CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Chân dung

CHIẾC BÌNH RƯỢU CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU

Thứ bẩy ngày 16 tháng 6 năm 2012 3:10 AM

nico-paris.com:  Nguyễn Quang Thiều từng đến với độc giả Pháp, được giới văn chương, báo chí Pháp đánh giá cao qua hai tập truyện ngắn "La fille du fleuve" và "La petite marchande de vermicelles" (Nhà xuất bản L’Aube) cùng các truyện ngắn trong tập «Le héros qui pissait dans son froc» in chung với một số tác giả khác. Những bản dịch tài hoa, chuẩn mực của đội ngũ giảng viên kỳ cựu trường Đại học Quốc gia Hà Nội (Lê Hồng Sâm, Phan Thế Hồng, Đỗ Phương Mai, Vũ Thị Ngân, Đường Công Minh…) và sự hiệu đính tận tình của cựu giáo sư Janine Gillon, khoa Ngữ Văn - trường Đại học Paris VII, góp phần để lại ấn tượng đẹp và gợi niềm yêu mến khao khát tìm hiểu sâu sắc hơn văn hóa Việt Nam trong lòng bạn đọc Pháp.  

« Những truyện ngắn bình dị nhưng  đẹp và xót xa. Mỗi trang viết ngừng lại trước một hình ảnh, hiện ra giữa vùng sáng một Việt Nam của hôm nay, một mảng ghép hài hòa một cách lạ lùng giữa truyền thống và hiện đại. Thấp thoáng chút biếm, hài hước và trìu mến  pha trộn trong những câu chuyện của muôn ngàn hương vị…»   (Alexia Lorca – Lire)

«Thế mạnh của nhà văn trẻ Việt Nam này (Nguyễn Quang Thiều) tập trung trong sự giản dị nhưng đẹp ngời ngợi của câu chữ và vấn đề được đặt ra! Đẹp và thống thiết ! (Jean-Luc Douin – Le Monde)

«Một mảng hiện thực ngọt dịu – chan chát của Việt Nam...» ( Asie Magazine)

«Với phong cách viết nhẹ nhàng, trong sáng chảy xuyên yên ả như  sông Đáy  chở ta đi giữa dòng yêu thương, tươi mát và tràn đầy xúc cảm, tác giả tìm kiếm một nơi ẩn ngụ thanh bình. Nhưng tôi không thể cưỡng lại được ý nghĩ rằng sự yên tĩnh này chỉ là mặt sau của một cuộc sống đầy chấn động mà tác giả đã thấm trải suốt một thời thơ ấu trong cuộc chiến tranh thảm khốc của Việt Nam giành tự do và độc lập. Vẻ thanh bình, giản dị và tươi mát kia chỉ là một phần hiển hiện từ một tảng băng giấu che những vết thương chưa lành hẳn, những kỷ niệm nặng nề, những nỗi đau còn sót lại của một cuộc chiến. Nhưng, như con phượng hoàng, dân tộc Việt Nam hôm nay đang gắng làm sống lại từ tro bụi một kỷ nguyên mới thanh bình. (Denis Billaboz)…

Để biết thêm về nhà thơ viết văn xuôi đa tài này, nico-paris.com xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế về Nguyễn Quang Thiều, hé gợi một mảng riêng tư của Người Văn với đời thường.


1. Bóng chiều sậm xạc xào trên tàng cây ca du. Đoàn xe Hải Âu đón đại biểu những người viết văn trẻ lần thứ IV lên Hồ Tây dự chiêu đãi của Trung ương Đoàn theo nhau lăn bánh. Lúng túng với chìa khóa cửa nhà khách Chính phủ, tôi ra trễ phải bám cửa xe.

Nhưng còn người chậm hơn tôi. Một gương mặt quen quen tôi đã gặp mà chưa thể nhớ. Nguồn năng lượng nào đó từ phía anh ta tán xạ vừa hút vừa đẩy nên tôi không cưỡng được tò mò...

Quần áo bò cả cây bạc phếch. Giày chiến sự. Tầm thước, quánh đặc, nâu mịn, đường nét  sắc đậm. Tóc suông bóng, rẽ ngôi giữa. Mày rậm. Mũi gồ. Râu bàn chải. Cằm mạnh mẽ. Mắt to, ẩn chứa cả thông tuệ lẫn mơ mộng, tự tin lẫn rụt rè. Phóng khoáng mà gìn giữ. Lịch sự nhưng không cách xa. Thứ văn hóa giao thoa giữa Đông và Tây. Cảm giác rõ nhất, ấy là sự cân bằng luôn hiện diện trong anh qua một chiếc bóng nước với hai vạch ngang định chuẩn màu đỏ của chiếc thước kỹ thuật...

“Ông cho tôi nhờ tí!”  Sắc giọng trầm, người đó tự tin bám mé cửa đối diện. Tôi chưa kịp nhích thì anh ta đã kịp nhoai lên nhưng không hề có va chạm. Xe chạy nhanh hơn. Tựa lưng vào cửa nhìn xuôi về phía sau xe, anh ta quan sát đường phố với tất cả sự háo hức lẫn ngán ngẩm bẽ bàng.

Bỗng có tiếng Mai Văn Phấn trong xe ngơ ngác, kêu lên: Ô, còn Thiều,  Thiều đâu nhỉ? Bọn mình để quên nó à?

 Gã tầm thước, rướn lên, vẻ ề à, hài hước:

- Đây, tôi đây! Các ông có thể quên tôi nhưng tôi không quên các ông. Thiều đang đứng một chân ngoài cửa xe đây....

Ngạc nhiên, mừng vui, rồi yên lặng - ấy là động thái của tôi thời khắc đó. Tác giả Sự mất ngủ của lửa đang bám cửa đu đưa theo nhịp bánh xe lồi lõm mặt đường. Tôi định lên tiếng kết giao, vừa chợt thấy gương mặt anh ta vụt trở nên giễu cợt. Và thân thiện… 

2. Mùa đông năm 1992, thư viện Việt Trì, tôi hờ hững nhặt tập thơ chưa đầy 65 trang in, bìa màu hoàng thổ loang lổ, chữ đen và đỏ, số lượng 500 bản ở góc khuất phủ bụi mà công nghệ in typo để lỗi trắng cả nửa trang. Đã định ném xuống, nhác thấy tên tác giả, ý định đó bị hãm lại....

Bất ngờ. tôi bị hút hơn hai tiếng đồng hồ. Thơ tự do giàu giai điệu nhạc jazz mà tôi lại có cảm giác đang đọc những câu chuyện bằng âm thanh trong ký ức được tấu lên.

Thường, sau khi đọc thơ, người ta chỉ nhớ một cảm giác nào đó với vài ba câu thơ hay hoặc không muốn đọc lại. Nhưng tôi bâng khuâng trước tập thơ mỏng manh và nhận ra sức nặng của nó dần  níu trĩu tâm cảm.

Đời sống quê làng, phố thị được tái hiện trong bức tranh tích hợp hiện thực trần trụi mà lãng mạn: 

Những cánh buồn cổ tích đã bay về miền tức tưởi
Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước
Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi
Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa...
 
Mẹ tôi đã già như cát trên bờ
Ôi mùi cát khô mùi tóc mẹ tôi... 

Giọng mộc, đẫm tình, đan xen nỗi đau và hạnh phúc nhưng không đánh mất kỹ thuật, nghệ thuật ngôn từ.

Sự mất ngủ của lửa là một chiều kích khác thường của thơ khi ấy, như ngọn lửa thiêu cháy mớ dây nhợ chằng buộc thi ca bởi vô số tính từ mỏng dẹt, xác như con cá chuồn khô mốc bởi thiếu sức sống chi tiết, hình ảnh, thứ thơ tưởng có quá nhiều đời sống nhưng thực ra chỉ có phần vỏ đời sống.

Bước qua vòm cổng ngôi làng cổ kính ven sông Đáy, dù  đường đê phía sau lắc ngang văng dọc ổ gà chưa thôi ám ảnh, tôi nghếch lên bức đại tự điêu khắc thượng lương vôi vữa :“Vọng tự nhập xuất” mà ngẫm nghĩ, hình dung về điều tiền nhân đã răn dạy con cháu

Các sáng tác của Thiều thăng hoa từ tình yêu dành nơi đây. Làng Chùa, ngôi làng duy nhất ở Việt Nam có lễ hội Thơ rằm tháng Giêng Thả Thơ và trao giải thi Thơ ngày ấy. Ban giám khảo chấm giải là các bậc kỳ lão hay chữ và thành viên Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Dù giải thơ làng ồn ào rồi cũng xẹp như bao giải thưởng lừng lẫy khác nhưng tôi chẳng thể quên giải làng Chùa. Lễ trao giải, tôi ở Hà Giang không kịp về, Thiều nối máy cho tôi, tường thuật không khí lễ hội. Giọng anh thủ thỉ trong những xung động các bước sóng vượt qua sông núi sơn nguyên.

Qua điện thoại, cách xa nửa ngàn cây số tôi vẫn được nghe tên mình được xướng lên trong sắc rượu hồng đào chốn đình làng và bóng cờ Thơ. Tiếng vỗ tay thúc thêm cùng tiếng trống. Chút gì đó cay cay nơi sống mũi. Chắc không vì tấm bảng vàng lồng khung kính trịnh trọng mà là sự nồng hậu của những tâm hồn làng Chùa.

3. Sóng nước Hồ Tây bồng ẵm du thuyền, men rượu thăng hoa thêm hương tuổi trẻ với đồ ăn mặn ngọt tự chọn. Và điều không thể khác, đó là dịp tháo mở tấm lòng bạn bè từng biết nhau qua tác phẩm.

Kẹp điếu thuốc ngún khói, nâng cốc bia lưng lưng, Thiều thoắt ở boong lại vụt xuống mạn, hê hề với người này, mở vòng tay với người kia.

Bia hết khiến chuyện trò không bốc lên được. Nghiêng mình, hắn lách xuống cầu thang tối om. Khi hiên ngang trở lại thì sau lưng hắn có người lom khom ném phịch xuống trước mặt mọi người thùng bia nguyên tem.

Mọi người ô ô a lại và nhanh tay bật nắp lon bôm bốp như giật nụ xòe thủ pháo thì Thiều lui ra lan can mũi tàu tỳ tay phì phèo điếu thuốc nhìn mặt hồ loang sóng hắt ánh đèn soi cánh chim đêm chớp lóa. Tưởng hắn có gì không vừa lòng, tôi tiến đến.

- Này, bia của ông đây....

Cái đầu xùm xòa những tóc của Thiều quay lệch lại từ từ. Nụ cười gìn giữ, vẻ cô đơn, khói thuốc phào ra mờ nhòa gương mặt nửa lộ sáng nửa khuất bóng đêm. Có lẽ tôi vừa xua tứ thơ mon men vờn đến tiềm thức thi nhân?

- Tôi đủ rồi, thể trạng nó vậy. Ông uống với mọi người cho vui thêm đi...

Có vẻ như hắn muốn kết thúc câu chuyện.

- Này, hồi năm 1992- ông tiêu diệt của tôi một chầu bia túy lúy...

- À...há...

Ấy mới là lúc tôi tả cảnh bỏ mấy chục để thuê chính cô thủ thư đánh máy lại tập Sự mất ngủ của lửa. Tập thơ chuyền tay Nguyễn Đình Ảnh, Nguyễn Hưng Hải cả tháng trời. Khi trở về với tôi, nó nhàu nát như cuốn sổ ghi công điểm vốn nhét túi quần sau của ông đội trưởng sản xuất làng Chùa nồng mùi rượu săm** và vụn thuốc lá. Thiều hụt khịt ho gặng, búng luôn điếu thuốc còn nguyên xuống hồ, băn khoăn như có lỗi. Câu chuyện của chúng tôi hình như mới bắt đâu.

3. Biết nhau hơn, tôi mới hay, dù đang ở những thời điểm khó khăn, Thiều vẫn luôn là kẻ giữ vai bao quát cuộc vui của bè bạn. Im im ngồi quan sát, bàn tay đầy  biểu cảm nhấc món này, đặt món kia khéo léo nhẹ nhàng như là đầu bếp thượng thặng, thi thoảng ý tứ ngoảnh ra phía sau rít thuốc, gẩy tàn. Tưởng nam thực như hổ, nhưng hắn lại nhã nhặn, cảnh vẻ bởi tính cách tự thân cũng như kinh nghiệm giao tiếp trong những phòng khách lịch duyệt, phóng khoáng từ gian bếp lợp tranh đến tầng quầy VIP khách sạn năm sao. Quán trà chén vỉa hè. Một hội thảo quan trọng ở Hải Phòng. Nhà hàng nổi bên bờ sông Lô thành Tuyên. Dưới chân Cột đá thề núi Nghĩa Lĩnh- Đền Hùng. Và trong căn nhà cổ trầm trầm bóng sáng giữa làng Chùa.

Thiều thường quan sát mâm bàn, rồi lướt tay thoa râu mép mới đứng dậy sắp đặt, chỉ trỏ. Lạ, giọng hắn đâu có vang dội, gầm gào gì mà ồn ĩ bỗng dưng dứt bặt.

Ngay cả lúc ồn ã, cốc thìa lanh canh, cười nói tóa lóa, hắn vẫn kịp nhắc ngăn ai đó lại bằng nhạy cảm trực giác của một tuổi thơ sà sã với sông nước và đồng bãi với chiêm nghiệm dân gian truyền khẩu.

Và Thiều se sẽ thở phào như trút được gánh nặng tưởng tượng hình ảnh chiếc xe ô tô chổng bánh lên trời thì phải. Bia rượu với hắn chỉ là thứ trang trí cho cuộc vui thêm trọn vẹn. Nửa lon bia, vài hớp vang, một ly cognac là hắn đã loáng choáng đỏ. Bù lại với thuốc lá thì quẹt lửa điếu này nối điếu kia, và cafe đen thì dường như bất cứ lúc nào ai mời cũng gật.

- Có lẽ cafe sắp biến máu tôi thành hắc ín. Để làm việc tôi cần một bình cafe to đặt trên bếp mỗi buổi sáng...

Khi nghe hắn nói, bập vào điều hắn viết, có thứ gì ma mỵ hấp dẫn mọi người. Mà hắn viết hoặc nói về bất cứ điều gì, sự chân thật tràn trề cuốn người ta theo. Hắn hấp dẫn người ta bằng bề bộn sẵn có ở hắn, không tình thì cái lý thuyết được tính liệu tỉ mỉ hoặc cả lý cả tình phối kết hợp như ma trận, chẳng cần phải vung tay chém gió, chẳng cần phải đứng lên thuyết diễn dài dòng. Chậm rãi và từ từ, năng lượng hắn toát ra sức mạnh nội tại từng bước sóng siêu âm kiêu hãnh kiểu Chính ủy, kiểu giáo sĩ khiến ta cảm thấy hình như hắn thông tỏ một bí mật nào đấy để hạnh phúc, nên, dù có phân vân tí, ta vẫn hân hoan tin theo viễn cảnh hắn vừa hé mở.

Lạ lùng! Vẫn chỉ là một trái hồng trung thu, cọng rau khúc dại ven sông Đáy. Một buổi nấu phở với mấy người bạn văn chương ở Mỹ. Một điếu xì gà được cuốn thủ công trên đùi trinh nữ Cu Ba. Phóng sự cuộc chiến chống Taliban phải lặn lội sang Afghanistan, hay đơn lẻ tới Colombia dự Hội thảo Thơ quốc tế. Đọc thơ bằng tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh với nụ hôn bất thường, vô tư của một fan nữ tóc vàng hâm mộ. Hoặc một dự án ra báo thuần chất Văn Nghệ và những ấn phẩm đầy tham vọng cho các tác giả…Tất cả những chuyện tôi nghe không chỉ một lần mà vẫn lịm dõi theo từng cử chỉ, từng âm sắc nhấn cao, luyến trầm từ đôi môi dầy đặn đam mê dưới bờ râu võ sĩ giác đấu đẫm thứ ánh sánh háo hức của khát vọng thể hiện năng lực bản thân một cách khác thường bị nén ở trong hắn từ bao lâu.

Không tin hắn sao được. Bởi ở hắn hội đủ mọi yếu tố của thế giới hiện đại để độc hành khắp trái đất mà không ngại ngần. Hắn từng âu yếm nhìn xuống đôi giày phủ bụi như hai con chó nhỏ rồi ườn trên sopha than:

- Số tôi có sao thiên di trú!

 Thiều có sinh ngữ Anh, Tây Ban Nha, đủ giao tiếp, dịch sách. Để phòng thân thì hắn biết võ từ ngày học Đại học. Cần văn xuôi hắn có ê hề truyện ngắn tiểu thuyết. Cần kịch hắn có kịch, lại còn thêm cả kịch bản phim, kịch bản truyền hình cả mấy chục tập. Cần vẽ thì có tranh bán cả ngàn Mỹ kim. Và cần du dương thủ thỉ thì hắn có đủ thơ dịu dàng lẫn trúc trắc vừa tai người cổ điển lẫn hậu hiện đại...

Hơn mười năm trước, khi Thiều đi Mỹ đọc thơ, tôi tỏ ý muốn có chiếc bình inox khắc đầu thổ dân da đỏ, đựng whisky.

Nói chơi chơi, nhưng hơn tháng sau trở về, hắn nhắn nhe đã có bình inox đổ đầy whisky để chờ tôi.  

Suốt mười năm, chiếc bình rượu được hắn tha lôi hết từ Hà Đông ra Hà Nội lại từ tòa soạn báo Văn Nghệ sang tòa soạn Vietnamnet, đặt ở đâu đó trên kệ sách, trước bàn làm việc lúc bóng loáng lúc phủ bụi.

Tôi cũng chẳng sốt ruột truy kích chiếc bình rượu vì tin mình đã có nó nên không chịu cất công. Trường hợp khác có lẽ tôi đã sốt sắng ngày một ngày hai tha về. Đời sống trôi trượt tôi lần lữa cứ như là thử thách sự kiên trì của hắn qua bao lần hò hẹn. Quan trọng là hắn đã mua về, đã à ơi tôi đến nhận. Thế là đã thỏa thú thích riêng. Rồi một ngày đẹp trời, chắc Thiều cũng không chờ lâu hơn được nên đã nhờ bạn thơ chuyển đến tận tay tôi chiếc bình ruợu du lịch đựng Johnnie vàng.

Chiếc bình không có khuôn hình gương mặt thủ lĩnh da đỏ mà là cánh buồm cướp biển Viking.

Tôi nhẩm tính, một lời hứa được Thiều giữ suốt 10 năm 4 tháng 3 ngày, dù nó đặt trên cánh buồm cướp biển… 

4.Thiều cầm tờ Văn Nghệ trẻ suốt năm 1995 khởi tạo hiện tượng không chỉ riêng giới Văn Nghệ mà còn gây hiệu ứng cho báo giới về một phong cách làm báo chưa từng hiện diện ở Việt Nam. Số lượng phát hành mỗi tuần mỗi đẩy cao bằng chất lượng chuyên môn chứ không phải những trò xiếc câu khách.

Nhiều tác giả trẻ được lăng-xê một cách hệ thống và trân trọng. Và tiền nhuận bút bên tờ Trẻ cũng khẳm hơn tờ Già. Nhờ sự kích thích có tính đòn bẩy đó, các cộng tác viên ngấm men sáng tạo, thi đua. Không khí văn chương bỗng mở một chiều kích khác.

Nhà văn lão thành đã có hàng chục tập sách, hàng ngàn bài đăng mà khi xuất hiện ở Văn nghệ Trẻ thấy tôi từ xa hớn hở, vẫy tờ báo:

- Tờ Trẻ hẳn hoi nhé. Hôm nay tớ khao cậu.

Cách làm việc của Thiều khác hẳn. Khi đã đồng ý trên nguyên tắc thì chính mỗi tác giả phải chịu trách nhiệm cao nhất với văn bản của mình. Nhanh, dứt khoát. Có hoặc Không. Nhưng không có nghĩa là hắn buông tay với trách nhiệm cá nhân.

Hề hề cười, hai cánh tay rộng thành nửa vòng tròn, hắn như muốn giữ lấy thứ gì đó vô hình.

- Nói vậy thôi, đã đặt lòng tin vào ông thì tôi phải tin cho thanh thản chứ. Tội gì nghi ngờ cho khổ. Nên nhớ, ông khóc thì là tôi cũng khóc đấy. Mà có lẽ tôi còn khóc trước ông....

Một khi mà bản thảo đã đưa hắn, đã thống nhất thì khó có thể chỉnh sửa chữ này chữ kia theo yêu cầu nếu như không có gì nghiêm trọng. Hắn nhún vai, hoặc ể oải qua điện thoại:

- Rất tiếc, tôi không chiều ông được. Nó không nghiêm trọng đến mức người ta tẩy chay văn ông. Tôi dỡ maket ra bây giờ thì ảnh hưởng đến quá nhiều người. Và có lẽ ông cũng cần có một bài học nào đó qua việc này....

Đó là thời kỳ gặp hắn còn khó hơn gặp bộ trưởng. Sáng, trưa, chiều, tối giỏi hẹn lắm hắn chỉ nhao ra trước quán cafe trước 17 Trần Quốc Toản ngồi ngơ quầng mắt thâm xếch lên giời nghĩ ngợi. Đối mặt mươi phút hỏi câu nào thì hắn đáp câu ấy, nửa mặn nửa nhạt rồi lại nhìn đồng hồ. Ngáp vặt. Nhưng vẫn thầm thào như dỗ dành đứa trẻ đang làm phiền:

- Này, có vấn đề gì không ông? Tôi đang kẹt việc quá. Trưa nay định ở đâu nhỉ? Ờ....ờ ờ..ờ.. Nếu chưa có hẹn với ai thì bọn mình ngồi với nhau chút nhỉ...ờ ờ ơ...

Tôi còn đang ngẩn lục lại chương trình, thì hắn nhăn như đau dạ dày, sờ lên túi ngực cả nắm bút dạ, bút bi đỏ. Rên rỉ:

- Nào ông ơi, nếu có bài vở nào thì đưa đây cho tôi nhờ....

Chán, tôi buông ra thì hắn lững thững băng đường. Vừa chạm đến mép sân số nhà 17 thì quàng chân như thỏ tót về phòng hì hụi, trần lưng cùng họa sĩ xoay xỏa ma-két. Căn phòng chưa đầy chục mét vuông bừa bộn những bản thảo, đĩa bát, tàn thuốc, vỏ chai, bã cafe, mỳ ăn liền, bánh mỳ... Tóc rụng đan lưới trên tấm đắp và mặt gối.

Văn nghệ Trẻ vọt lên đến 2 vạn bản mỗi kỳ phát hành.

Rồi một đêm, tôi bỗng giật mình vì chuông điện thoại lúc hơn mười giờ.

Giọng của Thiều xốn xang như vọng từ dưới đáy sâu lũng núi. Chỉ là những câu thăm hỏi thông thường. Khỏe không? Viết được không? Có si mê nàng thơ nào không? Tôi chợt lo lắng vì sự khác thường. Hôm đó là ngày in báo, để ngày mai  phát hành, vậy mà Thiều nhàn tản chơi rông...

Mấy hôm sau Tôi có việc về Hà Nội, hẹn gặp thì Thiều hớn hở ngay:

- OK! Tôi dành cho ông cả ngày luôn.

Bảnh bao bộ quần bò mới xanh những tơ sợi bông. Giày thể thao Adidas trắng mướt. Áo khoác mở banh phơi chiếc đầu bò bidong, mắt long sòng sọc chĩa thẳng cặp sừng nhọn về phía trước in ngực áo pull. Sợi dây chuyền bạc to như con rết đại lóng lánh quanh khoang cổ nâu bóng. Mặt căng hồng, môi mọng vì được ngủ đẫy. Đồng hồ thủy quân lục chiến hầm hố, bốn năm nút bấm đo chiều cao, độ sâu và đo gì gì nữa…

Đang tuổi làm, nào ai chơi được trọn một ngày. Xong tuần cafe, xong suất ngan hầm măng gần Cửa Nam, kéo nhau lần nữa cafe Paris – Delhi trước Nhà hát lớn thì cũng là lúc Thiều bật mí:

- Tôi chuẩn bị làm một tờ báo mới. Có gì ông cùng cộng tác nhé...Tôi đã bàn giao công việc tờ Trẻ cho người khác rồi. Nhưng ông hãy cứ cộng tác như trước với VNT. Nó vẫn đang hay, đang tăng lượng phát hành...

 Dù biết qui luật chợ phiên và cô gái đi lấy chồng, tôi vụt nắm lấy bàn tay ấm, chắc tiềm ẩn sức mạnh nội tại đang cuộn nén của bạn để an ủi mình nhiều hơn là người đối thoại:

- Nếu ông không cầm tờ Trẻ nữa, thì tôi cũng chẳng thiết cộng tác với nó.

- Chẳng việc gì ông phải cực đoan đến thế. Dào ôi, Hà Nội như bàn tay xòe hết cỡ nhưng cũng chẳng mấy ai đủ sức đi hết năm ngón...

Thiều khẽ rụt tay vỗ vỗ lại lên tay tôi, an ủi lại.

Chia tay trước cửa quán Paris- Delhi, tôi ra chợ sách. Ngoắc cặp kính đen, Thiều tiến về phía Nhà hát lớn, hai tay thọc túi áo bò ngang sườn, huýt sáo, bước thậm thịch, vững chãi.

5.  Nhìn hắn xoa tay vành lái BMV-X6, một giấc mơ màu đỏ của bao tín đồ xa vận lùi đỗ dưới bóng cây, cứ dửng dưng như một gã lái taxi dong con Matiz tìm chỗ nghỉ trưa mà vẫn nổi lên chất lãng tử nào đó khó tả.

Đường Hà Đông- Hà Nội đông đúc như chợ phiên ba mươi Tết cả ba mươi ngày một tháng, sáng đúng tầm đánh xe đi, tối lái xe về, nhưng chẳng hiểu Thiều có thuật lái xe cao thủ cỡ nào mà từ con Santafe đến X6 hông sườn, sau trước bóng loáng không xước sứt vết sơn, không bụi bám, bảnh bao như vừa lăn bánh khỏi đại lý bán xe hơi.

Hai mươi năm dùng dắng biết nhau, tôi yên phận ở góc nhỏ thảnh thơi mà trông chừng về phía bạn. Không gặp thì thiếu nhạt, chỉ cần chạm thấy sắc mặt Thiều là đã thấy yên tâm. Nhưng nếu có hỏi, dạo này ông thế nào thì hắn ỉu xìu,  gương mặt chìm lặng, ấm lành:

- Ôi, tôi yếu lắm...chán lắm...bê bết lắm....Sắp chết ông ạ.

Hắn thành thật. Tất nhiên. Chính xác so với hiện tại của công việc và kỳ vọng của hắn. Nhưng mỗi lần như vậy lại thấy hắn rắn chắc hơn, điềm tĩnh hơn. Và một cảm nhận xác tín rằng hắn sắp có sáng kiến nào đó nghiêm túc với văn chương báo chí, một dự án mà ai tuân thủ luật chơi cũng có thể dự. Vả lại chơi văn một mình sao nổi. Người khác chơi thì lặng lẽ ngả hẳn về phía hàn lâm với những qui chuẩn khắt khe vốn có và tự định lượng. Thiều thì ồn náo mà vẫn không thiếu hàn lâm, nhưng lại dựa trên những khảo sát tâm thế đông đảo người đọc tỉ mỉ nên kết quả cuộc chơi bao giờ cũng mang lại hiệu ứng tích cực về tiền bạc lần tinh thần cho xã hội...

Mỗi mốc dấu của Thiều đều khởi từ một mặt phẳng ngổn ngang lấm láp, ngoảng đi ngoảng lại đôi tuần trăng, trên nền móng hoang sơ, hắn đã dựng xong tập hợp kiến trúc bền vững, vị lai mà ai cũng muốn ghé vào chưng diện dung nhan. Dấu ấn cá nhân hắn không không dễ gọi ra cụ thể ở mỗi đường nét của gạch đá nhôm kính gốm màu gỗ tự nhiên mà toàn bộ tổ hợp đó sâu sắc đến nỗi, dẫu có vắng hắn thì người ta vẫn còn được hưởng lợi dư tốc quán tính.

Văn nghệ Trẻ. An ninh Thế giới cuối tuần. Anh ninh Thế giới cuối tháng là những ví dụ. Và bây giờ là Cảnh sát Toàn cầu. Đang yêu. Tuần Việt Nam của  Vietnamnet.

6.Đại hội Nhà văn Việt Nam VII. Ngày làm việc thứ hai. Hội trường lớn trường Đảng Nguyễn Ái Quốc rực màu đỏ, các dãy ghế chật kín đại biểu. Nín thở. Thì thào. Quay xuôi, vặn ngược, với ngang. Mục vụ giới thiệu nhân sự vào BCH. Lần thứ nhất có hơn ba trăm người. Lần thứ hai, lần thứ ba...Người giơ tay, kẻ níu áo. Già hỏi trẻ, trẻ lại ngóng già. Đoàn chủ tịch trông chừng xuống dưới. Anh em hội viên lại lặng lẽ im chờ.  Đăm chiêu. Ho. Gãi.Thì thào chuyền tay danh sách nên đề cử, ứng cử...Căng vã mồ hôi như chờ trước cửa lò thúc mầm...

Không căng sao được, một hội nghề nghiệp mà ông chủ tịch hội có cấp hàm tương đương bộ trưởng, phó chủ tịch cũng rưa rứa;  mỗi lần đại hội là dư luận báo chí tranh biện trước cả năm chưa ngã ngũ công tội của lãnh đạo...

 Bỗng trên tầng hai, giọng nữ lảnh lói vang, giọng nhà văn Phạm Minh Thư:

- Tôi đề cử nhà văn Nguyễn Quang Thiều vào BCH, đề nghị Nguyễn Quang Thiều về phụ trách báo Văn Nghệ.

- Nguyễn Quang Thiều,  tôi xin đề cử ông....

Giọng nữ cao lảnh lói:

Nguyễn Quang Thiều...

Giọng nam trầm:

- Thiều, Quang Thiều...Thiều...

Một loạt tiếng vỗ tay tán thưởng: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Thiều.... đây đó trong hội trường nhất loạt hô theo.

Ngồi cạnh tôi, nhà thơ Vân Long gật gù:

- Đúng, giờ chỉ có Nguyễn Quang Thiều về làm CEO báo Văn Nghệ thì mới ổn. Nguyễn Quang Thiều thì mới đủ đô để báo Văn Nghệ thêm hay. Tuổi năm mươi quá đủ độ chín để thăng hoa....

Những ánh mắt lo âu và hy vọng tìm kiếm vị trí Nguyễn Quang Thiều.

- Đâu nhỉ ? Thiều đâu nhỉ? Người nọ nhìn người kia, nhưng Thiều lại tắt điện thoại ngồi im trong góc nào đó đốt thuốc. Khi thông báo danh sách BCH mới ra mắt Đại hội- thì đã thấy Thiều kịp khoác lên chiếc chemise kẻ buông tay, đóng cúc thay thế chiếc áo pull màu cỏ phai bạc, đứng giữa hàng trước, vẻ mặt nghiêm buồn...

Ai cũng vui, chỉ có Thiều là có vẻ ấy.

Nhưng tôi nghĩ trong giới văn nghệ công nghệ thông tin đã tạo mặt phẳng trên diện mạo núi đồi đan xen thung lũng, được mọi người đặt lòng tin và kỳ vọng nhất quyết không là việc ngây thơ mà vốn dĩ đám đông hay theo nhau mắc. 

Tôi tự đánh mất tôi một nửa,
Tôi tự sinh cho tôi thêm một nửa...
 

7. Đêm giao lưu mini trước Hội nghị những người viết văn Trẻ toàn quốc giữa các tác giả Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long, tại sảnh khách sạn Kim Bình-thành Tuyên tháng 9 năm 2011, các bạn viết trẻ vây quanh Nguyễn Quang Thiều.

Họ lắng nghe nhau, còn Thiều lắng nghe họ đọc thơ, ca cải lương, nhận sách tặng sách, bàn tay kẹp điếu thuốc hút dở ngún khói, thi thoảng đưa lên miệng như là vuốt bộ ria điểm bạc. Tôi nhớ tập thơ Sự Mất Ngủ Của Lửa, tôi được bản cuối cùng, bọc băng dính trong, bốn trang trắng phải chép tay, chữ Thiều, Thiều ký, tại hội nghị nhà văn trẻ ngày 27 tháng 4 năm 1994, Hà Nội.

Thi sĩ trẻ Nam bộ vừa ca xong sáu câu vọng cổ, bỗng nhìn xuống bàn, kêu;

- Ủa, hết chất doping rồi...

Đang đắm giữa vòng vây ngôn từ thơ trẻ, ông phó Chủ tịch Hội nhà văn chợt nhớ ra điều gì lặng lui vào bóng tối. Hắn không đi xuống những bậc cầu thang của du thuyền cũ Hồ Tây 17 năm trước, mà trèo lên tầng 8 của tòa khách sạn lộng lẫy mới xây. Vẫn cái dáng đi hơi lắc lư bờ vai chắc khỏe, trĩu những cô đơn tâm thế của một matador, từng giơ cao kiếm trận, cờ đỏ trên khán đài vinh quang của mê trận chữ khi mới tuổi ngoài ba mươi mà vẫn khiêm cung đứng ngoài cửa xe đi dạ hội...

Khi ánh trăng non đầu tháng treo đỉnh ngàn chiến khu xưa đủ năng lượng sáng xuyên mây, mọi người thấy trên tay Thiều là chai whisky cả lít vừa mới khui nút.

Rượu lâu năm và bạn cũ - gia sản tinh thần mà bất cứ người đàn ông nào cũng lúng túng và bối rối không biết hành xử sao cho xứng đáng. Tôi đã chờ hơn mười năm một chiếc bình đựng rượu từ bạn mà không thấy lâu. Còn bạn cũ để tặng tôi cả chiếc bình lẫn rượu lâu năm suốt cả mười năm cũng không thấy muộn.

Ánh nhìn thi sĩ loang sắc trăng rừng có hợp lưu sóng nước sông Lô sông Đáy và cả ngọn lửa mất ngủ từ ngôi nhà tuổi mười bảy cháy rực. 

Tất cả là sáo mòn, tất cả là vô sinh trừ ngọn lửa...
Vừa thức cháy dịu dàng, tắm rửa những ban mai.... 

 N.T.T.K

..................................................................

* Nhà Đoan- nhân vật hài hước muốn nhắc đến nghề nhiệp Hải quan của Mai Văn Phấn.
* * Rượu lậu đựng trong săm ôtô.
*** Những chữ in nghiêng là của Nguyễn Quang Thiều  
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook