CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Chân dung

TRẦN NHƯƠNG - ẨM CHẬP IC TÀI HOA ĐA HỆ

Chủ nhật ngày 13 tháng 5 năm 2012 12:00 AM

Trường Nhân dáng vẻ rất cường
Giương giương cây cọ ẩm ương thế nào
Vật dài biết vẽ làm sao
Cái sẹo hồng hào bác lại bôi đen(*)

Vâng, thưa... tôi không tầm chương, nhưng khi đụng đến bàn phím thì bài thơ vịnh nhân vật của chúng ta cứ trồi lên khúc khích trong trí. Nó đã nằm lòng tôi ngay lần đầu click. Giờ nó hiện diện trên báo giấy.

Sở hữu gương mặt phong trần, mái tóc muối tiêu xòa cao ngạo ngang trán, sùm sụp kính màu lúc nào cũng phảng phất nét cười bảo là khiêm tốn cũng phải mà rằng nhạo người đối thoại cũng không mấy nghi ngờ.

Sự giễu nhại của ông đủ cho người trong cuộc vô tư cười và ngộ thêm về mình một cách một khía cạnh nào đấy mà chính mình còn lơ mơ.

Sự giễu nhại văn chương và đặc biệt là giữa bạn văn với nhau còn bao hàm cả sự trân quý được xóa mờ sau lớp ngôn ngữ chênh vênh xù xì. Càng quen thuộc, càng yêu quí thì càng bịa tạc giễu nhại, bởi chủ quan của người viết tin vào những trải nghiệm đã có với nhân vật. Tiếc, đôi khi thiện ý của người viết bị ai đó đẩy đi quá xa…

Và tôi may cũng được ông giễu nhại trong số hơn trăm nhân vật bị ông bóp méo khuôn mặt hình hài bằng kỹ thuật ảnh số bằng đồ họa vi tính xanh đỏ đặt bên những cặp nhũ hoa ngồn ngộn nhức nhối. Thơ đề thì lấy chính tên các tác phẩm của tôi, đảo xuôi, đặt ngược mà lại phác họa ra mấy nét tính cách mà tôi khó…chối cãi.

Tôi ậm ự thích thích, gai gai người vì ngại vì ngượng. Nhưng thi thoảng lại click vào mục ấy một tẹo ngó cái mặt mình bị đem ra tập bắn. Kệ cho trannhuong.com oái oăm chọc ghẹo. Làm người mà không được ai chọc ghẹo thì có khác gì đống đất.

Có nhân vật còn suy bì trách vòng qua tôi.

- Mình cũng đào hoa đâu có kém, thế mà lão trannhuong.com chỉ bôi cho có mỗi cặp ti mễm nhẽo. Đã xỏ ngọt thì cũng phải xỏ cho đến hết chứ nhỉ!

Thời trang biến hóa lúc quần kaki sáng màu, áo cộc tay kẻ xam xám, khi giày khi dép, loại toàn cỡ hai trăm trở lên, móng chân cắt tròn đều như vỏ hến, nắng hay mưa cũng phòng bị một cái ô Tàu đi nem nép bên hè, chẳng khác gì ông giáo mới hồi hưu đang nhớ tiếng trống trường.

Nhưng mươi phút sau có thể  đã quần soóc hộp, áo pull, giày thể thao, đầu trần tơi tả tóc bay gió lùa, máy ảnh đeo ngực, laptop treo lưng, hai tay khư khư giá vẽ di chuyển như đang ở vùng chiến sự. Phương tiện ngổn ngang gieo bao  câu hỏi tò mò trong ánh mắt người qua.

Hoặc có trưa hè áo vạt trong vạt ngoài, giày bên buộc bên không, mí mắt nặng trịch, hai tay lấm lem sơn dầu, mặt đần đần ngố ngố như vừa bị ai chơi xỏ, ông lững thững rời cơ quan đến quán cơm bụi quen nhưng không tìm thấy nó ở đâu, dù đã đứng ngay trước quán.

Chẳng còn biết đi đâu sà vào ăn tạm, gặp chủ quán ông bỗng reo ầm lên sao bác lại chuyển đến địa điểm mới cơ à. Thuê hai có cơ  sở một lúc phát đạt thế !!!

Ẩm chập IC là do đêm ông thức vẽ tranh hoặc lọ mọ ngoắc cặp kính lão hiêng hiếng để post bài lên mạng. Những bài viết của bạn góp “cổ phần” hoặc chính ông lăn lưng ra viết.

Không phải nuôi web với lượng bài vở ấy thì ông cũng rủng rỉnh tiền cà phê nếu gửi đăng báo ngoài. Đằng này mỗi tháng lại phải xén lương hưu thuê máy chủ với chả tên miền.

Vâng, đó chính là ông chủ của trannhuong.com. Trang web có nhiều triệu lượt người truy cập xếp thứ 500.000 trên thế giới. Nhiễu sự, nếu như xét từ góc của những ai an phận. Yên thân đọc sách thưởng trà không muốn lại bỏ tiền túi ra mua lấy mệt lụy và đôi khi cả đau khổ nữa. Thời buổi củi trâu gạo quế, người ta tích cóp từng đồng thì ông lại hoang phí tiền triệu ném vào hư không cùng với lương tâm và trách nhiệm công dân tự thức lòng yêu nước hoan cuồng.

Đi sáng tác ở Đại Lải, nửa đêm mưa gió thấy ông vẫn phải lọ mọ cuốc bộ ra nhà hàng Hồng Hải lên mạng chăm web thì tôi cũng chạnh lòng cho một nỗi đam mê.

 Mà hình như Trần Nhương cũng hơi nhiễu nhiễu về cái sự tài hoa.

Trời lỡ ban nhiều thứ tài vào một ông: Làm thơ cũng hay, viết văn có giải, tranh vẽ bán liền tay, làm Phó giám đốc Quỹ Văn học rồi Phó ban quản lý dự án Bảo tàng văn học VN thuộc Hội Nhà văn rất oách.

Và,  một mình ôm laptop xông vào thế giới báo mạng vốn không dành nhiều ưu thế cho hệ U70 như ông. Này nhé nghe ông ỡm ờ trên mạng  ngọt ngào chẳng kém trai tân:

Em @( a còng)  anh cũng @( a còng )
Nhưng click mấy lần không chịu nổi
Nhìn trang web thấy lòng mình bối rối
Em ở đâu rồi ơi Yahoo?

Từ buổi được ông bôi xanh đỏ trên trannhuong.com tự dưng tôi đâm nghiện nó, ngày nào mà không lướt vào nhào ra dăm lượt là cấm có yên. Trong đó ái, ố, nộ, hỉ hiện diện cả, không đọc được cái này thì đọc được cái kia. Quà vặt. Dạ tiệc. Chân đất. Chân giày. Chuyện giấy khai sinh ở phường, chuyện đất cũ Hà Tây, chuyện 18 lỗ gôn, chuyện Quốc Hội họp. Cựu Tổng thống Bush ngồi thu lu hút thuốc lào vặt, trong khi Obama nghiêm trang nhận lời chúc mừng đắc cử của trannhuong.com.

Thế giới xoay vần. Lộn tùng phèo buồn vui.

Những truyện ngắn, bài viết dù đã được đăng lĩnh nhuận bút ở đâu đó, với tôi nếu như không được trannhuong.com “rinh” về trang giới thiệu thêm lần nữa thì cũng chưa mãn lắm. Bởi được quảng bá tác phẩm ở đây có nhiều người đọc là ưu thế của Internet.

Về Hà Nội mười lần nếu không may một lần vơ với thì tôi đã sẵn ông anh cơm bụi. Điểm hẹn số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Căn phòng nhỏ chắc chưa tròn mười mét vuông ngăn đôi; nửa trong đặt giường ngủ, nửa ngoài tiếp khách.

Dù nửa trong hay nửa phòng ngoài thì từng cm mét  đâu cũng ngổn ngang những sách báo mẩu thuốc bã chè và bụi. Căn phòng nhỏ tin hin nhưng ông chủ hình như cũng không sử dụng hết diện tích. Bởi trên nền nhà hằn dấu chân từ hình chữ Y từ chiếc giuờng đến chiếc bàn nước và bàn làm việc.

Những thứ không thể bị bám bụi và được coi sạch là chiếp laptop, bộ ấm chén và tất nhiên cả vị chủ nhân khả kính may ô quần soóc da thịt tươi tốt như gã trai bốn mươi, loay hoay lúc mở mặt laptop lúc úp mặt laptop.

Trịnh trọng rót chén nước chè đồi Phú Thọ. Chén da lươn. Màu nước chè như váng phèn, Trần Nhương yên vị trên chiếc ghế mây ọp ẹp sờ cái cằm nhẵn nhụi vừa mới được lưỡi cạo chăm sóc sáng sớm, hất lên lọn tóc trước trán. Ân tình và quan trọng:

- Thế nào? Anh em trên quê sống vẫn ổn chứ?

Dĩ nhiên là tôi phải báo cáo vắn tắt những gì thông tỏ như một đứa em ngoan. Ông ừ hữ gà gật miệng liên tục à ờ ờ ờ mắt vẫn không rời chiếc laptop.

- Còn chú mày thì sao ? Vẫn viết báo bằng văn đấy chứ? Vẫn đỏ tình đen bạc đấy chứ?

Tôi chưa kịp gì… thì ông đã lướt nhanh tia nhìn lên tôi như kiểu người ta lướt web. Bỗng ông thở dài, ngọ nguậy ngón chân tìm cách lẩy đi viên sỏi vô tình dắt kẽ chân. Ông hay thở dài vô cớ ngay cả những lúc anh em vui khà khà. Những lúc ngỡ tưởng đã nắm bắt được hồn vía ông thì tôi lại tưng hửng nhận ra chẳng biết ông thực sự đang thế nào. Ông cứ đùa đùa, ngang ngang, dại dại…

- Này, văn chương quê ta sao không kiếm con web hoành tráng mà chơi nhỉ. Ta phải hội nhập với thế giới chứ nhỉ. Chẳng gì cũng là anh cả... Nếu cần thì bác sẽ tư vấn thiết kế miễn phí…

Đã hơn một lần ông nhắc vụ này. Giục giã với bất kỳ ai là người Phú Thọ. Ông chỉ muốn chia sẻ, muốn đẹp mặt quê hương.

Tập Thơ Đền Hùng do Hội Nhà Văn và Chi Hội Nhà Văn VN ở Phú Thọ phối thuộc cùng UBND Phú Thọ xuất bản, Ban biên tập cũng phải cậy nhờ ông làm đặc phái viên bên nxb Hội Nhà Văn. Ông trông coi việc thiết kế mỹ thuật, công việc in ấn, dịch một số bài thơ sang Anh ngữ. Ngày ngày ông giao ban qua điện thoại di động với Chi Hội trưởng Nguyễn Hữu Nhàn, Chi Hội phó Kim Dũng cạn pin thì thôi.

Qua mỗi công đoạn, Ban biên tập chậm không thể xuống Hà Nội thì ông lễ mễ ôm chồng bản thảo nặng gần nửa yến nhảy xe đò về quê. Trong khi giữ khư khư tập bản thảo bên mình, ông lại mở laptop cặm cụi soi xét câu chữ bài viết nào đấy để đến điểm dừng là có thể post ngay lên mạng.

Bữa trưa thuận thì ngồi lai rai với anh em, không thì chai nước, bánh mỳ kẹp trứng. Xong thì ra bến xe, ngóng xe xuôi ngược. Ông có nhiều lựa chọn cho những chuyến xe đò. Tuyên Quang. Yên Bái. Lâm Thao phủ. Hoặc quay xuôi quốc lộ 2 như con chim di trú chẳng theo mùa. Và đêm lướt web tôi lại gặp hình ảnh của mình ngồi với ông cùng với những trao đổi tưởng nhạt , nhưng đọc xong lại dội lên nhức nhối, băn khoăn.

Ngoài sắc vẻ tự tin tưng tửng hình như nỗi niềm nào đó khiến ông luôn bị phía sau mình ám ảnh. Đó là tuổi thơ nhàu nát dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, gia đình ly tán vì thời cuộc, ông theo người anh cả về Hà Nội kiếm sống khi chưa hết tuổi hoa niên. Tự học hội họa, học nghề giáo viên. Rồi chiến tranh chống Mỹ, thày giáo Trần Nhương khép trang giáo án soạn nửa chừng làm  lính vận tải quân sự.

Đây là thời kỳ quan trọng nhất của đời ông cũng như những người cùng thế hệ. Cuộc chiến một mất một còn may mắn đã chọn ông ở lại, hầu như toàn bộ các sáng tác của ông từ thơ, văn xuôi, hội họa đều tập trung phản ánh những trải nghiệm của ý thức công dân yêu nước.

Về lại đời sống dân sự sau gần trọn đời quân ngũ. Sự thay đổi chỉ là màu áo. Lại cuộc chiến thời bình trong ô nhiễm lòng tin.

Nỗi đau của thời bình không ít là hệ quả từ nỗi đau chiến trận. Lần lại trannhuong.com những ngày nhà thơ Phạm Tiến Duật- người bạn cùng trường- cùng quê ngoại- cùng miền Đất Tổ- cùng lính Trường Sơn gánh chịu di họa chiến tranh dần dần kiệt sức trên giường bệnh, thì thấy một Trần Nhương cuống quýt hy vọng thất vọng và khổ đau trong mỗi hình ảnh, mỗi dòng tin về bạn. Một Trần Nhương nuốt khan nước mắt muốn sẻ chia gánh đỡ mà bất lực…

Không ít lần tôi nao lòng nghe ông nói về thăm quê. Ấy là thứ âm sắc rầu rầu, cố vươn lên sự cứng cỏi. Người khác về quê thì hân hoan vui, còn ông thì đượm dư vị ngậm ngùi. Rời quê lúc con trẻ, khi trở về  tóc hoa râm.  Bạn bè chăn trâu cắt cỏ, người còn kẻ mất. Ông chú bà bác đau ốm triền miền ủ  đủ thứ bệnh ung thư. Về giỗ họ lại dự luôn cả đám tang.

Tôi đánh xe đưa ông về làng Sỏi.

Đến ngã ba xiên chéo nhà máy Super Lâm Thao, xe rẽ vào con đường mới bê-tông hóa chạy sát con kênh giữa cánh đồng. Làng trước mặt, làng hai bên lúp xúp mái nhà cao thấp. Trụ điện cao thế nhằng nhịt chia cắt không gian. Mùi khói xả công nghiệp lợm giọng. Thấp thoáng sườn đồi xa, những ngôi mộ quét vôi trắng xóa. Và cả những vòng hoa viếng trùm lên màu đất mới.

Ông loay hoay nhấc lên đặt xuống chiếc laptop. Điện thoại di động mười mười phút lại reo lên sốt rột. Hình như ông đang bị mắc nợ ai. Có đìều gì khó nói ở người đàn ông vốn điềm tĩnh và tự tin. Lại trước ngã ba. Bồn chồn ông hướng về nhánh đường sỏi rẽ trái nghiêng nghiêng giữa ruộng lúa và xóm làng đẹp yên tĩnh như những bức tranh thuốc nước của mình. Một sự yên tĩnh đìu hiu.

Tôi rụt rè hỏi, rằng có phải chúng ta rẽ trái kia không, Trần Nhương bỗng lúng túng gật đầu lia lịa.

- Đúng, đúng vậy. Chúng ta rẽ trái mà…Nhưng…nhà mình chẳng còn ai ở quê cả. Những người thân…mình bây giờ sẽ về nhà thằng cháu…Nhà bà cô…mình ở đấy đêm nay. Ngày mai họ Trần nhà mình có việc…

Có điều gì đó bỗng nhói trong tôi. Ông đang gặp khó. Nếu không mời tôi vào nhà thì không phải nhẽ. Mà mời tôi vào…thì ông đâu còn nhà ở quê nữa mà mời. Nhà cháu ruột, nhưng cháu đâu phải nhà mình...

Chắc thế. Vội kiếm lý do bận việc, tôi quay đầu xe. Nhưng côn hóc số mãi không thoát khỏi ngã ba làng.

Trần Nhương lúc chạy đầu xe lúc đứng cuối xe hai tay khua khoắng xi nhan loạn xị, tôi không biết thế nào mà đánh lái. Hóa ra, ông vừa xi nhan lại vừa xoay trái xoay phải chào người làng.

Đã thế ông còn chọc chơi:

-Này tay lái vĩ đại. Không biết lèo lái thì xuống đất đi, đừng làm khổ nhân dân nữa. Mỏi oải lắm rồi.

Đúng là công dân Phú Thọ. Đã đi nhờ xe còn chê ngang. Thảo nào không làm được sếp to cho đàn em nhờ. Tôi cũng không chịu kém:

- Bác mà là nhân dân thì nhà em thay bác, cấm bác đi bầu cử từ lâu rồi.

Điện thoại trong túi quần bỗng tính tỉnh tình tinh ngân nga, ông giơ chéo tay lên trời.

- Cơm bụi chấm com vừa hết rồi ạ. Ông chịu khó chờ đến Ngày thơ Việt ở Văn Miếu tôi sẽ có phiên bản mới…

Nhăn nhó với tôi:

- Bạn đọc hâm mộ hỏi xin sách. Gửi ảnh nhờ vẽ chân dung. Web thì miễn phí được, chứ ba vụ này thì quả là hơi căng…

- Thì Hội Thơ năm nào ông chẳng kiếm được mấy trăm đô tiền bán sách với ký họa chân dung. Kêu ca nỗi gì ạ.

“Hứ “ông vênh mặt. Lại điện thoại. Thở dài. Tiếp điện thoại xong, ông hấp tấp gõ cửa xe cồm cộp. Giọng mềm mại hẳn:

- Lại phải phiền lão vậy. Mình phải post lên ngay mấy bài thơ dự thi “mười câu khúc khích” bạn đọc tra vấn giục giã khiếp quá. Lão cho mình ra quán nét gần gần…

Tôi mỉm cười nhớ là ông đang ở đỉnh của cuộc thi thơ do ông tự bỏ tiền ra trao giải thưởng, không ngờ bạn đọc tham gia rầm rộ quá. Địa chỉ email truongnhan_hvn… đen ngòm những thư không kịp mở. Suốt ngày ông không được yên vì điện thoại. Điện thoại phải cắm sạc pin trực tiếp vào nguồn điện mới đủ năng lượng. Đến việc đi vệ sinh cá nhân cũng phải kẹp di động áp má tỳ vai. Tác giả nào vừa gửi bài cũng đòi ngay lên trang nhất cho nó oách.

Cậy thân tình có lần tôi dẫn dụ vòng vo:

- Công nhận ông anh là người yêu nước của những đồng chí yêu nước. Cứ xem những ý kiến đóng góp trên các diễn đàn hội nghị hoặc trannhuong.com thì thấy. Ông anh luôn tay chém gió vèo vèo. Nhưng em cứ thắc mắc, trong “mỗi tuần một chân dung vui” tại làm sao trannhuong.com  lại hào phóng các hình ảnh phồn thực dân giã ?. .Chắc là phải làm sao chứ, hẳn là bác (…) yếu cái chuyện đó nên bị ám ảnh … Nghe nói cái này yếu thì chữa bằng ẩm thực là tốt nhất. Người Hàn họ kích thích bằng ngẩu pín bò và đuôi bò chân bò. Thật may Việt Trì nhà mình vừa khai trương nhà hàng đúng món này. Ngon. Rẻ. Hiệu quả. Lẩu nóng sình sịch.

Trannhuong.com xoa cằm mắt lườm lườm, nghiêm nghị:

- Cậu nói hơn cả sự đúng. Thì Đảng, Quân đội đào tạo rèn luyện tớ cả một đời cơ mà. Làm sao mà không yêu nước chân thành trong sáng cho được. Vụ…phồn thực đó thì nó chính là biểu hiện sự sống của con người. Mình vẫn đang sung…Nhưng đây vẫn có một giai nhân 7x nhé. Giai nhân lượn vào lượn ra trannhuong.com suốt…

Tôi nghĩ thầm, bà dai nhách hầm đu đủ thì có... Chợt nhớ ra từ ngày nhận làm đại diện cho trang web Đồng bằng sông Cửu Long, ông ưa dùng thứ ngôn ngữ phương Nam. Nhìn nhìn tôi dò xét hơi lâu, ông bỗng mơ màng với rặng núi xanh trước mặt.

- Nàng ở mãi tận Hòa Bình cơ…

Rồi trở nên nghiêm trọng:

- Này lão, trưa nay tớ mời lão và mấy anh em văn nghệ đi nhậu thử ngẩu pín và đuôi bò nấu kiểu Hàn thế nào nhé…

- Nhậu món này rất sung- Tôi ỡm ờ. - Xong là thực thì nhiệm vụ được ngay.

 - Hì, tối nay có nhẽ tớ còn phải sang Hòa Bình…

Nhưng khi đã nhậu ngẩu pín với rượu tiết dê, tôi nhận messsage người bạn ở Hòa Bình sẽ đánh sang chơi. Tôi chìa màn hình điện thoại trước mặt thì ông chỉ à à ờ ờ và …lại chổng mông chúi mặt vào laptop. Rồi bỗng vẫy tôi lại gần, thì thào.

- Này, hôm nay đã triệu triệu người truy cập nhé.

Gương mặt phong trần rạng ngời lên những hạnh phúc. Thứ hạnh phúc của người tự nguyện và sẽ mãi là người hữu ích cho đến khi nào có thể đang giúp được những người Việt, dù xa lạ hay thân quen ở mọi ngõ ngách trên trái đất cùng cười cùng vui cùng đau khổ và gánh vác sẻ chia những thăng trầm của đất nước trên một diễn đàn bé nhỏ mà ông đã lao tâm tạo dựng với tất cả nhiệt huyết và tình yêu của một con dân yêu nước.

Tuy bé nhỏ, nhưng diễn đàn của ông lại giống một tấm gương lớn chiếu những hình ảnh ngược với những phản biện thiên lương…

Chiều xiên nắng tôi tiễn ông ra bến xe. Điện thoại lại ríu ran theo mỗi bước chân. Đứng bên đại lộ Hùng Vương ông trả lời một ai đó tận đẩu đâu:

- Không, trannhuong.com bị lỗi kỹ thuật thôi. Bị treo là do vi rút cục bộ. Làm gì có chuyện bị đánh sập. Khoảng tiếng rưỡi nữa, tôi về đến Hà Nội thì sẽ có bài mới post lên ngay. OK. Vui nhé.

Vừa lúc chiếc xe đò xịch tới. Hai phụ xe xốc nách Trần Nhương lôi tuốt lên xe, ông giơ tay chới với định nói gì với tôi mà không kịp. Thôi, không sao, tối nay đằng nào cũng phải lướt qua trannhuong.com, tôi sẽ biết ông định nói gì.

                                                                         N.T.T.K

 

(*) Vũ Xuân Quản - Vịnh Trần Nhương

Bình luận

        Rất hân hạnh, bạn là người đầu tiên gửi lời bình luận đến chúng tôi !
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook