CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Chân dung

KIM NGỌC - CHA ĐẺ KHOÁN 10 (KỲ VI)

Thứ sáu ngày 18 tháng 5 năm 2012 1:25 PM
Tiếp theo KỲ V và hết

5. Nhà văn Ngô Ngọc Bội và Nguyễn Hữu Nhàn là những người gắn bó với nông dân, đặc biệt là nông dân Vĩnh Phú xưa. Mỗi khi tôi có dịp nhắc đến Kim Ngọc các ông ngậm ngùi ngồi lặng hồi cố những chuyện mình đã chứng.

Tác phẩm của hai ông đều phản ánh đời sống nông dân. Họ có hơn một lý do để yêu quí Kim Ngọc và lý do chia sẻ những trăn trở, day dứt của Kim Ngọc.

Nhưng còn có lý do ngoài lề trong cách hành xử của người đứng đầu địa phương Kim Ngọc với những người làm công tác văn hóa văn nghệ cũng là một ràng buộc tình cảm để cho các ông kính phục người Bí thư Tỉnh ủy nổi tiếng.

Năm 1968, Ngô Ngọc Bội chuyển về báo Văn Nghệ cũng là năm Kim Ngọc nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú. Khoảng hai năm sau Ngô Ngọc Bội được lệnh tòa soạn về Vĩnh Phú viết tuyên truyền HTX làm ăn giỏi…

Tài liệu ghi chép xong, đã được chủ nhiệm, chủ tịch, bí thư xã dẫn đi quành lên lộn xuống khắp các đồi trên ruộng dưới thực tế, hơn mười giờ trưa mùa hè, nhà văn họ Ngô ngồi cới trần giữa trụ sở HTX vắng teo bóc khoai lang ăn chậm chuội và hí hoáy mấy chữ mở đầu bài ký tìm cảm hứng.

Bỗng sau lưng mát hây hẩy, nhà văn quay lại thì thấy Bí thư Kim Ngọc, áo trắng cộc tay, quân ka-ki xám chân dép nhựa, nhưng còn bùn tươi hay còn lấm gót rửa chưa hết.

Nhà văn ấp úng đứng dậy chào, ngỡ ngàng hơn là vì ngại, vơ vội áo, cài lệch cả khuy. Kim Ngọc làm hiệu đứng im mủm mỉm, liền đưa tay chỉnh hộ.

- Cảm hứng dạt dào lắm à, nhà văn..

- Dạ…có thể nói đây là thành trì của CNXH của miền Bắc XHCN…

- Nhà văn thuộc lòng các khẩu hiệu còn gì... Trưa nay trong bữa ăn ta sẽ bàn đến điều nhà văn định viết nhé.

Tới bữa, người ta bố trí nhà văn sơ tán dùng cơm chỗ khác, tât nhiên cũng rượu thịt ê hề, còn trụ sở Ủy ban xã thì để bày cỗ tiếp riêng Bí thư và đoàn công tác. Sự vụ đã được điều chỉnh tức thì khi Bí thư lên tiếng hỏi về nhà văn Ngô Ngọc Bội.

Kim Ngọc tạ lỗi thay cấp dưới bằng một chén rượu đưa ngang trán uống trước nhà văn. Trầm ngâm, ông úp chén, nhíu mày:

- Ngày xưa tôi đi ở cho Đỗ Đình Đạo - Địa chủ thì bóc lột thật, nhưng nhiều điều ở họ thì cũng thuộc về chúng ta - người Việt với giá trị văn hóa lưu truyền bền vững: Ấy là trọng hiền sỹ, trọng người tài, người làm ra chữ. Giữ nguyên tắc không làm nhục người có chữ. Chúng ta chừng nào còn chưa trọng chữ thì không thể có CNXH…

 Tháng tháng đón cô đầu về hát ở Tam Lộng, ông ta phải phái hai cỗ xe đi hai nơi: ga Hương Canh và ga Vĩnh Yên. Đề phòng các ca nương, các cung văn mải vui, hứng lên có thể quá lên Vĩnh Yên hoặc xuống Hương Canh cũng không lỡ hẹn. Ngoài tiền thù lao đã bao trọn tính trước, nhưng trong khi vào cuộc hát, gặp câu hay, ông ta thưởng nóng cả chục đồng bạc Đông Dương ngay trên chiếu. Mà các lão biết đấy, mỗi tháng tiền công tớ chưa được nổi đồng bạc…

Kết thúc bữa ăn, Kim Ngọc ngồi lại với Ngô Ngọc Bội.

- Thế nhà văn định viết điều gì ở đây…Có bí mật không, lão kể cho tớ nghe qua….

Ngô Ngọc Bội kể lể một thôi những ý tưởng rạo rực, phấn kích. Nghe xong Kim Ngọc ngồi lặng một lúc lâu mới  thận trọng:

- Thì tôi bàn thêm chỉ có tính chất cho nhà văn tham khảo nhé. Mô hình đây mới đang thủ nghiệm thôi, chúng ta dốc dồn tất cả những tốt nhất trong cả tỉnh về đây ưu tiên cho địa bàn này. Từ cán bộ, chính sách, vật tư, phương tiện. Mười bát úp một thì làm gì không đầy không hay…Nếu lão viết thì viết sao cho kheo khéo nhé, không khéo lại xúi người thò tay không bắt rắn…

Ngô Ngọc Bội ngần ngừ nghĩ suy hồi lâu mới tỉnh ra và quyết định gác bài ký lại về tòa soạn tay không.

Riêng Nguyễn Hữu Nhàn, mỗi khi nhắc đến Kim Ngọc, nhà văn bao giờ cũng e hèm em hèm lấy đà, mắt như mở to hơn vì sự kinh ngạc, thán phục. Ông kể:

- Hồi đó tớ làm chân thường trực biên tập ở Hội VHNT Vĩnh Phú. Cơ quan Hội ở liền kề với Tòa án tỉnh và Viện Kiểm sát Tỉnh. Anh em hành nghề tư pháp vốn đứng đắn nghiêm túc nổi tiếng và cũng nổi tiếng khô khan cứng nhắc.

Một bên thì giờ đến giờ về sít sịt chênh không quá mười phút. Một bên thì đầu bù tóc rối, thức khuya dậy sớm. Đang đêm hứng lên đập niêu gõ chậu, búng đàn ghi-ta điện hát hò nhảy nhót với nhau. Đèn đuốc choang choang.

Chuyện đó được phản ánh hàng ngày lên cấp trên, cuối cùng tới tai Kim Ngọc. Nghe báo cáo Kim Ngọc chỉ gật gù, mà không nói gì. Người báo cáo nói xong đứng im chờ ý kiến Bí thư hồi lâu mà vẫn chỉ thấy ông lui cui sắp đặt tài liệu, bèn suốt ruột hỏi:

- Thưa đồng chí nên kỷ luật bọn Văn nghệ thế nào đây ạ?

- A…a cậu nói bọn là bọn nào? Chỉ có giặc mới gọi là bọn thôi.  Anh em Văn nghệ ăn đói mặc rét thế mà người ta còn hò còn hát được. Cậu mà như thế liệu có há nổi miệng ra không. Đó là đặc trưng nghề nghiệp của họ. Chúng ta đã nghèo không lo cho họ cho tử tế, kỷ luật mấy người đấy thì lấy  ai vẽ tranh áp phích, làm thơ viết văn,  hát hò động viên phong trào đây?

- Nhưng đấy chỉ là chuyện nhỏ - Nguyễn Hữu Nhàn dim mắt rùng mình như vẫn còn đang thấy chuyễn cũ ùa về ám ảnh - Vì là Hội VHNT mới thành lập, nhưng lại thu hút được sự ủng hộ của toàn bộ giới Văn nghệ ở Trung ương. Bởi nhiều lẽ : vì hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú hoạt động sâu rộng cả bề nổi và bề sâu; vì vùng Hạ Hòa ngày xưa là an toàn khu của Hội Văn Nghệ kháng chiến nên anh em văn nghệ sĩ tên tuổi trung ương và vùng miền khác qua lại thường xuyên…

 Nguyễn Hữu Nhàn chặc lưỡi - Mà cái giống Văn nghệ giỏi thực sự, thì họ đa số lại rất nhân cách, giữ gìn ý tứ từ lời ăn tiếng nói, tránh không làm phiền đến bất cứ ai. Nhưng có phải cứ hễ ai xưng danh văn nghệ sĩ là cũng giỏi giang và cốt cách cao thanh tất tật đâu.

Tôi vì nhà xa nên phải túc trực thường xuyên ở cơ quan. Việc tiếp khách nghiễm nhiên là phải gánh. Tiếp hai hôm bằng tiền cơ quan thì năm hôm phải ứng tiền túi. Tiếp khách hồi đó, ngay cả cơ quan cũng quan niệm, khách văn chương thì phải nhất thiết có chai cuốc lủi hay chai rượu Hương Hoa, (sản phẩm của nhà máy đường Việt Trì nổi tiếng cả nước thời đó). Thức nhắm chỉ lạc rang đậu phụ, cá mắm khô, lòng lợn, lòng bò bán ế ngoài cửa hàng thực phẩm mà thôi.

Và, đã hai lần tôi bị dính vạ nghệ sĩ.

Lần thứ nhất là nhà thơ V.T, một người chuyên làm thơ về đề tài công nhân. Mà Việt Trì là một trung tâm công nghiệp quan trọng nhất nhì lúc đó, công nhân cần được tôn vinh, đề cao để anh em dồn sức cho sản xuất. Tôi được lệnh chủ tịch Hội là phải tiếp cho trọng thị để ngày mai đưa V.T đi thực tế ở nhà máy Hóa chất, nhà máy Điện.

Hôm đó tôi tiếp thịnh tình, V.T có vẻ hơi say, đòi hút thuốc lá. Mặc dù đã khuya tôi vẫn phải chạy đi mua thuốc lá chịu ở quán ngoài quốc lộ 2 cách cơ quan hơn cây số, để anh ta ở nhà một mình.

Không ngờ, khi cầm bao thuốc lá về đến cổng cơ quan, không hiểu có chuyện gì xảy ra. Tiếng V.T đang ngồi vắt chân trên ghế đẩu, chõ sang hai cơ quan láng giềng chửi bới oang oang. Nhà thơ ta chửi nào là bọn hãnh tiến thích làm lãnh đạo khốn nạn, nào là bọn mặt sắt đen sì. Bọn cơ hội chính trị vv và vv..

Thậm chí anh ta còn xuyên tạc một số chính sách mới được ban hành lúc đó. Tôi quăng vội bao thuốc vào người anh ta, rồi lại bịt ngay miệng anh ta lại. Nhưng đang cơn nồng máu V.T ngoặm luôn cho tôi một miếng vào bàn tay.

 Nguyễn Hữu Nhàn cong cong ngón tay giờ lên trước mặt nhăn nhó như hãy còn đang đau đớn.

- Tức thì V.T quay lại chửi luôn cả tôi là loại nịnh bợ, liếm giày liếm ghế để ngoi lên đầu anh em văn nghệ Vĩnh Phú hiền lành chất phác. Phía cơ quan láng giềng lao xao, lố nhố bóng người. Có người cầm gậy, có người cầm dây thừng.

Điện thoại lại nối đến Bí thư Kim Ngọc. Người ta báo cáo có tên văn nghệ sỹ tóc dài chống Đảng, chống Nhà nước công khai thách thức chính thể. Ông hỏi sơ qua tình hình, rồi nhỏ nhẹ trả lời:

- Không phải ai nói lại ngược đường lối cũng là phản động. Sang bảo với Hội văn nghệ kéo người say đó vào nhà bôi vôi vào gan bàn chân, đổ nước lá dong cho đẫy vào.

Nhà văn già thở hổn hển lau mồ hôi trán, khụt khịt mũi.

- Trận thứ hai do nhà văn H.T gây ra cũng bi hài không kém. Nhà văn H.T mất cách đây mươi năm. Tai nạn cũng do rượu gây ra. Hôm đó cơ quan Văn nghệ có ba bốn anh em ở nhà. H.T xuống xe khách lúc sẩm tối. Rửa tay qua loa xong là đòi đi RTC. Chúng tôi đành phải chiều. Không ngờ anh em mới đầu còn ý tứ, nhưng sau rượu mềm môi, thức nhắm tốt thế là chẳng ai giữ được nữa. Tít cung thang cả làng. No say ra về, cả bọn đi bộ, kéo nhau ngược dốc Sở Điện lực bây giờ. H.T dừng bước, xua tay ra hiệu mình cần đi nhẹ.

Chúng tôi về đến nhà ngồi ê đít mà không thấy H.T đâu cả. Quay lại tìm hò, gọi ầm ĩ mà không thấy tăm hơi H.T. Tôi chạy ra cả quán cầy tơ, chủ quán chỉ nhún vai lắc đầu. Chúng tôi chia nhau cầm gậy đi chọc các bụi cây ven đường, các hàng rao tre bổ tư đan mắt cáo phủ kín dây trinh nữ bùng lên từng quầng bụi đỏ, cũng không hé lộ manh mối gì.

Không ai dám ngủ, mà cũng không dám báo công an. Gà  gật đợi sáng, thì lúc ấy phía cơ  quan láng giềng hô hoán có kẻ trộm ăn cắp gà. Họ đã bắt được kẻ trộm. Và kẻ trộm lại xưng là nhà văn. Láng giềng mời chúng tôi sang chứng kiến lập biên bản.

H.T đang run rẩy, mặt bạc phếch, quần áo dính toàn phân gà, lông gà, rơm nát… Người ta bắt gặp H.T nằm cuộn khoanh trong chuồng gà khi đi nhặt trứng để chuẩn bị bữa bột cho trẻ con sáng mai. Chúng tôi chỉ còn nước xin lỗi. Cho đến bây giờ, tôi không hiểu bằng cách nào mà H.T lại xông vào chuồng gà khu tập thể có ba bốn con chó dữ mà không gây nên tiếng động nào. Người say rượu quả là có khả năng lạ kỳ.

Sự kiện lại đến tai Bí thư Kim Ngọc vào sáng hôm sau. Phía láng giềng lần này yêu cầu phải trừng phạt thỏa đáng. Kẻ trộm đã tóm sống tại hiện trường, không còn oong đơ chày cối cãi lý hoặc dựa dẫm cấp trên nữa. Bí thư Kim Ngọc nghe chuyện chỉ cười ý nhị:

- Hừ, nhiều khi đi cơ sở, anh em nó ép mình uống, lái xe nó cũng cao hứng uống theo dăm chém. Không ít lần nó lao xe cả xuống ruộng lúa của dân…

Người đến đòi xử lý triệt để thấy Bí thư tế nhị kể chuyện mình say thế này say thế kia. Nếu xử lý nhà văn H.T thì có khác gì xử lý Bí thư nên đành chịu. Nhưng tôi biết Kim Ngọc nói vậy là để gián tiếp bênh anh em Văn nghệ…

Sờ cái cằm lởm chởm râu bạc, ườn người trên chiếc sô-pha giả da, ông nhà văn già hình như lại có chuyện nữa về Bí thư Kim Ngọc:

- Chắc chắn, những năm 70 của thế kỷ trước, nếu không có sự nhận thức vượt tầm, và nhiệt tình ủng hộ của Kim Ngọc, thì không thể thành lập được Hội VHNT Vĩnh Phú. Chính Kim Ngọc đã chỉ định ông Trần Quốc Phi (theo bà Lê Thị Liên- phu nhân Kim Ngọc, là một trong những người được ông quí trọng, thân thiết). Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên - Giáo kiêm chức chủ tịch Hội VHNT để sâu sát và đỡ đần anh em Văn nghệ. Chỉ sau một năm thành lập, Hội VHNT Vĩnh Phú đã có tiếng vì chất lượng sáng tác và qui mô hoạt động. Bản thân Chủ tịch Hội VHNT Trần Quốc Phi cũng tham gia sáng tác tích cực. Vở kịch dài “Trận thắng trong làng “của Trần Quốc Phi được đoàn kịch Hải Phòng dàn dựng, công diễn trong một thời gian dài. Một không khí đồng thuận cởi mởi giữa cơ quan quản lý tư tưởng đường lối và anh em văn nghệ sỹ…  

Dạo đó tỉnh nào cũng có phong trào thi đua mời những nhạc sĩ danh tiếng về thực tế ở địa phương mình, sau đó sẽ sáng tác giúp một vài ca khúc ngợi ca. Bí thư Kim Ngọc đã chỉ thị phải mời nhạc sĩ N.V.T về tỉnh. Chúng tôi tiếp nhạc sĩ một bữa bên Hội VHNT sau đó đưa ông sang tỉnh để chờ gặp gỡ giao lưu.

Chẳng may, bữa đó cả Kim Ngọc lẫn Trần Quốc Phi đều đi họp ở Hà Nội. Anh em cán bộ văn phòng bên đó cứ chiếu theo tiêu chuẩn, báo suất ăn ba hào: cơm độn mỳ khê khét đổ trong chậu sắt tráng men, rau muống luộc, chấm xì-dầu chua, đậu phụ kho muối trắng, ớt xanh. Lại để nhạc sĩ một mình một mâm cơm tận góc nhà tối om. Ông sầm mặt đứng dậy bỏ ra ngoài phố mua bánh rán và trứng vịt luộc.

Trong khi đó các tỉnh khác để có được nhạc N.V.T để mắt tới thì com-măng-ca đít tròn đón, Volga đen đưa về, mổ trâu, mổ bò linh đình, có các cháu thiếu nhi sắp hàng chiêng trống rình rang rước tiếp.

Cảm thấy bị xúc phạm, nhạc sĩ N.V.T khăn gói ba-lô đã bỏ ngay về Hà Nội trong ngày hôm đó. Người cán bộ hành chính lơi lả giữ khách:

- Ấy làm sao mà đồng chí bỏ về sớm thế. Đã sáng tác được bài hát nào đâu?

- Với ba hào cơm mà các đồng chí đòi có bài hát của tôi kia à?

Ra khỏi cổng, ông ngoảnh lại nói vóng.

- Báo cơm ba hào thì ba mươi năm nữa tôi cũng không quay lại đất này.

Và quả nhiên, từ đó nhạc sỹ N.V.T không bao giờ về Vĩnh Phú nữa, dù có bao nhiêu hứa hẹn.

Ông Kim Ngọc đi họp về biết chuyện, ngồi lặng. Tưởng Kim Ngọc giận nhạc sĩ, ai đó trong văn phòng chêm chuyện:

- Tưởng văn nghệ sĩ thanh cao, hóa ra cũng tục ăn. Báo nghìn rưỡi chắc là là có bài hát rồi…

- Đúng đấy, nếu như các anh báo ăn nghìn rưỡi thì đã có bài hát của N.V.T nghe rồi. Nhưng ở đây không phải là người ta tham ăn tục uống đâu. Người ta giận vì thái độ không trọng thị người ta, không đánh giá đúng đặc thù công việc của người ta. Đón tiếp nghệ sĩ tài danh mà các anh đón tiếp như tá điền mùa giáp hạt…Mình đã không phải với người ta, đừng vội đổ tiếng xấu …

Sau sự vụ đó, Bí thư Kim Ngọc chỉ thị,  hễ có đoàn khách là văn nghệ sĩ nào về thăm hoặc thực tế sáng tác thì đều phải được quan tâm đúng mực, lịch sự.

- Anh em Văn nghệ về với tỉnh, không phải là để tìm miếng chín của chúng ta. Nhưng không vì thế mà chúng ta sơ lược trong mối quan hệ với anh em. Khi anh em kết thúc đợt công tác, thì mỗi người nên có một chút sản vật cây nhà lá vườn ở Vĩnh Phú làm quà cho họ. Chè, măng khô, hoặc hồng hạc, nếu đang mùa…

Đã nhiều lần đi công tác qua ghé vào Văn phòng Hội, Kim Ngọc muốn nghe những ý kiến phản hồi chân thực từ anh em văn nghệ, nhưng tiếc thay, chúng tôi hồi ấy cũng chẳng mấy ai hiểu ông, nên đã quá giữ gìn.

Với họa sĩ T.Đ.N, bí thư Kim Ngọc là người sâu sắc đến từng chi tiết của nhà chiến lược và cũng là người thấu lý đạt tình.

Họa sĩ kể rằng, năm 1975, anh em cán bộ Sở Thông Tin dựng lễ Đài mừng chiến thắng tại thành phố Việt Trì hoành tráng. Còn 24 tiếng nữa là tiến hành mít-tinh, Bí thư Kim Ngọc đi kiểm tra tổng duyệt lần cuối. Và ông đã chỉ ra những cái bất hợp lý của cái lễ đài uy nghi kia:

- Một là lễ đài quay lưng ra đường quốc lộ, ở cái thế không đẹp mắt, vừa bất tiện, vừa bị động. Tốt đẹp phải phô ra. Đằng này tốt đẹp lại đậy kín thì còn ra làm sao. Phải đưa lễ đài vào phía bên kia sân vận động, nhìn ra đường mới thực sự hợp lý. Hai là băng cờ khẩu hiểu hầu hết bằng giấy cắt dán, qua đêm gặp mưa hoặc sương đậm, đang tiến hành nghi lễ, các chi tiết bong rơi mất thì làm thế nào?

Ai nấy đều tá hỏa nhận ra sai lầm chết người. Sự cố được khắc phục ngay. Nhưng sau đó nảy sinh ra chuyện là có một vài họa sĩ mới được bổ sung công tác từ Hà Nội đòi tiền nhuận bút sáng tác tranh cổ động và lễ đài mít-tính. Ngày đó, các họa sĩ ở địa phương đang công tác trong cơ quan nhà nước, mặc nhiên không bao giờ được lĩnh nhuận bút dù có vẽ bao nhiêu tranh, kẻ bao nhiêu khẩu hiệu. Người ta quan niệm là họ đã ăn lương Nhà nước rồi.

Sự việc đùn đẩy đến T.Đ.N, buộc lòng họa sĩ phải đứng ra đòi quyền lợi cho anh em. Nhưng cũng chẳng đến đâu, việc lại đến Bí thư Kim Ngọc.

Trước Bí thư Kim Ngọc,  T.Đ.N nóng nảy:

- Trả nhuận bút cho các họa sĩ đã có Nghị định của Chính phủ. Các thày tu La Mã không những trả nhuận bút cho các họa sĩ mà còn bao cấp cho họ cả đời để sáng tác, không lẽ một tỉnh giàu đẹp lại quỵt tiền chất xám của các của họ…

Mấy cán bộ thấy T.Đ.N tức giận, lẩm bẩm: “Phải đuổi cổ ngay thằng cha họa sĩ tóc dài không biết sợ lãnh đạo này ra!”

Nhưng Bí thư Kim Ngọc điềm tĩnh kéo ghế mời họa sĩ T.Đ.N ngồi, tự tay pha nước chè, bóc thuốc lá, mở hộp bánh qui Hương Thảo. Đợi anh ta bớt nóng, ông mới từ tốn:

- Thay mặt lãnh đạo, tôi xin nhận khuyết điểm với anh em hoạ sĩ. Để anh em phải đòi tiền thế này thì quả là không hay cho một tỉnh.

Theo chỉ thị của Kim Ngọc, người ta đã phải trả nhuận bút cho các hoạ sỹ vẽ pa-nô, áp–phích nhưng không phải bằng tiền mặt, mà bằng quạt tai voi Liên- Xô, phích Trung- Quốc, vải ni-lon….

6. Thay lời kết

Có lẽ trong lịch sử xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, hiện tượng Kim Ngọc đã, đang và sẽ còn được các nhà khoa học chính trị, các nghiên cứu hoạch  định chính sách kinh tế phải đề cập đến những vấn đề vận dụng giữa thực tiễn và lý thuyết mà Kim Ngọc đặt ra.

Những nhà đề ra cải cách, canh tân đất nước trăm năm trước, luận thuyết của họ chỉ thấy ở trên giấy trong các bản tấu chương im lìm nơi thư khố triều đình. Còn với Kim Ngọc luận thuyết của ông được áp ngay vào thực tiễn và đã nở hoa ngay trong đời sống nhân quần. Sự trắc trở công cuộc cải cách ấy chỉ gián đoạn nhất thời rồi bùng lên đột phá như sức trai Phù Đổng mang lại sinh lực thần kỳ không những cho toàn bộ nền kinh tế đất nước mà cả tinh thần dân tộc vượt qua khủng hoảng và phát triển vững chắc, ổn định.

Cái hạnh phúc của Kim Ngọc, là ngay khi lúc ông còn sống, đã biết chắc rằng lý thuyết của mình cùng các cộng sự  sẽ được nghiệm sinh một ngày không xa.

Tôi bỗng nhớ tới câu nói của nhà triết học Trần Đức Thảo, người sinh cùng năm với Kim Ngọc( 1917)::

"Khi tự đối diện với chính mình ý thức đòi hỏi cái Thiện trong hành động, cái Chân trong tri - thức và cái Mĩ trong sự hoàn thành các quá trình nghiệm sinh, qua đó ý - thức biến thế giới tự nhiên thành một nhân giới, xứng đáng với con người " (Trần Đức Thảo - Một hành trình - 1996).

Trong chừng mực nào đó, số phận Trần Đức Thảo cũng hao hao số phận Kim Ngọc.


Hôm trở lại, tôi nhờ ông Kim Nam hiệu đính bản thảo. Ngớt chuyện bỗng ông Kim Nam đứng dậy nheo mắt hướng về vầng mặt trời mùa đông còn ẩn mờ trong mây sớm, nhấn thêm rằng: Lịch sử đã chọn Kim Ngọc vào thời điểm ấy, để thực hiện những nhiệm vụ của nó. Nếu không có một Kim Ngọc này thì sẽ có một Kim Ngọc khác lên tiếng. Một mình Kim Ngọc thì cũng không thể có được sự phát hiện lớn lao ấy. Bởi đằng sau ông là cả truyền thống văn minh nông nghiệp lúa nước mấy nghìn năm và đội ngũ đông đảo, đồng chí, bạn bè, trợ lý giúp việc chân thành, đắc lực. Tất cả họ cũng đều một tâm nguyện như Kim Ngọc, những mong dân giàu nước mạnh.

Hình như ông Kim Nam vẫn đang nói về bố ông là người luôn tin ở các con, và dạy dỗ các con bằng chính sự nêu gương đến khắc khổ của bản thân. Ông là một cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, mỗi lời nói, hành động ở vị thế của ông đều ảnh hưởng đến lợi ích tinh thần của nhiều người, trong tầm mức quốc gia. Ngoài tinh thần trách nhiệm, sự dũng cảm dám nói lên chân lý, Kim Ngọc đã hoàn toàn ý thức được điều mình hành động và tuyệt đối tin tưởng vào sự sáng suốt của lịch sử.

Giờ thì tôi ngồi bên ngôi nhà mới của ông Kim Ngọc đang lắp ráp rui mè, chuẩn bị ngói lợp. Loại ngói, ép nung bằng công nghệ cao, dẫu xe trâu nông dân chở lúa chèn qua cũng không vỡ dập. Có tiếng kim loại xiết trên mặt gạch lổn nhổn sạn cát. Người thợ xây đang kéo chiếc chậu tắm bằng thùng xăng máy bay Mỹ để trộn vữa trát tường. Ông Kim Nam định kêu lên ngăn lại. Nhưng người thợ cũng vừa đổ ụp nửa bao xi-măng vào chiếc chậu dị hình làm cho bụi cát bốc lên mù mịt.

N.T.T.K

Hết

Chia sẻ trên Facebook