CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Chân dung

TRẦN NHƯƠNG - TÂM THÀNH THÌ LỜI SÁNG

Thứ bẩy ngày 24 tháng 4 năm 2021 12:00 AM

Tập MIỀN LƯU DẤU VĂN NHÂN- ba mươi gương mặt văn nghệ Việt Nam hiện đại của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế xuất bản 2013  nhận được nhiều ưu ái của người trong cuộc và bạn đọc bởi cách thể hiện nhân vật trong trường 3D - đặc sắc, một chỉ dấu “đặc sản” văn chương và bút pháp Nguyễn Tham Thiện Kế. Ông trở lại thể loại chân dung văn học lần này với chiều thức mới: Phỏng vấn. Đó là những cuộc chuyện trực tiếp với các nhân vật để họ tự bộc lộ “chân dung” mình tự nhiên, chân xác nhất. Trang nico-paris.com xin trân trọng giới thiệu một số cuộc trao đổi mà Nguyễn Tham Thiện Kế đăng tải ở Tạp chí Nhà văn và Tác Phẩm, chuyên san Tinh Hoa Việt của báo Đại Đoàn Kết…Vanvn.vn...


Tác phẩm Văn học: 

Gương mặt tôi yêu - thơ - 1980; NXB QUÂN ĐỘI
Người đi trên sườn đồi - truyện ngắn -1983; NXB QUÂN ĐỘI
Bài thơ tình của lính - thơ-1987; tái bản năm 2005 NXB QUÂN ĐỘI
Sông Hậu mùa nước sinh - truyện ngắn-1989; NXB VĂN NGHỆ TP HCM
Cô gái ấy bây giờ - tiểu thuyết-1990; NXB THANH NIÊN
Bến đỗ đời anh - tiểu thuyết-1990; NXB PHỤ NỮ
Gió quê-thơ - 1995; NXB HỘI NHÀ VĂN
Dòng sông không có đôi bờ - tiểu thuyết-1997; tái bản năm 2005 NXB QUÂN ĐỘI
Sắc màu và con chữ - thơ-1998; NXB HỘI NHÀ VĂN
Gió tháng ba vẫn thổi - thơ-2002; NXB HỘI NHÀ VĂN
Gió bát ngát đồng rừng - thơ-2003 ; NXB HỘI NHÀ VĂN
Gió đang xoan - thơ- 2004 NXB HỘI NHÀ VĂN
Người làm ra cổ tích - trường ca- 2008; tái bản 2010 NXB QUÂN ĐỘI
Cơm bụi chấm com - tập truyện, 2008 NXB HỘI NHÀ VĂN
Nhân tình của mẹ - tập truyện, 2011. NXB PHỤ NỮ
Tản mạn Mongo - tản văn, 2011 NXB HỘI NHÀ VĂN
Gió làng ta xanh ngát. thơ, 2012 NXB HỘI NHÀ VĂN
Kim kổ kỳ kuạc ký - TT hài hước - 2015. Tái bản 2016 NXB HỘI NHÀ VĂN
Khúc khích với văn nhân (2 tập) chân dung vui, 2016 NXB HỘI NHÀ VĂN
Thơ Trần Nhương chọn lọc NXB Hội Nhà văn 2018

Giải thưởng văn học

Giải Thơ hay báo Văn nghệ năm 1978 với bài Thơ gửi con.
Giải truyện ngắn Văn nghệ quân đội năm 1981 với truyện ngắn Hôm qua hôm nay và con đường ấy.
Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng với tập thơ Bài thơ tình của lính (1984-1989).
Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1998 với tiểu thuyết Dòng sông không có đôi bờ, năm 2002 với tập thơ Gió tháng ba vẫn thổi .
Giải thưởng Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam với tập thơ Gió bát ngát đồng rừng.
Giải thưởng văn học sông Mê koong năm 2017 tại Thái Lan với tiểu thuyết "BẾN ĐỖ ĐỜI ANH"

***


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Thưa ông, khi xây dựng Web trannhuong.com rồi bây giờ thêm trannhuong.net, trannhuong.top ông có hình dung “trang nhà mình” thu hút người truy cập con số nhiều triệu như hiện nay? Ông “chơi mạng” hay là kỳ vọng vào điều nữa?

Nhà văn Trần Nhương: Năm 2006, khi tôi đang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, tôi thấy công nghệ thông tin phát triển mạnh mà xuất bản truyền thống gặp khó khăn. Tôi nghĩ chơi mạng cho hợp thời và ở đó mình có thể hiện được chính mình. Các nhà văn chơi web lúc đó rất ít, hình như nhà văn Thái Bá Tân có con web vừa văn chương vừa dạy tiếng Anh. Cứ nghĩ mình là anh nhà văn “lưng lửng”rồi ai đọc. Nhưng không ngờ trannhuong.com được bạn bè yêu mến, khắp các châu lục đều có người ghé thăm. Qua 10 năm chân vốn trannhuong.com cũng khá khá. Nếu in tất cả các bài thi có tới 402.000 trang. Và nếu in toàn bộ mỗi tập sách 1000 trang A4 thì sẽ có 402 tập sách, xếp cả gian nhà mới hết. Văn chương minh cũng “thường thường bậc trung” nhưng mình là nhà văn công dân, bên cạnh văn chương mình còn có trách nhiệm góp tiếng nói cùng nhân dân xây dựng đất nước, “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, các cụ dạy thế.


Tôi muốn trải một chiếu văn cho bạn bè đồng nghiệp cùng vui mà có ích. Vì thế menu của tôi có mục “Bầu bạn góp cổ phần”, góp cổ phần có nghĩa là mái nhà chung kiểu như các công ty đang cổ phần hóa, chỉ khác với trannhuong.com thì không có lợi tức bằng tiền, lợi tức này là vui, là đồng điệu…


Trang trannhuong.com đã tổ chức hai cuộc thi Câu đối, một cuộc thi thơ trào phúng “Mười câu khúc khích”. Đặc biệt hai lần trao Giải văn chương trannhuongcom cho 4 tác phẩm: Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải, “Thời của thánh thần” của nhà văn Hoàng Minh Tường (lần 1), “Con Ngố” của nhà văn Nguyễn Hiếu, “Quỷ vương” của nhà văn Vũ Ngọc Tiến (lần 2). Giải thưởng Văn chương trannhuongcom có tiếng vang trong và ngoài nước. Biết đâu giải này sẽ trở thành thương hiệu lừng danh, cứ nghĩ thế cho vui thì có ảnh hưởng gì hòa bình thế giới.

Tôi nói thế vì rất nhiều nhà văn đăng kí dự giải, xin bí mật danh tính…


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế:
Hầu như mọi “li ti” chuyển động xã hội, văn học nghệ thuật trong nước ngoài nước, ông đều kịp thời chia sẻ thông tin, có chính kiến rõ ràng, trong khi vẫn làm thơ vẽ tranh, viết văn, làm báo Người cao tuổi. Vậy để duy trì trannhuong.net, ông có trợ lý và có nguồn tài trợ không?


Nhà văn Trần Nhương:
Làm báo điện tử không nhanh là chả ma nào đọc nên cập nhật là quan trọng lắm, ngó vào nhà vẫn thấy như hôm qua là bạn đọc chuồn luôn. Chính vì thế chủ web cần nắm bắt thời sự văn chương, xã hội để thông tin kịp thời. Cứ giữa dạ nói ý kiến của mình chân thành xây dựng, nhiều tiếng nói gộp lại chắc chắn sẽ có tác dụng.


Tôi làm đủ mọi việc mà vẫn dong chơi, cho nên nickname là Trần Ham Vui, các cuộc sinh hoạt văn chương cố gắng có mặt. Có một việc tôi tâm niệm phải đưa tin là TIN BUỒN . Nhà văn chúng mình tham gia chiến tranh, lao động cật lực viết mươi ba tác phẩm cho đời mà khi ra đi không mấy bạn bè biết thì tội lắm nên tôi đưa tin kịp thời và nhanh nhất. Vì vậy bạn bè xa gần đều biết. Nhà thơ Hoàng Việt Hằng bảo tôi riêng việc ấy Trần Nhương xứng đáng được trao cho Huân chương Tử tế.


Con web của tôi là chính danh, có mua tên miền, tên miền com/ nét là tên miền quốc tế nên phải báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông hẳn hoi, có hợp đồng hosting dấu má đỏ choét, tháng nào chi đôi ba triệu. Tiền lương hưu nộp vợ, tiền đi làm thêm thì nuôi con web và giao lưu phí. Không ai tài trợ, không có yếu tố nước ngoài nên các cơ quan chức năng hình như cũng yên tâm về cái chiếu văn của lão già. Nhân 10 năm trannhuong.com, tôi ngẫu hứng diễu mình:

Có lão già hâm hơi
10 năm nuôi con web
Nghĩ ngợi và khơi khơi
Người yêu và kẻ ghét.
Không có người tài trợ
Không yếu tố nước ngoài
Móc tiền túi của vợ
Duy trì con website.
Lão già 76 tuổi
Một mình một chiếu văn
Bạn bầu vui sớm tối
Ấy là Giải Nhân dân.

Một mình tự tung tự tác, bài ảnh lên trang đều đều. Trần Đăng Khoa có câu thơ: “Một mình con sắm cả ba vai chèo”, tôi còn sắm nhiều vai hơn nào TBT, phóng viên, kỹ thuật viên, quản trị viên, chủ tài khoản…

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Mục nào trong trannhuong.com “hot” nhất ? Mục nào là khó “chơi” nhất ? Ông đã phải “gỡ” vì những cú điện thoại chưa?


Nhà văn Trần Nhương: 
Tôi chú ý một số “đầu vị” như thời sự chính trị xã hội, văn chương nổi bật qua góc nhìn phản biện xây dựng, chuyên mục “Thì vưỡn”, chuyên mục “Thư giãn cuối tuần” vào tối thứ sáu. Tất cả đều “nhuốm một màu văn nghệ”. Mình là nhà văn, họa sĩ nên thế mạnh thì mình chơi kiểu văn nghệ vừa hợp tạng vừa vui…Chuyên mục “Thì vưỡn” được bạn đọc ghi nhận là món “đặc sản” của Trannhuong.com. Tếu táo một chút nhưng nói được vấn đề lớn như kiểu chú hề trong chèo cổ, bỗ bã vuốt mặt cả vua quan mà đành phải hì hì…Chả tiện nói tên chứ nhiều anh em bạn hữu bảo chỉ chờ tối thứ sáu xem lão Nhương cho món gì tươi mát. Thế mới biết cái sự thư giãn rất cần trong cuộc sống bề bộn này…Và còn thơ, truyện, tranh ảnh cứ là tươi roi rói…Nhiều bạn bè thích cái chừng mực của trannhuong.com, nói vừa đủ, vừa phải cho dễ nghe nhau mà mình tâm niệm mình là ai thì sẽ bớt đi “hớ hênh chết người”. Tôi tính ngang ngang, ủng hộ cái đúng, nói như nhà thơ Dương Tường là “Đứng về phe nước mắt”


Hơn 10 năm nhiều kỷ niệm và gay cấn, điển hình mấy vụ như sau:

- Năm 2007 khi nhà văn Y Ban vì viết bài phản ánh một trường ở vùng cao thiếu sách giáo khoa nên bị báo Giáo dục và thời đại kiểm điểm đến hơn 40 cuộc họp. Trang trannhuong.com đăng thư kêu cứu của nhà văn Y Ban và in bài bênh vực Y Ban, Báo GD&TĐ làm công văn gửi A25 đề nghị đóng cửa trannhuong.com và lôi cổ Trần Nhương cùng Văn Chinh (có tham gia viết bài vụ này) kiểm điểm. Cũng may các anh không chấp nên vô sự.

Năm 2008 nhà thơ Thúy Quỳnh bị web Hội Nhà văn lên án nặng nề cho rằng chị “diễn biến” trong tham luận tại Hội thảo “Nâng cao tính chuyên nghiệp của văn học” tại Ninh Bình. Trang của tôi in bài phản bác của Thúy Quỳnh và một số nhà văn khác “phản pháo” nên cũng hệ lụy. Cũng may, sau đó web Hội xin lỗi nên mọi việc lại “ngon lành cành đào”.

- Năm 2012, sau đưa loạt bài về cuộc Hội thảo thơ thiền mà chưa thiền liền bị hăc cơ đánh tan con web của tôi, họ dán cái mặt tôi thè ra 3 cái lưỡi ngay trên giao diện. Khắc phục chạy được lại bị đánh sập đến 5 lần. Quả này chắc tỏi rồi, tôi thuê một cháu giỏi kĩ thuật thiết kế lại trang trannhuong.com có tính năng bảo mật cao hơn. Cũng may trước đó tôi đã mua một tên miền trannhuong.net nên sao lưu sang tên miền này… Và còn nhiều khi “Lên bờ xuống ruộng” nữa.

Cũng làm được nhiều việc mà mình thấy có ích.

- Năm 2012 trang của tôi đăng bài “Thành hoàng làng mũ cối” cùa nhà văn Vũ Ngọc Tiến kể về việc gần 300 lính sinh viên thuộc các trường Đại học Xây dựng, Thủy lợi, Bách khoa… hi sinh tại ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An năm 1973. Hầu như xương cốt những người con đất Bắc hòa vào sông nước Đồng Tháp Mười. Bài viết được nhà báo Dương Đức Quảng báo cáo với lãnh đạo ngân hàng VietinBank và ít ngày sau ngân hàng quyết định phát tâm ủng hộ 5 tỷ để xây đền thờ liệt sĩ tại ấp Đá Biên. Ngày khánh thành tôi vinh dự được làm khách mời.

- Năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long giữa lúc các tỉnh miền Trung bão lũ nặng nề, Ban tổ chức công bố sẽ băn pháo hoa 29 điểm. Tôi viết Thư ngỏ cho lên web gửi lãnh đạo Hà Nội đề nghị giảm điểm lấy tiền ủng hộ đồng bào miền Trung. Sau đó Hà Nội rút chỉ băn pháo hoa 10 điểm và gửi ủng hộ miền Trung 6 tỷ đồng.

- Khi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến bị tù oan về vụ PMU18, tôi kêu gọi bầu bạn ủng hộ giúp đỡ gửi quà cho Nguyễn Việt Chiến.

- Khi Nguyễn Khắc Phục bị ung thư, tôi và bạn bè lập quỹ Nguyễn Khắc Phục, chỉ trong ít ngày bạn bè ủng hộ có tiền cho Phục chữa bệnh,,,

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Vị thế là chủ trang cá nhân, nhưng ông luôn xuất hiện tham gia đưa tin các sự kiện lớn nhỏ của Hội NVVN cũng như Hội LHVHNTVN. Vậy ông thường xuyên nhận được lời mời đích danh hay là tự nguyện tham dự với sự “nhiệt tình vô tư” của văn nghệ sĩ trí thức?


Nhà văn Trần Nhương:
Tính tôi thường theo câu các cụ dạy “Ăn có mời, làm có khiến”, tất cả các sự kiện nếu không mời tôi không đến nên tôi đến đâu hầu hết là được mời. Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh thường nhắc Văn phòng khi có việc “mời trannhuongcom”. Nhiều dịp có tí phong bì, tôi kí nhận thấy đề trannhuongcom bên cạnh các báo chí lớn. Ô thế ra mình cũng oách, một tờ báo mạng tư nhân trong đội ngũ truyền thông trùng điệp…

Kỷ niệm làm báo mạng nhớ nhất là năm 2010 Đại hội 8 Hội Nhà văn VN tại Học viện Nguyễn Ái Quốc tôi tường thuật tại chỗ, cập nhật từng phút diễn biến trên hội trường. Cư dân mạng đổ xô vào đọc theo dõi cái hội hót nhất nước này, hết chuyện Trần Mạnh Hảo đang nói thì mất điện micro, Đào Thái Tôn chống nạng lên phát biểu rồi chuyện cái tát ngoài hành lang…Nóng hôi hổi, tươi rói rói nên bà con khoái chí…


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế:
Sự cố biển miền trung ông cùng đoàn nhà văn VN đi thực tế tận từng vạn chài, ông nhìn nhận sự cố này như thế nào? Có phải là bài học phải trả cho sự nóng vội phát triển kinh tế hay không?


Nhà văn Trần Nhương:
Tôi cùng nhà văn Hoàng Quốc Hải, Văn Chinh, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Ngọc Phú có chuyến thực tế rất đáng nhớ. Có chuyến đi đó cũng phải ghi công nhà thơ Hữu Thỉnh, ông cho một chuyến xe đưa đoàn đi. Vào Hà Tĩnh lại được sự giúp đỡ của tỉnh nên mới có thể vào “sào huyệt” Fomosa. Khó khăn lắm chúng tôi mới được đi xe (chỉ được ngồi trên xe) vào khu vực rộng đến 30 kilomet vuông này. Chúng tôi được cô dẫn đường chỉ cho ngó qua cửa kính xe lò cao, cảng biển. Phía sau xe chúng tôi là xe của Ban quản lí bám sát. Cảm nhận rộng đến như một huyện mà những 70 năm “bất khả xâm phạm” ngay cửa biển Kì Anh thì âu lo ăm ắp trong lòng chúng tôi. Xe chúng tôi chỉ đi một góc nhỏ của toàn bộ Fomosa mà đồng hồ trên ô tô đã chỉ 16 kilomet. Sau đó chúng tôi đi gặp bà con ngư dân xã Kỳ Hợp, đến nhà nào cũng từng đống lưới ỏ góc sân, dân ăn gạo cứu tế của nhà nước và của xứ đạo.


Với “trình” quản lý của các ngành chức năng của ta thì sự phát triển các khu công nghiệp khủng thế này chắc chắn sẽ để lại hậu quả không nhỏ. Thì đấy khi cá chết 4 tỉnh mới giật mình vào đo đếm môi trường, nước thải. Những dự án này có thể một số người hưởng lợi nhưng toàn dân và môi sinh sẽ hưởng hại. Fomosa là cái chông găm vào Hà Tĩnh mà đau nhức cả nước còn dài…


Sau chuyến đi, nhà văn Hoàng Quốc Hải có bút kí đăng 2 kì trên báo Văn nghệ. Nhà văn Nguyễn Phúc Lai đề nghị in thêm báo gửi vào cho Quốc hội. Tôi viết bài thơ Kỳ Anh và ghi hình rất nhiều cuộc gặp ngư dân.


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế:
Làng Thạch Sơn, quê ông từng mệnh danh là làng ung thư bên nhà máy Supe-photphat Hóa chất Lâm Thao. Thời điểm đó ông đang làm gì nhỉ? Và ông biết làng mình mắc vấn nạn thế kỷ ấy vào thời điển nào ? Hay là báo chí đưa tin ông mới biết?Ông có thường xuyên về thăm quê không?


Nhà văn Trần Nhương: Chả sung sướng gì khi quê mình mang bệnh danh “Làng ung thư”. Ngay từ những năm 1957 gì đó họ xây dựng nhà máy, ông nội tôi đã bảo rồi làng mình sẽ suy vi các con ạ. Lời ông tôi tiên tri đúng như thế. Tôi vì hoàn cảnh sinh nhai nên xa quê từ lúc 15 tuổi, rồi đi bộ đội 28 năm, sau này lại định cư tại Hà Nội. Làng Sỏi luôn ở trong tôi dù có đi đâu, dù có bận công việc gì cũng tranh thủ về với làng, nơi ấy như một bến sông ấm nồng vòng tay đón những con tầu trở lại…


Mấy năm nay được nhà nước quan tâm và nhà máy cũng sửa chữa, xây dựng khắc phục độc hại. Đồng ruộng làng tôi đã có tôm cá, đó là dấu hiệu đáng mừng cho sự sống trong lành hơn. Làng quê sạch đẹp hơn, bệnh tật cũng giảm hơn.


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế:
Trong chiến tranh ông thân với Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khắc Phục. Hòa bình trở lại cũng vẫn thân thiết họ. Hai người bạn thân đều mắc bệnh K. Ông đã bao giờ nghĩ, đó là số phận hay là một sự ngẫu nhiên? Ông có thể kể lại một kỉ gắn kết ba người ở trong chiến trường không?


Nhà văn Trần Nhương:
Với Phạm Tiến Duật thì biết nhau từ tấm bé vì hồi chống Pháp tôi chạy càn lên xã Thái Ninh, Thanh Ba nên cùng học cấp 1 với Duật một thời gian. Mẹ Duật là người làng tôi nên hay gặp nhau, khi đi bộ đội lại ở cùng Cục vận tải quân sự, thân nhau hơn nửa thế kỉ. Với Nguyễn Khắc Phục thì anh ấy ở chiến trường khu 5, sau này mới gặp nhau khi Phục về công tác tại Hãng phim Hội Nhà văn. Vừa gặp đã thân nhau, chơi với nhau vô tư, kéo nhau đi Mông Cổ, rủ nhau vẽ tranh và cùng mở triển lãm chung. Nhớ khi Phạm Tiến Duật bệnh nặng, biết không qua khỏi Phục và tôi cùng nhóm bạn quyết tâm làm Tuyển tập thơ cho Duật, người lo bản thảo, người trình bày, người đi xin tài trợ. Chỉ hơn 10 ngày tuyển tập 500 trang thơ Duật đã ra mắt. Khi mang vào viện cho Duật, Duật ôm sách vào ngực, nước mắt trào ra. Ít ngày sau Duật ra đi…


Khi Nguyễn Khắc Phục phải đi trị xạ, biết mình bệnh trọng, vào đúng hôm Tô Hoàng từ Sài Gòn ra thăm Phục, ba chúng tôi ngồi quán trà chén dưới sân chung cư Văn Khê, Phục bảo tôi mọi việc tôi nhờ ông Nhương cần gì làm chứng, ra phường thì giúp, điếu văn cho tôi ông viết và đọc. Nghe choáng quá, tôi mắng át đi toàn nghĩ dại. Nhưng khi Phục ra đi tôi chỉ tham gia vào điếu văn do anh Nguyễn Trí Huân viết và đọc, tang lễ Phục Hội Nhà văn đứng ra là hợp lẽ. Riêng Di chúc của Phục thì tôi và một người bạn nữa ký làm chứng cho đủ thủ tục pháp lý.

Hai người bạn thân của tôi đều ở vùng chất độc màu da cam thời chiến tranh, tôi nghĩ họ chắc chắn có nhiễm độc và cuộc sống của họ cũng vất vả nên sức khỏe không bền.


Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế:
Các con ông hiện nay có ai theo “nghiệp bố”? Thế hệ thứ hai của Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khắc Phục và Trần Nhương, “bọn trẻ” có “chơi” với nhau như các ông đã từng gắn kết?


Nhà văn Trần Nhương:
Không có ai trong tiểu đội con của ba chúng tôi theo nghiệp các phụ huynh cả. Có lẽ chúng nó đúng. Văn chương cực nhọc và đau đớn lắm, gương các ông bố đều xác xơ nghèo túng. Đôi khi thấy xênh xang câu chữ tưởng như phú hộ nhưng đều vào loại “cận nghèo”. Các con chúng tôi nó tự tìm lối đi cho họ, đời chúng tôi có khi không được tự chọn đường đi cho mình. Mừng cho lũ con theo được ý của riêng nó.

Lũ trẻ ấy nó không gắn kết như đời bố chúng nó, không cùng nghiệp lại không có thời gian gặp gỡ, bù khú như các bố văn nghệ sĩ…Thôi thì tùy duyên.

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Cuốn sách nào ông biên tập, hay ủng hộ xuất bản khi làm trưởng phòng biên tập của NXB Quân Đội mà hiện nay ông vẫn cảm thấy tự hào bởi giá trị văn chương cũng như lịch sử?

Nhà văn Trần Nhương: Tôi làm Trưởng phòng Văn nghệ nhà xuất bản Quân đội từ năm 1987 đến năm 1993 thì chuyển ngành ra Hội Nhà văn Việt Nam. Những ngày ấy phòng tôi cho in rất nhiều tác phẩm văn học như “Ông cố vấn” của nhà văn Hữu Mai, “Chim én bay” của nhà văn Nguyễn Trí Huân, “Đêm màu tím” của nhà văn Vân Thảo…Sách dịch có “Tính cách Nga”, “Người thay thế chưa tới” vân vân

Ngày ấy còn chật hẹp trong cách nhìn nhưng tiểu thuyết “Chim én bay” của Nguyễn Trí Huân đã mang tính hòa hợp những người hai bên chiến tuyến. Cuốn đó sau được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.

Các nhà thơ thường phải đi “xe ôm” hay com măng ca khi in thơ, nghĩa là đôi ba người in chung. Chúng tôi ủng hộ các nhà thơ in riêng và trong phòng tranh luận gay gắt về tác giả này, tác giả kia chưa xứng đáng. Tôi ủng hộ in riêng và thực tế đã có khá nhiều nhà thơ thành danh. Các biên tập viên hay chọc bút sửa thơ của tác giả gửi đến, tôi không đồng tình sự can thiệp mạnh vào “con cái” các nhà thơ.

Có một tiểu thuyết mà chúng tôi họp lên họp xuống là khi cho in tiểu thuyết “Tin đồn” của nhà thơ Đặng Vương Hưng. Một đại tá về hưu khi con cái hư hỏng nghiện hút, ông đã tự thiêu ngay trong ngôi nhà của mình. Tiểu thuyết là lời cảnh báo xã hội nhưng hồi đó chưa thấm và chưa chịu nổi những bi kịch sau chiến tranh. Cũng may tiểu thuyết đó không bị thu hồi, chỉ những người làm sách phải “rút kinh nghiệm sâu sắc.”

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Mở triển lãm tranh từ những năm 1998, hẳn ông bán được tranh như Đoàn Lê, Nguyễn Quang Thiều? Bao nhiêu tiền thì mua được một bức tranh Trần Nhương trưng phòng khách ? Không phải ai cũng có thể đến thưởng lãm tranh của ông. Vậy, ông có thể vui lòng “tường trình” về mảng hội họa của mình trong dòng chảy chung văn xuôi và thơ ca của bản thân?

Nhà văn Trần Nhương: Tôi vốn ham vui nên hay liều trong sân chơi văn nghệ. Hàng ngày sau lúc làm việc và viết lách tôi hay vẽ cho thư giãn. Nhớ năm 1998, tôi đăng kí triển lãm, các vị ở Hội Mỹ thuật Việt Nam không tin ông nhà thơ vô danh tiểu tốt về hội họa mà đòi triển lãm. Giám đốc Nhà triển lãm Bá Việt dẫn họa sĩ tài danh Huy Oánh, Đặng Thị Khuê đến tận nhà tôi xem tranh, thấy ổn nên cho phép tôi bày tranh.

Vừa rồi tôi triển lãm cá nhân lần thứ ba với 36 tranh tại Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Rất vui, rất tưng bừng vì bạn bè đến động viên lão già. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến viết trân FB rằng tôi dự rất nhiều cuộc triển lãm từ Nam đến Bắc nhưng chưa thấy triển lãm nào đông vui như lão Trần Nhương. Qua đây mình sướng cái bụng vì bầu bạn yêu là chính, còn tranh của mình chả là “cái đinh gì”.

Mấy lần triển lãm đều bán được tranh, người yêu hội họa cũng có, bạn bè yêu mua như món tài trợ cũng có. Ơn giời đều không bị lõm sau khi trừ đi chi phí thuê phòng, tiệc tủng…

Tranh tôi giá cả như thu phí BOT tăng giảm tùy lúc, tùy người, vừa bán vừa tặng, bạn có bao nhiêu cũng OK. Nhưng có lúc người mua thích tôi bán được 30 triệu một tranh. Có một lần bán tranh xong toát mồ hôi hột vì lo lo.

Ấy là có một chị dáng quý phái xin đến nhà xem tranh để mua. Tôi OK và đón chị từ Sài Gòn ra dẫn đi xem 4 tầng nhà. Chị quyết định mua một bức sơn dầu vẽ 3 cô gái khỏa thân. Hỏi bao nhiêu, tôi nói lẽ ra 1500 USD nhưng chị đến nhà tôi chỉ lấy 1000 thôi. Xuống tầng 2 thấy tranh “Người đẹp làng Vũ Đại” tôi vẽ nhỏ, sơn dầu trên giấy đen, chị xin mua. Khi thanh toán chị nói tôi không đủ tiền, giờ có 10 triệu gửi trước, anh cho tài khoản về Sài Gòn tôi trả ngay. Tôi OK liền vì dù chị “xù” thì tôi cũng có 10 triệu đưa bà xã cho ấm hầu bao. Về Sài Gòn chị gừi vào TK của tôi không thiếu một cắc. Tôi hơi ngờ chị mua tranh không phải chỉ mua tranh. Tôi vào Googe đánh tên chị thì hơi bị kinh “không phải vừa đâu”. Tôi gọi điện cho Nhật Tuấn kể lại, Tuấn bảo “Chết mẹ ông rồi” Nhưng tôi lại yên lòng vì nhà mình đó mở tung cửa nhá, tài khoản mình đó kiểm tra dễ ợt .

Hội họa với tôi là một đam mê bên cạnh văn chương. Tôi hay nói đùa “Hai vợ đều là vợ cả “ nhưng trong giới Mỹ thuật mình chỉ là ngoại đạo.

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Cuốn sách Nhà nước đặt hàng của ông vừa rồi là Thơ Trần Nhương chọn lọc do NXB Hội Nhà Văn ấn hành. Trong đó có một số bài thơ đã được dịch sang tiếng Anh…ông có kỳ vọng thơ mình sẽ tiếp tục được chuyển ngữ nữa chứ?

Nhà văn Trần Nhương: Quả này lại tùy duyên, ai chả muốn thơ mình địch ra ngôn ngữ phổ thông của thế giới. Tôi có mấy bài được dịch như bài “Vừa đủ”, “Người đàn bà cuốc ruộng”, “Viết ở tu viện Varotec”…Vừa rồi mấy nhà văn thuộc Viện William Joiner Hoa Kì có mang tập thơ “Gió tháng Ba vẫn thổi” về xem xét liệu có dịch được không. Được cũng vui mà chưa cũng hoan hỉ…

Tôi cảm ơn NXB Hội nhà văn đã cho tôi vào danh sách tài trợ đợt này. Gần 400 trang thơ là hầu như gia tài thi ca của tôi ở đó. Sướng nhất là không bị cắt bỏ, nắn bóp gì cả.

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Ông được nhận giải thưởng văn chương Văn học sông Mekong. Cách thức dự giải và nhận giải như thế nào ạ? Giá trị hiện kim là bao nhiêu ạ?

Nhà văn Trần Nhương: Giải Văn học Sông Mekong gồm 6 nước: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanma, Campuchia, Trung Quốc, nó là giải động viên khu vực thôi. Giải được trao luân phiên từng nước và giá trị giải cũng tùy nguồn tài chính nước đăng cai. Năm 2017 là lần thứ 8 trao giải, tôi được nhận giải này sau rất nhiều bầu bạn đã nhận.

Được đi Thái Lan nhận giải thật vui, cái tinh thần còn giá trị hơn kim ngân được tặng. Thái lan họ tổ chức rất bài bản, họ yêu quý và tôn trọng văn chương thật lòng. Lễ trao giải được ngài Phó Thủ tướng trực tiếp trao cho từng tác giả. Cái mà tôi thấy hay nhất là ngài Phó Thủ tướng và ngài Bộ trưởng Bộ Văn hóa ngồi dự từ đầu đến cuối. Có vẻ không bận công việc như nước mình. Hội trường hàng trăm người mà im phăng phắc mặc dù bất đồng ngôn ngữ chẳng hiểu mô tê gì.

Khi trao giải chỉ nhận bằng và cúp còn phong bao thì họ đưa sau. Tôi thấy đề tên mình và số tiền là 35.000 Bạt, tương đương hơn 1000 USD. Năm nay đến lượt Việt Nam đăng cai, nghe nói khá nhiều tác phẩm tham dự. Các tác phẩm văn chương viết về vùng đất Mekong này đều được dự. Ban sơ khảo, chung khảo do từng nước cử ra và quyết định chọn 2 tác phẩm cho nước mình để trao giải.

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Ở cái tuổi của ông giờ nhiều người đã bótay.com, nhưng ông vẫn sung như tráng niên trong lĩnh vực báo chí, hội họa, thơ, văn.Vẫn ngay lòng “phản biện” trước mỗi sự kiện. Phải chăng vì tiền? Vì danh tiếng? Hay vì một lý do nào nữa…. Hay ông tin tâm thành thì lời sáng…

Nhà văn Trần Nhương: Tôi không vì tiền, không vì danh tiếng. Tiền có lương hưu lại lương làm thêm hai lương cũng đủ tiêu. Danh tiếng thì Trần Nhương chỉ là một nhà văn trung du chẳng núi chẳng đồng bằng. Tôi có tập truyện “Người đi trên sườn đồi”, hình như đấy cũng là định vị cho mình.

Điều tôi tâm đắc chính là trách nhiệm công dân, mình đóng góp được chút nào hay chút ấy cho sự đổi mới, cho tự do dân chủ, cho quyền làm người. Nhà thơ Việt Phương có câu thơ “Mọi con người được tôn trọng là người”, Bác Hồ cũng dạy “Không có gì quý hơn Độc lặp, Tự do”. Khát vọng đó là của toàn thế giới chứ đâu chỉ nước mình nhưng nước mình nó chậm chạp với thế giới thì khát vọng đó càng cháy bỏng hơn. Giáo sư Chu Hảo có lần bảo tôi mỗi người chúng mình cố làm cho nâng cao Dân trí. Mình yêu nước mình, yêu dân mình nên muốn làm cho mọi việc tốt đẹp hơn.

Báo Phụ nữ Việt Nam viết về tôi giật tít “Cái tâm quyết định khẩu khí” cũng đúng. Mình phản biện với tâm thiện, muốn tốt đẹp chứ thù hằn đâu mà đạp đổ. “Lời nói không mất tiền mua/ lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, cơ quan hay mỗi người ai cũng muốn nghe lời nói thẳng thắn thân thiện, mình là đồng bào góp ý cho nhau trên tinh thần ấy mới mong có hiệu quả.

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Bây giờ có người sẵn lòng tài trợ cho trannhuong.com, liệu ông có vui lòng nhận không? Nhận tiền thì ông sợ người khác hiểu lầm không?

Nhà văn Trần Nhương: Trang của tôi đến quảng cáo cũng không, tôi không muốn “nhuốm màu thương mại”. Trang cá nhân có số lượng người đọc cũng khá nhưng tôi tin chẳng ai mang tiền để tài trợ cho anh văn sĩ này, tài trợ vô tư thì của hiếm thời nay. Nói vậy còn phải xem người yêu mình tâm có sáng không, nếu vô tư như Nguyễn Tham Thiện Kế chẳng hạn thì nhận chút cho vui.

Nội lực là chính, không tiêu đồng tiền người khác thì cứ “vững bước mà đi”, chả gì sướng bằng “Tay làm hàm nhai”, nói theo mình nghĩ, làm cái mình thích.

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Người văn nghê sĩ cần điều gì nhất? Môi trường thiên nhiên sạch đẹp hay môi trường xã hội tường minh?

Nhà văn Trần Nhương: Tháng 10/1987 trong buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ, TBT Nguyễn Văn Linh nói: “ Bệnh quan liêu, ức hiếp quần chúng, thói ăn cắp của công, đầu cơ tích trữ, ăn bám, sống phè phỡn trên lưng những người lao động chân tay và trí óc, những hủ tục như mê tín, dị đoạn, sự suy đồi thoái hóa về đạo đức v.v... cần được ngòi bút của đồng chí mô tả sắc sảo và lên án mạnh mẽ. Phải làm sao cho toàn xã hội căm ghét cái xấu, đẩy lùi và tránh xa cái xấu”…”Tôi nghĩ, dù thế nào, các đồng chí cũng không nên uốn cong ngòi bút của mình. Thà rằng chưa viết được thì cứ đi vào thực tế đời sống tích lũy thêm vốn hiểu biết, chứ không viết theo kiểu tùy thời. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, người nghệ sĩ phải dũng cảm, có tấm lòng trong sáng, đừng chùn bước…” (Theo báo Văn nghệ số 42 ngày 17/10/1987)

Hơn 30 năm rồi nhưng điều ông Nguyễn Văn Linh nói vẫn là những vấn đề nóng hổi. Tôi có cảm giác ngày hôm nay không khí cho văn chương chưa được “cởi trói” bằng những năm 1990. Các cơ quan quản lí mạnh về “soi” và suy diễn. Thì đấy Cục Nghệ thuật biểu diễn còn cấp phép cả cho Quốc ca mà Quốc hội năm 1946 đã hiến định. Trao cho các cơ quan này quyền to quá, vượt cả “trình” của họ nên rất nhiều bất cập. Và không loại trừ nhóm lợi ích trong việc “ra roi” với tác phẩm văn chương. Sách nào bị đình chỉ phát hành hay chưa cho tái bản là các đầu nậu kiếm bẫm…

Văn chương như hoa trái không đủ điều kiện sinh thái, môi trường, thời tiết thuận hòa thì khó cho quả ngọt. Tôi nhớ sau cuộc gặp của TBT Nguyễn Văn Linh năm 1987 thì năm 1990 ta có nhưng tiểu thuyết đình đám “Nỗi buồn chiến tranh”, “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, “Bến không chồng”…

Bên Trung Quốc họ nhìn văn chương với con mắt xanh hơn chăng nên có hàng loạt tác phẩm sáng giá mà nội dung rất “nhạy cảm”. Ở ta hay sợ, bản lĩnh kém và thiếu tự tin nên nhiều kiêng kị không đáng có.

Đội ngũ nhà văn Việt Nam không hề kém cạnh. Tôi mong văn chương Việt được bay cao, bay xa hơn. Chỉ có sự tự do mới mong có được nhưng tác phẩm hay. Văn chương Việt vượt lên chứ không ở vùng lõm của thế giới…

Xin trân trọng cảm ơn ông.
(Theo Tinh hoa Việt)

Bình luận

        Rất hân hạnh, bạn là người đầu tiên gửi lời bình luận đến chúng tôi !
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook