CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Chân dung

PHAN HOÀNG - CHỊU TRÁCH NHIỆM DÀI LÂU VỀ TRANG VIẾT CỦA MÌNH

Thứ ba ngày 24 tháng 3 năm 2020 12:00 AM

Tập MIỀN LƯU DẤU VĂN NHÂN- gồm 30 gương mặt văn nghệ Việt Nam hiện đại của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế xuất bản 2013 nhận được nhiều ưu ái của người trong cuộc và bạn đọc, bởi cách thể hiện nhân vật trong trường 3D- đặc sắc, một chỉ dấu “đặc sản” văn chương và bút pháp Nguyễn Tham Thiện Kế. Ông trở lại thể loại chân dung văn học lần này với chiều thức mới: Phỏng vấn. Đó là những cuộc chuyện trực tiếp với các nhân vật để họ tự bộc lộ “chân dung” mình tự nhiên, chân xác nhất. Trang nico-paris.com xin trân trọng giới thiệu một số cuộc trao đổi mà Nguyễn Tham Thiện Kế đăng tải ở Tạp chí Nhà văn và Tác Phẩm, chuyên san Tinh Hoa Việt của báo Đại Đoàn Kết…Vanvn.vn...

Nhà thơ Phan Hoàng sinh ngày 10.10.1967 tại tỉnh Phú Yên, tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ học Trường đại học Tổng hợp TP.HCM, từng làm phóng viên – biên tập viên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, Chủ biên tờ Người Đương Thời (sau đổi tên là Người Đương Thời).

Ngoài công việc chính làm báo Văn Nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Phan Hoàng hiện còn là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM.


Tác phẩm đã xuất bản:

– Tượng tình (thơ 1995)
– Hộp đen báo bão (thơ 2002)
– Chất vấn thói quen (thơ 2012, tái bản 2015)
– Bước gió truyền kỳ (trường ca 2016)
– Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam (3 tập 1997-2000, tái bản 4 lần)
– Phỏng vấn Người Sài Gòn (2 tập 1998-1999)
– Phỏng vấn Người Hà Nội (2 tập 1999-2000, tái bản 2 lần)
– Dạ, thưa thầy! (2 tập 2000-2002, tái bản 2 lần)
– Sài Gòn đất lành chim đậu (ký sự nhân vật tập I-2016, tái bản 1 lần 2016; tập II-2018)
– Sài Gòn đất thiêng khí tụ (ký sự nhân vật 2017, tái bản 1 lần 2018)
– Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra (tản văn 2018)


Giải thưởng:

– Giải nhất bút ký báo Khoa Học & Đời Sống năm 1998 với bài Khi nhà thơ làm kinh tế.
– Giải thưởng thơ tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 2003-2004 với bài Bước gió truyền kỳ.
– Giải ba cuộc thi thơ nhạc Đây biển Việt Nam với hai bài thơ Mặt trời trong ngôi nhà đầy sóng đầy gió, Gió hợp hôn đất nước, do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và báo VietNamNet tổ chức năm 2011-2012.
– Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2012 với tập thơ Chất vấn thói quen.
– Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 cho tập thơ Chất vấn thói quen.
– Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II với trường ca Bước gió truyền kỳ



Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Nhà thơ Lê Minh Quốc khẳng định bốn điều tất nhiên ở Phan Hoàng là nhà thơ, nhà biên khảo, nhà báo và là người phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam nhiều nhất làng báo. Nhưng thưa ông bạn Phan Hoàng, ở góc độ cá nhân, nếu để thông tin về mình thì ông sẽ nói gì? 

Nhà thơ Phan Hoàng: Một người sống bằng nghề viết chuyên nghiệp. Và cũng giống như anh hay các đồng nghiệp khác, trước đây chúng ta viết bằng bút còn bây giờ viết chủ yếu bằng máy vi tính.

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Hình như mỗi khúc quanh của đời sống lại khiến ông tìm đến những những khám phá mới trong sáng tác.

Nhà thơ Phan Hoàng: Cảm ơn anh đã quan tâm và có cái nhìn tinh tế. Tôi là người thích xê dịch, khám phá trong đời sống lẫn trang viết. Tôi ít chịu đứng yên và rất sợ lặp lại cái cũ. Tôi vốn sinh ra vào thời chiến. Mẹ tôi, gia đình tôi là nạn nhân của chiến tranh. Tỉnh Phú Yên quê tôi là một trong những chiến trường ác liệt. Trong trận chiến cuối cùng vào mùa xuân năm 1975 để thống nhất đất nước, có lẽ Phú Yên là nơi người chết nhiều nhất khi quân đội Sài Gòn rút khỏi Tây Nguyên theo hai “con đường máu” là đường 5 và 7 cũ chạy xuống duyên hải miền Trung. Lính chết nhiều mà người thân gia đình lính chết càng nhiều. Nỗi ám ảnh ấy đeo tôi dai dẳng. Và tôi luôn tự hỏi vì sao phải tiến hành chiến tranh, vì sao con người phải chết oan ức trong mưa bom bão đạn? Có cách nào để tránh chiến tranh không? Các vị tướng nghĩ gì trước sự hy sinh của rất nhiều người lính? Vì vậy khi mới bắt đầu đi làm báo, tận dụng chuyên mục “Mỗi kỳ một nhân vật” trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, tôi tìm mọi cách gặp gỡ, phỏng vấn các vị tướng từng chỉ huy trực tiếp trên chiến trường để tìm câu trả lời cho chính mình. Nhờ đó mà bộ sách nhiều tập Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam đã ra đời, tạo cảm hứng cho các tập sách khác cũng lần lượt được xuất bản: Phỏng vấn Người Sài Gòn, Phỏng vấn Người Hà Nội, Dạ thưa thầy!…


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Dù cuộc chiến của chúng ta là chiến tranh nhân dân, nhưng vai trò quyết định thành bại của các vị tướng trước đối phương vẫn là quan trọng. Điều đó chính xác đến đâu?


Nhà thơ Phan Hoàng: Những người càng tài năng càng khiêm tốn, dễ gần gũi, thân thiện. Các vị chiến tướng cũng vậy. Công trận đầy mình nhưng khi trở về đời sống thường nhật họ là người chồng người cha người ông đầy tình thương yêu và họ sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm khi xã hội cần đến. Tôi nhớ vị tướng bác học Trần Đại Nghĩa nói rằng, nếu không có Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thì trận Điện Biên Phủ chưa chắc thắng lợi vang dội như vậy. Hoặc trận Xuân Lộc đánh mở “cánh cửa thép” cho đại quân tiến vào Sài Gòn xuân 1975, nếu không có sự trực tiếp chỉ đạo “giải vây” khó khăn của Thượng tướng Tư lệnh Miền Trần Văn Trà thì sự hy sinh sẽ còn rất nhiều. Không chỉ trên chiến trường mà trên mọi lĩnh vực khác tôi thấy vai trò cá nhân là rất quan trọng, đôi lúc thay đổi cả cục diện. Điều đáng tiếc là có một thời chúng ta chỉ nói chung chung, không xác định vai trò cá nhân, nhiều tư liệu lịch sử quý báu trong ký ức họ cũng mất đi.


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Nghệ thuật phỏng vấn nhân vật, điều gì là quan trọng nhất?


Nhà thơ Phan Hoàng: Điều quan trọng nhất là phải tìm hiểu kỹ thông tin và thực sự cầu thị, tôn trọng nhân vật mình phỏng vấn. Kế đến là việc xử lý văn bản sao cho logic và cuốn hút, không được áp đặt cái tôi người viết lên bài phỏng vấn. Người đọc muốn tìm hiểu về nhân vật được phỏng vấn chứ không phải tìm hiểu người đi phỏng vấn. Một người phỏng vấn giỏi phải biết ẩn mình, khơi mở, tạo cảm hứng cho nhân vật lẫn bạn đọc.


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế:
Vậy còn với thi ca thì sao?


Nhà thơ Phan Hoàng: Sau khi xuất bản hai tập thơ đầu tay trong vòng gần 7 năm là Tượng tình và Hộp đen báo bão, tôi dừng lại tập trung làm báo để mưu sinh và cũng tìm hướng đi mới cho thơ mình. Nguồn cảm hứng từ thực tế đời sống hiện tại bộn bề, mâu thuẫn, xuống cấp, suy đồi với bao hỉ nộ ái ố đã giúp tôi hoàn thành tập thơ Chất vấn thói quen để xuất bản sau 10 năm. Vốn say mê lịch sử và sinh ra trên mảnh đất Phú Yên một thời trấn biên trên hành trình khẩn hoang mở cõi về phương Nam của dân tộc, tôi lại quay ngược về cội nguồn tìm thi hứng dựng trường ca Bước gió truyền kỳ. Rồi hai chuyến đi Trường Sa cách nhau 5 năm cũng giúp tôi hoàn thành một trường ca khác là Gió hợp hôn đất nước dự kiến xuất bản thời gian tới.

Năm 2018 là một năm đầy “biến động” đối với tôi. Từ bỏ nhiều hoạt động xã hội, tôi tranh thủ thời gian du lịch nhiều nơi, tập trung đọc sách, nghiên cứu tìm con đường mới cho sáng tác. Sau chuyến tham quan hai thành phố lớn Moskva và Saint Petersburg đầy ấn tượng về văn hoá Nga, trên chuyến bay trở về khi ngang vịnh Ba Tư ở Trung Đông tự dưng tôi nảy ra ý tưởng thể nghiệm một hình thức thơ mới gọi là Thơ 1-2-3. Hơn 40 bài thơ viết theo kiểu này của tôi đã ra đời trong hơn 3 tháng qua, được nhiều báo đăng tải và một số bạn thơ cộng hưởng.


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế:
Trội trong tác phẩm Bước gió truyền kỳ là tính sử thi, gợi hành trình mở cõi về Nam và hải hành Trường Sa của Đại Việt thêm một vài bài thơ lẻ thấy đặc sắc giọng Phan Hoàng, nhưng lắng một chút thì ta vẫn thấy thấp thoáng âm vọng Tình sông núi, Đèo Cả. Tôi cho rằng đó là sự kế thừa, tinh tế, xuất sắc. Ông thấy sao?


Nhà thơ Phan Hoàng: Kế thừa được một chút tinh hoa của các bậc tiền bối để tạo nên cái riêng biệt cho mình chẳng dễ dàng chút nào. Tôi rất khâm phục hai nhà thơ lớn Trần Mai Ninh và Hữu Loan khi không sinh ra ở Phú Yên nhưng thẩm thấu được môi trường thiên nhiên lẫn bề dày văn hoá đất này để viết nên những tác phẩm bất hủ. Tôi cũng tiếc nhà thơ Trần Mai Ninh hy sinh quá sớm còn nhà thơ Hữu Loan chỉ gắn bó Phú Yên một thời gian ngắn nên không tiếp tục mạch nguồn sáng tạo đầy hào khí từ nắng gió, non nước hùng vĩ đất này. Vì vậy, từ trong vô thức lẫn ý thức tôi muốn chắt chiu, gợi hứng, khơi lại một phần nguồn mạch thơ quan trọng này.


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Phải chăng phản tỉnh bản thân là phản tỉnh đạt ngưỡng cảnh giới. Chất vấn thói quen là tác phẩm thơ, nhưng lại đặt một câu hỏi một cách văn xuôi như vậy. Khi một con sông chuyển dòng để băng lên phía trước, thì đâu có đơn giản, nó phải lột xác… Tôi thích nghe ông nói thêm về điều này, vì đó cũng là một ý trong thơ của ông.


Nhà thơ Phan Hoàng: Tôi nghĩ mình chẳng bao giờ đạt ngưỡng cảnh giới nhưng luôn có ý thức phản tỉnh. Phản tỉnh trong đời sống đầy bất trắc. Phản tỉnh cả trên trang viết luôn có nguy cơ cũ kỹ sáo mòn. Có thói quen tốt, nhưng cũng có thói quen là chướng ngại làm hại con người. Một dòng sông khi gặp chướng ngại đổi dòng luôn mang lại vẻ đẹp kỳ thú. Có thể chỉ là một ngả rẽ uốn khúc thơ mộng. Nhưng cũng có thể tạo nên dòng thác kỳ vĩ. Tôi tin con người cũng vậy:

Nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi
tại sao con người cứ tự đánh lừa mình bằng những thói quen
không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước?


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế:
Người Phú Yên có nhiều tên tuổi nổi tiếng trong làng văn làng báo, tiêu biểu như Võ Hồng, Nguyễn Mỹ, Thanh Quế, Trần Huiền Ân, Y Điêng, Ngô Phan Lưu… và gần đây có Nguyễn Phong Việt nổi lên như một hiện tượng thú vị về xuất bản thơ. Những văn nhân xưa “liên lụy” đến Phú Yên như Đỗ Huy Nhiệm, Trần Mai Ninh với Nhớ máu, Tình sông núi, Hữu Loan với Đèo Cả, Trần Vũ Mai với Trường ca Làng Phước Hậu,… và Vĩnh Mai cán bộ tiền khời nghĩa. Những tên tuổi ấy cũng như nhiều nhân vật khác, ai là người còn được Phú Yên cảm mến “cảo thơm lần giờ trước đèn”?


Nhà thơ Phan Hoàng: Tất cả những tài năng và nhân cách dù sinh ra ở đâu mà có đóng góp giá trị cho Phú Yên tôi tin đều được yêu quý và ghi nhận, không chỉ hôm nay mà cả mai sau. Và không chỉ văn chương mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Phú Yên là một trong những “địa linh”, nơi sinh ra hai vị thánh của hai tôn giáo lớn: Tổ sư Liễu Quán của Phật giáo và Thánh Andre Phú Yên của Thiên Chúa giáo. Phú Yên cũng là nơi sinh ra hai nhà chính trị, tư tưởng hàng đầu: Trần Phú – Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và một nhân vật đối kháng là Trương Tử Anh tác giả chủ thuyết “Chủ nghĩa dân tộc sinh tồn”, sáng lập và lãnh đạo Đại Việt Quốc dân đảng giai đoạn 1939-1946, Chủ tịch Mặt trận Quốc dân Đảng Việt Nam từ khi thành lập đến khi tan rã cuối năm 1946. Dù thành bại khác nhau nhưng họ đều là những nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng.


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Do tài năng nên người sáng tác mới tìm mình trong các thể loại khác nhau hay là do hiện thực cuộc sống đòi hỏi bản thân phải tự nới rộng “kích cỡ”? Ý kiến của ông về nhận xét này?


Nhà thơ Phan Hoàng: Tôi nghĩ cả hai, do tài năng lẫn hiện thực cuộc sống. Khi thơ không chuyển tải hết thì người cầm bút có thể chuyển tải bằng các thể loại khác như ký, tuỳ bút, truyện ngắn, tiểu thuyết. Vấn đề là tác phẩm có giá trị và có đứng được lâu bền trong lòng bạn đọc hay không. Đừng nghĩ viết được nhiều thể loại là mình có tài. Tôi tâm niệm như vậy nên luôn nỗ lực hết mình. Bởi tài năng là do thiên phú, mình không thể tự tạo ra tài năng của mình được, nên đừng ảo tưởng và cũng đừng đố kỵ cái tài của người khác.

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Sẵn nói về tài năng và sự đố kỵ, ông thấy trong giới văn chương điều này biểu hiện ra sao?


Nhà thơ Phan Hoàng: Thật đáng sợ. Nhà văn Trần Nhã Thuỵ trên Tinh Hoa Việt có nói rằng sự độc ác vô tình nảy sinh từ lòng ghen ghét, đố kỵ. Điều ấy rất đúng và càng lộ rõ từ khi có mạng xã hội. Tuy nhiên, tôi cũng thấy có niềm vui lớn là những người tài năng đích thực thường liên tài, hỗ trợ, nâng nhau lên trong giới văn chương nước ta.


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế:
Trong số rất nhiều bài viết về tác phẩm và con người Phan Hoàng, nếu với một người không có nhiều thời gian đọc hệ thống thì, ông khuyên bạn đọc đó nên đọc những bài nào để có thể “tổng quan” về Phan Hoàng?


Nhà thơ Phan Hoàng: Mỗi bài viết có cái thú vị riêng và mỗi người đọc có quyền cảm nhận riêng từng bài. Tôi cũng không có quyền khuyên. Những bài viết nghiên cứu có chiều sâu trên cơ sở văn bản học luôn mang lại sự thích thú, cho dù có những tác giả chưa gặp mặt tôi bao giờ mà chỉ đọc tác phẩm. Bởi có khi gặp rồi thì họ không viết hay được như vậy (cười).


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Sài Gòn – TPHCM là cái nôi tiên khởi của báo chí thị trường nên hầu như các nhà văn nhà thơ thành phố này đều tìm đến thể loại báo chí vừa để thể hiện mình và vừa kiếm sống. Đó có phải là một lý do để Phan Hoàng giỏi thao tác thể loại văn học phi hư cấu?


Nhà thơ Phan Hoàng: Lịch sử cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa báo chí và văn chương nước ta kể từ khi chữ quốc ngữ hình thành và phát triển. Phần lớn nhà văn xuất thân nhà báo hoặc gắn bó với báo chí. Nhiều tác phẩm văn học vốn là những thiên phóng sự báo chí. Không chỉ Sài Gòn mà ở Hà Nội và một số tỉnh thành khác cũng có nhiều cây bút xuất sắc về thể loại văn học phi hư cấu. Tuy nhiên, đúng là Sài Gòn có một môi trường thuận lợi hơn để đăng tải, xuất bản, ấn hành. Riêng tôi, trên cơ sở tư liệu phỏng vấn báo chí, gần đây tôi đã viết và xuất bản, tái bản những cuốn cách mang thể loại ký và tản văn: Sài Gòn đất lành chim đậu, Sài Gòn đất thiêng khí tụ, Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra.


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế:
Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra – một cái tên có vẻ sexy khiêu khích nhưng hơi hướng nghệ thuật ẩm thực. Tiếc là tôi chưa được đọc cuốn sách này của ông. Cuốn sách này thế nào ạ?


Nhà thơ Phan Hoàng: Đây là một tập hợp những tản văn và tuỳ bút về Sài Gòn đã đăng tải toàn bộ trên báo chí. Trong đó, cái bài tôi lấy làm tựa sách đúng là viết về ẩm thực, bởi với người Sài Gòn và Nam Bộ ăn uống cái gì cũng phải ngọt. Nhiều trái cây đã ngọt mà còn chấm thêm đường. Kho thịt, nấu canh cũng bỏ vào rất nhiều đường. Họ cũng thêm đường vào ly khi uống các loại nước ngọt. Ăn ngọt uống ngọt nên cơ thể con người cũng… ngọt. Tôi là rể Nam bộ mà!

Đầu tháng 4.2018, NXB Văn hoá văn nghệ tổ chức buổi giới thiệu, giao lưu ra mắt tập sách Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra tại sân khấu trung tâm Hội Sách TP.HCM lần thứ X, thu hút đông đảo bạn viết bạn đọc tham gia. Thật vui khi nó được bầu chọn là một trong mười sự kiện quan trọng nổi bật của hội sách. Điều buồn cười là sau đó có một người gọi là nhà phê bình khi viết đả kích cuốn sách này trên facebook cứ nhầm là thơ, rồi từ đó suy diễn lung tung, nghĩa là ông ta không hề đọc hay theo dõi thông tin báo chí mà cứ tự “diễu võ dương oai”. Một kiểu phê bình hóng hớt tầm phào.


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Với TPHCM thì tờ báo nào cũng có tản văn. Nhiều người viết tản văn về văn hóa, lối sống Sài Gòn mà thành những cái tên phải nhớ, dù họ là những công dân thường không sinh ở đó. Ông có thể lý giải tại sao không?


Nhà thơ Phan Hoàng: Với vị thế địa lý của mình, từ trong lịch sử Sài Gòn là đầu mối giao lưu, hội nhập của nhiều nền văn hoá từ Đông sang Tây. Và ảnh hưởng từ môi trường sống thuận lợi, người Sài Gòn sinh ra ở đây hay gắn bó chặt chẽ với đất này thường sống phóng khoáng, nhân hậu, hết lòng vì người khác. Đó là chất liệu phong phú cho những trang tản văn vừa mang tính thời sự vừa có sự chiêm nghiệm từ vỉa tầng văn hoá. Với những cây bút từ nơi khác đến, Sài Gòn như cuộc tình mới nồng cháy mang lại nguồn cảm hứng dâng trào cho những trang viết. Nếu như tản văn của Hà Nội đọc chậm, đa tầng đa nghĩa, gợi nhiều suy ngẫm thì tản văn Sài Gòn đọc nhanh, đi thẳng những vấn đề của đời sống thực tại, mang lại hứng thú tức thì cho người đọc.


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Viết tản văn hay về Sài Gòn đa phần không phải là người Sài Gòn, trong đó có Phan Hoàng. Còn Hà Nội thì ngược lại chỉ có người Hà Nội hoặc sinh ra ở Hà Nội mới viết tản văn hay về Hà Nội, như trường hợp Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Băng Sơn… Ông giải thích thế nào về hiện tượng này?


Nhà thơ Phan Hoàng: Tản văn là thể loại viết nhanh. TP.HCM là thành phố trẻ, nhịp sống nhanh và sôi động, dễ cuốn hút người ta vào “cuộc tình mới” với cái nhìn đa chiều và khác biệt dễ được chấp nhận. Có những cây bút sinh ra ở đây như Bùi Chí Vinh, Đỗ Trung Quân, Lý Lan và một số bạn trẻ gần đây viết tản văn cũng khá hay về quê mình, nhưng đúng là số lượng không nhiều bằng các cây bút nơi khác đến. Còn cái đặc sắc của Hà Nội là cổ kính, thâm trầm đòi hỏi sự thẩm thấu mang tính di truyền hoặc sự trải nghiệm chọn lọc lâu bền qua thời gian. Với Hà Nội, ngoài những người sinh ra ở đó như anh nói, tôi thấy có những cây bút từ nơi khác đến cũng viết tản văn hay về thủ đô như Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Bích Thuý, Như Bình… và đặc biệt là Nguyễn Quang Thiều nay là người thủ đô nhưng vốn sinh tận làng Chùa, Hà Tây cũ.


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Chiến lược nuôi dưỡng, phát triển các cây bút trẻ ở TP.HCM như thế nào, nếu như nhìn vào vai trò của ông hiện tại, cũng như đã trải…


Nhà thơ Phan Hoàng: Tôi đâu giữ vai trò gì quan trọng mà có chiến lược. Từ trải nghiệm của mình, tôi muốn góp phần tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ mới bước vào nghề, nhất là những bạn có tài năng và nội lực có thể đi đường dài. Qua các hội nghị viết văn trẻ hay toạ đàm, giao lưu mà tôi góp công tổ chức hoặc giải thưởng nhà văn trẻ đầu tiên của thành phố, mà cũng đầu tiên cả nước, đã quy tụ, điểm danh, gợi mở cho nhiều cây bút trẻ.


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế:
Một Phan Hoàng nổi tiếng với bạn đọc phía Nam và bạn nghề cả nước. Và ngược lại cũng có những nhà văn phía Bắc nổi tiếng ở Bắc, nhưng không nổi ở Nam. Điều gì đã xảy ra? Có phải do “phát hành” hay PR?


Nhà thơ Phan Hoàng: Anh quý tôi mà nói vậy thôi chứ tôi có làm được việc gì ra hồn đâu mà nổi tiếng. Một thợ rèn giỏi nhất định sẽ được bạn nghề và người tiêu dùng biết đến. Một thợ mộc, thợ đúc đồng hay người kinh doanh cũng vậy. Cái khác là người hành nghề chữ nghĩa phải chịu trách nhiệm dài lâu về trang viết của mình. Tôi hy vọng mình sẽ trở thành người làm nghề bền bỉ trước khi thực sự giỏi.

Xin cảm ơn nhà thơ Phan Hoàng.

Chia sẻ trên Facebook