian trần thuật đan xen, chồng chéo lên nhau, thể hiện một ký ức đã bị thời gian phủ đầy bụi bặm, một đời sống tinh thần bị cày xới, quấy đảo dữ dội bởi một thực tại quá ư phi lý, phũ phàng. Tuy nhiên có đôi chỗ tác giả tỏ ra không được vững tay cho lắm nên chính anh cũng bị lạc cùng nhân vật trong cái "mê cung" rắc rối của mình (tr.66). Song trong quá trình xây dựng cái "mê cung" đó, Thiện Kế đã biết dừng lại ở chỗ đáng dừng. Anh không đưa bạn đọc lạc bước sang miền đất của những trào lưu nghệ thuật phi lý đang chủ trương "giết chết nhân vật",” thủ tiêu cốt truyện”… Thế giới nhân vật “vô danh” và sự đảo lộn trình tự thời gian không dẫn đến sự tan rã của cốt truyện. Do đó, cách viết của anh tuy khác lạ nhưng không đến nỗi quá "gắt" đối với khẩu vị của bạn đọc truyền thống; họ vẫn cảm nhận được ở cách viết đó một thái độ đầy trách nhiệm với đời, tấm lòng nhân ái và niềm tin mãnh liệt vào con người. Sự đùm bọc cưu mang của mấy chị em công nhân giữa chốn núi thẳm rừng sâu, việc gã người rừng quay trở về săn sóc người đàn bà điên đã một thời gắn bó ... cho phép bạn đọc tin rằng: ngay những con người đang bị "lại giống" đó vẫn có thể trở về với cõi người, nếu đời không quên lãng họ. Mặt khác cũng cần thấy rằng, tác giả Miền đời quên lãng không kết thúc tác phẩm của mình với một thái độ lạc quan dễ dãi, một kiểu kết thúc có hậu ta thường gặp. Ngay cả khi anh cho biết: "Giờ đây ở thung lũng Sương Mù người ta đã xây được một cái nhà gạch và mở rộng qui mô khai thác gỗ lát" tưởng chừng cuộc sống lại được bàn tay đạo diễn của tác giả nắn thẳng dòng chảy để thể hiện một sự vận động đi lên, nhưng thực chất đó chỉ là nốt nhạc cố tình đánh sai một cách tài hoa. Phải chăng ở đây anh muốn học tập người đồng hương lớn tuổi của anh là Bút Tre để "nhại" lại kiểu kết thúc có hậu giả tạo, sáo mòn? Chính vì thế, tác phẩm đã kết thúc nhưng tính vấn đề của nó không bị thủ tiêu. Gấp cuốn sách lại, một nỗi băn khoăn ám ảnh cứ mãi lớn dần lên trong lòng bạn đọc: phải làm thế nào đây để không còn một miền đời nào bị lãng quên như thế trong cuộc sống của chúng ta hôm nay?
Đ.N.T
[1] Tiểu thuyết của Thiện Kế - Nxb Lao Động 1990
Ảnh: Tư liệu