CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Chân dung

LỐI MÂY GIỮA ĐƯỜNG TRẦN

Chủ nhật ngày 23 tháng 1 năm 2022 12:00 AM

1. Vuốt ống tay áo ngũ thân như phẩy một nét bút lên tờ hoa, người trai khẽ nở nụ cười tươi mát, sáng ấm, soi rạng khuôn mặt chữ điền. Chiếu ánh nhìn thẳng, ân cần với vẻ khiêm nhẫn, vô ưu, chàng khẽ khàng nâng chén trà lên lòng bàn tay trái. Những ngón tay thon, dài, nho nhã chậm rãi xoay chiếc chén sứ trắng cổ theo chiều kim đồng hồ, hướng hình bông hoa sen hàm tiếu đối diện với ẩm khách. Hương mộc trà thơm nồng, thoảng ngát khắp thư phòng gợi nhớ đến gió rừng già và sương mù. Giọng nam trung trầm thỉ với thính giác một lời mời.

Người trai ngẩng lên, tôi thảng thốt nhận ra một Hoàng Anh Sướng khác biệt trong hợp dung những phân thân của chàng. Từ một nghệ nhân trà nức tiếng - truyền nhân đời thứ 6 của danh trà Trường Xuân đến vị thế nhà báo chuyện biệt phóng sự tâm linh, từ một Phật tử Đạo tràng làng Mai – học trò của Thiền sư Thích Nhất Hạnh chuyên tâm giao giảng cho những khóa tu ở các thiền viện, các chùa, các trường học, doanh nghiệp… đến chủ nhiệm quỹ thiện nguyện Tâm Hiểu Thương trên tay cầm ví da, sổ bút đứng giữa đỉnh núi mây vờn xây điểm trường cho trẻ em vùng sâu… dù xuất hiện ở đâu, với vị thế nào vẫn toát lên ở chàng phong thái an nhiên, tự tại, tinh sạch, tươi mát khiến ta dịu lòng giữa dòng đời chênh vênh, dựng bến bờ tin cậy. Và cảm nhận rõ năng lượng bình an khi ta có cơ hội ở bên người thiên lương. Chàng đang nói đấy, cười đấy nhưng vẫn biết ta âm thầm chấm khóe mắt. Chàng an nhiên đấy nhưng vẫn phấp phỏng cảm đầy khi ta lơ là. Và chàng, ngay lập tức sẽ bao quát với sự tận đủ cho bạn hữu. 

2. Sau hai mươi năm kể từ lần đầu gặp, nâng tập Những phóng sự chọn lọc, lần theo từng trang viết của Hoàng Anh Sướng, tôi như được sống lại từng khoảnh thảng thốt xưa khi đọc chàng, để giờ nhẩn nha thấm ngấm thêm nữa từng câu chuyện. Cảm xúc ấy những không phai nhòa mà còn nới kích thêm rung cảm thân phận, do sự trải và trả giá cho đời, tôi mới ngộ được.

Khởi từ những chuyện tìm hài cốt liệt sĩ ở Tây Nguyên, chuyện người câu xác sông Đà, chuyện cạy cửa ngủ thăm diễm tình, tệ nạn buôn thịt, da, xương cốt hổ, cao hổ, buôn đồ cổ lọc lừa thật giả, u ơ thế giới người điên, bí mật sau ánh đèn đỏ Amsterdam, chuyện người đàn bà nặng tình với người HIV, chuyện tình trên chiếc xe lăn, chuyện người đàn ông độc thân nuôi 12 trẻ mồ côi trên núi Cấm đến chuyện những năm tháng cuối đời của vua Duy Tân, vua Hàm Nghi, chuyện thiền sư Thích Nhất Hạnh nhận giải thưởng hòa bình Luxembourg 2019, chuyện thiên táng ở Tây Tạng kền kền đầu trọc rỉa xác, chuyện ở đất nước Phật giáo Myanmar, chuyện cha mẹ nuôi người Bỉ và cuối cùng là các ngẫu đối với phóng viên, được chàng sắp đặt theo tuyến tính như là biểu đạt diễn tiến giác ngộ của bản thân. 

Tập sách Những phóng sự chọn lọc ánh xạ chân xác tâm thế một nhà báo trẻ từng thổn thức, khắc khoải trước những khổ đau của đồng bào mình và đồng loại, trước những linh hồn ẩn ức không thể siêu thoát để rồi chàng khởi quyết hy vọng mang chân lý phàm trần hóa giải khổ đau tại thế. Và từ đó, những duyên lành dần dần chuyển dịch chàng thành một Phật tử thuần thành bằng cách noi gương tiền nhân, dấn thân hoằng pháp những thiện lành của Phật pháp nguyên ủy.

Cuốn sách lôi tuột tôi vào trường cảm xúc thường biến. Là người dẫn chuyện, kể chuyện, chẳng biết hữu ý hay không, chàng đã phổ tình, luận trí vào mỗi nhân vật, mỗi tình thế và cảnh huống, để rồi, ngoài đọc cuốn sách của chàng viết, người đọc còn được thêm một “siêu cuốn sách” về “siêu nhân vật” Hoàng Anh Sướng với thế giới niệm sinh của chàng. Tôi là một con chiên của Chúa nhưng tôi tin chàng được nhận ân sủng thông linh nên mới đốn ngộ một cách tự nhiên khi vừa chạm đến cửa Phật.

Thuở mới biết nhau, ngắm gương mặt Hoàng Anh Sướng, tôi dự cảm thấy ngời bao niềm vui. Tò mò ý nghĩa cái tên, thì ra chàng nhà báo trẻ viết bao thiên phóng sự dài kỳ trên tạp chí Thế Giới Mới, khiến tôi phải đặt báo lâu dài, là con cầu tự. Trước khi sinh chàng, cha mẹ đã sinh mấy cô con gái sắc hương song vẫn sầu bi vì khao khát mụn con trai nối nghiệp. Tin vào Phật, Thánh, ông bà thành tâm lên chùa dâng lời khấn nguyện. 

Lời thỉnh nguyện ứng nghiệm, vào một ngày đẹp năm Quý Sửu (1973), một hài nhi mang nét dáng của một nam đồng ra đời, chủ sự danh trà Trường Xuân cảm tạ trời Phật, vỗ ngực thống thiết hướng về phía sản phụ: “Ôi! Anh hạnh phúc quá, sung sướng quá”. Khai sinh người trai nối nghiệp, ông chủ sự tự nhiên viết hai chữ Anh Sướng, sau chữ Hoàng.

Sinh thời, bạn tôi, nhà thơ Trần Hòa Bình, dạy báo chí, thoáng gặp Hoàng Anh Sướng, chàng sinh viên sư phạm văn trong buổi giao lưu văn nghệ. Qua vài trao đổi, chẳng hiểu sao, nhà thơ nhìn thẳng vào mắt chàng, buông xanh rờn một câu: “Em nên chuyển sang nghề báo. Nếu không vườn hoa báo chí sẽ bớt đi nét tươi sắc, đa dạng vì mất đi một nhà báo tận tâm và tinh tế”. Tích tắc ấy, Hoàng Anh Sướng thấy bông hoa Sala tiềm ẩn trong mình bừng nở. Chàng níu áo nhà thơ dẫn tiến mình đến trường báo chí.

 

3. Buổi trưa một thu Việt Trì. Chuông cửa thong thả reo. Tôi mở cổng ngỡ ngàng trước chàng trai quá sáng, kính cận không gọng, áo cộc karo, quần kaki sáng màu, giày moca da nai nâu mịn, chiếc túi đeo lẻo hều như có như không bên hông. Lần đầu diện kiến, hai anh em ồn nức bao chuyện nghề. Chàng trầm giọng kể chuyến điền dã xứ Mường Thanh Sơn. Nào tục ngủ thăm diễm tình, hoang sơ nhưng tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường do sự tiến triển phức hợp của xã hội hiện đại. Nào chài ếm tình ái cổ xưa mà những thầy mo Mường với đôi mắt và khuôn mặt âm u, bí hiểm độc giữ những bí thuật bao đời dưới tán rừng đại ngàn không phải lúc nào cũng dám vượt qua lằn ranh tự nhiên để giúp những kẻ yêu “một đầu đòn gánh”… Lạ! Xứ Mường Thanh Sơn - nơi thầy mẹ đưa chúng tôi đến khẩn hoang, cuốc đất, xới cỏ tìm niềm vui cơm áo mấy mươi năm. Cũng viết văn, làm báo mà tôi hầu như chưa bao giờ viết thực sự về miền rừng ơn nghĩa ấy. Thì chàng - người em trai Hà Nội lại phúc phận, bén duyên không chỉ riêng xứ Mường mà cả trung châu Phú Thọ, hơn chục năm đã viết cả một seri phóng sự về miền Tổ Hùng Vương, dự in riêng tập sách dày mấy trăm trang.

Dù sống xa xứ Mường, cội rễ thuở thiếu thời vẫn níu tôi trở lại. Những câu chuyện chàng viết, tôi cũng biết, cũng tường nhưng sao tôi viết không nổi một chữ dù tôi đâu kém tha thiết như chàng. Mới hay, nghề chữ hoặc được gánh vác một phận sự nào đấy, không đơn giản cần cù hay thông tuệ là đạt được thành quả mà còn cần đến một chữ DUYÊN huyền bí. Chữ Duyên, đã bén vào chàng trai Hà Nội, riêng một góc này đã ngộ.

Điểm đến những nẻo đường thế giới, chàng đặt bước, tôi cũng từng qua, cũng từng ghi lại suy tư, cảm xúc của mình. Nhưng khi chạm vào điều chàng viết về những tọa độ đó, tôi bị hút vào dõi cảm, cũng như muôn thiên phóng sự thời trẻ trai của chàng, giờ đọc lại ý nghĩa sắc màu còn tươi nguyên. 

Một buổi tối Xuân Hà Nội, chàng cầm lái con Ford Everet ghi hồng, trench coat dạ tím than, khăn lụa buông vạt, xịch đỗ trước khách sạn ống khói Pullman Hà Nội. Tôi và người bạn Việt kiều theo chàng về Hiên trà Trường Xuân, dạo đó ngự mạn ở 13 Ngô Tất Tố, gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Dưới lá gồi điểm cỏ tranh, giữa tre trúc ghế bàn, trước mặt là ấm đất nung màu gan gà, chén sứ trắng Cảnh Đức Trấn, hỏa lò than hoa đang đỏ lửa, chàng nói về chiêu thức ướp trà sen, loại trà xưa chuyên dùng cho hàng vương tôn công tử. Nguồn trà liệu chẳng đâu xứng hơn Tân Cương Thái Nguyên, vốn khởi từ làng đồi bên ngã ba Bạch Hạc Việt Trì. Rồi chàng say sưa kể về cách thức chế tác Bạch Mao trà. Hái mỗi đọt non trên cùng toàn tuyết trắng trên những cây trà cổ thụ vài trăm năm tuổi xùm xòa rêu ông lão từ gốc tới ngọn, tựa vị sơn thần uy lẫm Hoàng Liên. Thứ trà thượng phẩm này được sao suốt bằng than gỗ gù hương, pha nước suối khởi sinh từ sườn đá granit, tụ lặng dưới vụng thác, đun sôi trong ống trúc tươi.

Tôi góp chuyện cùng chàng với thạch ốc trà từng kể trong một thiên tùy bút, rằng các nhà sư trung châu từng dụng những vỏ ốc sên núi cắt xoáy đáy rồi úp chụp vào mỗi mầm chè Bạch Hạc mới nhú, đợi chúng vươn ngọn ra khỏi vòng xoáy mới ngắt búp. Nướng từng vỏ ốc mang tâm trà xa than hồng một cách chậm rãi làm sao cho đến cữ vỏ ốc vụn bở thì búp trà cũng khô ron. Trà ấy pha với nước thân tre tươi bánh tẻ, cắt ngọn, vít cong, hứng chai thủy tinh qua đêm…

Nghiêm nghe nhưng tay chàng vẫn cẩn trọng sắp nắp từng trà cụ để trình diễn các thao tác pha trà chốn cung đình. Đặt kháo, rót nước sôi thau ấm, ngâm chén tống, chén quân, châm trà, mọi chuyển dịch của đôi bàn tay chàng như những động tác múa. Khoảnh khắc thiền định, hai tay bắt chéo trước ngực, thẳng ức, hai bàn tay dựng thẳng, ngón cái khép vào giữa bàn tay… Dường như chàng đang niệm cầu chư Phật, tổ tiên xin cho tĩnh an để thực diễn một buổi trà đạo cho cả mấy trăm người chứ không riêng hai ẩm khách.

Phong thái ấy của chàng, vẫn nguyên vẻ an lạc, tươi mát, thong dong, tự tại như những lần sau này ngài Nguyễn Phú Trọng vời chàng tiếp trà khách quốc tế, dù đó là Nhật hoàng, hoàng hậu hay ông Tập Cận Bình… Chàng đã đào luyện tới cảnh giới hay do có Phật pháp nâng đỡ nên mới vượt qua sức ép tâm lý, khoan thai nhẹ bước áo the khăn đóng, tay vụm búp sen nâng trà để thấy các đỉnh cao quyền lực, dưới đài sen cũng chỉ là chúng sinh.

 

4. Đọc chàng, là ngẫm tâm thế giao thoa giữa bản thể người và bản thể văn học lai pha báo chí. Chuỗi sự kiện tường trình cội rễ sự thật về con người được khoác “chiếc áo” phóng sự. Chàng chẳng tìm kiếm câu chữ lạ, giọng đẹp êm mà dẫn hướng tới giá trị tinh thần qua văn bản mang trước đến cho bản thân cũng như người đọc. Niềm tin tôn giáo, số phận, ý nghĩa đời sống, tinh thần con người sau thăng biến, luôn thường trực trăn trở tâm thế chàng, cũng chính là tâm điểm muôn điệu văn chương cổ kim đau đáu.

Mỗi lật trang là chuyển âm sang dương. Mờ nhòa và tường minh. Mờ nhòa nâng đỡ chàng hình dung liên hệ đến thế giới phi thực. Tường minh giúp chàng dẫn ta tới chân xác phi thực. Tôi ngờ rằng, muôn điệu “phóng sự” của chàng với kỹ thuật dệt thảm nghệ thuật đang là xu thế của dòng văn học phi hư cấu hiện tại dần chi phối các nền tảng văn học trong tương lai gần, khi con người vượt thoát khống chế bởi ngưỡng công nghệ. Dù hy vọng hay thất vọng trong hành trình tìm kiếm phép màu nhiệm ngoài không gian thì con người vẫn luôn cầu nguyện và trông đợi sự xuất hiện của Thượng đế, thông qua muôn mặt đời sống nhân quần.

Chàng viết như là trả món nợ truyền kiếp chứ không phải nhằm đến niềm vui phù hoa đạt tặng danh tước nhà báo giỏi, nhà văn tài. Tự chàng mang nguồn năng lượng thiên lương, thấu chiếu qua số phận con người bé mọn, trần trụi, phóng chiếu qua bàn phím bỗng trở nên biết hy vọng, biết thanh thản từ bỏ rối vướng, cồng kềnh bởi tham, sân, si. 

Chỉ người thực sự biết cách chế tác hạnh phúc và đã, đang nếm trải hạnh phúc mới đủ tư cách và khả năng nói về hạnh phúc với người khác. Hãy nghe chàng tâm sự: “Hãy bắt đầu bằng những buông bỏ. Buông bỏ những ham muốn khôn cùng, buông bỏ những giận hờn, đố kỵ, bon chen, buông bỏ những so sánh hơn thua với người, và buông bỏ luôn cả ý niệm của ta về hạnh phúc. Những ham muốn khôn cùng khiến tâm ta lúc nào cũng như nồi nước sôi sùng sục với biết bao toan tính. Chúng ta cứ nghĩ rằng, cần phải có thêm cái này, cái kia, mình mới có hạnh phúc thực sự. Nếu không, mình vẫn thấy thiếu, thấy thua người, thua đời, thấy chưa thực sự hạnh phúc. Bởi vậy, chính cái ý niệm về hạnh phúc đó lại là chướng ngại khiến chúng ta không có hạnh phúc thực sự. Hãy can đảm buông bỏ ý niệm đó thì hạnh phúc sẽ đến với chúng ta ngay tức thì”. 

Phải chăng Hoàng Anh Sướng đã tìm được bí mật của hạnh phúc nên từng đơn vị chữ đến chuỗi tổ hợp ý đoạn đều khiến tôi ngợp cảm trước năng lượng trội bật, áp đảo, chi phối mình, y như rờ rẫm lội ngang dòng nước lũ. Phận người sáng tối giằng co giữa hai thế giới, tại thế hay hỏa thiêu tiêu biến xác phàm, bản thể dạng nào cũng vật vã tìm kiếm sự thanh thản, bình yên. 

Phải chăng, chàng buông bỏ cái tôi, quăng mình vào vị thế của đồng loại nghịch cảnh, đồng loại u mê, tâm tình kể các câu chuyện cuộc đời tận thấy bằng lắng nghe giao hòa rung cảm từng nhịp trái tim. Ôm ấp những nỗi đau của thiên hạ như nỗi đau của mình. 

 

5. Chiều đông muộn. Tôi vẩn vơ đợi chàng đầu ngõ mà sốt mến thì điện thoại reo. Chàng bảo: “Em đang đứng trước cửa nhà anh”. Người đón một đường, khách đến nẻo khác vậy mà vẫn chung đích. Nhưng không phải đích nào cũng đứng trên một mặt bằng. Hai mươi năm, bốn lần chúng tôi trực diện, vậy mà trong tôi còn ngổn ngang như mới chia tay chàng hôm qua dưới nắng Châu Phong.

Vẫn phục trang tinh tế không mảy gợn lạc nhịp. Vẫn sắc diện tươi mát, an nhiên, từ tốn mà nét rắn rỏi, phong thái tự tin của phương Tây thêm đầy. Tháp tùng chàng, một thiếu phụ trầm đằm tone đen thời trang. Lại một trường hợp tìm đến chàng trao gửi nỗi niềm phận số đặng nhẹ vơi nỗi lòng. Chẳng nề vướng bận, chàng mời thiếu phụ cùng quán tưởng trong lúc du hành. Chưa một lần lấy danh nghĩa cá nhân khuyên nhủ ai, chàng chỉ làm một việc giản dị là chăm chú lắng nghe nỗi khổ niềm đau với lòng từ bi rồi chỉ bày cho họ cách quán chiếu sâu để tìm căn nguyên của nỗi khổ, từ đó đưa ra các phương pháp để họ tự trị liệu, chuyển hóa.  

Nửa đời người nguyên tân xuân phận trai, chẳng ai ngờ ngay từ tuổi 16, Hoàng Anh Sướng đã từng tư vấn tình yêu cho những anh chị ngoại 30. Chẳng hiểu cậu nói gì mà nhiều người nên vợ nên chồng, con cháu đề huề, bây giờ vẫn thường nhắc tên chàng xiết quý thương. Hơn một lần, chàng tự thú với tôi, rằng đâu tư vấn gì cao siêu mà chỉ thành tín trút cạn những gì mình cảm nhận trước mỗi nhịp đập trái tim lỡ nhịp, lệch pha.

“Hơn 4000 chỗ ngồi trong nhà thờ đã không còn một chỗ trống. Nhiều người đến muộn đã phải ngồi bệt xuống thềm. Trên vòm giáo đường tượng Chúa Giê-su giang tay cứu thế lồng lộng, bên dưới, thiền sư Thích Nhất Hạnh của Việt Nam nhỏ bé, mảnh khảnh trong bộ nâu sồng nói về đạo Phật với giọng điệu nhẹ nhàng, thong dong”. Vâng! Chuỗi hình ảnh chàng tái hiện về người thầy tinh thần Thích Nhất Hạnh dưới vòng tay Chúa trong chuyến công du thuyết giảng xuyên nước Mỹ, khiến tôi liên tưởng đến những buổi ra mắt sách “Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu” hay những buổi chia sẻ về Thiền Trà của chàng. Cũng một sắc vẻ, cũng một điệp thanh âm.

“Suốt mấy chục năm, đời sống tâm linh người Việt bị bỏ đói. Con người khác với loài vật chính là phần tâm linh và tôn giáo là nơi cung cấp nguồn năng lượng linh thiêng ấy”. Than van hay là chàng cảnh báo?

Trước khi biết đến Đạo tràng làng Mai, chàng đã là Phật tử. Phật tử từ lúc hoài thai. Phật tử ngay khoảnh khắc người cha cất lời cầu nguyện trước Phật. Nếu không gặp Phật pháp thì hẳn chàng sẽ là con chiên của Chúa hay là tín đồ một tôn giáo nào đó hóa giải tinh thần nỗi nghiệt ngã làm người ở trần thế.  

Cùng hát con cò bay lả luyến lan tiếng Việt, cùng nhặm nhòi cà muối sạm sụa mặt, lăn lộn tương bần rau muống như tôi và chúng sinh nhưng chàng luôn tươi tràn năng lượng tử tế. Khác biệt, chàng luôn có thứ để tặng, để biếu, để sẻ chia cho mọi người. Còn tôi phấp phỏng lo toan, chưa dứt nổi mưu cầu dù là con chiên của Chúa sáng láng điều răn, lúc nào cũng thấy thiếu dù cũng tham chiếu ngẫm ngợi Phật pháp như chàng…

 Hoàng Anh Sướng đến thế giới này làm em của tôi, em của các anh, các chị, cháu của các ông, các bà, làm anh lớn, làm chú, bác của các cháu thiếu niên, nhi đồng. Chắc hẳn thân thể chàng cũng chỉ là xác phàm, hè qua đông tới nếp nhăn sẽ khắc tuổi già. Nhưng tôi đã và sẽ mãi gọi Hoàng Anh Sướng là chàng - chàng trai Việt, nhà báo, nhà văn, truyền nhân đời thứ 6 danh trà Trường Xuân, Phật tử Tâm Hiểu Thương. 

Sao chàng “si” Phật pháp đến ích kỷ và tàn nhẫn với bản thân đến vậy?  Vong thân một tiếng kêu lạnh nhưng chàng cười, nụ cười liêu trai trước tôi. 

Cuốn sách đời mới lật nửa chừng, bằng sự dấn thân và nêu gương chia sẻ, chàng tạo ra những không gian mà con người có thể tự tìm kiếm hạnh phúc và yên bình nhờ đối sánh rồi buông bỏ. Chàng buông bỏ cái tôi riêng để “tham” cái muôn chung. Chàng hạnh phúc trong khổ nhọc.

Tàn ấm trà Tà Xùa loang mây ngàn lòng chén sứ tráng bạc, bóng đêm sơ Đông chưa khuya hắt sáng vòm trời sao trung châu. Cánh tay trần không chuyển động trên ống tay áo pull nhưng tôi vẫn thấy chàng như vừa vén vạt áo ngũ thân. Khói trà bảng lảng chẳng phủ mờ nét rạng.

Không chọn villa sang chảnh tíu tít vợ con, không lựa chân trời mây trắng, choàng cà sa thêu chỉ vàng lánh đời. Chàng thực diễn Phât pháp dù có rối chân bước lối mây giữa đường trần gai sắc. Kiếp nhân sinh như chén trà rót sớm mai, chưa kịp nguội đã phai hương buổi chiều. Mấy ai đã ngộ? Và dẫu có ngộ thì mấy ai dám buông bỏ phù hoa giữa đời được như chàng?

Thắp ngọn nến thơm trong đêm dài, tôi hay bạn sẽ lựa chọn điều gì lúc này khi đọc cuốn Những phóng sự chọn lọc - hành trình hai mươi năm ghi dấu lao lực của chàng hay là đối thoại, khám phá đời sống tâm linh cùng chàng cư sĩ Việt không tuổi?

 

                                                      Việt Trì tháng 11 năm 2021.

                                                                            N.T.T.K

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook